Giai thoại về mỹ nhân khiến Hắc – Bạch công tử đốt tiền nấu trứng

Công tử Bạc Liêu cùng Bạch công tử từng gắn với giai thoại “đốt tiền Đông Dương nấu trứng khi theo đuổi mỹ nhân bậc nhất Sài Thành. Mỹ nhân này không chỉ khiến hai vị công tử sẵn sàng vung tiền chịu chơi mà còn khiến cho tất cả nam nhi thời đó mê mẩn, sẵn sàng làm mọi thứ để có được nụ cười của nàng

Hoa hậu không vương miện xuất thân từ nghèo khó

Cô Ba Trà có tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906. Cô Ba Trà khi đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ mới 16 tuổi, xuất thân từ làng quê nghèo Cần Đước (Long An). Sinh ra trong gia đình nghèo khổ nên từ nhỏ đến năm 14 tuổi, cô chỉ quần quật làm việc, đi chân trần bắt ốc, hái rau ngoài vườn…

Cô Ba Trà – một huyền thoại nhan sắc. Ảnh: Tư liệu

Sau ngày cha mất, cô Ba Trà liên tục phải chịu cay đắng với những trận đòn roi khôn ngớt của mẹ rồi lại chịu cay đắng vì bị bên nội hắt hủi, năm 16 tuổi, cô Ba Trà bỏ quê lên Sài Gòn làm gánh nước thuê. Với đôi chân trần, cô Ba gánh nước thoăn thoắt hằng ngày để có tiền lo cho cuộc sống. Thế nhưng khi mới 14 tuổi, mẹ cô đã ép gả con gái cho một bác sĩ Tây già hơn Ba Trà vài chục tuổi. Cuộc hôn nhân ấy chẳng kéo dài được lâu bởi vị bác sĩ sau đó quay lại Pháp, chỉ để lại cho người vợ vị thành niên vài chục đồng bạc.

Cuộc sống cơ cực, thiếu thốn cũng không che giấu nổi nhan sắc trời ban. Bị đẩy “vào đời” sớm nên nhan sắc cô Ba Trà cũng sớm trổ mã. Nhiều nhà văn, nhà thơ hay các tay chơi đã đưa ra nhiều lời khen ngợi cho nhan sắc của cô Ba, tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Trà. Chẳng hạn như: “Cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn”.

Lần thứ 2, cô lên xe hoa với một công tử nhà giàu đất Phan Rang song cũng chỉ 2 năm là họ đường ai nấy đi vì chồng cô quá đam mê chuyện trai gái. Lần thứ 3, cô kết hôn với một bác sĩ nhưng kết cục cũng giống như 2 lần trước. Quá chán nản, cô Ba Trà quyết tâm gác lại chuyện trăm năm, đi tìm kiếm niềm vui trước.

Ảnh tư liệu về cô Ba Trà (tức Trần Ngọc Trà). Ảnh: Tư liệu

Sau này, được sự dẫn dắt của một người phụ nữ sành sỏi, cô Ba Trà bắt đầu vào chốn ăn chơi, kết thân với giới nhà giàu. Với nhan sắc xinh đẹp hiếm có của mình, cô nhanh chóng nhận được sự chú ý. Cô lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa, giàu có bậc nhất, trong đó có cả Công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) khét tiếng một thời của Nam Kỳ Lục tỉnh, thậm chí cả các tay chơi hào hoa khắp cả Nam Vang, Băng Cốc.

Cái tên của cô nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở các vũ trường, hộp đêm. Đó là thời điểm mà nhan sắc của cô Ba nở rộ nhất, cô nhận về hàng loạt lời khen ngợi và mệnh danh như Étoile de Saigon (tạm dịch:Ngôi sao Sài Gòn), “Tuyệt thế gia nhân Sài Gòn”… Trong ký ức của người miền Nam thời bấy giờ, Trần Ngọc Trà là đại mỹ nhân trăm năm có một, là “Hoa khôi Sài Gòn”.




Học giả Vương Hồng Sển, người cũng từng si mê nhan sắc của Ba Trà, đã viết trong cuốn “Sài Gòn tả pí lù” rằng: “Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp…

Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở miền Nam, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.

Cái kết bi đát của một nhan sắc rực rỡ

Nhưng cuộc đời của cô gái 16 tuổi không bằng phẳng trôi theo cái kiếp làm thuê làm mướn, mà lại sớm vướng vào một bi kịch cuộc đời với vô vàn giai thoại. Những biến cố trong cuộc sống thuở thiếu thời góp phần hình thành nên tính cách của người đẹp đất Nam Kỳ sau này – coi đời lạnh như băng.

Người ta kể rằng, cô Ba Trà có thú chơi hột xoàn (kim cương). Mỗi lần vua cờ bạc Sáu Ngọ hoặc Hắc – Bạch công tử dẫn cô đi lên lầu của thương xá Tax (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc là tới cửa hiệu Alphana Kim Thịnh, cô mặc sức chỉ dây kim cương nào thì các tay chơi kia đều gật đầu đồng ý rồi trả tiền ngay tắp lự. Chỉ cần có được nụ cười của cô Ba thì tiền vàng nào có gì đáng nói đến.

Rồi giai thoại về chuyện đốt tiền nấu trứng của công tử Bạc Liêu và Bạch công tử cũng là vì lấy lòng cô Ba Trà. Mỗi người đốt gần 100 tờ bạc, nếu họ đốt toàn tờ 50 đồng trở lên thì tính ra cũng phải đốt ít nhất 5000 đồng Đông Dương. Số tiền này vào thời điểm đó có thể mua được 3000 giạ lúa (1 giạ bằng 20-22 kg lúa).

Có giai thoại còn kể lại rằng cô Ba Trà còn đi thỉnh ngải yêu để mình càng trở nên quyến rũ, các đại gia sẽ bám riết lấy cô, cung phụng cô không rời được. Để ngải thành công, thầy buộc cô phải rời xa đàn ông nhưng làm sao cô rời xa được những thứ đó khi thứ nuôi sống cô Ba, làm cho cô giàu có lại là hàng chục đại gia lúc nào cũng mong một đêm say đắm với cô.

Thế nhưng 1 năm sau cô phát hiện dường như mình đang bị bùa ngải hành. Cô quyết định từ bỏ hết tất cả đàn ông, từ bỏ cả chốn Sài thành phồn hoa đô hội để về với bến đỗ vững chắc vào thời điểm ấy. Theo đó, trong số những người đàn ông mê đắm cô Ba Trà có một người họ Lâm, làm Phó giám đốc một ngân hàng tại Tây Đô, Cần Thơ. Cô Ba quyết định quy ẩn, theo chân người đàn ông họ Lâm ấy để sống một cuộc đời yên ổn, như cứu rỗi tất cả.

Ai ngờ đâu, chính quyết định này đã khiến cho cuộc đời cô Ba rẽ hướng. Khi biết mỹ nhân muốn quy ẩn theo người đàn ông khác, hàng loạt đại gia thuở nào như Bạch công tử, vua cờ bạc Sáu Ngọ… đã truy tìm ra địa chỉ và kiếm đến tận nơi để làm ra những cuộc ghen tuông long trời lở đất. Đương nhiên chẳng ai chấp nhận được các ồn ào ấy. Cuối cùng, họ Lâm cũng bỏ rơi cô Ba.

Được cung phụng cưng chiều là thế song cô Ba Trà lại vướng vào á phiện và coi nó như một thú chơi thời thượng. Ngày nào cô cũng chìm đắm vào làn khói trắng, đốt tiền đốt bạc theo “nàng tiên nâu”. Tài sản của cô Ba cũng dần dần trôi tuột theo thú chơi độc hại đấy. Nhan sắc cô dần phai nhạt, một phần do tuổi xuân qua đi và một phần bởi lạm dụng á phiện quá nhiều. Từng kiếm đến làm loạn, ghen tuông nhưng trước một nhan sắc đã lụi tàn, những gã đàn ông ấy lảng tránh không muốn gặp.

Sau này khi đã vào độ luống tuổi hết thời phải sống lay lắt bằng nghề cho vay bạc góp cò con ở Đại thế giới, cô Ba Trà đã ân hận kể chuyện với học giả Vương Hồng Sển như lời ăn năn sám hối: “Ngày nay chuyện cũ nhắc lại, tôi lấy làm hối hận cho cử chỉ thiếu đẹp của tôi lúc ấy. Lâm công tử là người rất tốt, thế mà tôi trả ơn bằng hai chữ “đoản hậu” thiệt vô duyên”.


Cố học giả Vương Hồng Sển cũng có viết về cuối đời của cô: “Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu, chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.

Có rất nhiều những mỹ nhân tuổi trẻ son sắc có vô số đàn ông vây quanh cung phụng hết mực. Nhưng họ đã không khôn khéo để có cuộc sống mỹ mãn, vô lo để rồi phải khổ sở chịu đựng cho các sai lầm đó của mình. Câu chuyện cuộc đời của cô Ba Trà chính là một ví dụ như thế!

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *