Giải mã bí ẩn hiện tượng sét hòn cực hiếm trong tự nhiên

Sét hòn thường chuyển động theo phương nằm ngang với vận tốc vài mét một giây. Chúng có thể đứng yên trong không trung hoặc từ trên mây sà xuống mặt đất.
Suốt một thời gian dài, hiện tượng sét hòn không được thừa nhận. Nhiều nhà khoa học khẳng định đó chỉ là một sự đánh lừa về quang học không hơn không kém. Nhưng dần dà, các sự kiện chứng tỏ sét hòn là một hiện thực.

sethon1

Sét hòn từng được cho là một hiện tượng hiếm. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chỉ một số ít phần trăm dân chúng Mỹ đã từng chứng kiến nó. Các bức ảnh về sét hòn lại càng hiếm và chi tiết do các nhân chứng cung cấp có rất nhiều điểm khác biệt. Sự phóng điện có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong suốt cơn mưa bão lớn, thỉnh thoảng xuất phát từ một tia sét, nhưng phần lớn chúng xuất hiện bất thình lình trong khi thời tiết đẹp, không có bão.




Theo tạp chí New Scientist, sét hòn là hiện tượng nảy sinh trong các cơn bão sấm sét, với kích thước từ quả bóng golf tới chiều ngang phình rộng vài mét. Đã có nhiều báo cáo về các quả cầu phát sáng kỳ lạ như vậy, làm bị thương hoặc thậm chí cướp đi sinh mạng của con người và đốt cháy các tòa nhà.

Sét hòn thường trôi lơ lửng, bay lượn trong không trung và có dạng hình cầu, hình trứng, hình giọt nước hoặc hình que với một kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước tia chớp. Kích thước lớn nhất quan sát được là 40-50 cm. Rất nhiều trong số chúng có màu từ đỏ tới vàng, đôi khi trong suốt và một số còn có tia phát ra xung quanh.

Đa phần sét hòn xuất hiện hầu như đồng thời với một tia sét đánh từ mây xuống đất. Chúng xuất hiện cách mặt đất vài mét. Còn khi xuất hiện lúc không có sét đánh, chúng bay thấp hơn nữa. Người ta cũng quan sát được những sét hòn bay cao trên không và những sét hòn từ một đám mây bay xuống mặt đất.




Sét hòn thường chuyển động theo phương nằm ngang với vận tốc vài mét một giây. Chúng có thể đứng yên trong không trung hoặc từ trên mây sà xuống mặt đất. Chúng ít khi bay lên như trường hợp các quả khí cầu nóng chuyển động trong không khí. Nhiều báo cáo mô tả chúng tự xoay khi đang chuyển động. Thỉnh thoảng chúng chồm lên các đồ vật cứng hay trên mặt đất.

sethon2

Sét hòn thường bám vào các đồ vật kim loại như hàng rào dây thép gai hay đường dây điện thoại.

Các nhà khoa học đã cố gắng tái tạo sét hòn, hoặc một thứ gì đó giống với nó, trong phòng thí nghiệm. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Phys Review Letters vào năm 2007, nhóm nghiên cứu tại Đại học Liên bang Pernambuco (Brazil) đã sử dụng điện để làm bay hơi các tấm silic nhỏ.




Kết quả họ tạo ra những quả cầu màu xanh, trắng, da cam, có kích thước bằng quả bóng bàn bay lơ lửng xung quanh tấm silic trong khoảng 8 giây. Các nhà nghiên cứu đề xuất giả thuyết cho rằng, sét hòn hình thành từ những cú sét đánh trên đất giàu silica (SiO2). Theo đó, silica bay hơi ngưng tụ thành các hạt nano và liên kết với nhau bằng điện tích. Nó phát sáng rực rỡ vì xảy ra phản ứng hóa học giữa silic và oxy trong không khí.
Năm 2012, trong quá trình thực địa nghiên cứu sét thông thường, các nhà khoa học tại Đại học Sư phạm Tây Bắc ở Lan Châu, Trung Quốc, tình cờ ghi lại được video tốc độ cao về sét hòn tự nhiên từ khoảng cách khoảng 900 m. Quả cầu lửa này đã chiếu sáng một khu vực có đường kính lên tới 5 m, di chuyển với vận tốc 31 km/h trước khi biến mất.


Tuy sét hòn chỉ được nhìn thấy trong khoảng thời gian 1,64 giây, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đủ thời gian phân tích ánh sáng nó phát ra bằng máy đo quang phổ. Màu sắc của sét hòn chuyển dần từ màu tím sang da cam, trắng và cuối cùng là đỏ.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2016, nhà vật lý H.C.Wu tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đề xuất giả thuyết khác cho rằng, bức xạ vi sóng (sóng viba) hình thành khi sét đánh xuống mặt đất có thể nằm gọn trong một khối cầu plasma, tạo ra sét hòn.
Nguồn: Nguoiduatin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *