Với giai điệu cổ xưa nhất thế giới này, bạn sẽ lạc vào một thời kỳ xa xôi, bí ẩn. Một giai điệu mê hoặc như thâu tóm lại toàn bộ đời sống văn hóa – nghệ thuật ở vùng Trung Đông gần 3.500 năm trước.
Những ký tự còn lại trên một tấm bảng làm từ đất sét nung, đây là những ký tự âm nhạc cổ xưa được khắc lên một khối đất sét để lưu giữ lại giai điệu.
Bản nhạc này được giới nghiên cứu đặt tên là “Hurrian hymn to Nikkal” (Bài thánh ca của người Hurrian dâng lên nữ thần Nikkal), vốn dùng trong những nghi lễ tôn giáo. Nó được khắc trên những tấm bảng đất sét nung được tìm thấy ở cung điện Hoàng gia ở Ugarit (ngày nay là Ras Shamra, Syria) hồi đầu thập niên 1950.
Nikkal là một nữ thần bảo vệ cho những vườn cây ăn quả trong nền văn hóa cổ xưa của người dân sống ở vùng Trung Đông.
Đối với những ký hiệu âm nhạc trong bài thánh ca này, có nhiều cách thể nghiệm trong âm nhạc hiện đại. Video dưới đây là thể nghiệm của nhạc công người Anh Michael Levy, một người chuyên nghiên cứu và biểu diễn với những nhạc cụ, giai điệu, kỹ thuật cổ xưa.
Levy nói với tờ MailOnline rằng, sứ mệnh của ông là “đưa đàn lia tuyệt đẹp của thời cổ đại vào thế giới âm nhạc hiện đại nhạt nhẽo và vô hồn“.
Những tấm bảng đất nung với các ký hiệu hình nêm được khắc trên đó chính là chỉ dẫn âm nhạc trong ngôn ngữ của người Hurrian xưa. Có tổng cộng 29 tấm bảng đất nung đã được tìm thấy trong quá trình khảo cổ, nhưng chỉ có một tấm bảng còn nguyên vẹn, đủ để các nhà nghiên cứu có thể “phiên dịch” lại.
Năm 1972, giáo sư Anne Draffkorn Kilmer chuyên nghiên cứu về nền văn hóa Trung Đông, giảng dạy tại trường Đại học California (Mỹ) đã bắt đầu “phiên dịch” những ký tự hình nêm trên tấm bảng đất nung còn nguyên vẹn sang ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Vì chỉ là “phiên dịch”, nên có nhiều giai điệu đã ra đời.
Về sau, giáo sư Richard Dumbrill, một chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ – nghiên cứu văn hóa Trung Đông, giảng dạy tại trường Đại học London, cũng đã thử phiên dịch lại tấm bảng đất nung.
Lối vào cung điện Hoàng gia ở thành phố cổ Ugarit, nơi những tấm bảng đất nung được tìm thấy.
Không ai có thể biết chắc chắn giai điệu được ghi chép lại trên những tấm bảng đất nung cổ xưa này, người ta chỉ có thể đoán định dựa trên những ký hiệu và dựa cả vào trí tưởng tượng của người “phiên dịch”.
Tuy nhiên, trước khi phát hiện những tấm bảng đất nung có ký hiệu âm nhạc này, người ta chưa từng tìm thấy bất cứ giai điệu âm nhạc nào được ghi lại cùng thời kỳ, vì vậy, những giai điệu được khắc trên các tấm bảng đất nung ở Ugarit là bản nhạc cổ xưa, lâu đời nhất từng được biết đến trong văn minh loài người, với niên đại vào khoảng năm 1400 TCN.
Nguồn : Dantri