El Gigante là bức tượng Moai lớn nhất được tìm thấy trên đảo Phục Sinh. Nó nằm gần mỏ đá Rano Raraku, trong một miệng núi lửa trên bờ biển phía Đông Nam của hòn đảo, và ngay cả khi ở trạng thái chưa hoàn thành, nó vẫn sở hữu kích thước vô cùng to lớn.
Theo ước tính của các chuyên gia, nếu El Gigante được hoàn thành, nó sẽ cao tới 72 foot (22 mét) và nặng tới 182 tấn, nặng hơn 2 chiếc máy bay 737 chở đầy hành khách. Nhưng trên thực tế, nó chưa bao giờ được đưa ra khỏi mỏ đá và cũng chưa được hoàn thành và được dựng lên như những bức tượng khác.
Tại sao điều này xảy ra, cho đên nay vẫn còn là một bí ẩn. Có nhiều suy đoán cho rằng những người dân của đảo Phục Sinh trước đây đã không thể di chuyển nó, bởi bức tượng này quá to lớn và nặng. Tuy nhiên, lý do thực sự tại sao El Gigante bị bỏ dở vẫn chưa được biết, và nhiều nhà nghiên cứu thực sự tin rằng nó không bao giờ được dự định hoàn thành.
Moai là gì?
Moai là những bức tượng hình người, được làm bằng đá nguyên khối trên đảo Phục Sinh. Chúng được chạm khắc bởi người Rapa Nui từ năm 1250 đến 1500 sau Công nguyên. Hàng trăm Moai trong số này đã được chạm khắc và được đặt trên các nền đá khác nhau xung quanh ngoại vi của hòn đảo, một nửa trong số đó vẫn còn hiện diện tại Rano Raraku – một miệng núi lửa trên hòn đảo.
Những bức tượng nguyên khối này được làm từ đá núi lửa.
Lúc đầu, hình người được phác thảo trên vách đá rồi được đục đẽo cẩn thận và sau đó chúng sẽ được tách ra khỏi tảng đá ban đầu.
Đặc điểm của các bức tượng này là chúng thường mang tính cách điệu cao, nhưng lại thể hiện mức độ đồng nhất đến đáng kinh ngạc. Những cái đầu to quá mức của những bức tượng thường có chiếc mũi thon dài và đôi lông mày rậm. Đôi môi nhô ra giống như đang bĩu môi. Đôi tai của những bức tượng bằng đá nguyên khối thuôn dài giống như chiếc mũi. Bàn tay có những ngón tay mảnh mai nằm dọc theo đỉnh của hông.
Tuy nhiên, các khía cạnh khác của các bức tượng lại kém phát triển.
Các đặc điểm giải phẫu mặt sau của Moai không được chi tiết. Hơn nữa, hầu hết các bức tượng Moai đều không thể nhìn thấy chân, ngoại trừ những bức tượng Moai đang quỳ.
Mặc dù Moai là những bức tượng có sự hiện diện của toàn bộ những bộ phận trên cơ thể của con người, nhưng chúng thường được gọi là “đầu đảo Phục Sinh”.
Nguyên nhân chủ yếu là do kích thước không cân xứng giữa đầu và những phần của lại của bức tượng. Ngoài ra, các bức tượng thường được chôn sâu xuống đất và chỉ có phần đầu là có thể nhìn thấy được.
Tuy nhiên, dù có kích thước khổng lồ, nhưng chúng vẫn nhỏ hơn đáng kể khi so sánh với El Gigante. Bức tượng khổng lồ này cao hơn khoảng 6 lần so với những bức tượng Moai trung bình.
Theo một số nhà khảo cổ học, những hình người bằng đá nguyên khối này tượng trưng cho linh hồn của các thủ lĩnh cấp cao và tổ tiên của những người từng sinh sống trên đảo Phục Sinh thuở sơ khai. Các bức tượng được biết đến là biểu tượng của quyền lực, cả về khía cạnh chính trị cũng như tôn giáo.
Tuy nhiên, Moai thực sự không chỉ là biểu tượng. Đối với những người đã dựng lên những bức tượng nguyên khối này, chúng còn được coi là kho chứa của những linh hồn linh thiêng. Theo các tôn giáo của người Polynesia cổ đại, các đồ vật bằng gỗ và đá chạm khắc, khi được chuẩn bị theo nghi thức và tạo hình đúng cách, chúng được cho là sẽ trở thành nơi chứa đựng năng lượng mana, một tinh chất tâm linh kỳ diệu.
Những bức tượng nguyên khối quay mặt về phía ngôi làng như thể chúng đang canh chừng những người sống ở đó. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là có tới 7 bức tượng được đặt hướng ra biển. Người ta tin rằng nó có chức năng giúp mọi người dễ dàng tìm thấy hòn đảo.
Theo một truyền thuyết, 7 bức tượng này là 7 người đàn ông liên tục chờ đợi sự xuất hiện của vị vua của họ. Họ vẫn chờ đợi, mãi mãi hướng ra bên ngoài, tuy nhiên vị vua đó lại chưa bao giờ xuất hiện.
Những bức tượng cũng được cho là có nhiều công dụng thiết thực khác. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 đã kết luận rằng theo niềm tin của những người xây dựng chúng, việc khai thác đá và điêu khắc Moai sẽ giúp tăng cường độ phì nhiêu của đất và do đó tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho những người dân trên đảo.
El Gigante
Trong khi lý do thực sự tại sao El Gigante của đảo Phục Sinh bị bỏ dở vẫn chưa được giải thích rõ ràng, thì một số lý do tiềm ẩn đã được xác định. Một trong những lý do có thể là bức tượng nguyên khối này không bao giờ được hoàn thành là có chủ ý.
Một lý do khác là có thể những người xây dựng bức tượng đã bắt gặp các tạp chất bất thường trong đá, do đó những người thợ điêu khắc đã phải bỏ dở bức tượng này và tiếp tục làm ra một bức tượng mới. Tuy nhiên, lý do được nhiều người đồng tình nhất là thời đại của việc xây dựng những bức tượng khổng lồ có thể đã kết thúc, họ đã bỏ lại El Gigante như một cột mốc đánh dấu sự kết thúc của truyền thống này.
Nhưng có lẽ câu hỏi khiến nhiều người tò mò nhất là: Nếu bức tượng này được hoàn thành, những người thợ điêu khắc sẽ di chuyển bức tượng khổng lồ này như thế nào?
Vào thời điểm những người châu Âu đầu tiên đến thăm đảo Phục Sinh, hòn đảo này là nơi hoàn toàn không có sự hiện diện của những cây thân gỗ.
Do đó phương pháp được dùng để di chuyển những bức tượng nguyên khối vẫn còn là một bí ẩn.
Bởi làm thế nào mà những con người với dụng cụ thô sơ có thể di chuyển được những bức tượng to lớn như thế. Nếu con người ngày nay muốn di chuyển chúng, người ta phải cần đến sự hợp lực của nhiều máy móc công nghệ hiện đại mới có thể hoàn thành được công việc này.
Một phân tích phấn hoa trong những năm gần đây đã tiết lộ rằng, cho đến năm 1200 sau Công nguyên, hòn đảo này đã từng được bao phủ bởi những khu rừng rậm.
Thế nhưng cách thức chính xác mà Moai được vận chuyển vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng những cây thân gỗ có thể đã được sử dụng để di chuyển chúng. Người ta cho rằng những cư dân trong quá khứ của hòn đảo đã sử dụng dây thừng và xe trượt bằng gỗ để di chuyển các bức tượng, hoặc có lẽ các bức tượng được đặt trên các khúc gỗ và sau đó lăn về phía địa điểm mong muốn.
Trong trường hợp giả thuyết này là đúng, thì sẽ cần tới gần 50 đến 150 người để di chuyển những bức tượng nguyên khối đến đích. Và theo đó, có thể là người Rapa Nui đã chặt phá rừng quá mức để vận chuyển tượng Moai. Cuối cùng không còn rừng, họ cũng không thể tiếp tục truyền thống xây dựng những bức tượng Moai và hoàn thành những bước cuối cùng của bức tượng El Gigante.
Nguồn: SH
- “Cỗ máy thời gian”? Cuộc phiêu lưu kỳ ngộ của các phi công trong Thế chiến II
- Tấm vải liệm Chúa Giêsu được xác minh là chân thực
- Bí ẩn hiện tượng rối loạn thời-không: Không gian khác có thực sự tồn tại? (P.1)