Vốn nổi tiếng là một vị phán quan vô cùng thanh liêm mực thước, ấy thế nhưng việc chôn cất ông lại sử dụng đến 21 chiếc quan tài. Điều này làm hậu thế hết mực tò mò, không hiểu vì sao tang lễ lại phô trương bề thế đến vậy.
Bao Công tên húy là Bao Chửng, còn được người đời ca tụng là “Bao Thanh Thiên”. Ông sinh năm 999, quê gốc ở Lư Châu, Hợp Phì, là nhà chính trị kiệt xuất của Tống triều.
Tên tuổi của Bao Công gắn liền với sự thanh liêm, công chính cùng nhiều giai thoại xử án nghiêm minh, công bằng. Ông được người đời vô cùng yêu quý, được hậu thế đời đời kính trọng nhờ những phẩm chất cao quý cùng tài năng xử án bất phàm.
Hình vẽ Bao Công trong sách Tam tài đồ hội (1609).
Năm 1062, Bao Thanh Thiên lâm bạo bệnh và qua đời ở tuổi 64. Vua Tống Nhân Tông vô cùng thương tiếc, đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban cho ông thụy hiệu “Hiếu Túc” và đưa linh cữu về quê cũ Lư Châu an táng.
Xung quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, hậu thế có lưu truyền nhiều giai thoại. Trong đó, có giai thoại kỳ lạ kể về việc 21 chiếc quan tài cùng lúc được đưa ra 7 cửa thành Lư Châu và an táng tại những vị trí khác nhau.
Phải chăng, phía sau sự kiện chôn 21 quan tài cùng lúc ấy còn có ẩn tình gì khác?
Trên thực tế, người ta phải sử dụng 21 chiếc quan tài khác nhau, cùng lúc đưa ra khỏi 7 cổng thành và chôn ở những địa điểm khác nhau với hy vọng không kẻ địch nào tìm ra mộ thật của Bao Thanh Thiên.
1. 21 chiếc quan tài cùng được an táng trong ngày mất của Bao Công và bí ẩn đằng sau
Nhắc đến Khai Phong phủ, hậu thế đều biết tới danh tiếng của vị quan nổi tiếng là Bao Thanh Thiên. Khi còn làm quan, Bao Công nổi tiếng xử án thiết diện vô tư, không sợ quyền uy, không thiên vị người nhà, chấp pháp nghiêm minh, là một trong những vị quan liêm chính nhất trong lịch sử Trung Quốc và được con dân trăm họ đời đời yêu kính.
Nhớ năm xưa, Bao Chửng từng nhậm chức Tri phủ ở Đoan Châu. Bấy giờ, nghiên mực Đoan Châu là nổi tiếng nhất. Vậy nhưng suốt quãng thời gian nhậm chức cho tới khi thuyên chuyển công tác, Bao Công thậm chí chưa từng cầm lấy một nghiên mực về nhà.
Cả cuộc đời làm quan của mình, Bao Thanh Thiên đều coi nỗi khổ của muôn dân trăm họ là việc đại sự. Ông dành tất cả sức lực của mình để diệt trừ quan tham, miễn giảm sưu thuế, một lòng vì dân vì nước.
Hình tượng Bao Công kinh điển do diễn viên Kim Siêu Quần thể hiện.
Bất luận làm quan ở đâu, Bao Thanh Thiên đều xử án công bằng, chưa từng sợ đắc tội cường quyền, cũng chẳng thiên vị hoàng thân quốc thích hay quan gia quyền quý, càng không để việc tư xen vào việc công. Đây cũng là lý do khiến ông từng gây thù chuốc án với không ít kẻ quyền thế.
Tới năm 1062, khi đang giữ chức vụ Khu mật phó sứ (tương đương với Tể tướng), Bao Công đột nhiên lâm bạo bệnh và qua đời.
Kể từ khi ông lâm bệnh cho tới lúc qua đời chỉ vẻn vẹn có 13 ngày. Những bất thường xung quanh cái chết này làm dấy lên nhiều nghi ngờ về “căn bệnh” bất ngờ đã lấy mạng Bao Thanh Thiên.
Sau khi Bao Công qua đời, người thân sợ kẻ thù sẽ tìm cách trả thù lên di thể, xương cốt của ông nên đã dùng kế sách nhằm “tung hỏa mù” để đánh lạc hướng.
Sự ra đi của Bao Công cũng khiến dân chúng đau buồn không nguôi. Tại vị trí của những ngôi mộ này đều có người dân thường xuyên cúng bái, thay phiên trông coi. Vậy nhưng khi quân Kim tràn vào, Hợp Phì bị xâm chiếm, những ngôi mộ giả của Bao Chửng đều ít nhiều bị hư hại, vật tùy táng cũng bị lấy đi.
Phải đợi đến mãi sau này, khi hòa bình lập lại, hậu duệ của nhà họ Bao mới bí mật chuyển quan tài của Bao Công tới an táng gần ngôi mộ của phu nhân Đổng thị.
2. Mộ Bao Thanh Thiên: Bia táng một nơi, người chôn một nẻo?
Trước kia, hầu hết mọi người đều tin rằng mộ thật của Bao Công nằm tại Tống Lăng (huyện Củng, tỉnh Hà Nam). Nơi đây cũng thường xuyên được nhân dân cúng bái, tu sửa qua các triều đại.
Không ai ngờ rằng ngôi mộ nghi ngút khói hương qua hàng thế kỷ ấy thực chất lại chỉ là một ngôi mộ giả để đánh lạc hướng người đời.
Mộ của Bao Công ngày nay nằm tại nghĩa trang Đại Hưng Tập, thuộc ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Từ năm 1956, phần mộ của vị quan thanh liêm này đã được liệt vào danh sách văn vật trọng điểm được bảo vệ cấp tỉnh.
Địa cung nơi có quan tài Bao Công.
Trước đó, để tìm được vị trí chính xác ngôi mộ thật của vị quan thanh liêm nổi tiếng ấy trong quần thể mộ của nhà họ Bao, giới khảo cổ Trung Quốc đã tốn không ít công sức. Chỉ đến khi chính quyền địa phương có chỉ thị di dời mộ thật của Bao Công để phục vụ cho quá trình quy hoạch, hậu thế mới biết được vị trí an táng chính xác của Bao Thanh Thiên.
Từ lâu, dân chúng trong vùng đều tin rằng mộ của Bao Công nằm ở vị trí nổi bật nhất trong quần thể các ngôi mộ gia tộc họ Bao. Đến khi khai quật quần thể mộ này, các nhà khảo cổ không bắt đầu từ ngôi mộ lớn nhất mà tiến hành từ ngôi mộ nhỏ nằm lẻ phía ngoài cùng.
Ngôi mộ ngoài rìa được cất táng hết sức thô sơ, còn nhiều dấu vết lộ ra sự vội vàng trong quá trình chôn cất. Không ngờ rằng tại đây, đội khảo cổ đã phát hiện 1 quan tài làm bằng gỗ nam mộc vô cùng quý giá.
Chất liệu quan tài phần nào nói lên vị thế không tầm thường của chủ nhân ngôi mộ. Nhưng di cốt phía bên trong chỉ có một bộ xương không đầy đủ, cũng không có kèm theo vật tùy táng nào để xác nhận thân phận.
Không ngờ rằng, lớp đất phía đầu trên quan tài lại phát hiện 2 tấm bia đá khắc kín hai mặt nhưng có một số chỗ bị thiếu do vỡ. Thông qua việc xác minh bằng văn tự khắc trên bia đá, các chuyên gia khẳng định một tấm là của Bao Công, một là của Đổng thị – vị phu nhân thứ hai của ông.
Tấm mộ chí của Bao Công đã bị đập vỡ thành 5 miếng, nhưng khi ghép lại vẫn tương đối hoàn chỉnh. Trên đó có khắc đến gần 3000 chữ về cuộc đời Bao Chửng, hơn nhiều so với những tư liệu lưu lại trong chính sử.
Dù phát hiện có hai tấm bia, nhưng nơi đây lại chỉ có một bộ di cốt. Khi cả giới khảo cổ đang hoang mang trước sự việc này, thì sự chỉ điểm của một người xuất thân từ gia đình có nhiều đời trông coi nghĩa trang đã giúp họ tìm được hướng khai quật tiếp đó.
Công tác khai quật được tiến hành tại ngôi mộ lớn nhất. Đây mới chính xác là nơi hợp táng Bao Công và phu nhân Đổng thị với phần địa cung, hầm mộ được xây dựng bề thế. Bên trong địa cung chỉ còn lưu lại một quan tài với hài cốt đã mục hoàn toàn. Bên trên có tìm thấy một góc bia đá vừa khớp với miếng còn thiếu trên bia đá của Đổng thị.
Kết quả giám định sau đó cũng đã cho thấy, di cốt lưu lại ở trong quan tài gỗ quý thuộc về ngôi mộ phía ngoài rìa chính xác là của Bao Thanh Thiên.
Thì ra, trước những cuộc binh biến liên miên không dứt, người trong gia tộc họ Bao đã bí mật chuyển quan tài an táng Bao Công rời khỏi địa cung nguyên táng để chôn tại vị trí bí mật hơn, cũng chính là ngôi mộ nằm lẻ loi phía ngoài rìa nghĩa trang gia tộc.
Có thể thấy, tất cả những việc làm có phần phức tạp, liên quan đến công tác an táng di thể Bao Công đều nhằm hướng tới một mục đích duy nhất, đó là giúp vị quan họ Bao được yên giấc ngàn thu sau khi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ lẽ phải.
Nguồn:ST