Trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ đáng kinh ngạc để phục chế các bức ảnh và video cũ. Sức mạnh của nó có thể đem các bức tượng cổ đại đến với thế giới hiện đại chúng ta, nó có thể biến những bức tượng đá bán thân cũ kỹ của các hoàng đế La Mã thành các bức ảnh chân dung của con người bằng xương bằng thịt mà chúng ta vẫn thấy đi lại trên phố ngày nay.
Các bức chân dung này là tác phẩm của nhà thiết kế Daniel Voshart trong thời gian ngồi nhà cách ly vì COVID-19. Từng là một chuyên gia về VR (virtual reality – thực tế ảo) trong ngành công nghiệp điện ảnh, khi các dự án mà Voshart đang thực hiện bị hoãn vì COVID-19, anh bắt đầu khám phá một sở thích đang dang dở của mình: tô màu các bức tượng cũ.
Khi tìm kiếm các tư liệu để thỏa mãn đam mê, anh bắt gặp các bức tượng bán thân các hoàng đế La Mã. Anh đã hoàn thiện những tác phẩm chân dung của 54 vị hoàng đế đầu tiên trong tháng 7/2020, và nhiều bức khác sau đó để đem bán. Voshart cho biết rằng anh định làm 300 bức chân dung trong đợt đầu tiên, hy vọng có thể bán trong 1 năm. Nhưng thật không ngờ, hàng đã bán hết sạch chỉ trong 3 tuần và trở nên nổi tiếng kể từ đó. Anh nói: “Tôi biết lịch sử La Mã rất nổi tiếng và có nhiều khán giả đã thích sẵn. Nhưng tôi vẫn có chút ngạc nhiên khi nó được đón nhận như vậy.”
Tác phẩm chân dung của 54 vị hoàng đế La Mã cổ đại. (Ảnh: Twitter/Daniel Voshart)
Để tạo ra các bức chân dung này, Voshart đã sử dụng nhiều phần mềm và công cụ khác nhau. Công cụ chính là một phần mềm trực tuyến có tên ArtBreeder chuyên sử dụng phương pháp học máy có tên Generative Adversarial Network – GAN (tạm dịch: “Mạng lưới sản sinh đối lập”) để tạo ra các bức chân dung và phong cảnh. Nếu tìm hiểu trang web của ArtBreeder, các bạn có thể thấy một loạt các khuôn mặt với các sắc thái khác nhau, từng khuôn mặt đều có thể được điều chỉnh bằng thanh trượt giống như trên các trò chơi điện tử nhập vai trực tuyến.
GAN là một nhóm mạng lưới thần kinh nhân tạo phối hợp với nhau để tạo ra các kết quả tốt hơn. Một mạng lưới thần kinh là mạng “đánh lừa”, còn mạng kia là mạng “có ích”. Mạng đánh lừa sẽ đưa ra một thông số đầu vào cho mạng có ích và khiến nó tạo ra một câu trả lời sai. Mạng có ích sau đó sẽ học để không đưa ra các câu trả lời sai, và mạng đánh lừa sẽ tiếp tục thử thách mạng có ích một lần nữa. Dần dần, mạng có ích sẽ trở nên thông minh hơn và ít bị lừa hơn, từ đó người ta có thể sử dụng mạng có ích để đưa ra những dự đoán chính xác.
Voshart thu thập ảnh chụp các vị hoàng đế La Mã từ các bức tượng, đồng xu và tranh vẽ, sau đó đưa vào ArtBreeder, rồi tiếp tục điều chỉnh các bức chân dung một cách thủ công dựa theo các mô tả trong lịch sử, sau đó lại đưa vào GAN một lần nữa.
Anh cho biết: “Tôi sẽ làm trên Photoshop, đưa nó vào ArtBreeder, tinh chỉnh lại, đưa nó trở lại Photoshop, rồi lại làm lại lần nữa. Việc này giúp mang lại các bức ảnh có chất lượng giống người thật nhất và tránh tạo cho người xem cảm giác đang nhìn vào những thứ do máy móc tái tạo.”
Voshart thường mất 1 ngày thực hiện cho một bức chân dung. Đôi khi, anh cung cấp cho GAN hình ảnh của những người nổi tiếng để nâng cao tính chân thực của tác phẩm. Ví dụ, anh lấy hình của diễn viên Daniel Craig (nổi tiếng với vai James Bond 007) để tạo hình hoàng đế Augustus, hay lấy chân dung của đô vật André the Giant để tạo hình Maximinus Thrax. Lý do là vì Thrax được cho là bị rối loạn tuyến yên khi còn trẻ, khiến ông ấy có cằm lồi ra và lông mày rậm. André the Giant (tên thật là André René Roussimoff) cũng bị chuẩn đoán mắc bệnh tương tự, vậy nên Voshart muốn mượn một số đặc điểm của đô vật này để làm bổ sung cho chân dung của hoàng đế. Quá trình này, như anh nói, là giống như thuật giả kim vậy, anh phải cẩn thận phối trộn từng yếu tố đầu vào để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Điều đáng trân trọng là, quá trình phục chế chân dung các hoàng đế La Mã đã biến Voshart, từ một người chẳng hề quan tâm tới lịch sử thành Rome, thay đổi suy nghĩ và trở thành một người yêu mến nơi này. Anh dự định sẽ tới Rome để thăm một số bảo tàng ở đây.
Các tác phẩm của anh cũng thu hút sự chú ý của nhiều học giả, những người đã ca ngợi các bức chân dung là chân thực và có chiều sâu. Nhiều giáo sư và tiến sỹ lịch sử đã hướng dẫn anh tạo hình chính xác một số nhân vật nhất định. Để cảm ơn những cố vấn của mình, anh đã dùng một bức hình của một giáo sư tại trường đại học USC có ngoại hình hao hao giống để phục chế lại chân dung của hoàng đế Numerian. Ai mà biết được, có lẽ những tác phẩm nghệ thuật của Voshart sẽ được lưu lại theo thời gian, và trở thành một đề tài tranh luận cho các nhà lịch sử học trong tương lai.
Nguồn: TTVN – Theo The Verge