Năm 2016, trong nỗ lực tái hiện một không gian văn minh cổ đại trong Bảo tàng Maidstone tại thành phố Maidstone, thủ phủ của hạt Kent, nước Anh, các chuyên gia của Viện Y học và Giải phẫu Kent đã thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) một số hiện vật của bảo tàng.
Một trong số các mẫu vật được bảo tàng lựa chọn lần này là: Xác ướp diều hâu từ thời vương triều Ptolemy (323 TCN – 30 TCN).
Hiện vật đã được lưu giữ trong bảo tàng từ lâu, đánh giá ban đầu cho thấy đây là xác một con diều hâu được quấn bằng vải lanh và cartonnage (vật liệu chuyên dùng làm mặt nạ mái táng của người Ai Cập cổ đại, thành phần chủ yếu là vải hoặc giấy cói phủ bằng thạch cao).
Xác ướp này có kích thước rất nhỏ, chỉ dài khoảng 20cm nên những đánh giá ban đầu đã khẳng định đây không thể là xác ướp con người. Ảnh: Bảo tàng Maidstone.
Việc ướp xác động vật từ lâu đã không phải điều quá xa lạ, các nhà khảo cổ từng tìm thấy chim, mèo thậm chí là cá sấu trong các lăng mộ Ai Cập cổ đại. Những con vật có thể đi theo chủ nhân ngôi mộ như những “người bảo vệ”, ví dụ như chim ưng được ướp xác vì chúng là biểu tượng của vị thần bầu trời Horus.
Mục đích ban đầu của các chuyên gia khi tiến hành chụp CT là nhằm thu thập thêm thông tin về xác ướp, đồng thời đảm bảo không gây tổn hại đến hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, khi đưa xác ướp vào máy chụp cắt lớp vi tính, hình ảnh các nhà khoa học nhận được đã nằm ngoài mong đợi của họ.
Đây không phải xác ướp của diều hầu mà thực tế là một thai nhi khoảng 20 tuần tuổi. Đứa trẻ này chưa thực sự được sinh ra, nó xuất hiện do người mẹ bị sảy thai. Thai nhi cũng có dấu hiệu khuyết tật bẩm sinh, xương sọ kém phát triển. Tờ History cho biết, đây chính là xác ướp nhỏ tuổi nhất từng được tìm thấy trên thế giới.
Đây là xác ướp có tuổi đời nhỏ nhất từng được tìm thấy trên thế giới. Ảnh: Bảo tàng Maidstone.
Phát hiện bất ngờ này đã khơi gợi suy đoán rằng đây là con của một Pharaoh Ai Cập, tình nhân của ông sau khi bị sảy thai đã phải giấu cái xác để không khiến nhà vua phiền lòng. Tuy vậy, phát ngôn viên của bảo tàng Maidstone cho rằng giả thuyết này là vô căn cứ, hiện chưa có bằng chứng nào khẳng định điều này.
Bảo tàng Maidstone cũng cam kết sẽ bảo quản và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất đối với xác ướp, nhân viên bảo tàng sẽ luôn đảm bảo trách nhiệm đạo đức trong việc bảo tồn hài cốt của con người.
Xác ướp Ta-Kush
Một xác ướp khác cũng nhận được kết quả chụp CT đáng chú ý chính là xác ướp có tên Ta-Kush. Xác ướp 2700 tuổi này đến bảo tàng Anh vào khoảng những năm 1820 và được mệnh danh là “Con gái thần Osiris” – vị thần của thế giới bên kia.
Mặc dù kết luận trước đây khẳng định Ta-Kush qua đời khi khoảng 14 tuổi nhưng kết quả chụp CT lại cho thấy răng cô đã bị mòn đi nhiều, men răng kém và bị sâu. Bằng chứng mới tiết lộ Ta-Kush ít nhất phải ở độ tuổi trên 20, thậm chí là già hơn rất nhiều.
Xác ướp Ta-Kush 2700 tuổi tại Bệnh viện Y học và Giải phẫu Kent. Ảnh: Bảo tàng Maidstone.
Hộp sọ, hàm răng và cốt sống của Ta-Kush đã tiếp lộ nhiều sự thật bất ngờ. Ảnh: Bảo tàng
Maidstone.
Một số nhà nghiên cứu từ Đại học Liverpool John Moores sẽ hỗ trợ phân tích thêm về Ta-Kush, bao gồm việc tái tạo lại khuôn mặt của xác ướp và tìm kiếm nguồn gốc.
Ngoài xác ướp thai nhi và Ta-Kush, các chuyên gia tại bệnh viện cũng vô cùng bất ngờ khi scan một chiếc sừng cừu được bọc vải lanh ướp xác.
Bên trong sừng cừu, các chuyên gia tìm thấy những chiếc vòng cổ, cúc áo có niên đại từ thời Victoria. Họ vẫn chưa thể lý giải tại sao các đồ vật này có thể được cất giữ bên trong chiếc sừng và dự định sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu.
Nguồn: KH