Dự đoán chính xác đến kinh ngạc của một nhà văn về thế giới hiện đại

Từ cách đây gần 200 năm, khi điện vẫn là thứ gì đó bí ẩn với con người, thì nhà văn Jules Verne đã tưởng tượng ra nhiều công nghệ hiện đại thật sự xuất hiện ngày nay. Phải chăng ông đã có được khả năng nhìn thấu tương lai?

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là thể loại văn học dùng những công nghệ đang tồn tại để tưởng tượng về những công nghệ có thể tồn tại trong tương lai và ý nghĩa của chúng với con người trong thời đại đó. Mặc dù, mãi đến những năm 1930, thuật ngữ “khoa học viễn tưởng” (science fiction) mới được sử dụng, tuy nhiên các tác phẩm văn học viễn tưởng đã thu hút được sự chú ý của độc giả từ rất lâu trước đó.

Bức tranh mô tả theo trí tưởng tượng nhà văn trong một chiếc tàu ngầm có dạng một con cá. (Ảnh qua radissonblu.com)

Khi những nhà tư tưởng và nhà văn sống trong thế kỷ 19 nhận ra họ đang sống trong một thời kỳ phát triển công nghệ, biến đổi xã hội và công nghiệp một cách chóng mặt, lẽ dĩ nhiên họ sẽ bắt đầu tự hỏi bản thân những thay đổi này có ý nghĩa gì với thế giới mà họ đang sống, từ đó đưa ra một vài dự đoán về tương lai.




Một trong những tác giả đầu tiên có mặt trên văn đàn khoa học viễn tưởng là Jules Verne. Ông sinh ra năm 1828, đúng vào khoảng thời gian 100-200 năm trước khi những kỳ quan công nghệ hiện đại của con người trở nên phổ biến.

Ấy vậy, Verne đã hình dung ra một bức tranh mô tả rất nhiều kỹ thuật cao cấp của con người với mức độ chính xác tới kinh ngạc. Trong các tiểu thuyết của mình, ông đã tưởng tượng ra những công nghệ mà nhiều đồng nghiệp cho rằng chúng không chỉ xuất sắc, mà vài trường hợp còn khó tin tới mức gần như không thể sản xuất được. Dẫu vậy, những điều không thể sản xuất được ấy lại là những gì đúng với thực tế nhất.

Nhà văn Jules Verne bên mô hình thế giới. (Ảnh qua histoiresdeparfums.com)

Vậy cha đẻ của thể loại tiểu thuyết viễn tưởng động cơ hơi nước này đã tiên đoán chính xác những gì?

Kênh truyền hình National Geographic đã lập ra một danh sách gồm 8 công nghệ mà Verne đã dự đoán chính xác. Thứ nổi tiếng nhất trong số ấy là con tàu ngầm chạy bằng điện Nautilus trong cuốn “20.000 Leagues Under the Sea” (Tạm dịch: Hai vạn dặm dưới biển).




Vào thời đại cuốn sách được xuất bản, điện là thứ gì đó vẫn còn bí ẩn với con người; tuy vậy, tới giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, những tàu ngầm hoạt động hoàn toàn bằng điện đã rời khỏi những trang sách ra khơi.

Năm 1865, ông viết cuốn “From the Earth to the Moon” (Tạm dịch: Từ Trái đất tới Mặt trăng). Trong tiểu thuyết này, ông dự đoán về những công nghệ vũ trụ sẽ phát triển trong tương lai.

Một trong số đó là các tàu du hành vũ trụ có thể di chuyển bằng ánh sáng. Trong thời đại của chúng ta hiện nay, “cánh buồm Mặt trời” là một ý tưởng tương tự như vậy. Ánh sáng Mặt trời tác động lên các tấm gương sẽ tạo ra động lực đẩy tàu vũ trụ, cũng giống như gió đẩy cánh buồm của con thuyền trên đại dương. Và người Nhật đã bắt đầu thử nghiệm phương tiện này gần 1 thập kỷ trước.

Cuốn tiểu thuyết kể trên cũng mô tả các mô đun Mặt trăng và tên lửa có thể đưa con người từ Trái đất lên Mặt trăng, khoảng 1 thế kỷ trước khi những kỹ thuật tương tự được phát triển trong thực tế. Verne còn dự đoán các tàu không gian có thể hạ cánh xuống mặt nước và nổi được, giống như các tàu Mercury hiện nay.

Không phải tất cả những dự đoán của Jules Verne đều xa xôi như những gì chúng ta đưa lên không gian vũ trụ. Năm 1863, ông viết cuốn sách có tên “Paris in the Twentieth Century” (Tạm dịch: Paris thế kỷ 20).




Tiểu thuyết này không được xuất bản khi hoàn thành vì bị người ta cho là quá khó tin và bi quan. Vậy nên nó đã bị xếp xó và gần như bị lãng quên cho tới khi được xuất bản năm 1994. Cuốn tiểu thuyết “bị thất lạc” của Verne lấy bối cảnh năm 1960, mô tả một xã hội cải tiến về công nghệ nhưng đi lùi về văn hóa xã hội.

Trang web Stolen History đã so sánh những điểm tương đồng giữa tưởng tượng của Verne về công nghệ hiện đại và thứ thật sự đang xuất hiện hôm nay. Trong số này có thang máy, máy fax, tàu cao tốc chạy bằng từ trường và khí nén, xe hơi với động cơ đốt trong, đường cao tốc, các thành phố sáng trưng vào ban đêm nhờ đèn điện và các tòa nhà cao tầng. Ông thậm chí còn mường tượng ra những chiếc máy tính cơ bản sử dụng một hệ thống mạng để giao tiếp với nhau rất giống với Internet hôm nay.

Những tiên đoán của nhà văn đã thật sự xuất hiện hôm nay. (Ảnh qua io9 – Gizmodo)




Bên cạnh các kỳ quan công nghệ, cuốn sách “Paris thế kỷ 20” còn đề cập đến những tác động của công nghệ cao tới xã hội. Verne đã đoán trước sự phát triển các vùng tiểu đô thị, sự nở rộ của giáo dục cấp cao, sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền khi ngày càng nhiều phụ nữ xuất hiện tại nơi làm việc, và sự gia tăng tình trạng sinh con ngoài giá thú.

Ông đã mô tả Paris năm 1960 là một thành phố không có tâm hồn, được vận hành bởi sự sùng bái kinh doanh và đánh đổi sự phát triển bằng cái giá của cảm xúc cũng như đời sống tinh thần của người dân. Trong con mắt của ông, con người tương lai sẽ đánh mất bản thân trong sắc dục hoặc những hình thức giải trí vô hồn và chỉ trở lại với bản chất khi làm việc.


Một trong những nét đặc trưng của một tiểu thuyết gia hàng đầu là tác giả không chỉ kể lại điều đang xảy ra, mà còn giải thích tại sao nó diễn ra và nó có ý nghĩa gì trong một bức tranh lớn hơn.

Jules Verne làm được điều đó. Theo nhiều cách, những tác phẩm của ông không chỉ tạo cảm hứng cho chúng ta tưởng tượng ra những gì có thể xuất hiện, mà còn là một lời nhắc nhở rằng ngay cả những điều kỳ diệu nhất cũng có thể kèm theo một cái giá không thể ngờ tới trong tương lai.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *