Đời người 3 lời không nói, 3 việc không làm, 3 người không kết giao

Khổng Tử từng nói: “Nhân vi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là người không có chữ tín sẽ chẳng làm được việc gì. Vậy nên, sống ở đời nhất định cần nhớ kỹ, có 3 lời không nên nói, 3 việc không nên làm, và 3 loại người không nên kết giao.

3 lời không nên nói

1. Bóc mẽ khuyết điểm người khác

Làm người, ai cũng từng gặp sai lầm, ai cũng đôi lần mắc lỗi hay có khuyết điểm. Vậy nên những điều này nên được tha thứ và cảm thông. Cho nên khi nói chuyện chúng ta cần phải ý tứ, không nên mượn cớ ‘tính tình ngay thẳng’ mà không giữ mồm giữ miệng. Dù bạn có thẳng thắng thật thà đến đâu cũng không nên dồn đối phương vào chân tường, nói chuyện phải để tâm đến cảm xúc của người khác.

Làm người ai cũng từng gặp sai lầm, ai cũng đôi lần mắc lỗi hay có khuyết điểm. (Ảnh qua Youtube)

2. Khoa trương bản thân

Được người khác ca ngợi thì chính là danh tiếng của bản thân, còn tự mình nói tốt về bản thân thì chính là khoe khoang. Nếu người mà cứ lải nhải không thôi về bản thân một cách thiếu lý trí, thì sẽ bị người khác xem thường, xem là người thiếu hàm dưỡng.

Nếu thật sự có tài năng thì người khác sẽ tự nhiên nhận thấy mà ca ngợi, không cần ta phải khoa trương. Do vậy những lời như thế tuyệt không nên nói ra.

3. Lời vô bổ không giá trị

Thay vì nói lời vô ích, chi bằng nói lời chuẩn mực; Thay vì nói nhiều mà vô nghĩa, chi bằng nói ít mà trúng vào trọng tâm.

3 việc không nên làm

1. Tự rước ưu phiền

Mỗi người đều có giá trị riêng của mình vậy nên không nên so sánh bản thân với người khác. Người xưa có câu: “So sánh với người, tự mình tức chết.” Đây là việc tự rước phiền não, rất không nên làm.

Nếu muốn so sánh thì hãy so sánh với chính mình ngày hôm qua, xem có tốt hơn không, có vui vẻ hơn không, có cải thiện được nhiều khuyết điểm hơn không? Đó mới chính là điều cần phải so sánh.

Mỗi người đều có giá trị riêng của mình vậy nên không nên so sánh bản thân với người khác. (Ảnh qua Mia)

2. Cố gắng thay đổi người khác

Làm người không có ai là hoàn hảo, toàn diện, mỗi người đều có cách sống và thói quen của riêng mình, không có gì là đúng sai tuyệt đối. Vậy nên thay vì cố gắng thay đổi người khác chi bằng hãy nỗ lực thay đổi chính mình.

Thay vì trách móc, chỉ trích người khác để họ phù hợp với mình hơn, chi bằng thay đổi cách nghĩ của bản thân, buông tâm xuống dĩ hoà vi quý, chung sống hòa thuận. Thật ra, bản thân bạn mới chính là người cần thay đổi để luôn hoàn thiện hơn.

Mọi sự vật trên đời đều có tốt xấu, cao thấp, lớn nhỏ… như thế mới tại thành cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Chấp nhận người khác, cũng là chấp nhận sự phong phú của đất trời, đồng thời còn giúp nội tâm an hoà tĩnh lặng hơn.

3. Tranh giành đoạt lợi

Thế sự vô thường, có những thứ tướng là phúc nhưng thực ra là họa, tưởng họa nhưng hóa ra là phúc.

Bởi vậy không nên lúc nào cũng tranh tranh đấu đấu, tìm cách vơ hết lợi ích về mình. Thoạt nhìn thì tưởng rằng khôn ngoan nhưng cuối cùng lại khiến bản thân phải chịu thiệt nhiều hơn

Ngược lại, người có trí tuệ biết rõ nhân quả, không vì cái lợi trước mắt mà chiếm đoạt bất chính. Họ thấu rõ đạo lý, trên đời phải phó xuất thì mới đắc được, không có “của Trời cho”. Vậy nên, họ sẵn sàng chịu thiệt, nhường một bước để thấy biển rộng trời cao. Kỳ thực, chịu thiệt chính là phúc, có những lúc chịu thiệt mới có thể nhận được phúc báo sau này. Cũng chính là nói: Muốn nhận được hồi báo, thì phải học cách cho đi.

3 loại người không kết giao

1. Người hờ hững vô tình

Những người lòng dạ sắt đá, hờ hững vô tình, lạnh lùng băng giá thì không nên kết giao. Bởi vì một người ngay đến cả thân nhân của mình cũng không muốn quan tâm, vậy làm sao có thể yêu mến bạn bè, yêu mến người khác được đây?

Nếu muốn kết giao thì hãy kết giao với những người coi trọng tình cảm, thuận hoà với anh em, hiếu thảo với cha mẹ, chân thành với bạn bè. Những người quý trọng tình bạn, coi trọng tình thân thì mới thực sự đáng để kết giao.

Nếu muốn kết giao thì hãy kết giao với những người coi trọng tình cảm. (Ảnh qua Pinterest)

2. Người hám lợi

Trên đời luôn có những người chỉ biết đến lợi ích của bản thân, xem cái lợi vượt xa mọi thứ. Người như vậy chỉ có thể lợi dụng người khác, thậm chí vì lợi ích mà sẵn sàng bán đứng cả thân nhân bạn bè.

Nếu kết giao với loại người này thì bạn rất dễ bị lợi dụng và bán đứng. Đôi khi họ cũng giả vờ phó xuất, nhưng đó chỉ là quân cờ để nhận được lợi ích lớn hơn, thu lợi nhiều hơn từ người khác.

3. Người không giữ lời

Khổng Tử nói: “Nhân vi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì. Chính là nói, con người phải coi trọng lời hứa, nói sao làm vậy, đã mở miệng là phải giữ lời, không thể lúc thì thế này lúc lại thế khác, sẽ khiến đối phương rơi vào tình thế khó xử.


Trong cuộc sống, giao du với người nói mà không giữ lời thật đúng là ác mộng, ôm giữ hy vọng với người không xem trọng lời hứa quả thật là phí hoài thời gian. Họ cứ biến đổi liên tục, chuyện nói buổi trưa, buổi chiều đã đổi khác; chuyện được quyết định ngày hôm qua, hôm nay đã trở thành đống giấy vụn.

Bạn bè quý ở sự chân thành, người có khuyết điểm khác đều có thể thông cảm được, nhưng nói mà không giữ lời sẽ khiến người ta không biết được câu nào là thật câu nào là giả. Với người như vậy, cho dù bạn vẫn tỏ lòng kính trọng nhưng không nên gần gũi, bởi ai ai cũng không thể phí hoài đi nghe lời nói suông mà không bao giờ được thực hiện.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *