Trọng lực là một lực kéo mọi thứ về phía nhau. Đây cũng là lý do giúp chúng ta có thể đi lại trên bề mặt Trái đất mà không trượt chân ngã ra ngoài không gian. Trọng lực của Trái đất giúp giữ chúng ta đứng yên trên bề mặt của nó và khiến các vật thể rơi về phía nó, giống như hiện tượng quả táo rơi từ trên cây xuống đất chẳng hạn.
Cách trọng lực tác động là kéo dãn không gian xung quanh vật thể, chứ không phải kéo cơ thể của chúng ta như nhiều người lầm tưởng. Một vật thể có kích thước khổng lồ có thể làm thay đổi hình thái không gian xung quanh nó. Không gian sẽ có hình dạng gần giống với một cái bát, do đó mọi thứ xung quanh sẽ có xu hướng lăn vào phần trung tâm, là vị trí của vật thể khổng lồ.
Trọng lực kéo giãn không gian xung quanh một vật thể. (Ảnh: canbedone/Shutterstock).
Nếu bạn di chuyển theo phương ngang đủ nhanh, bạn sẽ không bị rơi vào giữa, thay vào đó bạn sẽ chạy vòng tròn quanh tâm. Đó là lý do vì sao Trái đất lại quay xung quanh theo quỹ đạo thay vì di chuyển về phía Mặt trời.
Nhảy cao
Nếu trọng lực trên Trái đất giảm chỉ còn một nửa so với hiện tại, bạn có thể nhảy cao hơn, thậm chí là có thể chạm đến trần nhà. Tuy vậy, bạn không thể nhảy cao như khi đứng trên Mặt Trăng vì trọng lực tại đây yếu hơn Trái đất đến 6 lần.
Chúng ta sẽ dễ dàng nâng các vật nặng hơn. Thay vì trước đây bạn chỉ vác được một chiếc vali to thì giờ đây bạn sẽ mang được hai cái một lúc. Dù vậy, bạn không thể đột nhiên biến thành siêu nhân và có thể nâng cả một toa xe lửa.
Trọng lực yếu hơn giúp nâng các vật nặng dễ dàng hơn. (Ảnh: anythings/Shutterstock).
Các đồ vật sẽ có trọng lượng nhẹ hơn và chúng ta có thể dễ dàng mang vác chúng. Máy bay cũng sẽ cần ít lực đẩy hơn để có thể đạt vận tốc cất cánh cần thiết.
Mặt khác, các lực phân tử (giúp các vật thể gồ ghề bám nhau và tạo ra ma sát) sẽ yếu hơn do khối lượng giảm. Do đó, việc đi lại trên các bề mặt trơn sẽ khó khăn hơn, các cơn gió có thể dễ dàng thổi bay đám lá khô, hay thậm chí là người đi đường và cả xe ô tô.
Áp suất không khí thấp
Không khí cũng sẽ nhẹ hơn. Trọng lực giảm cũng sẽ khiến áp suất không khí giảm đi một nửa so với hiện tại, tương đương với áp suất không khí ở độ cao 5.000m. Và hầu hết con người không sinh sống ở độ cao lớn như thế, do đó chúng ta sẽ cảm thấy khó thở hơn.
Lực kéo của Mặt trăng lên Trái đất sẽ yếu hơn và tốc độ quay xung quanh nhau giữa Mặt Trăng và Trái đất cũng sẽ chậm hơn. Do đó mực nước khi thủy triều dâng do lực kéo của Mặt Trăng cũng sẽ thấp hơn so với hiện tại.
Và kết quả cũng tương tự giữa Mặt trời và Trái đất. Trái đất không cần phải quay với tốc độ nhanh như hiện tại để giữ quỹ đạo quay quanh Mặt trời. Do đó, một năm có thể kéo dài ra đến 517 ngày.
Trọng lực giúp các hành tinh quay xung quanh Mặt trời theo quỹ đạo. (Ảnh: Withan Tor/Shutterstock).
Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là Mặt trời, nó có thể tác động mạnh đến sự sống trên Trái đất. Mặt trời có thể tỏa sáng được là nhờ trọng lực. Lực hấp dẫn của nó cực kỳ lớn, đồng nghĩa với việc lượng vật chất khổng lồ bị nén chặt ở tâm Mặt trời đến nỗi chúng dính lại với nhau. Hiện tượng này được gọi là phản ứng tổng hợp hạt nhân và phản ứng này tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn.
Nguồn năng lượng này làm tăng nhiệt độ ở bề mặt Mặt trời lên đến gần 6.000 độ C, nhờ đó mà Mặt trời có thể tỏa sáng như vậy. Khi trọng lực chỉ còn một nửa, Mặt trời có thể chỉ còn là một ngôi sao với kích thước nhỏ hơn và khối lượng bằng một nửa hiện tại. Với khối lượng đó, độ sáng của nó không chỉ giảm 2 lần mà lên đến 8 lần, kéo theo đo là nhiệt độ trên Trái đất sẽ giảm xuống mức -100 độ C.
Nhưng đừng quá lo lắng, chúng ta vẫn còn một “người anh em song sinh” của Trái đất ngay bên cạnh, đó chính là sao Kim. Sao Kim có kích thước tương đương với Trái đất, nhưng nó ở gần Mặt trời hơn và không khí dày đặc hơn. Hiện tại, bề mặt sao Kim có nhiệt độ lên đến 470 độ C ở thời điểm bất kỳ trong ngày. Tuy nhiên, khi trọng lực chỉ còn một nửa, Mặt trời sẽ yếu đi và bầu khí quyển trên sao Kim sẽ loãng hơn. Do vậy, chúng ta có thể suy đoán rằng bề mặt sao Kim lúc đó sẽ dễ chịu hơn nhiều so với hiện nay.
Nguồn: Vnreview