Địa ngục trong thần thoại Hy Lạp

Trong thần thoại Hy Lạp, Hades hay còn gọi là Aides, vừa là địa ngục – nơi cai quản của thần Hades, vừa là tên của vị thần này. Đó là nơi tối tăm dưới lòng đất, điểm đến của các linh hồn sau khi chết. Nó không phải là một nơi được hoan nghênh. Đó là nơi của sự lo lắng, đau buồn, bệnh tật, tuổi già, đói khát, sợ hãi, đau đớn và chết chóc đang chờ đợi.

Người sống không thể thấy được địa ngục của người Hy Lạp. So với bầu trời mà Zeus cai quản, với Đại dương mà Poséidon trị vì, thì vương quốc của Hades thật tối tăm lạnh lẽo. Nơi đây không một tia nắng lọt vào, không một ánh trăng soi tới, không có cuộc sống tưng bừng, náo nức, ấm cúng, nhộn nhịp như của thế giới Olympe và thế giới loài người trên mặt đất phì nhiêu. Những người trần thế đoản mệnh khi kết thúc số mệnh của mình đều biến thành những hình bóng vật vờ đi vào vực thẳm sâu hun hút dẫn tới lòng đất. Những bóng hình ấy phải đi qua con sông Styx nước đục, bùn lầy, quanh năm lạnh buốt…

Kết cấu của địa ngục

Địa ngục Hy Lạp của thần Hades được bao quanh bởi năm con sông, mỗi con sông đại diện cho một cảm xúc liên quan đến địa ngục: Styx (hận thù), Acheron (sự đau khổ), Lethe ( sự quên lãng), Phlegethon (lửa) và Cocytus (than vãn).

Để được vào Hades, các linh hồn trước tiên cần phải được Charon, người lái đò bến Mê chở qua. Đó là một ông lão với thân hình tiều tụy, đầu bạc, răng long, áo quần rách rưới, nhem nhuốc; còn vẻ mặt thì lúc nào cũng lạnh lùng u ám, lầm lì đứng chờ sẵn bên bờ sông để đưa những vong hồn vào vương quốc tối tăm của thần Hades.

Charon đứng chờ sẵn bên bờ sông để đưa những vong hồn vào vương quốc tối tăm của thần Hades. (Ảnh: Twitter)




Có thể nói trên đời này ít có con người nào lại khắc nghiệt, cứng rắn và lạnh lùng như lão già chở đò Charon. Mỗi vong hồn qua sông đều phải trả tiền đò cho lão. Không tiền thì không được qua sông, đó là luật lệ bất di bất dịch của lão. Những người trần khi từ giã cõi đời nếu không có thân nhân làm đầy đủ nghi lễ mai táng (trong đó có việc phải bỏ vào miệng người chết một đồng tiền) thì thật là bất hạnh. Vong hồn sẽ không qua được sông Styx hoặc Acheron, và suốt đời cứ phải đứng bên này bờ sông than khóc cho số phận hẩm hiu, bạc bẽo của mình. Họ sẽ lang thang không nơi trú ngụ hết năm này qua năm khác cho tới khi nhận được phán quyết của các quan toà dưới âm phủ.

Lối vào địa ngục Hy Lạp không phải là một nơi được hoan nghênh, đó là nơi với sự lo lắng, đau buồn, bệnh tật, tuổi già, đói khát, sợ hãi, đau đớn, chết chóc và giấc ngủ đang chờ đợi. Nếu những điều đó không đủ để làm bạn sợ hãi, thì Cerberus, một con chó ba đầu hung ác, bảo vệ ở lối vào chắc chắn sẽ làm bạn không thể không run sợ! Nhiệm vụ của nó là canh giữ các linh hồn muốn trốn khỏi Hades.

Khi Charon đưa các linh hồn sang bờ bên kia, những người mới chết sẽ phải chịu phán quyết của ba vị thẩm phán: Minos, Rhadamanthus và Aeacus. Các thẩm phán quyết định sẽ số phận của các linh hồn dựa vào những việc họ đã làm trên nhân thế và đưa họ đến một trong ba nơi. Nếu được chọn đưa đến Elysium, các linh hồn trước tiên được cho uống nước từ dòng sông Lethe, để quên đi mọi thứ của kiếp trước và bắt đầu một kiếp sống sau yên tĩnh không căng thẳng, so với Cánh đồng Trừng phạt! Trong vương quốc Elysium, các linh hồn có thể tìm thấy Quần đảo phúc lành. Khi một linh hồn đã đưa đến Elysium ba lần liên tiếp, thì họ sẽ được phép vào ở trong Quần đảo phúc lành và tận hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu.




Ba vị thẩm phán: Minos, Rhadamanthus và Aeacus. (Ảnh: Wikipedia)

Địa điểm thứ hai là “Cánh đồng trừng phạt”, được chỉ định cho những kẻ phạm tội chống lại các vị thần. Hades sẽ là người tự đưa ra quyết định về các hình phạt dành cho những người này. Địa điểm thứ ba là lãnh địa của Asphodel, dành cho những linh hồn chưa đạt được sự thánh khiết vĩ đại cũng như không phạm tội chống lại các vị thần. Thông thường các á thần, anh hùng và những người đạo đức hơn người được chọn ở Elysium.

Những vị Thần cư ngụ trong Hades




Một số người xem Hades là đại diện cho Sao Diêm Vương. Ông cũng là người cung cấp sự giàu có và ban phúc cho thu hoạch mùa màng.

Khi Hades và hai anh em của mình phân chia trách nhiệm cai quản thế giới, thì Thần Poseidon đã lấy được đại dương làm lãnh địa, Thần Zeus cai quản thiên đàng, và Hades được chọn cai trị thế địa ngục của người Hy Lạp. Hades không được miêu tả như là một viên cai tù tàn ác của thế giới người chết, mà chỉ đơn thuần là thể hiện của sự nghiêm khắc, răn dạy, nhưng ông vẫn bị các vị thần ghét. Ông được loài người và các vị Thần coi là kẻ thù của sự sống.

Dưới địa ngục, ngoài Hades thì còn có Persephone, nữ thần mùa màng, là con gái xinh đẹp của Thần Zeus và Demeter. Hades đã yêu Persephone và quyết định phải chiếm được cô. Ông đã thỉnh cầu sự giúp sức của Gaia để bắt cóc cô gái xinh đẹp này về làm vợ. Persephone đã rơi vào kế hoạch của họ khi cô bị một bông hoa thủy tiên làm cho mê đắm. Loài hoa cám dỗ này là cây trồng của Gaia. Ngay khi Persephone vươn tay ra để hái nó, thì bỗng mặt đất nứt đôi, và Hades cưỡi cổ xe ngựa bằng vàng xuất hiện, bắt cóc nàng về địa phủ.




Hades cưỡi cổ xe ngựa bằng vàng xuất hiện, bắt cóc Persephone về địa phủ. (Ảnh: Wikipedia)

Khi mẹ của Persephone nghe tin về vụ bắt cóc, bà đã rất tức giận và bỏ công việc của Thần nông nghiệp để đi tìm con. Vì để xoa dịu cơn tức giận của bà, Zeus phái Hermes đến âm phủ truyền lại với Hades rằng, hãy giải phóng cho Persephone. Hades không dám trái lời anh trai, nhưng trước khi thả Persephone, ông đã đưa cho nàng quả lựu. Persephone luôn từ chối mọi đồ ăn thức uống từ khi đến âm phủ, nhưng do đã quá đói bụng, nàng lấy 4 hạt (hoặc 6 hạt) trong số 12 hạt có trong quả lựu để ăn.




Sau đó Persephone đã được đoàn tụ với mẹ của mình, Demeter, vị Thần nông nghiệp. Nhưng trong quy định của Thần, người đã ăn đồ ăn dưới âm phủ, sẽ phải thuộc về âm phủ. Và vì Persephone đã ăn lựu ở âm phủ nên nàng sẽ phải quay trở lại đó. Demeter phản đối kịch liệt, cho rằng Persephone đã bị ép buộc ăn lựu, nhưng bà cũng không dám cưỡng lại quy định của các vị Thần. Zeus sau đó đã đưa ra phán quyết rằng Persephone sẽ sống ở âm phủ theo số hạt lựu nàng đã ăn, tức là 1/3 (hoặc 1/2) của một năm. Persephone chẳng còn cách nào khác và đành phải kết hôn với Hades và trở thành nữ hoàng âm phủ.

Persephone đã được đoàn tụ với mẹ của mình, Demeter, vị Thần nông nghiệp. (Ảnh: Wikipedia)

Từ đó Demeter ngưng mọi công việc mùa màng khi con gái về dưới âm phủ. Lúc đó mùa màng sẽ khô héo và đây chính là sự khởi đầu cho mùa đông. Chỉ khi nào Persephone trở về hạ giới, vị nữ thần nông nghiệp mới vui mừng trở lại. Sự vui mừng của bà lan toả khắp mặt đất và tạo ra mùa xuân. Vì vậy, Persephone còn được nhiều người ví là nữ thần mùa xuân.

Ngoài Persephone, giúp việc cai quản thế giới linh hồn cho Hades còn có nhiều vị thần và hai vị quan tòa nổi tiếng công minh, chính trực, đó là Minos và Rhadamanthe. Ngoài ra còn có các nữ thần Erinyes với tính tình khắc nghiệt, tóc là những mớ rắn độc ngoằn ngoèo, tay cầm roi, tay cầm đuốc chỉ chờ lệnh của Hades là bay lên dương gian truy lùng, hành hạ những kẻ phạm tội bằng sự giày vò, ăn năn, bứt rứt, hối hận của lương tâm. Những kẻ phạm tội dù có trốn đi bất cứ nơi đâu cũng không thoát khỏi sự truy lùng và đòn trừng phạt của những nữ thần Erinyes. Họ suốt ngày đêm không được yên nghỉ, suốt ngày đêm lo lắng, bồn chồn, dằn vặt, khắc khoải. Ở dưới âm phủ, các nữ thần Erinyes cũng sẽ trừng phạt những vong hồn phạm tội sát nhân, bội bạc, bất nghĩa bất nhân bằng những ngọn roi đau buốt. Các nữ thần tra hỏi, bắt các vong hồn phải đau đớn, xót xa trước những lời sỉ nhục, mắng nhiếc của mình.

Ngoài Erinyes ra còn có Thần Chết Thanatos mặc áo khoác đen với đôi cánh đen rộng và dài, tay cầm gươm, thường có mặt ngay sau khi một người trần thế nào đó vừa tắt thở. Thanatos sẽ dùng gươm cạo tóc, khoét đầu để hút linh hồn.




 Người Hy Lạp xưa thường dâng rượu cúng và vật hiến tế các vị thần này để xoa dịu và tránh những cơn thịnh nộ từ họ. (Ảnh: Google)

Các nữ thần Kères thì luôn có mặt ở bãi chiến trường nơi các anh hùng, dũng sĩ phơi thây ngổn ngang. Cảnh tượng đó đối với người trần chúng ta thật là khủng khiếp nhưng với các nữ thần Kères thì là những bữa đại tiệc. Từ dưới âm phủ, họ giương đôi cánh đen nặng nề bay đến chiến địa, bám vào những vết thương say sưa uống hút chút máu nóng còn lại trong các thi hài tử sĩ. Linh hồn của những người tử trận cũng sẽ bị các nữ thần kéo, hút ra khỏi thể xác. Chính vì vậy, người Hy Lạp xưa thường dâng rượu cúng và vật hiến tế các vị thần này để xoa dịu và tránh những cơn thịnh nộ từ họ.




Thế giới người chết trong quan niệm của người Hy Lạp

Linh hồn của người chết tồn tại không mục đích trong địa ngục của người Hy Lạp, không hề hay biết về các hoạt động của người sống. Theo truyền thuyết kể lại, Khi ở Hades, các linh hồn sẽ không tiếp tục phát triển về mặt tinh thần và tâm lý của họ bị đóng băng. Người chết sẽ có ngoại hình giống như lúc họ còn sống và, nếu họ mất hết chân tay trong trận chiến, thì ở kiếp sau họ sẽ được sinh ra với hình dáng như thế. Việc cúng dường được thực hiện để xoa dịu người chết, và linh hồn sẽ rất tức giận nếu có bất kỳ kẻ nào có ác tâm đến gần mộ của họ. Đôi khi, ngay cả việc hiến tế máu cũng được thực hiện để xoa dịu những linh hồn bất mãn. Trong tác phẩm Odyssey của Homer, Odysseus phải cho máu của anh để có thể nói chuyện với người chết. Quà tặng trang sức, thực phẩm và quần áo thường được để lại cho người chết sử dụng trong thế giới của Hades.

Theo Homer, người ta tin rằng thời gian không tồn tại trong địa ngục của người Hy Lạp, mặc dù người chết nhận thức được quá khứ và tương lai. Theo đó, người sống chỉ có thể liên lạc với người chết nếu họ có thể trì hoãn cuộc sống và thời gian bình thường của mình để đến được Địa ngục.

Orpheus và Hades

Orpheus là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là một trong những đại thi hào, nhạc sĩ thuở sơ khai, là người sáng tạo ra (hoặc cải tiến) chiếc đàn Lyre. Tương truyền rằng những bài hát của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật, khiến cho đất trời, thần linh phải rơi lệ. Khi người vợ Eurydice của anh chết và xuống địa ngục, Orpheus quyết tâm giành lại mạng sống cho nàng. Anh đã dùng tài năng âm nhạc của mình để mê hoặc tất cả những người bảo vệ thế giới ngầm Hy Lạp và thuyết phục Hades và Persephone phóng thích cho Eurydice. Họ đã đồng ý với điều kiện không ai trong số hai người được nhìn lại trong khi rời khỏi địa ngục. Thoạt đầu Orpheus cũng làm theo lời dặn. Nhưng khi đã đi được một thời gian lâu mà Orpheus không nghe thấy tiếng bước chân và hơi thở của nàng Eurydice, chàng đánh liều quay đầu lại. Và rồi hình ảnh nàng Eurydice lùi thật nhanh về phía địa phủ rồi biến mất, nhanh đến nỗi Orpheus chỉ kịp gọi tên vợ lần cuối. Orpheus vội quay lại nhưng người lái đò địa phủ không cho phép chàng đến địa ngục lần nữa dù Orpheus đã quỳ ở đó đến 7 ngày 7 đêm.





Orpheus đã dùng tài năng âm nhạc của mình để mê hoặc tất cả những người bảo vệ thế giới ngầm Hy Lạp và thuyết phục Hades và Persephone phóng thích cho người vợ Eurydice. (Ảnh: Pinterest)

Khi trở về dương gian, Orpheus không còn quan tâm đến cô gái nào khác nữa, vì vậy mà chàng bị người ta xem là ngạo mạn. Và rồi trong một buổi lễ hội rượu nho của thần Dionysus, chàng đã bị một lũ đàn bà say rượu đánh đến chết và quẳng xác chàng xuống sông. Kỳ lạ thay, Orpheus chết mà đàn vẫn vang lên tiếng hát tha thiết, yêu thương…
Nguồn: TS

  • Dreamcatcher – Truyền thuyết về lưới bắt giữ giấc mơ
  • Cơ thể người là một tiểu vũ trụ: Trong lỗ tai là một thế giới rộng lớn
  • Nước sông khắp nơi lần lượt biến thành màu đỏ, lời tiên tri trong Kinh Thánh ứng nghiệm?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *