Dịch bệnh bắt nguồn từ một chủng virus chưa từng được biết đến.
Chỉ 3 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố dịch bệnh viêm phổi lạ do một loại virus mới ở thành phố Vũ Hán gây ra, con số bệnh nhân đã tăng lên 440 với 9 trường hợp tử vong. Những lo ngại liên tục gia tăng khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Mỹ lần lượt báo cáo các trường hợp dương tính với virus này.
Trước nguy cơ chủng virus Vũ Hán có thể lây lan trong dịp Tết Nguyên Đán, dưới đây là 8 điều quan trọng chúng ta cần biết về nó, bao gồm sự khởi phát của dịch, các con đường lây truyền virus, triệu chứng khi mắc phải và các cách thức để phòng tránh.
1. Dịch bệnh đã bắt đầu như thế nào?
Dịch bệnh viêm phổi lạ bắt đầu được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm 2019. Bệnh nhân khởi phát sớm nhất được cho là đã xuất hiện các triệu chứng từ ngày 12 tháng 12 bao gồm ho, sốt, khó thở. Phim chụp X-quang cho thấy các tổn thương xâm lấn ở cả hai bên lá phổi.
Tuy nhiên, phải đến tận ngày 31 tháng 12, Trung Quốc mới chính thức thừa nhận tình hình tại Vũ Hán, sau khi điều tra cho thấy virus dường như được phát tán từ Chợ hải sản Huân Nam. Các quan chức y tế địa phương báo cáo rằng virus có thể đã lây từ động vật sang cho các tiểu thương và người mua hàng tại chợ.
Chợ hải sản Huân Nam được mô tả là một khu vực “bẩn thỉu và lộn xộn” với hơn 1.000 gian hàng. Ngoài hải sản, chợ còn bán cả gà, sóc, thỏ, dơi và các động vật hoang dã khác. Chợ hải sản Huân Nam có điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nhồi nhét hàng ngàn con người với động vật sống và động vật đã giết mổ.
Đó là một cơ hội vàng giúp những con virus trên động vật, được gọi là zoonoses, nhảy sang, tiến hóa và lây nhiễm trên người.
2. Virus thủ phạm là một chủng hoàn toàn mới, chưa từng được biết đến
Sau khi sàng lọc và loại trừ các mầm bệnh đường hô hấp như cúm, cúm gia cầm, adenovirus, viêm phổi không điển hình truyền nhiễm (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), các nhà khoa học Trung Quốc cho biết chủng virus gây ra bệnh phổi bí ẩn là một chủng hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, họ đã xác định được chúng là những coronavirus, một nhóm virus phát ra quầng sáng dưới kính hiển vi giống với SARS và MERS. Nhiều virus thuộc gia đình coronavirus đã được biết đến là nguyên nhân gây các các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, từ nhẹ đến trung bình và nặng.
Theo công bố chính thức, chủng coronavirus được tìm thấy trong đợt bùng phát ở Vũ Hán tương tự như virus tiền thân SARS được tìm thấy ở dơi. Arnaud Fontanet, trưởng khoa dịch tễ học tại Viện Pasteur ở Paris, cho biết hai virus này chia sẻ 80% trình tự bộ gen.
Hiện tại, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố công khai toàn bộ kết quả nghiên cứu chủng virus mới với cộng động khoa học quốc tế. Vì chưa có tên gọi chính thức, virus hiện được ký hiệu là 2019-nCoV hoặc gọi tắt là virus Vũ Hán.
3. Virus Vũ Hán đã lây từ người sang người
Ngày hôm qua, Tân Hoa Xã chính thức phát đi lời cảnh báo của bác sĩ Chung Nam Sơn, giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Bệnh hô hấp tại Trung Quốc cho biết virus 2019-nCoV đã có thể lây nhiễm từ người sang người.
Ít nhất một ca bệnh ở Vũ Hán tại thời điểm đó đã được lây truyền từ một bệnh nhân khác chứ không phải động vật. Cùng với đó là 2 gia đình ở tỉnh Quảng Đông và 15 nhân viên y tế cùng chăm sóc một bệnh nhân duy nhất.
Bác sĩ Chung cho biết điều cần làm nhất lúc này là phải ngăn chặn được tình trạng siêu lây lan xảy ra. Siêu lây lan được định nghĩa là khi một vật chủ trở thành vật chủ có nguy cơ lan truyền mầm bệnh mạnh hơn các vật chủ khác.
Trong một số trường hợp, siêu lây lan tuân thủ theo nguyên tắc 20/80, nghĩa là chỉ 20% vật chủ siêu lây lan chịu trách nhiệm cho 80% các ca bệnh mới. Ứng vào tình hình ở Trung Quốc lúc này, bất kể một bệnh nhân mang mầm bệnh nào cũng có thể trở thành một vật chủ siêu lây lan.
4. Virus lây lan như thế nào, người dân có dễ dàng mắc bệnh hay không?
Phải nói rằng, chúng ta chưa biết chắc chắn các con đường lây lan của 2019-nCoV. Nhưng với việc xác định được nó thuộc vào nhóm coronavirus tấn công đường hô hấp, đây là một số kịch bản mà 2019-nCoV có thể lây nhiễm từ người sang người:
– Thông qua không khí cùng hít thở, khi bệnh nhân ho, hắt hơi
– Qua những tiếp xúc cá nhân, như bắt tay
– Thông qua vật trung gian, khi cả hai người đều chạm vào
– Thông qua phân (hiếm gặp)
Với việc có tới 15 nhân viên y tế cùng lây nhiễm từ một bệnh nhân, Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh T tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Hoa Kỳ cho biết 2019-nCoV có vẻ rất dễ lan truyền. Bởi rất hiếm khi các nhân viên y tế bị lây nhiễm từ bệnh nhân họ chăm sóc, với đầy đủ các thiết bị bảo hộ. Đây thường là một dấu hiệu cho thấy độ lây lan mạnh của mầm bệnh.
5. Hiện đã có bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu người tử vong?
Với số liệu được cập nhật vào sáng 22/1, Trung Quốc cho biết họ đã ghi nhận 440 trường hợp mắc bệnh ở quốc gia mình, 9 người đã tử vong cùng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Hàn Quốc ghi nhận 1 trường hợp nhiễm 2019-nCoV, là một phụ nữ đã đi du lịch tới Vũ Hán. Nhật Bản cũng ghi nhận một người đàn ông Trung Quốc làm việc tại nước này nhiễm bệnh.
Đài Loan hôm qua cũng đã xác nhận một phụ nữ 50 tuổi trở về từ Vũ Hán dương tính với virus. Trong khi đó, Mỹ xác nhận trường hợp đầu tiên sáng ngày hôm nay, một người đàn ông 30 tuổi trở về từ Vũ Hán. Thái Lan là quốc gia ngoài Trung Quốc ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus Vũ Hán nhất với 3 ca bệnh.
Hiện ngoài Trung Quốc, chưa có quốc gia nào báo cáo bệnh nhân tử vong.
6. Virus này chưa nguy hiểm bằng SARS
Mặc dù đang trở thành mối quan tâm sức khỏe lớn, virus Vũ Hán được cho là không nguy hiểm, hoặc chưa nguy hiểm bằng so với virus SARS. Dựa trên số liệu từ Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do 2019-nCoV hiện tại chỉ khoảng 2%, so với 10% của dịch SARS năm 2003.
So với bệnh SARS, các triệu chứng khi nhiễm virus Vũ Hán cũng nhẹ hơn. “Có thể có nhiều người bị nhiễm virut ngoài kia có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng”, Tiến sĩ Jeremy Farrar, giám đốc của Wellcome Trust, một tổ chức từ thiện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu cho biết. “Nếu đúng vậy thì chúng ta có thể có hàng ngàn người mang 2019-nCoV trong khi chỉ có một vài người chết, dịch bệnh này nhẹ hơn [so với SARS]”.
Đồng ý với điều này, bác sĩ Chung cho biết: “Thật khó để so sánh căn bệnh này với SARS. Nó nhẹ. Tình trạng [tổn thương nó gây ra ở] phổi không giống với SARS”.
Tuy nhiên, bản chất gây bệnh nhẹ hơn của 2019-nCoV tiềm ẩn nguy cơ nó sẽ lây lan rộng hơn. Giáo sư Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva, cho biết vì virus không gây ra các triệu chứng nặng và sớm, nó sẽ cho phép bệnh nhân mang mầm bệnh đi xa hơn và phát tán virus rộng hơn.
“Vũ Hán là một trung tâm lớn và trong dịp Tết Nguyên Đán, mọi người ở Trung Quốc di chuyển rất nhiều, chúng ta phải luôn duy trì mức độ quan ngại cao”, Jeremy Farrar nói. Trên thực tế, ước tính cho thấy sẽ có khoảng 3 tỷ chuyến đi được thực hiện ở Trung Quốc trong khoảng 40 ngày “xuân vận” từ 10/1 đến 18/2 tới.
7. WHO đang cân nhắc tuyên bố Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng
Khả năng virus Vũ Hán lan rộng hơn nữa là rất lớn, đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới đang tập hợp một hội đồng chuyên gia để họp vào thứ Tư, nhằm quyết định xem sự xuất hiện của 2019-nCoV có tạo nên tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng hay không.
Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng sẽ được ban hành khi một cuộc khủng hoảng y tế vượt qua biên giới nhiều nước, để biến thành một khủng hoảng y tế công cộng mang tính toàn cầu.
Theo WHO, PHEIC phải được tuyên bố khi có tình huống “bất thường”, “có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh”, “đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế” trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.
Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019.
8. Bạn cần làm gì để phòng tránh bệnh?
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Vũ Hán gây ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
– Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
– Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
– Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
– Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Nguồn: Trithuctre – Tổng hợp