Đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa: Tam Xường, tứ Hoả

Nếu căn cứ theo câu nói được dân gian lưu truyền “Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”, bá hộ Xường và chú Hoả – tứ Định xếp vị trí thứ 3, thứ 4 trong 4 đại gia giàu có nứt tiếng đất Sài Gòn xưa.

Tam Xường

Chân dung ông Lý Tường Quang và vợ được chụp từ tư liệu gia đình. (Ảnh: VTC News)

Báo Pháp Luật cho biết, ông Lý Tường Quan (1842 – 1896), tên thật là Phước Trai, được người đời gọi bởi danh xưng bá hộ Xường. Vị phú hộ này mang 2 dòng máu Hoa – Việt, tuy giàu có nhưng cuộc đời, sự nghiệp của ông được sách vở ghi chép không nhiều.

Theo sử tích ghi lại, cậu bé Tường Quan sớm bộc lộ tài năng hơn người từ khi còn nhỏ. Vốn là người hiếu học, ông nhanh chóng am hiểu nhiều ngôn ngữ; tinh thông cầm kỳ thi hoạ và được đề bạt, đảm nhận nhiều chức vụ trong chính quyền Pháp.

Năm 30 tuổi, khi đang làm Đốc phủ sứ đầy rẫy uy quyền, ông quyết định cáo quan về quê vì muốn để lại nhiều dấu ấn hơn cho đời. Thời điểm mới dấn thân vào chốn thương trường, Tường Quan kinh doanh thực phẩm, cho người thu mua cá và thịt từ các tỉnh lân cận rồi đem bán ở Chợ Lớn. Công việc phát triển, ông buôn bán thêm nhiều mặt hàng tươi sống, cá khô, mắm… và nhắm đến thị trường nước ngoài. 

Nội thất, cổ vật của vị đại gia hiện được đặt tại nhà thờ họ Lý, nằm trên số 292 đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5. (Ảnh: VTC News)




Với tài năng cùng sự khôn khéo, chẳng mấy chốc ông Tường Quan phất lên “như diều gặp gió”. Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, ông mở rộng thị phần ở nhiều địa phương khác. Những năm kinh doanh phát đạt, thương hiệu của ông phổ biến đến mức, đôi khi người ta thường nói với nhau: “1 nửa người dân miền Tây mua nhu yếu phẩm có nguồn gốc từ Tường Quan”. 

Tuy nhiên, tài sản của trở nên kếch xù kể từ khi ông bắt đầu kinh doanh bất động sản. Tận dụng các mối quan hệ từ hồi làm quan, ông mua được hàng loạt đất đai, biệt thự giá rẻ, sau đó bán thu lời. Có thể nói, bất động sản của ông chiếm gần như 1 nửa vùng Chợ Lớn, lan rộng sang cả khu vực Gia Định. Thời điểm hiện tại, khắp Sài Gòn vẫn tồn nhiều kiến trúc khang trang, đồ sộ mang dấu ấn ngài bá hộ Xường. 

Tứ Hỏa

Tứ Hoả, hay chú Hoả là danh xưng của ông Hứa Bổn Hỏa (1845 – 1901), người gốc Hoa và theo đạo Công giáo giống ông Lê Nhứt Sỹ. Tri thức & Cuộc sống cho hay, tuy xếp thứ 4 nhưng ông lại là người sở hữu nhiều giai thoại, để lại nhiều dấu ấn nhất so với 3 người người còn lại. Trong đó, phải kể đến cái tâm sáng, luôn hướng đến cộng đồng của ông.

Dãy nhà của dòng họ chú Hoả, toạ lạc tại Q.1 vẫn còn tồn tại đến ngày nay. (Ảnh: Tri thức & Cuộc sống)




Theo một số ghi chép, chú Hỏa từng có thời gian kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu. Có người đồn rằng, chú Hoả may mắn nhặt được vàng khi đi nhặt ve chai, mua được bức tượng đồng bên trong chất vô số vàng. Số khác lại truyền miệng, khẳng định ông mua trúng đồ cổ… Tuy chưa có thông tin nào được xác thực, song hầu như mọi giai thoại đều cho thấy ông là người cần mẫn, chăm chỉ và chịu khó, biết tận dụng lợi thế của bản thân để kinh doanh.

Biệt thự của gia đình ông Hứa Bổn Hoả, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Thời điểm tìm hiểu lĩnh vực buôn bán nhà đất, vị đại gia nhanh chóng phát hiện tiềm năng của 1 khu vực đất đai hoang phế. Sau đó, ông lên kế hoạch san lấp đống ao hồ xung quanh để dựng lên chợ Bến Thành mới. Khi chợ được hoàn thành, ông nghiễm nhiên có trong tay đến 20.000 nền nhà trong khu đất vàng, sau đó biến chúng thành 20.000 ngôi nhà mặt phố rồi cho thuê.


Khách sạn Majestic – 1 trong số tài sản được dòng họ của chú Hoả gửi tặng chính quyền. (Ảnh: Tri thức & Cuộc sống)

Không dừng ở đó, vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông thành lập “Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con”, dấn thân vào lĩnh vực xây dựng. Không chỉ xây dựng lên các dinh thự riêng, ông còn xây hàng loạt dãy phố, công trình cộng đồng, sau đó hiến tặng chính quyền. Có thể điểm qua một số công trình như: Nhà khách Chính phủ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5) và trường THCS Minh Đức (Q.1)… cùng nhiều khách sạn nổi tiếng khác.

Dù hàng trăm năm trôi qua, song tên tuổi của ngài bá hộ Xường và chú Hoả vẫn khiến thế hệ sau đặc biệt quan tâm.

Nguồn: Yan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *