Thế giới hình thành như thế nào? Sự sống bắt đầu từ đâu? Nhân loại từ đâu đến? Nhân loại sẽ đi về đâu? Những câu hỏi từ thiên cổ này khiến nhân loại trở nên bối rối không có lời giải đáp. Để tìm câu trả lời, hãy quay trở về với truyền thuyết sự hình thành thế giới của các dân tộc.
Nước nguyên thủy là chất liệu để các vị thần sử dụng sáng tạo ra thế giới (Ảnh: Akash Sonker Pxhere)
Hầu như tất cả thần thoại truyền thống và dân gian trên thế giới cổ đại đều nói về thuở sơ khai và sự hình thành Trái đất. Các câu chuyện này vô cùng đa dạng và thường phản ánh tâm lý chung của dân tộc. Có một mô típ quan trọng xuất hiện trong tất cả các nền văn hóa cổ đại từ Mexico và Peru đến Ai Cập và Sumeria là: “nước nguyên thủy”.
Những đặc trưng nguyên thủy thường hỗn loạn, đảo lộn, và bất quy tắc. Chúng được mô tả nhất quán giữa các nền văn hóa truyền thống cổ xưa và thường được dân gian hiện nay gọi là ’Đại dương vũ trụ’. Thay vì sắp xếp các mô típ lại và làm nổi bật những điểm tương đồng bề mặt giữa chúng, chúng ta hãy tìm kiếm ý nghĩa chung đằng sau các câu chuyện để hiểu biết về nước nguyên thủy và sự hình thành thế giới. Nói cách khác, như nhà nhân chủng học Walter Evans-Wentz đã khuyên các sinh viên nghiên cứu thần thoại vào năm 1911:
“Khi nghiên cứu tôn giáo hoặc câu chuyện thần thoại, chúng ta nên tìm ra các điểm tương đồng giữa chúng, cho thấy mối liên hệ cơ bản để hợp nhất các hệ thống niềm tin và tâm linh; nhưng điều quan trọng hơn là phải cố gắng hiểu tại sao có sự tương đồng như vậy, ví dụ như những đạo lý chung đằng sau chúng”.
Nước nguyên thủy trong các nền văn hóa
Xuất hiện trong các thần thoại về sự hình thành thế giới cổ đại, nước nguyên thủy thường biểu hiện trạng thái hỗn loạn và mất kiểm soát. Trong nhiều thần thoại kiểu này, các tác động hình thành thế giới tương đồng với việc thiết lập trật tự cho sự hỗn loạn, hay nói cách khác là phân chia những vật chất nước vô trật tự đó thành các dạng thức hoàn chỉnh sau này.
Người Babylon có lưu truyền thần thoại về “sự hình thành thế giới người Babylon” hay Enûma Elish, rằng không có gì tồn tại ngay từ đầu ngoài Apsu và Tiamat nguyên thủy “hỗn loạn” không hình dáng, có mang nhân cách cả nam tính và nữ tính. Người Ai Cập gọi sự vô trật tự mang tính nước này là “nu”, hay “nun”, một trạng thái vô cùng dễ dàng để xuất hiện các gò đất nguyên thủy đầu tiên.
Thần thoại của Ấn Độ giáo về sự hình thành thế giới cũng mô tả một vùng biển nguyên thủy. Vị thần Vệ đà Prajapati xuất hiện từ vùng nước nguyên thủy và nói “ta sinh ra vì hình thái này cần sự hỗ trợ” (tạm dịch) ám chỉ sự rối loạn không định hình của các đại dương cổ đại.
Trong một câu chuyện khác, Prajapati được sinh ra từ một bông hoa sen nở rộ nổi trên mặt nước nguyên sinh. Theo truyền thống Vaishnava, vị thần tối cao Narayana, có tên là “người nghỉ ngơi trên nước” (tạm dịch), đã khởi đầu một chu kì sáng tạo thế giới trong khi mơ về “Đại dương sữa” (Ocean of Milk) nguyên thủy.
Cách nửa vòng trái đất, người dân Mixtec bản địa ở Mexico cũng mô tả trạng thái vô hình vô dạng của “bóng đêm” lỏng khi mới hình thành. Câu chuyện do Garcia dịch trong cuốn Origin de los Indias như sau: “Thuở xa xưa, thời còn hỗn nguyên, thế giới chìm trong bóng tối. Tất cả mọi thứ đều không mùi, và một thứ nước bao phủ tạo thành những chất bùn nhờn và dần dần sau đó đất phát lộ ra”.
Những câu chuyện hình thành thế giới của người Polynesia cũng đề cập đến nước nguyên thủy như là vật chất bản nguyên duy nhất có trước. Chẳng hạn, một câu chuyện cổ nói về vị thần Sáng thế Ta’aroa sinh ra từ một quả thiên trứng vũ trụ đặt trên mặt nước nguyên thủy, từ đó khởi đầu sự hình thành thế giới.
Các vị thần nguyên thuỷ hoặc các vị thần khác thường xuất hiện theo trình tự. Điều đó cho thấy các mô hình tự nhiên và chu kỳ hình thành thế giới được chia thành từng lô, duy trì bởi một trí tuệ thần thánh và sáng tạo. Trong các văn tự Kim tự tháp, các văn tự tôn giáo Ai Cập thuộc Vương triều thứ 5-8 ở Saqqara, thần Ra (thần Mặt trời và là vị thần tối cao) đã hạ giới và bình ổn nước, “đặt trật tự thay cho sự hỗn loạn”.
Thần Ra, thần Mặt trời và là vị thần tối cao đã xuống sắp xếp lại, quản trị Nước nguyên thủy để sáng tạo ra thế giới, theo người Ai Cập cổ đại (Ảnh: Jeff Dahl/Wikipedia CC BY-SA 4.0)
Đối với người Ai Cập, trật tự đồng nghĩa với Maat, khái niệm liên quan chặt chẽ đến sự thật và công lý. Bằng cách chinh phục nước, thần Ra đã thiết lập quyền lực tối cao của Maat. Vùng nước nguyên thủy hỗn loạn, mặc dù đã bị đánh bại nhưng đứng đối lập với Maat. Câu chuyện thần thoại này như một lời nhắc nhở con người về mối đe dọa liên tục của sự mất trật tự với trình tự mà các Pharaoh bảo vệ.
Nước nguyên thủy trong các thần thoại sáng thế thường xuất hiện tính chất hai mặt. Một mặt, chúng biểu thị trạng thái hỗn độn, không thể dự đoán được xu hướng và chu kỳ. Mặt khác, chúng đại diện cho tiềm năng vô hạn, là công cụ để Đấng sáng thế tạo ra vạn vật. Trong bài viết năm 2014 của mình trên tạp chí Khảo cổ học và Khảo cổ học Địa Trung Hải, nhà nghiên cứu Michael Rappenglück đã mô tả tính chất hai mặt của nước, trạng thái nguyên thuỷ của vũ trụ như sau: “Tính chất nguyên thủy không phân hóa của nước có khả năng sáng tạo và tái sinh thế giới, nhưng cũng có khả năng hấp thụ và hủy diệt các thực thể”.
Thần chú để chinh phục Nước nguyên thủy
Trong các thần thoại liên quan đến đại dương nguyên thủy, thần chú được coi là công cụ thần thánh quan trọng để sắp xếp, quản trị nước và bắt đầu quá trình sáng tạo thế giới. Có lẽ những ví dụ quen thuộc nhất của mô típ này đến từ Kinh thánh và thần học Hồi giáo.
Trong cuốn đầu của Kinh Cựu ước – phiên bản Kinh Thánh về vùng nước nguyên thủy vô hình và trống rỗng (1: 2 KJV) – có viết, Chúa “đã di chuyển trên mặt nước” (tạm dịch). Để bắt đầu sáng tạo thế giới, Chúa đã nói lời đầu tiên của mình – “Hãy ban ánh sáng” (1:3), thông qua đó quá trình thiết lập trật tự cho Trái đất và các vùng nước từ sức mạnh bắt đầu. Qur’an cho biết rằng Allah “đã tạo ra mọi sinh vật từ nước”, (21:30). Để sáng tạo ra vạn vật, Allah nói với Trái đất và bầu trời, yêu cầu chúng “hãy phối hợp cùng nhau, dù là tự nguyện hay không tự nguyện” (tạm dịch) (41:11).
Trong Kinh thánh, Chúa đã mang nước và ánh sáng đến Trái đất bằng câu thần chú. (Ảnh: Vitaliy Green Pxhere)
Trong câu chuyện sáng tạo thế giới của người Babylon, Ea đã niệm một câu thần chú mạnh mẽ, “thần chú thuần khiết (hoặc trắng tinh hoặc thần thánh)” để kết thúc nước nguyên thủy dữ dội của Apsu.
Theo Meek và Favard-Meek viết trong quyển Cuộc sống hàng ngày của các vị thần Ai Cập, câu chuyện về thần thoại sáng thế của Ai Cập đã được bảo tồn trong một bản giấy cói từ thời cổ đại ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Vị thần đứng đầu Thoth đã sử dụng sức mạnh của thần chú để thực hiện quá trình sáng tạo thế giới như sau:
“Ta là Thoth, chủ nhân của những lời thần thánh … Ta biết những gì được che giấu trên bầu trời không thể tiếp cận trên trái đất và ẩn trong Đại dương nguyên thủy. Ta là Thần tạo ra bầu trời, nhân loại có nguồn gốc từ núi…, ta tạo ra các vị thần và con người sinh sống”.
Các câu thần chú được bảo tồn trong truyền thuyết Lakota. Một câu chuyện chứng thực được rằng Đấng tối cao sử dụng sức mạnh của bài hát theo một cách đặc biệt để nhào nặn và định hình bùn, sau đó đưa vào nước để tạo ra vùng đất khô.
Hơn nữa, những lời cầu nguyện của người Peru đã tuyên bố: Đấng sáng thế đã niệm câu thần chú, hay ‘ñisca’, cho sự hình thành thế giới: “Hãy là trái đất và thiên đàng, hãy là ngày, hãy là đêm”,… Trong nghiên cứu Thần thoại Đại dương năm 1916, nhà nhân chủng học người Mỹ Roland Dixon đã so sánh câu chuyện này của Peru với một huyền thoại sáng thế của người Maori:
“Lo cư ngụ trong không gian rộng lớn.
Vũ trụ chìm trong bóng tối, với nước ở khắp mọi nơi,
Không có ánh bình minh, không rõ ràng, không ánh sáng.
Và ngài bắt đầu phán – ‘Bóng tối! Hãy trở thành một bóng tối mang theo ánh sáng’.
Và ngay lập tức ánh sáng xuất hiện.”
Các nền văn hoá cổ đại khắp thế giới đều coi việc sử dụng thần chú như một cơ chế trọng yếu để sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta không thể liệt kê ra tất cả câu thần chú. Tuy nhiên, tìm hiểu những ví dụ thần thoại trên đã đủ cho chúng ta nhận ra Đấng sáng thế luôn dùng sức mạnh của thần chú để thiết lập trật tự cho nước nguyên thuỷ.
Nghiên cứu sâu hơn sẽ thấy rằng sức mạnh sáng tạo của thần chú đã đi vào tập tục xã hội và tôn giáo truyền thống của các nền văn hóa, từ những câu hát phép thuật hoặc câu nói trong văn tự Kim tự tháp cho đến những lời nguyền và lời chúc phúc của thơ ca Celtic. Thực tế này chứng minh một niềm tin to lớn rằng thần chú có thể tiếp tục thay đổi thế giới vật chất như trong quá trình sáng tạo thế giới.
Văn tự Kim tự tháp được ghi trên tường phòng kín ở Kim Tự Tháp Teti’s, Saqqara. (Conscious / Public Domain )
Tại sao là nước?
Như chúng ta đã thấy, Nước nguyên thủy đại diện cho các khái niệm tương đối nhất quán giữa các nền văn hóa cổ đại và đóng một vai trò quan trọng, nền tảng trong thần thoại sáng tạo thế giới, nhưng tại sao nước lại cần thiết làm ‘chất liệu’ nguyên thủy để sáng tạo thế giới, thành phần cơ bản của vũ trụ?
Theo Aristotle’s ‘ Metaphysics’ (Siêu hình’ của Aristotle), Thales – nhà triết học Hy Lạp – tin rằng nguyên lý căn bản chính là nước. Ông nhận thức như vậy là do quan sát được chất dinh dưỡng của mọi sinh vật đều ẩm ướt, cũng như nhiệt lượng được tạo ra và duy trì bởi độ ẩm đó.
Trong cùng tác phẩm trên, Aristotle đưa ra một quan sát thú vị khác: gắn nước đối với sự hình thành các vị thần và quá trình sáng tạo thế giới: “Một số người nghĩ rằng thậm chí những người cổ đại, và những hình thái đầu tiên các vị thần tạo ra, đều có chung bản chất; họ sáng tạo ra Oceanus và Tethys như cha mẹ của các vị thần nguyên thủy, và mô tả lời thề của các vị thần được tạo ra từ nước, đặt tên là Styx….”
Bản chất thần bí tự nhiên của nước khiến nó được sử dụng trong các nghi thức thanh tẩy, rửa tội cho đến sự hoà hợp với các kiến trúc linh thiêng. Người ta cho rằng nhiều ngôi đền trên khắp Cận Đông được xây dựng trên các con suối tự nhiên, một trong số các con suối đó hiện nay vẫn đang chảy ra từ các ngôi đền.
Những con suối này đại diện cho nước nguyên thuỷ trong khi những ngôi đền phía trên chúng biểu thị trật tự của vũ trụ, và là nơi ở của các vị thần. Chẳng hạn, nhà sử học La Mã Tacitus mô tả Đền thờ Jerusalem được xây dựng trên một con suối không thể cạn kiệt, trong khi Eusebius đã viết rằng ngôi đền có chứa “một dòng suối dồi dào tự nhiên từ bên trong nó”.
Các đền thờ nữ thần Mesopotamian Ishtar cũng được xây dựng ở miệng suối tự nhiên, cho thấy mối quan hệ giữa nữ thần với dòng nước của sự sống. Đền thờ Apollo ở Didyma cũng vậy, được xây dựng để bao quanh miệng của một con suối, mang sức mạnh phi thường cho ngôi đền.
Một ví dụ khác xuất phát từ kiến trúc đền thờ của Ấn Độ cổ đại, nơi các hồ chứa nước đặc biệt gọi là ‘kalyani’, được duy trì trong các quần thể đền thờ để thực hiện nghi thức rửa tội trước khi cầu nguyện.
Đền Apollo tại Didyma. (Hekataios von Milet / CC BY-SA 4.0 )
Hiểu về nước nguyên thủy như một mô típ trong các huyền thoại sáng thế mang đến cái nhìn sâu sắc hơn đối với mỗi nền văn hóa cổ đại, và chia sẻ nhận thức về bản chất của thế giới thuở sơ khai.
Nó cũng cung cấp một thước đo sự hiểu biết về kiến trúc và phong tục xuất phát từ sự tôn kính nước nguyên thủy, và đặt ra câu hỏi liên quan đến sự liên hệ giữa các nền văn hóa và sự truyền bá văn hóa.
Quả thực, Nước được xem là nguồn gốc của sự sống, và không có gì ngạc nhiên khi trong thần thoại nó trở thành nguyên liệu cơ bản được Sáng thế chủ sử dụng tại thời điểm sáng tạo thế giới.
Những truyền thuyết này có cùng một ý nghĩa, thậm chí với cả những nền văn hóa cách nhau cả nửa địa cầu. Nhưng nguyên nhân cho những điểm tương đồng này vẫn là chủ đề tranh cãi “nảy lửa” của các nhà khoa học kể từ khi coi thần thoại học so sánh như một lĩnh vực/môn học.
Nguồn: NTDVN/Ancient Origin