Dã nhân Bigfoot phiên bản Úc: Truyền thuyết bí ẩn về một bộ lạc người lông lá

“Những con người lông lá” đã từng chia sẻ khu vực sinh sống với một bộ lạc khác tại cảng Sydney, họ là ai? Liệu truyền thuyết về dã nhân có phải sự thật?

(Ảnh: Rich Jones)

Năm 1804, cuốn sách “Địa lý hiện đại – một miêu tả về các đế chế, vương quốc, quốc gia và thuộc địa: với đại dương, biển và đảo nhỏ: ở tất cả các khu vực trên thế giới” đã được công bố bởi tác giả John Pinkerton. Cuốn sách có bình luận về một nhóm thổ dân bản địa từng chia sẻ khu vực sinh sống tại cảng Sydney với một bộ lạc khác. Họ được miêu tả là những người có mũi tẹt với lông mũi dài; lông mày dày cùng cặp mắt hõm. Miệng của họ ‘rất rộng’ với cặp môi dày và quai hàm nhô ra. Những thổ dân bản địa coi họ là một chủng người hoàn toàn khác, và gọi họ là Yahoo hay Yowies, có nghĩa là “những người lông lá“.

Hai nhóm người Yowie ở Úc

Bức tượng một Yowie ở thị trấn Kilcoy, Queensland, Úc. (Ảnh: Wikimedia)

Bộ lạc Kuku Yalanji ở khu vực nhiệt đới phía Bắc nước Úc tin vào sự tồn tại của loài sinh vật này. Họ tuyên bố đã từng chung sống với người Yowie trong nhiều thế kỷ và đã có một lịch sử lâu dài, chi tiết về việc bị người Yowie tấn công trong các truyền thuyết của họ. Một chủng loài tương tự như Yowie cũng được các bộ lạc thổ dân da đỏ ở khu vực Bắc Mỹ mô tả, và được họ gọi là người Sasquatch.




Các tư liệu lịch sử có đề cập đến hai nhóm Yowie ở Úc, trong đó chủng loại nổi tiếng nhất là người Gigantopithecus. Đây là chủng người lớn hơn được cho là có thể cao từ 1,8 – 3 m, và nặng đến 450 kg. Yowie được miêu tả là một loài sinh vật bí ẩn, trông giống như một người khổng lồ phủ đầy lông lá với những móng vuốt thay cho các ngón tay. So với người Sasquatch ở Bắc Mỹ, Yowie được cho là có một gương mặt và cái đầu giống động vật linh trưởng hơn, và họ có thể đứng thẳng. Họ cũng được miêu tả là có tính cách khá hung dữ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn đối với con người. Chủng loại người Yowie còn lại được miêu tả là có tầm vóc nhỏ hơn, cao khoảng từ 1,2-1,5 m. Trong các bức bích họa tại hang động địa phương, chủng loài này đã được miêu tả là các cá thể lông lá, cao lớn bên cạnh các thổ dân bản địa có vóc dáng nhỏ gọn.

Chạm trán với Yowie – Những vụ việc trong lịch sử

Các cuộc chạm trán giữa người châu Âu với Yowie được cho là đã bắt đầu khi Hạm đội đầu tiên của Anh (First Fleet – bao gồm 11 người) cập cảng thành phố Sydney vào năm 1788. Trong giai đoạn thuộc địa ban đầu, các thổ dân thường cảnh báo những người nhập cư từ Anh phải cẩn thận trước một loài sinh vật lông lá giống khỉ ẩn nấp trong các dãy núi gồ ghề và các khu rừng sâu bên trong lục địa. Một sự kiện từng được báo cáo về London trong một bức thư vào năm 1820 đã kể về cuộc chạm trán trong một chuyến đi săn vào năm 1789 của một nhóm các tù nhân và thủy thủ. Nhóm người này đã săn được rất nhiều chuột túi, và khi đang trên đường trở về nơi trú ẩn, họ nhìn thấy một loài sinh vật bên trong các bụi cây trên sườn đồi lân cận đang quan sát họ. Họ tuyên bố rằng loài sinh vật này có chiều cao gấp hai lần người bình thường.




Cảnh tượng hạm đội đầu tiên (First Fleet) cập cảng Sydney, Úc vào năm 1788. (Ảnh: NewStars)

Vụ chạm trán đầu tiên ở khu vực phía Nam nước Úc đã được ghi nhận trên đảo Phillip, Victoria, vào năm 1849. Trong sự kiện này, một số người đã trông thấy một loài sinh vật, được cho là có chiều cao khoảng chừng 1,8 đến 2,1 m. Người ta kể lại rằng khi loài sinh vật này đang ngồi bên bờ hồ thì bị người dân nổ súng bắn.

Có lẽ một trong những vụ chạm trán kỳ lạ nhất và đã làm dấy lên nhiều tranh cãi nhất, là một bức ảnh chụp vào năm 1936. Đây là một trong hàng loạt bức ảnh được chụp bởi Rich Jones trong khi ông đang làm việc tại một trại đốn gỗ biệt lập ở Batlow, bên trong dãy núi tuyết của bang New South Wales, cách Sydney 450 km về phía Tây-Nam. Bức ảnh dường như cho thấy một sinh vật khổng lồ đang ngồi với bàn tay đặt trên đùi, ở đằng sau hai người đàn ông đang ngồi trên một khúc gỗ mới đốn. Các kết quả phân tích bổ sung của bức ảnh này cho thấy phần đầu của loài sinh vật này đang nhìn xuống phía dưới. Nhưng cũng có người cho rằng đây chỉ là một hiệu ứng sinh ra do sự sắp xếp tình cờ của cây cối.




Bức ảnh gây nhiều tranh cãi về vụ chạm trán với dã nhân (Ảnh: Rich Jones)

Một trường hợp nổi tiếng khác đã xảy ra vào tháng 12/1979 khi một cặp vợ chồng địa phương, tên là Leo và Patricia George, đi vào rừng thám hiểm và bắt gặp xác chết của một con chuột túi. Họ cho biết thủ phạm của vụ việc chỉ đứng cách đó khoảng hơn chục mét, và miêu tả một loài sinh vật cao đến tận 3 m, thân mình phủ đầy lông lá, đang đứng lại để nhìn chằm chằm vào họ trước khi biến mất hút vào rừng cây.

Một số sinh vật từng gây tranh cãi ở Úc đã được xác nhận

Bức tranh một con thú mỏ vịt, của John Lewin, New South Wales, Úc (1808). (Ảnh: Wikipedia)




Yowie không phải là loài sinh vật duy nhất trong lịch sử nước Úc từng bị đặt nghi vấn về tính chân thực. Khi những người định cư châu Âu gửi một mẫu vật của loài thú mỏ vịt về London, các nhà khoa học đã rất kinh ngạc trước một loài động vật có vú, đẻ trứng, có mỏ của vịt, đuôi của hải ly, và chân của rái cá, nên đã kết luận đây là một món đồ giả mạo. Chỉ khi có thêm nhiều mẫu vật khác xuất hiện thì giới khoa học mới thừa nhận tính chân thực của loài động vật này.

Các vụ chạm trán với Yowie ngày nay

Ngày nay, các vụ chạm trán với Yowie thường xảy ra ở phía Nam và trung tâm khu vực bờ biển của bang New South Wales và thành phố Gold Coast ở bang Queensland của Úc. Trong đó, vùng núi Blue Mountain gần thành phố Sydney là một điểm nóng.

Trang bìa cuốn sách “Yowie: Hành trình tìm kiếm Bigfoot phiên bản Úc” (Ảnh: Google Book)




Một chuyên gia về dã nhân, ông Rex Gilroy, tuyên bố rằng mình đã nghiên cứu hơn 3.000 trường hợp và cho rằng Yowie có mối liên hệ với dã nhân Bigfoot ở Bắc Mỹ. Ở Bắc Mỹ đã có hàng nghìn vụ chạm trán dã nhân Bigfoot trong thời kỳ lịch sử hiện đại (3.313 vụ trong vòng 92 năm theo số liệu đươc thu thập từ một trang web). Nhiều nghiên cứu của ông Gilroy được đăng tải trên các tờ báo và tạp chí vào những năm 1970 đã giúp công chúng lần đầu tiên được tiếp cận với chủ đề này. Dù đã có rất nhiều vụ chạm trán được báo cáo bởi nhiều nhân chứng khác nhau, một số nhà nghiên cứu cho rằng bằng chứng về Yowie là chưa đủ thuyết phục và có lẽ loài sinh vật huyền thoại này chỉ là một trò bịp bợm.

Bản đồ các vụ chạm trán Dã nhân Bigfoot ở khu vực Bắc Mỹ, được lập vào năm 2008 (Ảnh: Wikimedia)

Năm 2006, một quyển sách chứa đựng tất cả mọi điều cần biết về Yowie đã được xuất bản với tiêu đề, Yowie: Hành trình tìm kiếm Bigfoot phiên bản Úc (The Yowie: In Search of Australia’s Bigfoot) bởi hai tác giả Tony Healy và Paul Cropper. Healy và Cropper thừa nhận rằng không có nhiều bằng chứng ủng hộ sự tồn tại của một loài sinh vật như vậy. Chưa có một mảnh xương nào được tìm thấy, các dấu chân cũng rất hiếm, đồng thời có rất ít thước phim hay ảnh chụp về nó, cũng giống như với hiện tượng dã nhân Sasquatch ở Bắc Mỹ.


Một số các phiên bản khác của dã nhân

Có rất nhiều các câu chuyện về những loài sinh vật lớn, có lông lá trong các truyền thuyết và truyện dân gian của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Được gọi là “Yeti” trên dãy Himalayas, “Dã nhân” ở Trung Quốc, “Almas” ở Mông cổ, “Kapre” ở Philippines, và “Người rừng” ở Việt Nam, danh sách các quốc gia có các câu chuyện kể về người khổng lồ lông lá cư trú ở các vùng xa xôi của quả Địa cầu là nhiều không đếm xuể. Úc chỉ là một khu vực mà những vụ chạm trán với loài sinh vật huyền thoại kiểu Bigfoot ít được biết đến hơn mà thôi.

Nguồn: DKN – Tác giả: Bryan Hill, Ancient Origins.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *