Cuộc đời “phù thủy toán học”: bộ óc thiên tài siêu phàm nhất lịch sử

“Máy tính sống”, “thiên tài toán học”, “người phụ nữ thông minh nhất thế giới”, đó là những mỹ từ mà giới khoa học dành tặng cho người phụ nữ sở hữu bộ não thuộc hàng siêu việt với khả năng xử lý những phép toán nhanh hơn cả máy tính

boocsieupham

 

“Phù thủy toán học” Ấn Độ Shakuntala Devi.

Tài năng thiên bẩm

Shakuntala Devi sinh ngày 4/11/1929 trong một gia đình không mấy dư dả ở Bangalore (Ấn Độ). Cha cô là nghệ sĩ xiếc chuyên trình diễn những màn đi trên dây, xích đu hay huấn luyện thú dữ. Trong những năm đầu đời, Devi không được đến trường, thậm chí ăn cũng không đủ no vì điều kiện gia đình rất khó khăn.




Vậy nhưng, khi mới 3 tuổi, cô bé này đã thể hiện khả năng đặc biệt với những con số. Cha cô là người đầu tiên phát hiện ra năng lực của con gái khi ông ngồi chơi bài với cô nhưng ông liên tục thua. Devi thắng cha là nhờ khả năng ghi nhớ tất cả các con bài.

Lên 5 tuổi, cô bé Devi đã trở thành chuyên gia trong việc xử lý các con số. Phát hiện tài năng của con gái, cha mẹ Devi đã cố gắng cho Devi đi học nhưng họ không đủ khả năng, vì thế cô bé phải bỏ học và dùng khả năng “trời phú” theo chân cha trong các show diễn xiếc của ông, sử dụng khả năng toán học để kiếm tiền lúc mới 6 tuổi.

“Tiếng lành đồn xa”, từ đây, không ít nhà toán học đã phải sửng sốt trước tài năng xuất chúng của Devi.

Devi đã thể hiện trình độ tính toán siêu việt của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ các trường đại học, show diễn trong nhà hát kịch hay các chương trình phát thanh, truyền hình.

Năm 1977, Devi đã khiến cả thế giới phải choáng váng khi có thể tính căn bậc 2, 3 của một số có hơn 100 chữ số chỉ trong 50 giây – nhanh hơn 12 giây so với khả năng tính toán của 1 chiếc máy tính nhanh nhất thời điểm bấy giờ. Thậm chí, khi được đưa 1 ngày nào đó bất kỳ trong thế kỷ trước, bà cũng có thể đọc được chính xác các ngày đó là thứ mấy, và nằm trong tuần nào chỉ trong vòng vài giây.




Năm 1980, khi đến thăm Đại học Imperial ở London, Anh, Devi đã khiến các giáo sư và sinh viên ở đây ngả mũ kính phục vì tài năng của bà. Trong vòng 28 giây, “máy tính sống” đã đọc chính xác kết quả của phép nhân 2 số 13 chữ số.

Với khả năng tính toán nhanh hơn máy điện tử mà không phải chuẩn bị trước, tên của bà đã được ghi tên trong cuốn Guiness Book of World Records (Cuốn sách ghi các thành tích kỉ lục trên thế giới).

Bí mật bên trong bộ óc siêu phàm

Từ nhỏ, Shakuntala Devi cứ tưởng rằng việc giỏi những con số là chuyện đương nhiên nhưng khi lớn lên, bà hiểu rằng không phải ai cũng giỏi như bà.

Trong một bài nghiên cứu về Devi trên tạp chí khoa học năm 1990, Arthur R. Jensen, một nhà nghiên cứu về trí thông minh con người ở Đại học California, Berkeley đã lưu ý rằng, không giống như những nhân vật thiên tài khác, Shakuntala Devi không hề có xu hướng cô lập, tự kỷ mà rất hướng ngoại, niềm nở và dễ gần.





Jensen nhận xét rằng: “Với Devi, các con số như là ngôn ngữ mẹ đẻ của bà, trong khi đa số chúng ta học toán như một loại ngoại ngữ khó. Tuy nhiên, để có được thành công của mình, bà đã phải đánh đổi nhiều thứ và rèn luyện trí não rất nhiều khi còn là một đứa trẻ”.

Shakuntala Devi từng nói: “Tôi tin rằng những thành tích của loài người là quan trọng nhất, điều đó chứng tỏ con người vẫn còn siêu việt hơn máy móc. Thế giới còn chưa hiểu hết được khả năng của trí tuệ con người, nó vô cùng, tôi đã chứng tỏ cái khả năng ấy”.

Ngày 21/4/2013, “máy tính sống” Shakuntala Devi qua đời ở tuổi 83 sau khi gặp các vấn đề liên quan đến tim và đường hô hấp, khép lại cuộc đời oanh liệt của nữ thiên tài thông minh nhất thế giới.
Theo Huyền Anh (Tổng hợp) (Dân Việt)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *