Hầu như tại tất cả các độ tuổi, ngay cả ở những ngưỡng tuổi rất bé, cũng đều có thể xuất hiện các thần đồng, thiên tài bẩm sinh trong nhiều lĩnh vực. Trong số những thiên tài nhí ấn tượng nhất từng được ghi nhận, có lẽ không thể không nhắc đến Christian Friedrich Heineken; cậu bé được mệnh danh “giáo sư xứ Lubeck” khi mới chỉ lên 4 tuổi.
Sinh ngày 6/2/1721 tại thành phố Lubeck, phía bắc Đức, Christian Friedrich Heineken đã được công nhận là một trong những đứa trẻ thông minh nhất trong lịch sử nhân loại, tuy chỉ sống được hơn 4 năm. Chuyện kể rằng cậu từng được gặp nhà vua Đan Mạch và đã trò chuyện lưu loát 4 thứ tiếng.
Tài năng cậu vô cùng vượt bậc. Nếu tham gia bài kiểm tra IQ, chắc hẳn cậu phải đạt hơn 200 điểm. Christian tiêu hóa kiến thức từ mọi lĩnh vực, không hạn cuộc trong bất kỳ chuyên ngành hay lĩnh vực nào, không khác gì một cái thùng không đáy.
Ngay từ lúc 10 tháng tuổi, Christian đã có thể lặp lại chính xác từng câu từng chữ của ba mẹ. Cậu có thể diễn đạt rành mạch những câu ngắn.
Ngoài cha mẹ, Christian còn tiếp xúc với thế giới xung quanh nhờ người vú em Sophie Hildebrant. Một lần nọ, Hildebrant đưa cậu đi dạo trong nhà, tới chỗ treo các bức tranh, cô nói:
“Đây là một con ngựa cảnh”, “Đây là một ngọn tháp thắp đèn mà người ta gọi nó là hải đăng”, “Đây là một con thuyền có thể nổi trên biển. Giờ ta sẽ chỉ tay và con nhắc lại chúng là gì nhé”.
Không chút do dự, Christian lặp lại y hệt những gì vừa được dạy.
Ảnh chân dung Christian do mẹ cậu vẽ. Ảnh: Wikipedia
Hai tuổi, Christian học thuộc Kinh Thánh và có thể kể lại trôi chảy từng phần. Ba tuổi, cậu bé học thêm địa lý và lịch sử, cùng hai ngoại ngữ mới là tiếng Pháp và tiếng Latin. Cậu cũng xem thêm sinh học và toán học. Bốn tuổi, Christian tỏ ra hứng thú với tôn giáo và lịch sử Giáo hội.
Cứ như thể trên đời không có cái gì cậu không biết. Tiếng lành đồn xa, cậu trở nên nổi tiếng một vùng. Cậu giỏi đến nỗi thậm chí khi chưa đủ tuổi cắp sách tới trường, cậu đã đến lớp, nhưng không phải để đi học sớm, mà là để… giảng dạy trong vai trò một giáo viên. Nhưng không ai ngạc nhiên vì trước đó mọi người đều đã biết đến cậu.
Trong số những “học sinh” đến nghe cậu giảng bài có Johann Heinrich von Seelen, hiệu trưởng trường trung học Lubeck. Và Seelen đã tận mắt thực chứng kho tri thức chẳng khác gì “bách khoa toàn thư” của cậu thần đồng nhỏ tuổi.
Trong bài giảng, Christian mở đầu bằng việc trình bày tiểu sử các hoàng đế Đức và La Mã từ Caesar, Augustus đến Constantine, Ptolemy và Charlemagne. Tiếp theo, cậu nhắc đến các vua Israel rồi chuyển sang địa lý nước Đức. Sau chót, cậu kết thúc bài thuyết trình bằng những miêu tả về cấu trúc xương người. Thoạt nghe, những thông tin trên chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng thông qua một sợi dây logic nào đó cậu đã có thể xâu chuỗi mọi thứ lại với nhau một cách tài tình. Thầy hiệu trưởng Seelen, trong cuốn nhật ký của mình, đã viết:
“Khán giả như thể bị phù phép, tất cả đều há hốc miệng”.
Ngoài vốn kiến thức thâm sâu, cậu còn bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật và văn chương. Chẳng thế mà nhà soạn nhạc Georg Philipp Telemann từ thành phố Hamburg đã tự mình đến thăm và bày tỏ sự ngưỡng mộ với “giáo sư nhí xứ Lubeck”.
(Ảnh: Pinterest)
Có thể sự ngưỡng mộ của ông hơi quá trớn khi ông thốt lên rằng:
“Thực sự, nếu tôi là một người ngoại đạo, tôi sẽ quỳ xuống và cúi đầu trước cậu bé này. Cậu bé quả thật là báu vật của chúng ta”.
Năm lên 3 tuổi, cậu đã nhờ cha mẹ đưa đến gặp nhà vua Đan Mạch Frederick để trao truyền những bản đồ hàng hải chi tiết mà cậu tuyên bố có thể tự vẽ ra. Song, bởi còn quá nhỏ và chưa thể cầm bút quá lâu, mẹ đã khuyên cậu không nên đi vội. Nghe vậy, cậu chỉ quay sang mẹ và trấn an:
“Nhà vua là một người nhân từ, ông ấy sẽ hỗ trợ con vẽ nên những tấm bản đồ băng qua biển”.
Vua Frederick IV của Đan Mạch, vốn khi ấy đã nghe kể về “giáo sư nhí xứ Lubeck” tỏ ra tò mò và rất muốn gặp mặt thần đồng nhỏ tuổi. Bởi ông chưa dám tin một đứa trẻ 3 tuổi lại có thể sử dụng lưu loát 4 thứ tiếng. Do đó Christian đã được đưa tới thủ đô Copenhaden. Không phụ kỳ vọng, trước nhà vua và triều đình, cậu đã trình bày chi li về lịch sử Đan Mạch bằng 4 thứ tiếng trôi chảy, sau đó được gán biệt danh Mirakulum, có nghĩa là “điều kỳ diệu” trong tiếng Latin), với màn trình diễn không thể ấn tượng hơn.
Với vốn hiểu biết và trí tuệ không ai bì kịp, thần đồng 4 tuổi Christian hứa hẹn trở thành một vĩ nhân trong tương lai. Nhưng người ta thường nói, đa tài thì đa truân, tài hoa thì bạc mệnh, Christian không may cũng bị vướng vào cái nghịch lý này. Tương lai đầy tươi sáng của cậu đã bị vụt tắt quá sớm. Sau khi từ Đan Mạch trờ về, sức khỏe cậu tụt dốc không phanh. Cơ thể cậu ngày càng suy nhược khi phải bị những cơn đau đầu, đau khớp, chứng mất ngủ và biếng ăn liên tục hành hạ. Khuôn mặt cậu sưng lên vì dị ứng.
Christian không thể hấp thụ bất cứ thừ gì có chứa bột mỳ. Một ngày nọ, khi đang điều trị bằng thảo dược, cậu đã thốt lên:
“Cuộc đời con giống như mây khói”.
Tiếp sau đó, cậu đã cất lên khoảng 200 bài Thánh ca.
Không lâu sau, cậu qua đời. Trước khi từ giã cõi đời, người ta nghe thấy cậu thốt lên:
“Xin chúa, hãy mang linh hồn con đi”.
Về sau, người ta xác định cậu mắc hội chứng Celiac, một bệnh tự miễn dịch của đường tiêu hóa, gây ra bởi tình trạng nhạy cảm quá mức với gluten hoặc không hấp thụ gluten, tức tinh bột.
Qua trường hợp của Christian, chúng ta có thể phần nào thấy được tiềm năng dường như không giới hạn của cơ thể con người. Một cậu bé mới chỉ 4 tuổi, lại có thể cho thấy khả năng học tập và tích lũy kiến thức phi thường như vậy, cùng óc tư duy phân tích và mạch suy luận logic chặt chẽ, khiến một vị hiệu trưởng trường trung học cũng phải ngả mũ thán phục. Tại sao một đứa trẻ chưa từng đi học lại có thể làm được một điều kỳ diệu như vậy?
Bộ não con người, như các nhà khoa học thường nói, mới chỉ được sử dụng khoảng 20%, còn lại là chưa được vận dụng, ngay cả ở các thiên tài bậc nhất trên thế giới. Họ có thể vận dụng nhiều hơn, nhưng vẫn chưa đạt được mức độ tuyệt đối. Các phương pháp tư duy hiện nay cũng chỉ nhằm tăng cường hiệu suất não bộ, nhưng cũng chưa thể đạt đến mục tiêu như ý. Thật không thể tưởng tượng nổi nếu mở ra 100%, thì sẽ như thế nào?
Chúng ta đang hướng ống kính lên bầu trời để thăm dò những ngôi sao xa xôi ngoài kia, chứa đầy bí ẩn mê hoặc. Nhưng chúng ta có thể chưa biết rằng, chính ngay trong cái cơ thể chúng ta, vẫn còn rất nhiều bí ẩn và tiềm năng mà khoa học ngày nay chưa thể giải mã.
Nguồn: ĐKN