Các kiến trúc cổ đại là các thành phố ngầm trong lòng đất cho thấy người cổ đại cũng từng là những nền văn minh và sáng tạo huy hoàng, khiến cho con người hiện đại cũng không khỏi không ngưỡng mộ và mong muốn học hỏi.
Những vòm cung dưới lòng đất và những bức bích họa trong một nhà thờ đá tại thành phố ngầm Matera, Italia. (Ảnh: Getty Images)
Khi nói về thứ gì đó lạc hậu, người ta hay ví như ‘thời kỳ đồ đá’ hay ‘thời trung cổ’. Nhưng gần đây, các nhà khảo cổ học và lịch sử học đã có hàng loạt những phát hiện mới về các thành phố ngầm trong lòng đất, nơi mà cuộc sống của người dân thời cổ đại và trung cổ rất phát triển.
Thành phố ngầm Vardzia trong núi tại Gruzia
Nữ hoàng Tamar, còn được gọi là Tam Đại cai trị Georgia từ năm 1184 đến 1213, dẫn đến đỉnh cao của Thời đại hoàng kim Gruzia. Bà là người phụ nữ đầu tiên cai trị Georgia, đã quyết định xây một khu nhà nguyện cho riêng mình. Và thế là, Thành phố đá Vardzia đã ra đời.
Thành phố ngầm Vardzia nằm trong một khu mỏm đá gồm 6.000 phòng trải rộng trên 19 tầng. (Ảnh: Memograuzi/Pixabay)
Thời đó, Vardzia là khu mỏm đá gồm 6.000 phòng trải rộng trên 19 tầng, bao gồm 25 hầm rượu, một nữ tu viện, 15 nhà nguyện và một tiệm thuốc, tất cả kết hợp với nhau để tạo nên một thành phố và tu viện thời Trung cổ sôi động.
Theo lệnh của bà, hàng loạt hang động phức tạp đã được khoét sâu vào lòng núi Erusheti, trong số đó có một đường hầm thoát hiểm bí mật và một dãy nhà bí ẩn để gây hoang mang cho kẻ thù.
Bên trong núi là một mê cung với những đường hầm dài chằng chịt, có những cái dài gần 200 mét kết nối mọi ngả của thành phố trong một mạng lưới cổ đại.
Gần 30 năm trị vì, nữ hoàng Tamar với tính cách mạnh mẽ đã đưa Georgia phát triển mạnh mẽ về mặt chính trị và lãnh thổ, quyền cai trị của bà trải dài khắp vùng núi và đồng bằng rộng lớn.
Khoảng 500 hang động vẫn còn sót lại, trong đó có một khu sản xuất rượu với giá đỡ được chạm khắc cẩn thận vẫn còn nguyên vẹn và các hầm rượu với qvevris (bình nấu rượu cổ) vẫn được đặt bên dưới như thể không bị ảnh hưởng bởi dòng thời gian.
Cấu trúc đặc biệt nhất là tháp chuông đồ sộ nhô ra khỏi đỉnh của một thềm đá. Nó vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ dù đã bị tấn công trong một cuộc đột kích của người Mông Cổ.
Kiến trúc ấn tượng nhất của Vardzia là Nhà thờ Dormition với mái vòm kép, chuông treo, được chạm khắc vào mặt núi. Bên trong là những bức bích họa tuyệt đẹp, bao gồm một trong bốn bức chân dung còn lại của nữ hoàng Tamar. Một con suối tự nhiên ẩn sâu trong các đường hầm được ví như nước mắt của nữ hoàng Tamar, nơi chúng ta sẽ thấy một hồ bơi chứa đầy nước từ những tảng đá phía trên nó.
Thành phố cổ đại 18 tầng dưới lòng đất
Thành phố Derinkuyu nằm ở Cappadocia, khu vực trung tâm của Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là thành phố ngầm được khai quật ở độ sâu lớn nhất thế giới. Nó bao gồm một hệ thống nhà được khắc thẳng vào lòng đất một cách quy mô và những đường hầm bí mật đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Một trong những lối đi ở thành phố ngầm Derinkuyu nổi tiếng. (Ảnh: Wikipedia)
Với tuổi đời lên tới 2000 năm, Derinkuyu nằm ở độ sâu gần 80 mét với sức chứa lên đến 20.000 người, thành phố đa tầng này chứa đủ mọi thứ mà cư dân cần để tồn tại qua một thời kỳ lịch sử phải chống chọi với các cuộc xâm lăng.
Vài triệu năm trước, hàng loạt vụ phun trào núi lửa đã khiến Cappadocia bị bao phủ bởi một lớp tro bụi dày đặc. Theo thời gian, tro bụi núi lửa lắng đọng và nén chặt lại, tạo thành một loại đá mềm, dễ dàng chạm khắc nhưng tương đối bền vững. Cư dân địa phương nhận ra rằng, họ có thể đục đẽo đá ngay trên sườn đồi và dưới lòng đất để làm nhà ở. Do đó, những tổ hợp nhà xây trên đá đã ra đời và Derinkuyu là “thành phố” nhà cắt vào đá nằm sâu nhất được phát hiện cho đến nay.
Thông tin về thời gian xây dựng Derinkuyu hết sức mơ hồ. Một số chuyên gia cho rằng thành phố này được người Phrygian xây dựng từ năm 1200 TCN và 800 TCN.
Các cư dân đầu tiên của vùng Cappadocia bao gồm người Hattians (năm 2.500 TCN) và sau này là người Hittite đã biến nơi đây thành một trung tâm buôn bán sầm uất thông qua sự hợp tác với các quốc gia láng giềng như Assyria. Nhưng đến năm 17 sau Công Nguyên, đế quốc La Mã chinh phục vùng đất Cappadocia và biến nó thành một tỉnh của La Mã dưới sự cai trị của Hoàng đế Tiberius.
Khi Cơ đốc giáo mới ra đời, những người theo đạo Cơ đốc tại Cappadocia đã sử dụng thành phố ngầm để làm nơi trú ẩn an toàn trước nhiều cuộc bức hại của người La Mã. Nhưng đến đầu những năm 1900, khi người Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát hàng trăm nghìn người Hy Lạp, họ đã buộc tất cả những người còn sống ở đây phải rời đi nơi khác.
Derinkuyu chìm vào quên lãng nhiều năm cho tới năm 1963, một người dân trong quá trình sửa nhà đã vô tình phát hiện ra thành phố cổ này. Nhóm công nhân phụ trách đục một bờ tường đã bất ngờ khi nhận ra có một lối ngầm di chuyển cực dài và sau đó đã có nhiều cuộc thăm dò diễn ra, xác nhận lối vào này dẫn đến 1 công trình khổng lồ nằm sâu trong lòng đất.
Trong 18 tầng của thành phố (chỉ 8 tầng có thể tiếp cận), các nhà nghiên cứu tìm thấy bếp, phòng ngủ, phòng tắm, phòng chứa thực phẩm, máy ép dầu và rượu, giếng, khu vực cất giữ vũ khí, nhà thờ, trường học, lăng mộ và chuồng gia súc.
Có các phòng có kích thước khác nhau cho các nhu cầu khác nhau. Các không gian nhỏ trở thành những ngôi mộ được cắt vào trong đá, trong khi những không gian rộng lớn cung cấp những “hội trường” lý tưởng cho các cuộc họp cộng đồng.
Rõ ràng là người Anatoly cổ đại đã lên kế hoạch hoàn hảo cho một cuộc sống tự túc dưới lòng đất, phòng trường hợp bất trắc. Hệ thống trục thông gió được thiết kế với mật độ lớn giúp đưa không khí từ bên ngoài vào trong lòng đất cho cuộc sống sinh hoạt của mọi người trong thành phố dễ dàng, thoải mái nhất.
Thành phố ngầm cũng có một hệ thống ngăn chứa nước an toàn. Tuy nhiên, các giếng trong thành phố không liên kết với nhau, cũng không phải tất cả chúng đều đi lên bề mặt. Điều này bảo vệ cư dân khỏi những kẻ xâm lược có thể đầu độc toàn bộ hệ thống nước từ bên ngoài. Một số nhà khảo cổ tin rằng một lối đi dài 8 km nối Derinkuyu với một thành phố ngầm tuyệt vời khác ở Kaymakli. Điều này cho thấy có sự hợp tác giữa các nền văn minh khác nhau trong lòng đất của vùng Cappadocia.
Thành phố Matera: Mọi thứ đều làm từ đá
Hiếm có nơi nào trên thế giới, người dân vẫn còn sống trong hang động như tại thành phố Matera. Thành phố này ra đời từ thời kỳ đồ đá, và là một trong những chốn định cư đầu tiên của người Ý.
Toàn cảnh thành phố ngầm Matera nhìn từ phía xa. (Ảnh: Wikipedia)
Tại đây những ngôi nhà bằng đá mà người Ý gọi là Sassi. Chúng được chạm khắc, đục đẽo trong những hang động và vách núi có tuổi đời ước tính 9000 năm tuổi. Sassi nằm dưới mép của một khe núi.
Nhìn từ xa, Sassi hiện lên như một mớ hỗn độn với những căn nhà bằng đá, những ngõ hẻm chật hẹp và cầu thang ngoằn ngoèo dẫn đến mọi ngả đường. Tuy nhiên, đằng sau mặt tiền giống như nhà là những hang động cổ xưa, nơi sinh sống của người nguyên thủy. Nơi này còn có cả nhà thờ và các bức bích họa ấn tượng, ngoài ra còn có một bể nước khổng lồ, nằm ngay dưới quảng trường chính của thành phố. Bể nước này cũng được ví như một nhà thờ dưới nước bởi những bức tường to lớn nhô tạo thành mái vòm.
Xem ra, thời kỳ đồ đá như chúng ta vẫn nghe trong sách lịch sử không hề lạc hậu như chúng ta tưởng tượng, mà nó thực sự là một thời kỳ văn minh huy hoàng, với những thành tựu to lớn và minh triết, đáng để con người thời đại ngày nay phải học hỏi.
Nguồn: NTDVN
- Loài tre cao bằng 10 tầng lầu, phải chăng là cây tre Thánh Gióng trong truyền thuyết?
- Choáng ngợp trước những bảo tàng lộ thiên tráng lệ nhất thế giới
- Các nhà khảo cổ khai quật tượng đá cổ “độc nhất vô nhị” ở Petra