Con đường dẫn tới mật khẩu của bạn bị rao bán trên web đen

Tháng trước, Zoom gia nhập vào hàng ngũ những công ty có dữ liệu người dùng bị tin tặc đánh cắp, trong đó có hơn nửa triệu thông tin đăng nhập tài khoản bị phát tán trên web đen dưới nhiều hình thức.

Các dữ liệu truy cập của bạn có thể bị rò rỉ trên mạng và rao bán trên chợ đen

Dù một số người dùng có thể sẽ đổ lỗi cho Zoom vì sự cố nghiêm trọng này, nhưng một phần vấn đề lớn hơn nằm ở tin tặc – một góc khuất của internet và thất bại của chúng ta khi đã không chọn mật khẩu tốt hơn.

Đây là cách thông tin cá nhân của bạn bị tuồn lên các trang web đen và một số cách mà bạn có thể làm để tự bảo vệ mình dựa theo gợi ý của CNN:




Vấn đề về mật khẩu
Hàng trăm triệu tài khoản bị xâm phạm hằng năm do các vụ đánh cắp dữ liệu thông qua các hình thức lừa đảo, mã độc (malware) và các loại hình tấn công khác. Theo một cuộc kiểm tra của cơ quan bảo vệ quyền lợi bảo mật phi lợi nhuận có trụ sở tại California (Mỹ), hiện có khoảng hơn 11,6 tỉ hồ sơ đã bị xâm phạm kể từ năm 2005.
Các tài khoản bị đánh cắp này sau đó thường được đưa lên các diễn đàn hacker hoặc web đen – một loạt trang web chỉ có thể truy cập thông qua một loại trình duyệt đặc biệt có tên Tor (viết tắt của The Onion Router và các trang web đen có đuôi là .onion). Ban đầu, chúng được Hải quân Mỹ tạo ra để cho phép họ liên lạc ẩn danh trên mạng. Sau đó, dựa vào đặc tính mã hóa và ẩn danh nâng cao nên giao thức Tor thường được bọn tội phạm sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả buôn bán ma túy.
Các hacker sẽ mua cơ sở dữ liệu mật khẩu bị đánh cắp và cố gắng thâm nhập các trang web mục tiêu cho đến khi chúng đạt được quyền truy cập, cách này dựa vào một kỹ thuật khá phổ biến được gọi là nhồi thông tin xác thực (credential stuffing). Ngoài ra, chúng cũng chạy các biến thể của mật khẩu với các cách kết hợp khác nhau. Nếu một trong những mật khẩu đó khớp với một dịch vụ khác, ví dụ một ngân hàng nào đó, thì nó có thể được chia sẻ hoặc bán lại trên các trang web đen.




Bruce Schneier, một chuyên gia an ninh mạng và là cộng sự tại Trung tâm Internet và xã hội Berkman trực thuộc Đại học Harvard cho biết: “Điều này xảy ra thường xuyên. Sau mỗi sự cố rò rỉ dữ liệu ở quy mô lớn, sẽ có những kẻ cố thử dùng tài khoản người dùng và mật khẩu tại một ngân hàng hoặc tài khoản Google. Bạn hãy nhớ lại xem, rất nhiều người trong số chúng ta có xu hướng sử dụng lại một mật khẩu cho nhiều dịch vụ, vì vậy chúng có nguy cơ giúp tin tặc “gặp may” ở một số dịch vụ nhạy cảm”.
Theo Beenu Arora, CEO của công ty an ninh mạng Cyble có trụ sở tại Atlanta (Mỹ), ban đầu tin tặc có quyền truy cập vào hơn 500.000 tài khoản Zoom mà sau đó chúng đăng thông tin này lên web đen, đó sẽ là lần đầu tiên đánh dấu tính khả dụng của dữ liệu này. Người phát ngôn của Zoom đã xác nhận với CNN Business rằng “cuộc điều tra đang diễn ra” của họ cho thấy “các tác nhân xấu” dựa vào phương pháp nhồi thông tin xác thực để chiếm quyền truy cập các tài khoản trên Zoom.
Theo cách này, các dịch vụ internet có số lượng người dùng lớn sẽ trở thành mục tiêu của các loại hình tội phạm này, theo đó chúng sẽ sử dụng một lượng lớn các thông tin đăng nhập đã bị đánh cắp từ các nền tảng khác để thử xem liệu người dùng có tiếp tục sử dụng thông tin đăng nhập đó ở nền tảng mà chúng nhắm tới hay không.




Các tài khoản Zoom có thể được rao bán với giá rẻ mạt vài xu, nhưng không phải lúc nào cũng vậy – đặc biệt là khi các cơ sở dữ liệu chứa nhiều thông tin chi tiết hoặc nhạy cảm. Theo Arora, một số mật khẩu nào đó trên web đen – nhất là các mật khẩu cấp quyền truy cập vào các thông tin tài chính hoặc y tế, có thể sẽ được bán với giá lên tới 1.000 USD/mỗi tài khoản.
Điều cốt lõi của lỗ hổng này chính là chúng ta thường có xu hướng sử dụng cùng một mật khẩu trên nhiều tài khoản hoặc không thay đổi mật khẩu ngay cả khi chúng đã bị rò rỉ trong các vụ đánh cắp dữ liệu quy mô lớn. Theo ước tính của Microsoft, hiện có khoảng 73% mật khẩu trùng lặp, nghĩa là được sử dụng lại ở nhiều dịch vụ khác nhau vì đơn giản là người dùng lười ghi nhớ nhiều mật khẩu mới.
Kiersten Todt, cựu quan chức an ninh mạng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama và hiện là giám đốc điều hành của viện Cyber Readiness Institute – nơi chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về cách bảo mật mạng của họ. Cô cho rằng, “liên kết yếu nhất trong chuỗi xích bảo mật chính là hành vi (thói quen) của con người. Chúng ta thường nghĩ bọn tội phạm đã tiến hóa với nhiều kỹ thuật tinh vi, nhưng thực sự chúng chỉ cần dùng các thuật toán khai thác xu hướng sử dụng một mật khẩu cho nhiều dịch vụ với lý do dễ nhớ”.




Tìm hiểu xem liệu bạn đã bị hack hay chưa?

Kho dữ liệu truy cập của nửa triệu tài khoản Zoom đã bị rao bán trên các trang web đen

Có một số công ty cung cấp quét web đen miễn phí, cho phép bạn gửi thông tin, bao gồm số an sinh xã hội, thông tin thẻ tín dụng và số điện thoại hoặc địa chỉ e-mail, nếu bạn nghi ngờ bất kỳ thông tin liên quan nào trong số đó đã bị hack. Các dịch vụ này sau đó sẽ quét các trang web đen và cho bạn biết liệu họ đã tìm thấy bất cứ manh mối nào liên quan đến thông tin của bạn cung cấp và đưa ra các cảnh báo nếu có.
Nhưng những dịch vụ quét web đen này cũng không thể ôm đồm hết được các mối nguy trên mạng. Theo các nhà nghiên cứu tại công ty cung cấp phần mềm chống virus NortonLifeLock, “hiện không có cách nào để một cỗ máy tìm kiếm thu thập được toàn bộ thông tin trên các trang web đen. Có thể chúng phát hiện ra dữ liệu của bạn bị lộ chỉ sau một lần quét. Nhưng chúng không được nhập liệu các thông tin khác để tham chiếu”. Ví dụ, bạn chỉ nhập tìm theo email mà bỏ qua các kết quả tìm kiếm theo số an sinh xã hội hoặc thẻ tín dụng, chưa kể một số dịch vụ chỉ cung cấp truy vấn qua email và sẽ cho bạn biết kết quả trong vài giây nếu đó là một phần của các vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn đã được phát hiện.




Vào tháng 12 năm ngoái, Google đã cập nhật tính năng mới cho trình duyệt Chrome của họ, giúp nó đưa ra các cảnh báo cho người dùng nếu tên truy cập và mật khẩu của họ bị rò rỉ trong các vụ vi phạm dữ liệu quy mô lớn. Còn Cyble cũng chào hàng dịch vụ riêng của mình là một trang web có tên AmIBreached.com, nơi người dùng có thể nhập địa chỉ email của họ để tìm hiểu xem liệu chúng đã bị lộ hay chưa. Các nhà cung cấp phần mềm bảo mật khác như Avast cũng có dịch vụ tương tự và các sinh viên Harvard cho biết họ cũng thường kiểm tra thông tin chi tiết trên trang haveibeenpwned.com.
Nếu bạn thực hiện kiểm tra ít nhất một lần ở các dịch vụ này với tài khoản email của bạn, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thông tin của mình bị đánh dấu chấm than màu đỏ với các cảnh báo rằng dữ liệu của bạn đã bị vi phạm ở một dịch vụ nào đó trong quá khứ. Đôi khi, các dữ liệu bị rò rỉ từ một dịch vụ xa lạ mà bạn đã quên lãng ngay sau khi đăng ký tài khoản, hoặc từ một vài dịch vụ quen thuộc nào đó như Yahoo. Nếu bạn đã thay đổi mật khẩu kể từ sau khi dữ liệu bị rò rỉ thì không đáng lo ngại nhưng vẫn là một báo động cần bạn để ý.




Cách tự bảo vệ mình
Một khi tài khoản của bạn đã bị xâm phạm, bạn sẽ không thể thay đổi nó. Vì vậy, mật khẩu đó đã bị đánh cắp vĩnh viễn và bạn chỉ còn cách thay đổi mật khẩu để chúng không thể dùng mật khẩu cũ để truy cập nữa.
May mắn hơn, nếu bạn chưa bị xâm phạm dữ liệu bạn có thể tránh một số loại hình tấn công mạng bằng cách sử dụng các mật khẩu ít phổ biến hoặc dùng các mật khẩu khác nhau cho từng tài khoản của bạn. Bạn có thể sử dụng cụm từ với các câu đầy đủ dài ít nhất 15 ký tự thay vì chỉ dùng tổ hợp hoặc từ đơn. Và đối với những người không thể hoặc không muốn nhớ hàng tá mật khẩu khác nhau, CNN khuyến nghị bạn nên dùng các trình quản lý mật khẩu như 1Password, LastPass và Dashlane – các dịch vụ trực tuyến có thể mã hóa và lưu trữ nhiều mật khẩu để bạn không phải tiếp tục nhập chúng khi truy cập các dịch vụ.
Tuy nhiên, ngay cả những dịch vụ này đôi khi cũng có thể bị tổn thương – LastPass đã bị xâm phạm dữ liệu vào năm 2015 khiến tin tặc có quyền truy cập vào địa chỉ email, mật khẩu đã được mã hóa của các tài khoản lưu trữ trên dịch vụ này vào thời điểm đó.





Do vậy, người dùng cần tăng độ bảo mật của mật khẩu bằng cách thêm một lớp bảo mật nữa. Trong đó, xác thực hai lớp (hoặc còn gọi là xác thực 2 yếu tố) sẽ yêu cầu thêm xác thực với một kênh khác bên cạnh mật khẩu của bạn, chẳng hạn như dấu vân tay, tổ hợp số thay đổi theo thời gian (mã số ngẫu nhiên tự động) hoặc mã xác thực một lần (qua email hoặc tin nhắn SMS).
Chuyên gia bảo mật Kiersten Todt cho rằng, người dùng có khả năng ngăn chặn tin tặc tốt hơn nhiều so với những gì họ nghĩ. Cô nhận định, “đó thực sự là một sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, nếu bạn biết rằng bạn có quyền đưa ra các hình thức xác thực mạnh mẽ, bạn sẽ có thể ngăn chặn hầu hết các loại tấn công độc hại phổ biến trên mạng. Miễn là bạn đủ quan tâm đến vấn đề bảo mật tài khoản của mình để thực hiện điều này một cách nhất quán và thường xuyên”.
Nguồn: Thanhnien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *