Con bọ hung trên vòng đeo của vua Tut đến từ một vụ sao chổi rơi

Nguồn gốc của viên đá lớn màu vàng nâu nằm ở chính giữa vòng đeo cổ của vua Pha-ra-ông Tutankhamun (Vua Tut, 1343-1325 TCN) cuối cùng đã được giải đáp. Các nhà khoa học xác định rằng một số vật chất được tìm thấy trong viên đá đó chỉ có thể hình thành trong một vụ sao chổi đâm xuống Trái đất 28 triệu năm trước.

(Ảnh: Ripleys.com)




Một số cuộc tranh luận đã nổ ra về cách thức mà sự kiện này đã tạo ra viên đá trên. Hiện nay, các nhà khoa học đến từ Úc và Áo cho rằng họ có đủ bằng chứng để đi đến kết luận.

Nhỏ nhưng có giá trị

Có rất nhiều thứ được tìm thấy trong ngôi mộ của vua Tutankhamun và một cổ vật nhỏ bé như chiếc vòng đeo cổ có thể bị che lấp bởi những vật to nặng hơn. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong những món đồ trông bình thường này lại thường là một câu chuyện ly kỳ.

Chiếc vòng cổ được bảo quản cẩn thận này có một lịch sử sâu xa đến mức khó tin và nó chỉ được giải đáp thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Chiếc vòng cổ có hình một con bọ hung màu vàng nâu trông rất ấn tượng, cấu tạo từ đá thủy tinh silica màu vàng được các nghệ nhân Ai Cập cổ đại thu thập từ cát trên sa mạc Sahara, sau đó đem đi tạo hình và đánh bóng để cho ra tác phẩm. Đây có lẽ là con bọ hung thú vị nhất trong lịch sử.




Giải mã bí ẩn sao chổi

Con bọ hung màu vàng nâu là bằng chứng cho một vụ sao chổi va chạm Trái Đất

Phân tích hóa học cho thấy thủy tinh silica từ sa mạc này ban đầu được hình thành cách đây 28 triệu năm, khi một sao chổi bay qua khí quyển trái đất và rơi xuống Ai Cập. Cát bên dưới nó bị nung nóng đến nhiệt độ khoảng 2.000 độ C, dẫn đến sự hình thành một lượng lớn thủy tinh silica màu vàng, nằm rải rác trên một khu vực rộng hơn 6.000 km2 trên sa mạc Sahara.




Năm 2017, thủy tinh silica này là một trong những bằng chứng giúp giáo sư Jan Kramers của Đại học Johannesburg, Nam Phi, và các đồng nghiệp có một phát hiện đặc biệt. Kết hợp với viên sỏi chứa kim cương nhỏ màu đen được đặt tên là ‘Hypatia’ do một nhà địa chất người Ai Cập tìm thấy vài năm trước, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chắc chắn phải có một sự kiện chấn động ảnh hưởng tới thành phần cấu tạo sa mạc.

Những hạt kim cương nhỏ trong viên sỏi là kết quả của áp suất cực lớn ở sâu bên dưới vỏ trái đất. Viên sỏi này được tìm thấy trên bề mặt sa mạc, do đó, sự hình thành kim cương xảy ra do áp suất lớn giống như một loại lực va chạm nào đó. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng viên sỏi là mẫu vật đầu tiên của một hạt nhân sao chổi (chứ không phải thiên thạch thông thường) và cung cấp bằng chứng rõ ràng đầu tiên về vụ va chạm giữa một sao chổi và Trái đất cách đây hàng triệu năm trước.




Nghiên cứu mới đây ủng hộ quan điểm này

Đã có một số tranh luận về cách thức cụ thể mà sự kiện chấn động này tạo ra thủy tinh. Vẫn còn đó những câu hỏi như: liệu sự kiện này có đúng là một vụ va chạm sao chổi hay không.

Trong một thông cáo báo chí của Đại học Curtin (Úc), Tiến sĩ Cavosie thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Vũ trụ thuộc Trường Khoa học Trái đất và Hành tinh Curtin, cho biết, “Một vấn đề được tranh cãi trong thời gian dài, đó là thủy tinh được hình thành trong vụ va chạm thiên thạch hay trong một vụ nổ trên không trung, xảy ra khi các tiểu hành tinh được gọi là Vật thể gần Trái đất phát nổ và phát tán năng lượng trong khí quyển của Trái đất.”




Nhóm nghiên cứu tin rằng bằng chứng mới đây được tìm thấy trong nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí về Địa chất, đã bác bỏ hoàn toàn giả thuyết về vụ nổ trên không trung. Nghiên cứu chỉ ra rằng dù cả vụ nổ trên không trung hay va chạm sao chổi đều có thể làm tan chảy cát sa mạc, họ đã tìm thấy thủy tinh chứa một loại khoáng chất quý hiếm có tên là ‘reidite’. Họ nói điều này chỉ có thể đến từ một vụ va chạm mạnh gấp hàng triệu lần vụ nổ trên không trung.

Trang Live Science viết như sau, “các vụ nổ trên không trung tạo ra sóng xung kích trong không khí có áp suất hàng ngàn pascal (đơn vị đo áp suất), trong khi vụ va chạm tiểu hành tinh gây ra sóng xung kích có áp suất hàng tỷ pascal trên mặt đất.”

Vật chất trong sao chổi chưa từng được tìm thấy trên Trái đất trước đây ngoại trừ các hạt bụi có kích thước siêu nhỏ trong bầu khí quyển phía trên và trong băng ở Nam Cực.




Các cơ quan vũ trụ đã chi hàng tỷ đô la để có được một chút vật chất sao chổi nguyên sơ ngoài vũ trụ và mang nó trở lại Trái đất, nhưng Kramer và nhóm nghiên cứu có một cách tiếp cận mới để nghiên cứu vật chất này mà không cần phải ra vũ trụ để lấy.


Tuy nhiên, việc này có ý nghĩa như thế nào?

Sao chổi Hale-Bopp chụp ở Croatia (Ảnh: WIki)




“Sao chổi chứa những bí mật giúp chúng ta giải mã sự hình thành của hệ mặt trời. Phát hiện này mang đến cho chúng ta cơ hội chưa từng có để nghiên cứu trực tiếp vật chất sao chổi,” Giáo sư David Block thuộc Đại học Wits (Nam Phi), một nhà nghiên cứu chính trong nhóm Kramer, cho hay.

Một kết luận được rút ra từ nhóm nguyên cứu của Tiến sĩ Cavosie là:

“Các suy đoán trước đây nói rằng đã có vụ nổ trên không loại 100 triệu tấn TNT, tạo ra loại thủy tinh trên sa mạc Libya, nhưng nghiên cứu của chúng tôi lại không chỉ ra kết quả như vậy. Các vụ va chạm thiên thạch là sự kiện hủy diệt, nhưng chúng rất hiếm. Các vụ nổ trên không trung xảy ra thường xuyên hơn, tuy nhiên, chúng ta biết rằng tốt nhất là không nên mong đợi một vụ va chạm hình thành thủy tinh sa mạc Libya trong tương lai gần.”

Nguồn: TTVN – Theo Ancient Origins

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *