Có bao nhiêu ngôi sao trong không gian vũ trụ?

Nếu nhìn lên bầu trời vào một đêm quang đãng, bạn sẽ thấy khoảng 6.000 ngôi sao. Nhưng con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong số tất cả các ngôi sao ngoài kia. Phần còn lại ở quá xa để chúng ta có thể nhìn thấy chúng. Vậy trên bầu trời có tất cả bao nhiêu ngôi sao?

Mặt trời là ngôi sao gần chúng ta nhất – cách 93 triệu dặm. (Ảnh: Pxhere)

Vũ trụ, thiên hà, các vì sao
Rải rác khắp vũ trụ là các thiên hà – các cụm sao, hành tinh, khí và bụi chụm lại với nhau.

Giống như loài người, các thiên hà rất đa dạng. Chúng có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau.

Có bao nhiêu ngôi sao trong vũ trụ mà chúng ta biết? (Ảnh: NASA)

Trái đất nằm trong hệ Ngân Hà, một thiên hà xoắn ốc. Các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta tụ lại tại các nhánh xoắn ốc xoay quanh trung tâm của nó.

Các thiên hà khác có hình elip – giống như hình quả trứng – và một số thiên hà không theo quy luật, với nhiều hình dạng khác nhau.

Mô tả nghệ sĩ về hệ Ngân Hà với các nhánh xoắn ốc. (Ảnh: NASA / JPL)




Quang cảnh một phần nhỏ của Dải Ngân hà nhìn từ Công viên Quốc gia Canyonlands ở Utah, Hoa Kỳ. (Ảnh: National Park Service/Emily Ogden)

Đếm các thiên hà
Trước khi tính toán số lượng các ngôi sao trong vũ trụ, các nhà thiên văn học đầu tiên phải ước tính số lượng các thiên hà.

Để làm được điều đó, họ chụp những bức ảnh rất chi tiết về các vùng nhỏ của bầu trời và đếm tất cả các thiên hà mà họ nhìn thấy trong những bức ảnh đó.

Sau đó, con số này được nhân với số lượng ảnh cần thiết để chụp cả bầu trời.

Kết quả là họ đã đếm ra được là có khoảng 2.000 tỷ thiên hà trong vũ trụ.




15.000 thiên hà xuất hiện dưới dạng các chấm và đốm nhỏ trong bức ảnh chụp bầu trời ban đêm này của NASA. Mỗi thiên hà chứa hàng tỷ ngôi sao. (Ảnh: NASA/ESA/P.Oesch/M.Montes)

Đếm các ngôi sao
Các nhà thiên văn học không biết chính xác có bao nhiêu ngôi sao trong mỗi 2.000 tỷ thiên hà đó. Hầu hết đều ở rất xa, không có cách nào để đưa ra con số chính xác.

Nhưng chúng ta có thể phỏng đoán chính xác về số lượng các ngôi sao trong hệ Ngân Hà của chính chúng ta. Những ngôi sao đó cũng rất đa dạng và có nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau.

Mặt trời của chúng ta, một ngôi sao màu trắng, có kích thước trung bình, trọng lượng trung bình và nóng vừa với nhiệt độ tại tâm là 15 triệu độ C (27 triệu độ F).

Những ngôi sao lớn hơn, nặng hơn và nóng hơn có xu hướng có màu xanh lam, như Vega trong chòm sao Lyra. Những ngôi sao nhỏ hơn, nhẹ hơn và mờ hơn thường có màu đỏ, như Proxima Centauri. Đó là những ngôi sao gần hệ Mặt trời của chúng ta nhất.




Mô tả của nghệ sĩ về một ngôi sao lùn đỏ với một ngoại hành tinh trên quỹ đạo. Khoảng 2/3 số ngôi sao trong hệ Ngân Hà là sao lùn đỏ. Ngoại hành tinh là tên gọi của các thế giới bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta. (Ảnh: NASA/ESA/G.Bacon/STScI)

Một con số đáng kinh ngạc
Các ngôi sao màu đỏ, trắng và xanh lam phát ra các lượng ánh sáng khác nhau. Bằng cách đo ánh sáng ngôi sao đó – cụ thể là màu sắc và độ sáng của chúng – các nhà thiên văn học có thể ước tính có bao nhiêu ngôi sao trong thiên hà của chúng ta.

Với phương pháp nói trên, họ đã phát hiện ra hệ Ngân Hà có khoảng 100 tỷ ngôi sao.

Bây giờ là bước tiếp theo. Sử dụng hệ Ngân Hà làm mô hình, chúng ta có thể nhân số lượng các ngôi sao trong một thiên hà điển hình (100 tỷ) với số lượng các thiên hà trong vũ trụ (2.000 tỷ).


Câu trả lời là một con số hoàn toàn đáng kinh ngạc. Có khoảng 200.000 tỷ tỷ ngôi sao trong vũ trụ hay 200 sextillion.

Viết đầy đủ con số đó là 200.000.000.000.000.000.000.000!

Con số lớn đến mức khó tưởng tượng. Nhưng hãy thử làm một phép so sánh: Con số này gấp khoảng 10 lần số cốc nước mà tất cả các đại dương trên Trái đất có thể rót đầy.

Hãy nghĩ về điều đó vào lần tiếp theo khi bạn nhìn vào bầu trời đêm – và sau đó tự hỏi liệu những gì có thể xảy ra trên hàng nghìn tỷ thế giới quay quanh tất cả các ngôi sao đó.

Video của NASA. Hệ Ngân Hà của chúng ta: Không gian lớn đến mức nào?

Nguồn: NTDVN – Theo The Conversation

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *