Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh ra tại quê nghèo Cần Đước (Long An). Cô đặt chân lên Sài Gòn khi mới 16 tuổi. Từ nhỏ Ba Trà chỉ biết đi chân trần và bắt ốc, hái rau, gánh nước. Cha của Ba Trà mất sớm, để lại cô con gái thứ ba của mình tên là Ngọc Trà cho một bà mẹ cũng ít học và nghèo khó, nuôi nấng.
(Bài viết có sử dụng hình minh họa từ bộ phim Mộng Phù Hoa, với nhân vật nữ chính lấy cảm hứng từ cô Ba Trà)
1. Bắt đầu con đường bán phấn buôn hương
Ba Trà sở dĩ không sống được ở chốn nhà quê của mình là do bên nội của cô hắt hủi, hầu như chẳng hề chấp nhận mẹ góa con côi của cô, cho nên gia đình mới gửi Ba Trà lên Sài Gòn, chỉ mong cô sẽ đi làm người giúp việc, hoặc đi gánh nước mướn. Mà thời ấy người ta hay gọi cái nghề đó là cái nghề “Mari phong-tên” (nghĩa là các cô gái đi gánh nước mướn ở các phong-tên cấp nước công cộng trên các hè phố Sài Gòn).
Nhưng cuộc đời của cô gái mười sáu tuổi không bằng phẳng trôi theo cái kiếp làm thuê làm mướn, mà lại sớm vướng vào một bi kịch cuộc đời ngay khi còn trẻ trung mơn mởn.
Chân dung cô Ba Trà – Đệ nhất mỹ nhân Sài Thành xưa.
Ba Trà tuy còn ở tuổi vị thành niên nhưng đã bị ép gả cho một tên Tây lai nhiều tiền của, để rồi mất đời con gái chỉ với vài chục đồng bạc thời ấy. Nhưng không ngờ chính nhờ cái bi kịch bán đời con gái cho một tên lang sa lớn tuổi ấy đã giúp cho Ba Trà sớm trổ mã con gái.
Cô bé mười sáu tuổi sau nửa năm bị làm vợ hờ của một người lớn tuổi bỗng dưng đẹp ra khiến nhiều người ngẩn ngơ. Có lẽ cái kiếp hồng nhan muốn bông đùa với cuộc đời của cô gái bất hạnh, nên đã nhanh chóng biến Ba Trà thành một bông hoa nổi tiếng.
Có vài người sành đời, nhất là sành đời trong chốn ăn chơi trác táng đã xúi Ba Trà bỏ khu ổ chuột để bước ra chốn ánh sáng phù hoa. Kết quả là Ba Trà được một mụ nạ dòng chấm điểm rồi dẫn dắt đi vào con đường bán sắc buôn hương sau này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ba Trà nổi lên như là một hoa khôi, khiến cho giới công tử, trọc phú Sài Gòn thuở ấy ngẩn ngơ trước nhan sắc lạ thường và hiếm có như cô Ba. Thời ấy là thời “hoàng kim” của những bạch công tử Phước Georges, hắc công tử Ba Quy, vua cờ bạc Sáu Ngọ hay các ông phủ, ông hội đồng giàu nứt đố đổ vách của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Nổi lên vào thời điểm thiên hạ sống lấy đồng tiền làm gốc, và lạm dụng đồng tiền để trèo cao hay để vừa vinh thân vừa phì da, cho nên tiếng tăm của cô Ba Trà nổi lên như cồn. Hầu như thế giới của Sài Gòn đêm hoặc là Sài Gòn ăn chơi thuở ấy, cái tên nằm lòng và nằm ở cửa miệng của mọi người đàn ông là Ba Trà hoặc Sáu Hương, Tư Nhị.
Hắc Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (trái) và Bạch Công tử Mỹ Tho Lê Công Phước (phải).
Hắc, Bạch công tử, hai công tử ăn chơi số một của đất Nam kỳ thời ấy đã sớm là những tình nhân đầu ấp tay gối của Ba Trà. Đồng thời những ông phủ, ông hội đồng và các ông quan tòa, các tay cộm cán trong chính quyền thực dân thời ấy chết mê chết mệt vì nhan sắc của cô gái được mệnh danh là hoa khôi không vương miện ấy.
2. Thứ “huyền diệu” giúp Ba Trà thu phục đàn ông
Thời ấy nhiều người đặt câu hỏi rằng Ba Trà quyến rũ đàn ông phải chăng chỉ bởi cái nhan sắc của cô thôi hay còn cái bí quyết gì khác? Câu hỏi ấy chưa nghe ai trả lời chính xác, chỉ khi đến giai đoạn gần cuối đời Ba Trà thì mới có một kết luận sơ khởi:
Ba Trà sở dĩ khuyến dụ được đàn ông, khiến cho các tay chơi lừng lẫy như Bạch công tử, Hắc công tử và những trọc phú mà tiền của họ có thể mua được hàng chục, hàng trăm những cô gái trẻ thuộc bất cứ hạng nào vậy mà vẫn cứ làm con thiêu thân của cô Ba là do bởi một thứ, mà thứ này nói ra ngay thời ấy có người tin, người không và luôn bị bài bác, đó là bùa ngải.
Để chứng minh cho lời đồn này thì báo chí thời ấy cũng đã đưa ra những câu chuyện có thật về cô Ba Trà chơi bùa chơi ngải: Vào khoảng thập niên ba mươi (1930 – 1940) Ba Trà bằng nhiều cách đã đi về xứ Xiêm la (tên gọi Thái Lan vào thời ấy). Mà cô Ba đi qua Xiêm để làm gì thời ấy, bởi cô không hề buôn bán, cũng không phải là viên chức Nhà nước nên nói rằng đi công vụ, mà chỉ đi qua xứ Xiêm là cho một mục đích duy nhất: Đi chuộc bùa, chuộc ngải.
Người hiểu chuyện của Sài Gòn xưa đã biết rằng sở dĩ Ba Trà phải cần tới bùa ngải là vì có vài người đã tư vấn cho cô nàng rằng, muốn được đàn ông mê mệt và đắm say mình mãi mãi không rời thì không chỉ đơn giản là dùng nhan sắc và nghệ thuật yêu đương thôi, cái cần thiết phải là bùa ngải. Mà thời ấy hễ nói tới bùa ngải thì người ta nghĩ tới bùa Xiêm, ngải Miên.
Ý là để chỉ ở Xiêm La đang thịnh hành các loại bùa chú rất hiệu nghiệm, còn ở xứ Miên (tức Campuchia ngày nay) là hai nơi có lợi thế, có những ông thầy bùa thầy ngải thuộc loại lừng danh không nơi nào bì được. Bởi vậy người ta đã không ngạc nhiên khi hay tin cô Ba Trà đã qua tận Xiêm La nhiều lần để tìm thầy ngải. Lúc cuối đời, lúc nhan sắc đã tàn phai thì chính Ba Trà đã thuật lại những chuyến đi thỉnh bùa, rước ngải ấy một cách cụ thể, không hề giấu giếm.
Chính cố học giả Vương Hồng Sển đã xác nhận lại chuyện này trong một số hồi ký của ông xuất bản trước khi ông m.ất rằng ông đã được cô Ba Trà thuật lại chuyện ly kỳ quanh những chuyến đi thỉnh bùa thỉnh ngải.
Muốn thỉnh được bùa mê ngải yêu thì phải tìm đúng được thầy mà phải là thầy Xiêm và nhờ họ giúp cho mình chuộc ngải bằng cách ngậm ngải vào thân thể theo hình thức: Đích thân Ba Trà đã khoe thân trong một phòng riêng với lão thầy ngải để vừa nghe lão đọc thần chú vừa để cho lão xông hương, mà hương ấy chính là ngải đốt lên để cho hương thấm vào da thịt.
Phải làm lặp đi lặp lại cả chục lần như vậy trong suốt quá trình thỉnh ngải, để rồi sau đó khi được thầy cho là đã đạt yêu cầu, tức là ngải đã nhập vào người thì đem nó về áp dụng theo ý muốn.
Cũng theo lời thú nhận của cô Ba Trà thì chính cho ngải nhập vào thân thể như vậy cho nên bất cứ người đàn ông nào dù bản lĩnh tới đâu một khi đã ôm ấp cô, đã được cô trao thân gửi phận thì y như rằng tất cả đều mê đắm và sẵn sàng biến thành những con cừu non, hay những con thiêu thân biết lao vào ánh đèn hay ánh lửa sẽ chết mà cứ làm.
3. Những lần đi thoát y luyện ngải
Tay thầy ngải gốc người Xiêm La mà cô ba đã từng gặp đôi lần, đã khiến cho cô ngày càng vướng vào những lời dụ ngọt của hắn. Lần gặp gỡ sau cùng ở Hòn Ngọc Viễn Đông, ba Trà đã ghi khắc câu nói của tay thầy Xiêm rằng nước Xiêm (sau này là Thái Lan) là nước luôn có người đẹp đứng vào hàng đầu thế giới, từng đoạt ngôi hoa hậu thế giới, cũng như được các vương tôn công tử hàng quốc tế theo đuổi, ái mộ, chẳng phải đơn thuần do nhan sắc đàn bà mà còn do một thứ ghê gớm hơn nhiều, đó là bùa ngải!
Những lời lẽ ấy với người có học, họ sẽ bình tâm suy nghĩ chín chắn. Nhưng với ba Trà thì khác, cô bắt đầu bị lung lay. Cô nghĩ ngay tới một sự chọn lựa duy nhất là phải tìm cách tới Thủ đô nước Xiêm La ngay tức thời. Thời ấy, việc đi lại bằng đường hàng không giữa Sài Gòn và Thủ đô Vọng Các của Thái Lan rất hạn chế. Chỉ những người giàu có và thế lực mới dùng phương tiện giao thông hiện đại này, còn hầu hết là đi bằng đường xe xuyên qua biên giới Việt, Miên, Thái hoặc bằng đường thủy từ Sài Gòn qua Singapore, rồi từ Singapore qua Vọng Các.
Cho nên cuối cùng, vào một ngày gần Tết Nguyên đán, ba Trà được một hướng dẫn viên bí mật, là đàn em của tay thầy ngải Ratsani dụ ngọt và móc nối đưa Ba Trà đi bằng đường bộ từ Nam Vang sang Vọng Các. Là một đại mỹ nhân của Sài Gòn hoa lệ, nhưng khi đặt chân tới xứ Xiêm La thì ba Trà chẳng khác nào con nai tơ lạc đàn ngơ ngác, cho nên bất cứ chuyện gì cô cũng theo sự hướng dẫn, chỉ bảo của cô gái Việt lai Thái, không rời xa cô nàng này nửa bước.
Những ngày đầu tiên ở Xiêm La, cô ba Trà chưa được tiếp xúc với bùa ngải. Đây là sách lược của tên Ratsani, bởi hắn đang củng cố lòng tin của người đẹp này nên chưa vội ra tay. Nhưng cũng không lâu, khoảng nửa tháng sau, đúng vào kỳ trăng tròn, trong một ngôi nhà ở ngoại ô Thủ đô Vọng Các, ba Trà được đưa tới đó một cách bí mật và được chứng kiến một cảnh tượng lạ chưa từng thấy ở khu vườn quanh ngôi nhà ở ngoại ô đó chính là của Ratsani.
Hình như tên này cố tình bày trí, dàn cảnh mọi chuyện để cho ba Trà tận mắt chứng kiến điều mà lão ta gọi là đêm kỳ diệu của bùa ngải. Khu vườn với nhiều lùm bụi, có thứ cây có hoa, có thứ không, nhưng tất cả đều lạ mắt đối với ba Trà. Có vài loại thoạt nhìn ba Trà đã ngờ ngợ nên lên tiếng hỏi Ratsani, lão ta trả lời đó là cây ngải. Lão ta hỏi ba Trà đã từng biết cây ngải bao giờ chưa, Ba Trà thật thà lắc đầu đáp: “Dạ, nghe nói thôi chứ chưa từng biết”.
Cô được Ratsani dẫn tới bên những khóm hoa, đồng thời tự tay vạch từng cành hoa có vẻ kỳ bí lên để cho Ba Trà nhìn thấy dưới các gốc hoa có những con vật đang bò lổm ngổm. Chúng chen nhau bỏ chạy khi thấy người xuất hiện. Ba Trà hoảng hốt kêu lên, bước lui định bỏ chạy khi trước mắt cô là những con vật bóng lưỡng, trên lưng có những lằn sọc ngang dọc chẳng khác nào là rắn.
Lão Ratsani trấn an:
– Đây đúng là những con rắn độc, nhưng nó được nuôi bằng nhựa ngải. Rắn dù độc nhưng khi đã ăn ngải rồi thì chúng sẽ được thần ngải điều khiển. Chúng chỉ độc với những người khác, chớ những người đã được tẩm hơi ngải và uống nước ngải rồi thì các con vật kia trở nên hiền lành đáng ngạc nhiên!
Để minh chứng cho lời nói của mình, lão Ratsani đã dùng tay thò xuống gốc các cây ngải nắm đưa lên một con rắn với ba màu đỏ vàng đen, trông phát khiếp.
Chúng nằm trong tay lão chẳng khác nào một con lươn hay một loại côn trùng thân mềm! Lão giải thích thêm:
– Vừa rồi là đúng vào giờ ăn ngải của chúng, cho nên ta thấy chúng chen nhau tưởng như trốn chạy, nhưng thật ra là chúng tranh nhau để uống nhựa cây ngải. Một khi cơ thể chúng đã được chứa đầy nhựa ngải thì nọc độc sẽ vô cùng kinh khiếp, bất cứ ai lúc này bị chúng cắn là mạng vong tức khắc”.
Ba Trà nghe nói thì lùi lại mấy bước định bỏ chạy, nhưng lão Ratsani đã nhanh tay chụp cô nàng lại rồi bất ngờ lão ta ném con rắn thẳng vào người đẹp. Ba Trà quá kinh hãi thét lên một tiếng, rồi ngã lăn ra ngất đi. Một lúc sau, cô tỉnh lại mà sự bàng hoàng vẫn còn trên ánh mắt, khuôn mặt. Cô nói như muốn khóc: “Em van thầy, xin thầy đừng cho nó cắn em!”.
Lão Ratsani bật cười rồi chỉ vào ba Trà nói nửa đùa, nửa thật:
– Con rắn cực độc ấy nếu hại cô thì đã hại rồi, cô đâu còn sống đến giây phút này. Vừa rồi tôi ném nó thẳng vào người cô, nó đã chui vào cổ áo cô để giúp cô truyền dẫn nhanh thứ ngải mà tôi đang muốn cho nhập vào người cô.
Bây giờ, cô thử cúi xuống và hít vào sâu một cái xem là có phải có một thứ hương thơm đang phát ra từ cơ thể cô hay không? Cơ thể cô, da thịt cô từ hôm nay đã được xông ngải, ướp hương quyến rũ, nhưng đó chưa ăn thua gì so với mùi hương mà vừa rồi con rắn độc đã truyền trực tiếp vào cơ thể cô. Giờ đây, hương thơm tiết ra từ thịt da của cô sẽ có tác động gấp chục lần, hơn những gì cô có trước đó.
Trở lại việc chuộc ngải Xiêm, cô tìm gặp vị sư cũ, giải bày cặn kẽ ý muốn của cô. Cô làm lễ chỉ cột tay cho thầy một sợi tim đèn bằng vải, có quấn một khoang vàng y, trị giá chừng 30 đồng bạc. Vị thầy này dẫn cô ra mắt vị tổ sư của ông ta. Tổ sư là một người dị tướng, không mắc bệnh cùi mà hai bàn tay và mười ngón chân đều rụng trụi lủi, nghe nói là vì bị ngải quá mạnh ăn mòn các ngón tay, chân.
Sau khi biết ý định của cô, sư bắt đầu làm phép. Sư dẫn cô lạy trước bàn thờ tổ, rồi thoát y múa trước bàn thờ. Sau đó sư trao cho cô đủ số ngải cần thiết, và cho đệ tử chính là ông thầy ngải mà cô gặp đầu tiên cùng cô đi về Việt Nam để luyện ngải đến hoàn thành.
Việc đưa ông thầy ngải về Việt Nam với cô cũng không khó khăn gì, tất cả thủ tục đều do anh Trí lo. Chính anh đích thân lấy xe đưa cô về biên giới Xiêm – Miên. Về tới Sài Gòn, cô tá túc trong nhà đầy tớ gái trung thành, nằm trong một con hẻm. Hàng ngày cô đóng kín cửa để luyện ngải.
Ông thầy ngải hướng dẩn cô thoát y, ăn chay nằm đất đủ bảy ngày bảy đêm. Mỗi đêm ông thầy ấy bảo cô lại quỳ trước bàn tổ do ông lập ra, ông đọc thần chú lâm râm, ông này cầm nhang đang cháy vẽ bùa trước mặt cô thổi ba hồi dài. Ma lực của ngải cực mạnh, cô đang khỏa thân quỳ trước bàn tổ, hoàn toàn tỉnh táo nhưng khi thầy thổi nhang vào mặt, tự nhiên cô chóng mặt, rồi khuỵu xuống, một lúc sau mới tỉnh dậy.
Làm phép đúng một tuần, ông thầy ngải cuốn gói về Xiêm, còn cô tự tin bùa phép cùng mình, ngải mê quyến rũ, cô quyết “xuống núi” để thực hành xem bùa ngải có tác dụng tới đâu.
4. “Ngải hành” hay là số phận bạc bẽo vốn định trước của phận gái làng hoa
Hầu hết những tay chơi thời ấy đều làm bạn với “nàng tiên nâu” theo cái mốt thời ấy gọi là “ăn chơi thời thượng”. Cô Ba Trà đã bị “lây” cái là “mốt thời thượng” ấy. Cho nên hầu như ngày nào cô cũng đi theo những tay trọc phú ấy tới những động của ả phù dung, để rồi cầm ống hút hít ro ro, mắt lờ đờ nhìn theo những cuộn khói trắng như dung nhan của “nàng tiên nâu”…
Ba Trà lúc đầu chỉ hút vì ham vui rồi dần dần bị nghiện, để rồi nếu ngày nào đúng giờ đúng giấc mà không có khói thuốc thì không chịu nổi, và bắt đầu lệ thuộc nặng vào nó. Bởi vậy khi cùng đi với các tay tình nhân ăn chơi trác táng nổi danh kia thì họ bao cho hút. Lúc vắng họ thì chính cô Ba đã tự sắm ống hút đem về nhà đặt trong phòng riêng, cô mua những hộp thuốc phiện đắt như vàng đem về nhà tự thả hồn theo mây khói.
Dần dần Ba Trà thành “bạn tri kỷ” hay nói đúng hơn là nô lệ của “nàng tiên nâu”. Để rồi những chiếc nhẫn kim cương, những chiếc vòng ngọc thạch và những món trang sức đắt tiền được các tay chơi ưu ái tặng cũng đã bay theo khói thuốc. Ba Trà đã thẳng thừng tuyên bố rằng của thiên trả địa, mà có được của ông trời để trả cho ông đất đã là quý rồi cần chi thắc mắc!
Hậu quả là một năm sau, tức tính từ chuyến đi qua Xiêm để thỉnh ngải về và được đồn thổi là nhờ ngải cho nên các đại gia càng ngày càng mê Ba Trà, thì cũng là lúc Ba Trà xính vính với những hiện tượng mà chính cô cho rằng đã bị ngải hành.
Có lần Ba Trà thú thật với vài người tâm phúc, khi thỉnh ngải và cho ngải xâm nhập vào cơ thể, thì ông thầy ngải xứ Xiêm La đã đưa ra những điều răn đe rất nghiêm khắc rằng: Đã chuộc ngải vào thân rồi thì không được làm cho cơ thể ô uế, không được để cho đàn ông hành hạ thân xác, không được ăn uống những thứ thịt thà cấm kị, như thịt trâu, thịt rắn, thịt rùa, thịt chó. Và nhất là không được uống huyết tươi, không được chui qua sào quần áo, không được bước dưới những nơi mà trên đầu có chất ô uế như cầu tiêu, cầu tiểu…
Nhưng làm sao cô Ba tránh được những thứ đó, khi cô có trong tay hàng chục người đàn ông lúc nào cũng muốn được hưởng cơn đam mê từ thể xác cô. Mà họ thì đâu phải ái ân một cách bình thường. Rồi sau những cuộc nhậu bí tỉ, sau những cơn say thuốc tơi bời thì Ba Trà hầu như lúc nào cũng vùi đầu vào những buổi tiệc thâu đêm suốt sớm.
Bởi vậy Ba Trà lại phải quay sang Xiêm lần thứ hai, đúng ra là sau lần chính thức chuộc ngải ấy để cầu cứu ông thầy ngải Xiêm, và đến lúc ấy nàng ta mới nghe được một chuyện rùng mình: Ông thầy ngải cho biết là mối tình Vọng Các của cô đã bắt đầu ghen tuông và đã cho người tìm về tận Sài Gòn để truy tìm cô, ngăn chặn không cho cô rơi vào vòng tay của những người đàn ông khác.
Điều này thì làm sao được đối với một người như Ba Trà, cho nên cô đã hỏi thẳng ông thầy ngải rằng: Liệu có cách nào để cô thoát được người tình Vọng Các kia hay không, thì ông thầy này lắc đầu than thở:
– Cô nên nhớ rằng đàn ông Xiêm họ chơi bùa ngải gấp chục lần cô, cho nên cô liệu mà tìm cách đối phó. Tốt hơn hết là cô nên xa rời những người đàn ông bên xứ cô đi.
Lời khuyên ấy chẳng khác nào bản án tử đối với Ba Trà, cho nên cô lẳng lặng bỏ xứ Xiêm trở về nước, và toan tính một cách cho ổn thỏa: Cô lơi dần những mối tình thâu đêm suốt sáng để chỉ giữ lại bên cạnh những mối tình lớn, tức là những người đàn ông có thế lực và tiền của dồi dào hơn, để cung phụng cho cô tiếp tục cuộc sống…
Ba Trà thời ấy có hai cái thứ nghiện khá nặng: Nghiện thứ nhất là nghiện đàn ông và cái nghiện thứ hai là nghiện thuốc phiện. Nhưng có một cái nghiện thứ ba âm thầm lặng lẽ, vô hình mà cô không ngờ tới đó là bị bùa ngải hành.
Theo lời thú nhận của Ba Trà sau này thì trước kia không có nhưng kể từ lúc đi Xiêm La về, thì cô phát hiện ra là mỗi lần cô bị những tay đàn ông vùi dập thân thể với đủ cách theo kiểu phương Tây, thì y như rằng cô như bị một cơn bệnh gì đó hành hạ đến chết đi sống lại. Cô Ba Trà quyết định về Cần Thơ bên người tình họ Lâm, đang làm Phó giám độc một ngân hàng tại Tây Đô xứ Cần Thơ để ẩn dật. Và có lẽ đây là một bước ngoặc lớn nhất trong đời Ba Trà và cả cho anh chàng họ Lâm tội nghiệp kia nữa.
Khi Ba Trà bám riết anh chàng và định quy ẩn luôn ở xứ Cần Thơ, thì vua cờ bạc Sáu Ngọ, rồi Bạch công tử và hàng tá những tay tình nhân khác đều truy ra và mò tận nơi để thực hiện nhiều cuộc ghen tuông long trời lở đất ở xứ Tây Đô ấy. Nhưng cũng không nguy hiểm bằng một mối nguy khác đến từ xứ Xiêm La.
Nghe nói khi cô Ba Trà phát hiện ra những người đàn ông lạ với nước da lạ, nói chuyện giọng lạ thì cũng đã trễ rồi. Bởi đó chính là tay chân, thủ hạ của người tình Vọng Các từ nước Xiêm La phái tới để truy tìm cô. Ba Trà chẳng còn cách nào hơn nên bàn với người tình họ Lâm tìm cách đưa cô về Rạch Giá, thậm chí về luôn xứ Hà Tiên xa xôi để tránh mối họa mà cô đã “đánh hơi” được là nó đã kéo sầm sập tới rồi.
Tội nghiệp người tình họ Lâm kia vốn thương Ba Trà hết lòng cho nên nghe theo. Ông trở về Rạch Giá trước và theo kế hoạch là sẽ đón Ba Trà về đó để sinh sống, coi như một cách để dứt hẳn Ba Trà ra chốn ăn chơi ở Sài thành kia. Ông ta đã cho xây một “biệt điện” tại một ngôi làng nhỏ, trên con đường tỉnh lộ từ Rạch Giá đi Hà Tiên vào khoảng những năm đầu của thập niên bốn mươi (năm 1940).
Ở đoạn đường vắng giữa Rạch Giá và Hà Tiên mọc lên một ngôi nhà ngói thật to đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên bàn tán xôn xao. Đầu tiên người ta cứ ngỡ ngôi nhà đó là của một tay quan Pháp nào đó, hoặc ít ra cũng là một tay có thế lực trùm thời ấy mới xây nổi như vậy. Nếu mọi người hiểu rằng họ Lâm xây ngôi nhà hoành tráng ấy chỉ để làm chốn hưởng nhàn, hưởng lạc với một hoa khôi xứ Sài thành thì sẽ ngạc nhiên không ít.
Ngôi nhà xây xong thì xảy ra cuộc chiến tranh của toàn dân chống thực dân Pháp, cho nên con đường tỉnh lộ từ Rạch Giá đi Hà Tiên cũng bắt đầu bất ổn. Tuy nhiên không phải bởi sự bất ổn do tình hình chiến sự, mà bỗng dưng ngôi biệt điện ấy bị bỏ trống nhiều ngày không thấy khánh thành, khai trương.
Họ Lâm xây xong ngôi nhà chưa kịp rước nàng về dinh thì bỗng một hôm có hai người đàn ông lạ tìm tới. Họ xưng mình là khách lữ hành đi ngang qua lỡ đường xin dừng chân nghỉ ngơi và xin nước uống. Nhưng đó lại là mối họa từ nước Xiêm La mang tới mà họ Lâm không hề hay biết.
Chỉ đến một hôm trước khi định cho xe về Sài Gòn rước hoa khôi Ba Trà về lâu đài tình ái, thì họ Lâm đích thân về đó ngủ trước một đêm. Những gì xảy ra trong đêm hôm đó đã khiến ông ta vừa kinh hoàng vừa không thể nào hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Đến sáng ngày hôm sau thì đột nhiên trọc phú họ Lâm biến mất khỏi “biệt điện” của ông ta.
Thậm chí người quản gia giúp việc nhiều năm cho ông ta cũng hết sức ngạc nhiên bởi sự biến mất đột ngột của ông chủ mình. Và rồi ngày hôm sau, nhiều ngày sau nữa ngôi nhà rồi cũng đóng cửa luôn khi chính lão quản gia cũng đột nhiên biến mất. Ngôi nhà to lớn đóng kín cửa mà không rõ lý do. Rồi một tháng, ba tháng, nửa năm sau, cho đến một năm sau nữa, người chung quanh vẫn không thấy chủ nhân ngôi nhà trở về…
Trong lúc này thì tại Sài thành hoa lệ cô Ba Trà đang lâm vào những ngày tàn tạ không tưởng tượng nổi. Cô hoa khôi sắc nước hương trời lúc nào cũng có cả chục tay chơi hay tỷ phú quỳ mọp dưới chân để sủng ái và cung phụng đủ thứ trên đời đột nhiên bị bỏ rơi. Họ bỏ đi, mặc dù lúc ấy Ba Trà đã chuyển sang một cách khác để giữ chân họ, bằng cách lập nên một động tiên mà dân Sài Gòn thời ấy gọi là “Nguyệt Tiên Cung”, ở một con đường giữa một trung tâm Sài Gòn.
Nơi này chuyên cung phụng xác thịt cho đàn ông. Mà xác thịt ở đây không ai khác là cô Ba Trà và một vài bạn hữu của cô cũng thuộc hàng hoa khôi đất Sài Thành hoa lệ. Đồng thời đó cũng là cái động tiên để các tay nghiện “nàng tiên nâu” đi mây về gió, cũng là chốn để xóc đĩa, hốt me, đánh đủ thứ loại bài… Vậy mà đàn ông cứ dần xa cô.
Trở lại chuyện nhà trọc phú họ Lâm, người ta tìm hiểu thì mới biết sở dĩ ông ta bỏ ngôi nhà đồ sộ kia để ra đi không một lần trở lại, là do ngay đêm ông ta ngủ ở nhà đã phải chứng kiến một cảnh kinh hoàng đến không thể nào tưởng tượng nổi. Sau này khi người quản gia đột ngột trở lại, đi cùng một người đàn ông lạ khác thì sự việc mới được hé lộ.
Chính ông quản gia đã kể lại rằng sở dĩ nhà trọc phú họ Lâm phải bỏ của chạy lấy người là do đêm ông ta ngủ lại trong ngôi nhà thì đã bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng ghê rợn: Ông ta đang ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng động kỳ lạ, rồi khi ông ta bật đèn lên thì gần muốn đứng tim khi thấy dưới nền nhà có những sinh vật đang lay động, đồng thời có con còn cất cao đầu bành mang, bạnh má để phát những âm thanh phì phò, rút rít nghe đến rợn gáy!
Nhìn kỹ lại thì đó là những con rắn đủ màu sắc, đủ loại trên đời. Mà có lẽ đó là lần duy nhất cũng là lần cuối cùng nhà trọc phú họ Lâm nhìn thấy được. Lời kể của ông quản gia tới đó thì dứt. Ông không thể tiếp nữa mà vội quay sang người đàn ông cùng đi với mình, nói để mọi người biết ông này là một thầy ngải kiêm thầy thuốc rắn nổi tiếng ở Xiêm La mới vừa về.
Sau khi nghe ông ta kể về hiện tượng hàng ngàn con rắn hiện ra, khiến cho ông trọc phú họ Lâm phải vứt hết bỏ luôn ngôi nhà hoành tráng, ông thầy ấy đã tự tình nguyện cùng với ông về ngôi nhà và tuyên bố rằng, mình sẽ trừ khử ngay chuyện lạ có một không hai ấy!
Người đàn ông lạ được giới thiệu là thầy ngải kiêm thầy thuốc rắn ấy không nói gì thêm, mà lẳng lặng đuổi hết mọi người đang hiếu kỳ bu lại ngôi nhà bỏ hoang nhiều năm ấy ra khỏi rồi ông bắt đầu công việc. Công việc của ông ta tức là trừ cái hiện tượng mà lão quản gia đã kể lúc nãy, tức là trừ những con rắn kỳ lạ xuất hiện trong ngôi nhà khiến cho ông chủ Lâm sợ hãi.
Đầu tiên ông này lấy ra ba cái bao bố lớn, loại chứa được năm mươi ký gạo rồi bước tới một góc nhà, nơi có một cái ngách nhỏ giống như cái hang chuột. Ông ta chỉ cho người quản gia rồi bảo rằng mọi điều bí ẩn nằm dưới cái hang đó. Rồi ông ta khoán bùa hay thổi ngải gì đó xuống cái ngách, xong dùng tay vỗ lên miệng hang ba cái, rồi ngồi đó nhắm mắt lại như ngồi thiền, để rồi sau đó nửa phút từ dưới hang bò lên những con rắn đầu tiên.
Rắn đen có, vàng có, rắn ri đủ màu sắc có. Nhưng tất cả đều lờ đờ như ngây dại, xếp theo thứ tự bò lên khỏi hang, rồi cứ nhắm vào cái miệng bao lão đàn ông lạ kia mở sẵn ra, để chờ và chúng tự động bò hết vào đó. Có đến hơn nửa tiếng đồng hồ sau mà núp ở một chỗ cách xa khoảng bốn năm thước khá an toàn, nhưng lão quản gia đã muốn đứng tim khi nhìn thấy đến cả trăm, thậm chí đến vài trăm con rắn đủ loại, đủ kích cỡ cứ lần lượt bò ra và chui vào bao tải. Đầy cái bao này lão kia thắt bao lại rồi lấy cái bao khác.
Và cứ thế, cứ thế những con rắn không biết cơ man nào cứ từ ở dưới cái lỗ hang nhỏ ấy bò lên, bò lên và như bị thu hồn lạc phách không có một hành động gì khác thường… Cuối cùng khi bất ngờ lão nọ mở mắt ra, vừa thở phào nhẹ nhõm nói một câu bằng thứ tiếng hết sức lạ, nhưng lão quản gia cũng hiểu rằng lão ta tuyên bố mọi việc đã kết thúc.
Lão ta xoa hai tay vào nhau, sau đó vỗ một cái phát ra tiếng kêu, âm thanh sắc lạnh, rồi đưa bàn tay hình như đã được thoa bùa hay thoa ngải gì đó chụp vào đầu một con rắn lạ vừa bò ra khỏi miệng hang. Con rắn hầu như bất động để cho bàn tay của lão này chạm phải rồi kéo nhè nhẹ theo kiểu như vuốt từ cổ xuống tới đuôi để chụp bắt lấy mà hoàn toàn bị thuần phục, bất động…
Thế nhưng thật bất ngờ khi vuốt qua khỏi cổ con rắn đó một chút, thì lão đàn ông người Xiêm bất thần dừng tay lại rồi như bị ai đó xô mạnh lão ngã bật ra sau cách hơn một thước. Lúc này con rắn kia cũng vẫn còn bất động, nhưng lão đàn ông thì như đang thất thần, cổ họng phát ra những tiếng kêu kỳ lạ…
Lúc này lão quản gia mới điếng hồn bước tới, nhìn kỹ và phát hiện ra trên lưng của con rắn lớn bất động kia có một con rắn nhỏ cỡ như đầu đũa ăn, mà con rắn này thì màu xanh nhạt pha những cái chấm đủ màu khác đang lấp lánh như lân tinh. Chỉ có con rắn nhỏ ấy là động đậy còn con rắn lớn thì vẫn tiếp tục bất động.
Linh tính một điều gì đó nguy hiểm sẽ xảy ra cho người đàn ông Xiêm La kia, cho nên lão quản gia vội giật mạnh ông ta dậy vừa kéo ông ta ra xa cái miệng hang rắn vừa hỏi lớn. Nhưng hỏi gì thì lão nọ cũng chỉ lắc đầu và mặt mày thì xanh như tàu lá… Để rồi cuối cùng không nói không rằng, lão ta bước tới vỗ tay ba cái tức khắc con rắn lớn cõng con rắn con kia từ từ quay trở vô hang tức tốc mất dạng. Rồi cứ tiếp tục như vậy cả hai cái bao rắn đã được cột chặt miệng được mở ra và từ từ những con rắn nhốt trong đó cũng được thả ra trở về nơi lúc nãy chúng trú ngụ.
Chính lão quản gia sau đó đã kể lại với mọi người rằng: Ông thầy rắn kia chính là ông thầy ngải được phái về từ nước Xiêm, chỉ để tìm cho được trọc phú họ Lâm. Nhưng lúc ấy họ Lâm đã qua đời sau một cơn bạo bệnh cách đó không xa.
Còn lão ta khi quay về Sài Gòn thì cũng vừa lúc hay tin cô Ba Trà đã đang thập tử nhất sinh trong một bệnh viện gọi là nhà thương thí trong một cơn sốc thuốc. Nhưng chính ông quản gia hiểu rằng Ba Trà không phải do sốc thuốc phiện mà ra nông nổi ấy, mà thật sự là do bị ngải hành.
Bởi chính lão thầy rắn kiêm thầy ngải kia trước khi về nước đã nói một câu bằng tiếng địa phương giọng Sài Gòn nghe lơ lớ: “Gieo cái gì thì gặp cái ấy!”. Phải chăng cô Ba Trà đã lậm bùa ngải, dùng ngải quyến rũ đàn ông, để rồi cuối cùng bị ngải hành trở lại. Chỉ thương cho nhà trọc phú họ Lâm chỉ vì quá đam mê Ba Trà mà bị họa lây. Ông ta đã mất gần hết sản nghiệp mà một phần là do mua ngôi nhà đồ sộ kia, để rồi chết trong âm thầm lặng lẽ.
5. Đoạn cuối cuộc đời “yêu nữ” đệ nhất Sài thành
Về đoạn cuối cuộc đời cô Ba Trà, cụ Vương Hồng Sển kể lại với tư cách một người trong cuộc, một người ái mộ và là người giúp đỡ cho cô trong những năm tháng cuối đời:
– Bỗng mấy chục năm sau, y như giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại nơi sòng tài xỉu ở Đại Thế Giới sau trận phong ba. Tôi thì đầu đã điểm sương nhưng rắn rỏi, già dặn. Cô Ba thì mất phong độ năm nào, nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ: “Anh thấy nhan sắc tôi kém hơn trước ra sao?”.
Tôi đáp tỉnh bơ: Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người như hình chụp treo trong tủ kiếng của “photo Khánh Ký” đường Bonard (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Lúc tôi còn học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay), mặc dù trời mưa gió, chủ nhật nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung, rồi mới trở về trường ăn ngủ được, và đã khiến tôi thành… thi sĩ.
Nhờ câu ấy cô cười. Hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa. Cũng từ đó, cô thâu nhận tôi làm “thư ký không nhận lương” suốt một thời gian dài. Khi thì nhân danh cô để viết thư cho bà tòa Trần Văn Tỷ, khi thì mượn danh bà thầy trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thư khẩn thiết nhắc chuyện cũ, khi thì gởi cho đôi ba người khác, và lần sau cùng, tôi gặp cô vào năm 1952….
Nhờ cái công làm thư ký không lương ấy và sự cảm phục tấm lòng của cụ Vương, ông là người thứ hai sau nhà báo Trần Tấn Quốc được cô kể lại cuộc đời oan nghiệt của mình. Trong giai đoạn này cô vẫn nghiện nặng hai trong bốn cái tai hại nhất của con người là thuốc phiện và bài bạc. Khi túng tiền, cô nhờ “cụ Vương viết thư cho các nhân tình cũ, nhắc nghĩa xưa xin giúp đỡ.
Chuyện đời lắm nỗi truân chuyên của cô Ba Trà được đưa vào tiểu thuyết.
Thư đi cũng có thư lại. Nhờ đó thỉnh thoảng cô có tiền và lại vào sòng tài xỉu làm nghề “cho vay bạc nóng”. Cũng có lúc cô đánh ké vào tụ bài đang hên. Nhà cô ở trong một con hẻm sâu gần chợ Hòa Bình, nhưng cô sống âm thầm, không cho ai biết. Khi cụ Vương hỏi cô cho “vay nóng” (có nghĩa là vay 2000 đồng, mỗi ngày trả 200 đồng tiền lời) mà không sợ các công tử, các thầy giựt sao? Cô trả lời: “Các cậu chẳng bao giờ giựt tiền của một con đĩ như tôi đâu!”.
Cô Ba Trà đã 3 lần có trong tay một số tiền gần 100.000 đồng. Với số tiền ấy, nếu biết lo xa, mua ruộng đất, cô có thể mua tới 3000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ của Nam Bộ thời đó. Huê lợi 3000 mẫu ruộng có thể lên đến ít nhất 6000 đồng một năm. Một số tiền mà người ta khó có thể mơ, nhưng cuối đời cô chết trong túng thiếu im lìm.
Hết tiền, cô phải bán nhà và sống trong một xó chân cầu thang của một chung cư, tài sản duy nhất là cái ghế bố cô nằm. Vương Hồng Sển kể về cái c.hết cô Ba Như sau: “Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu. Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác””.
Nguồn: Tổng hợp