Nhiều người từng nghe về luân hồi nhưng rất hiếm trường hợp linh hồn nhất thời tiến nhập vào cõi luân hồi, rồi lại quay lại nhục thân lúc đầu. Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam có ghi lại 2 câu chuyện chuyển kiếp ngắn ngủi như vậy.
Tắt thở ba ngày, tiến nhập vào hành trình luân hồi ngắn ngủi
“Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” kể rằng, có một người tên Tôn Nga Sơn, trong lúc ngồi thuyền du ngoạn đột nhiên mắc căn bệnh nặng, đến mức nằm liệt giường không dậy được. Một ngày kia, ông cảm thấy bản thân dường như đang tản bộ bên bờ, cảm giác thư thái nhẹ nhàng, tâm trạng vô cùng sảng khoái.
Vừa đi được một lúc, có người đến dẫn ông đi về phía trước. Lòng hoảng hốt, ông không dám hỏi nhiều, cũng quên mất vì sao cần phải đi về phía trước, chỉ là cứ mãi đi theo người đó. Sau đó ông đến một hộ gia đình, chỉ thấy nhà cửa hào hoa tráng lệ, sân vườn ngăn nắp sạch sẽ.
Tôn Nga Sơn chậm rãi bước vào trong phòng, thấy có một thiếu phụ đang sinh nở. Vì là đàn ông, ông định bụng sẽ rời khỏi phòng tránh mặt một chút, nhưng lại bị người dẫn đường đẩy mạnh một cái, khiến ông ngã lăn ra bất tỉnh.
Một lúc sau, đợi đến khi tỉnh lại, ông phát hiện thân hình của mình đã thu nhỏ lại, nằm trong tã lót của trẻ sơ sinh. Trong lòng Tôn Nga Sơn hiểu rõ rằng ông đã đầu thai chuyển thế.
Ông không biết làm sao, muốn mở miệng nói chuyện, liền cảm thấy một luồng khí lạnh từ trên đỉnh đầu chui vào trong, khiến ông nói không ra lời. Ông nằm trong tã lót, dùng ánh mắt người trưởng thành nhìn quanh khắp phòng, nhìn thấy vật dụng đồ đạc, câu đối thư họa đều hết sức rõ ràng, nhìn qua hiểu ngay.
Kết thúc luân hồi, quay về bản thể
Ngày thứ ba, nữ tỳ ẵm đứa trẻ tắm gội, bỗng lỡ tay làm rơi đứa trẻ xuống đất, Tôn Nga Sơn lần nữa mất đi tri giác. Đợi đến lúc tỉnh lại, ông phát hiện bản thân đã nằm trên thuyền. Người nhà nói, ông đã tắt thở ba ngày rồi, chỉ vì tay chân vẫn mềm mại, vị trí tim vẫn có hơi ấm, nên thân nhân không dám cho vào quan tài.
Tôn Nga Sơn vội vàng lấy bút mực viết ra điều mắt thấy tai nghe của bản thân, cử người men theo con đường ông đã đi qua tìm đến gia đình mà ông đã từng chuyển sinh vào đó, nhắn lại với chủ nhà đừng nên bởi nữ tỳ ấy lỡ tay mà đánh đập cô ấy. Đợi sau khi dặn dò xong mọi điều, ông mới từ từ kể lại với người nhà những gì mình đã trải qua. Hôm đó, bệnh tật của ông cũng hoàn toàn khỏi hẳn.
Tôn Nga Sơn sau này đã đích thân ghé thăm ngôi nhà ông đã từng chuyển sinh, nhìn thấy nữ tỳ, bà lão, ai ai cũng vô cùng quen thuộc. Chủ nhân của ngôi nhà tuổi già không có con, sau khi biết toàn bộ trải nghiệm của ông, chỉ có thể thở dài lấy làm kỳ lạ.
Trong hành trình luân hồi, nhớ được lộ trình cả đi lẫn về
Cũng trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký”, Kỷ Hiểu Lam khi còn làm nội các học sĩ đã ghi chép tỉ mỉ về tình huống luân hồi ngắn ngủi của Mộng Giám Khê, đại khái là tương tự với tình huống của Tôn Nga Sơn. Mộng Giám Khê từng nhậm chức Thông chính sứ, ông nhớ được con đường mình đã đi qua khi đi chuyển sinh và ngôi nhà mình sinh ra. Sau sự việc này ông đã tìm đến đến viếng thăm, quả nhiên thấy gia đình đó vừa mới sinh hạ bé trai, nhưng đã chết vào ngày hôm ấy.
Chỗ khác biệt duy nhất giữa hai câu chuyện trên là, Tôn Nga Sơn chỉ nhớ được tình huống khi đi chuyển sinh, nhưng không nhớ được tình cảnh lúc trở về, còn Mộng Giám Khê thì tình huống cả đi lẫn về đều ghi nhớ rất rõ ràng, trên đường còn gặp được người vợ đã mất của mình, khi về đến nhà nhìn thấy linh hồn vợ ông ngồi bên cạnh cô con gái.
Luân hồi ngắn ngủi, thoắt đến thoắt đi như bọt nước phù du
Kỷ Hiểu Lam cho rằng, về thuyết luân hồi chuyển thế của Phật gia và Nho gia, trước nay chúng ta đều tránh né không đàm luận đến, nhưng các câu chuyện ấy là hoàn toàn có thật. Nhân duyên có dày có mỏng, chỉ là tình huống tiến nhập vào luân hồi quá ngắn ngủi, sau đó lại quay về với bản thế giống như Tôn Nga Sơn và Mộng Giám Khê, thì thật sự quá hiếm thấy mà thôi.
Nguồn : DKN