Chuyên gia phục dựng thành công hình ảnh đệ nhất mỹ nam trong lịch sử Trung Quốc

Nhắc đến tứ đại mỹ nhân trong lịch sử phong kiến Trung Quốc thì hầu như ai cũng có thể kể tên vanh vách. Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng sử sách Trung Hoa còn có cả tứ đại mỹ nam, bao gồm: Phan An, Lan Lăng Vương, Vệ Vương Giới và Tống Ngọc. Đây đều là những vị quan, tướng tài được ghi nhận sở hữu tướng mạo đẹp đẽ, tuấn tú. Nổi bật hơn cả trong số đó phải kể đến Lan Lăng Vương – một tướng lĩnh, hoàng tử thời Bắc Tề từng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm truyền hình, điện ảnh thời hiện đại.

Lan Lăng Vương trong bộ phim cùng tên do diễn viên Phùng Thiệu Phong thủ vai

Cao Trường Cung, hiệu Lan Lăng Vương sinh năm 541 và qua đời năm 573, khi mới chỉ 32 tuổi. Rất nhiều sách sử đã ghi nhận Cao Trường Cung có vẻ ngoài hiền lành, dung mạo đẹp đẽ và giọng nói hay. Tương truyền ngoại hình của ông trắng đẹp như phụ nữ nên lúc ra trận phải đeo mặt nạ gỗ để ra oai với địch. Trong các tác phẩm phim ảnh, Lan Lăng Vương đều được các diễn viên mỹ nam đảm nhiệm.

Tương truyền Lan Lăng Vương phải đeo mặt nạ để kẻ địch không thấy gương mặt thanh tú, đẹp hơn hoa của mình (Ảnh minh hoạ)

Ghi chép trong Bắc Tề Thư có viết: “Con trai thứ tư của Hoàng đế Cao Trừng là Lan Lăng Vương từ nhỏ đã có vẻ ngoài mềm mại mà mạnh mẽ, giọng nói cũng đẹp đẽ”. Trong Cựu Đường Thư thì ghi nhận ông có “tài nghệ võ công cao, dung mạo như hoa”.

Đã có rất nhiều tư liệu lịch sử chứng minh rõ ràng rằng Lan Lăng Vương quả thực là danh tướng có dung mạo tuấn tú. Nhưng điều khiến ông nổi tiếng và được chọn làm một trong những tứ đại mỹ nam còn do sự nghiệp chiến trường vang dội. Cao Trường Cung đã đem quân thực hiện nhiều cuộc chinh phạt. Đương thời, người Bắc Tề có một bài ca múa vô cùng nổi tiếng mà vẫn còn lưu giữ đến tận ngày nay là Lan Lăng Vương nhập trận khúc dùng để ca tụng Trường Cung sau những lần đánh giặc đại thắng.




Tượng Lan Lăng Vương do người đời sau xây dựng.

Là một nhân vật lịch sử đã sống cách đây hơn 1500 năm, việc thu thập được những tư liệu chính xác để hình dung về nhan sắc thực sự của vị tướng tài không hề dễ. Tuy nhiên, may mắn là hậu thế đã tìm ra được mộ phần của ông. Lăng mộ của Lan Lăng Vương đã được công nhận là di sản bảo vệ trọng điểm quốc gia Trung Quốc vào năm 1988.

Thông qua việc nghiên cứu và phục chế hộp sọ hài cốt, các chuyên gia đã có thể phần nào phục dựng được gương mặt của Lan Lăng Vương. Trong một chương trình tài liệu lịch sử phát sóng năm 2005, một hình ảnh phục dựng đệ nhất mỹ nam thời phong kiến từ một nhóm khảo cổ đã được công bố:


Ảnh phục dựng mô phỏng nhan sắc Lan Lăng Vương từ một nhóm chuyên gia

Ảnh phục chế này còn được dân mạng nhận xét có nét giống nam thần Dương Dương.

Hình ảnh phục dựng của Lan Lăng Vương đã khiến rất nhiều người đều phải trầm trồ khen ngợi. Dù sống trong thời đại cách xa cả thiên niên kỷ, lúc con người có tiêu chuẩn cái đẹp khác biệt nhưng ngoại hình trong ảnh vẫn rất phù hợp với thị hiếu đại chúng ngày nay. Mỹ nam sở hữu lông mày kiếm, đôi mắt sáng và khuôn mặt thanh tú, hợp với hình dung khi đọc miêu tả của sử sách. Dù độ chính xác không thể đảm bảo 100% nhưng hình ảnh này cũng đủ để khiến hậu thế công nhận Lan Lăng Vương xứng đáng là “đệ nhất mỹ nam” trong lịch sử Trung Hoa.

Nguồn: KH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *