Từ thời xa xưa, ở cả phương Đông và phương Tây đều có những truyền thuyết liên quan đến loài rồng, nhưng những mô tả về hình dáng của chúng thì khác nhau. Một chuyên gia “Kinh thánh” người Mỹ cho biết, rồng không chỉ là truyền thuyết, chúng là sinh vật có thật. Những ghi chép trong “Kinh thánh” và của các nhà sử học La Mã cổ đại có thể chứng minh rằng loài động vật kỳ lạ này từng tồn tại cùng thời với con người.
Chuyên gia “Kinh thánh” người Mỹ Tom Meyer đã chỉ ra rằng rồng không chỉ là truyền thuyết, chúng là sinh vật có thật tồn tại cùng thời với con người. Bức tranh vẽ rồng phương tây. (Pixabay)
Theo tờ Daily Express của Anh, từ tác phẩm văn học của tác giả người Anh Tolkien (JRR Tolkien) cho đến bộ phim truyền hình Mỹ “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones), người ta đều có thể bắt gặp hình ảnh của loài rồng. Ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và Ai Cập cổ đại, truyền thuyết về rồng cũng có một lịch sử lâu dài.
Rồng thậm chí đã từng xuất hiện trong “Kinh thánh”, riêng trong “Cựu ước”, loài sinh vật đáng sợ này đã được nhắc đến hơn 20 lần.
Giáo sư Tom Meyer thuộc Trường Cao đẳng và Cao học Kinh thánh Shasta (Shasta Bible College and Graduate School) nói với tờ Daily Express rằng, từ “rồng” là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả những sinh vật có đủ hình dạng và kích cỡ, giống như từ “khủng long” được dùng để mô tả nhiều loài sinh vật.
Ông Meyer nói rằng những ghi chép của các nhà sử học La Mã cổ đại và nội dung trong “Kinh thánh” có thể chứng minh rằng rồng đã từng tồn tại cùng thời với con người. Nổi tiếng nhất trong số này là câu chuyện về Thánh George, kỵ sĩ giết rồng xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Tuy nhiên, ông Meyer cho rằng rất lâu trước thời của Thánh George, nhiều tài liệu đã đề cập đến sự tồn tại của rồng. Ví dụ, nhà văn kiêm chính khách La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero đã viết trong cuốn sách “De Natura Deorum” rằng gió đã mang rắn bay từ sa mạc Libya đến Ai Cập.
Vài trăm năm sau, nhà sử học La Mã cổ đại Ammianus Marcellinus cũng đề cập rằng “đội quân rắn có cánh” xuất hiện từ vùng đất Ả Rập.
Ông Meyer cho biết: “Không chỉ các sử gia La Mã cổ đại mới ghi lại những cuộc xung đột với rồng, mà rồng cũng thường được nhắc đến trong ‘Kinh thánh’, từ ‘Sáng thế ký’ cho đến ‘Khải huyền’, rồng đã xuất hiện tổng cộng 35 lần”.
Ông nói thêm rằng mặc dù chúng ta có thể không biết những loại rồng khác nhau được mô tả bởi các nhà sử học La Mã cổ đại và trong Kinh thánh, nhưng chúng ta chắc chắn có thể nói rằng rồng và con người đã có thời tồn tại cùng với nhau.
Nguồn: NTVN – Theo express.co.uk