Nếu biển không còn mặn nữa, hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn. Đồng thời, thời tiết cũng sẽ trở nên khắc nghiệt hơn với con người.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Trái Đất được ước tính có 1.386 triệu km khối nước. Trong đó, 96,5% là nước mặn. Phần còn lại là nước ngọt ở sông, hồ, các sông băng hoặc bay lơ lửng trên trời dưới dạng hơi nước.
Theo WHO, cứ 7 người trên hành tinh có một người không tiếp cận được nước sạch. Dự báo vào năm 2030, khi dân số thế giới tăng gấp đôi, sẽ có 50% người dân không có nước sạch.
Nếu biến lượng nước mặn từ đại dương thành nước ngọt, bài toán thiếu nước có thể được giải quyết. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Mỗi năm có 4 tỷ tấn muối đổ từ các con sông ra biển.
Vì sao nước biển mặn?
Nước biển mặn là do quá trình chảy của các con sông. Việc liên tục đổ nước ra biển không làm loãng mà ngược lại chúng làm biển mặn hơn.
Nước từ sông cũng chứa muối nhưng chỉ mặn bằng 1/70 lần nước biển. Lượng muối này được lấy từ quá trình bào mòn đá, khoáng chất. Sau khi được đổ ra biển, quá trình bốc hơi của nước bỏ lại lượng muối lấy từ các con sông. Điều này khiến nước biển ngày càng mặn hơn.
Theo trang Palomar.edu, mỗi năm có 4 tỷ tấn muối được đổ ra các đại dương chỉ từ những con sông. Trong hàng tỷ năm tồn tại của Trái Đất, đã có 50 triệu tỷ tấn muối từ đất liền được đổ ra biển theo các con sông.
Nếu biển không mặn, hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn
Nhưng nếu toàn bộ nước biến thành ngọt, sự sống trên hành tinh sẽ bị đảo lộn. Vô số sinh vật biển chỉ có thể tồn tại trong nước mặn.
Hiện con người đã khám phá được hơn 260.000 loài sinh vật sống ở biển. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của đại dương, vẫn còn nhiều loài chưa được “thấy mặt” con người.
Nếu không có chúng nhân loại sẽ mất đi nguồn thực phẩm quý giá. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào ngành thủy sản mà cả những nước nhập khẩu cũng liên lụy.
Ngoài ra, 10.000 loài tảo biển cũng sẽ không còn. Tảo là sinh vật đặc biệt bởi chúng vừa là động vật, vừa là thực vật. Chúng có thể ăn các vật chất hữu cơ giúp thanh lọc nước. Đồng thời, chúng có thể quang hợp giúp tiêu thụ CO2 và thải ra oxy.
Nồng độ oxy sẽ giảm nghiêm trọng nếu không có tảo. Tảo thanh lọc 70% lượng oxy trên Trái Đất chứ không phải cây xanh. Điều này là do cây xanh tạo ra và tiêu thụ lượng oxy của chính nó. Tảo tạo ra oxy nhưng khi chết lượng carbon chúng thu được sẽ chìm xuống đáy biển, tạo thành dầu mỏ.
Biển ngọt sẽ thay đổi khí hậu
Chưa dừng lại ở đó, các đại dương đóng phần lớn quá trình hình thành khí hậu. Dòng hải lưu của biển có thể ảnh hưởng thời tiết đất liền. Các dòng hải lưu tồn tại được là do khác biệt về độ đậm đặc.
Khi nước bốc hơi, muối sẽ bị bỏ lại. Nước mặn sẽ nặng hơn và chìm xuống dưới. Chuyển động của việc chênh lệch nồng độ muối sẽ tạo ra các dòng hải lưu. Ngoài muối thì địa hình và gió cũng ảnh hưởng không ít.
Những dòng hải lưu sẽ mang nước ấm hay mát đi xa hàng nghìn km. Lượng nước này có thể làm ấm hoặc mát vùng không khí mà gió thổi qua. Điều này thay đổi khí hậu của nhiều khu vực đất liền.
Dòng hải lưu Gulf giúp khí hậu Tây Âu ấm áp hơn ở Nga.
Ví dụ, dòng hải lưu Gulf mang nước ấm từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới trên Đại Tây Dương về phía Bắc và sưởi ấm vùng biển Tây Âu. Kết quả là nhiệt độ ở đây ấm hơn những nơi khác ở cùng vĩ độ.
Nước muối cũng có nhiệt độ đóng băng thấp hơn. Nếu không có muối, các đại dương sẽ bị đóng băng nhiều hơn vào mùa đông. Những nơi có khí hậu nóng sẽ nóng hơn và nơi lạnh sẽ lạnh hơn. Những cơn bão lớn sẽ xảy ra thường xuyên hơn cả trên đất liền và biển vì chênh lệch nhiệt độ.
Sự thay đổi khí hậu nhanh sẽ khiến các loài sinh vật trên đất liền không thể thích nghi kịp và có thể tuyệt chủng.
Nhưng cuối cùng, hàng triệu năm sau đó, muối sẽ xuất hiện lại trong những đại dương qua quá trình đổ ra biển của các con sông mang theo muối khoáng chất. Đồng thời, khoáng chất của lớp vỏ Trái Đất sẽ tiếp tục được hòa tan vào biển.
Nguồn : Khoahoc