Gần đây các nhà khoa học đã phát triển được một kỹ thuật để điều khiển bộ não chuột khiến cho nó đi theo hướng tùy ý, mở ra hy vọng sử dụng chúng trong các hoàn cảnh và môi trường mà con người không xử lý được.
(ảnh: IEEE)
Các nhà khoa học ở Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã tạo được một con chuột “cơ khí hóa” (cyborg), nó có thể tuân thủ khá tốt lệnh của con người. Thậm chí các chuyên gia có thể khiến nó hoàn toàn bỏ qua các nhu cầu sinh lý như ăn uống và sự hấp dẫn giới tính để đi qua một mê cung với nhiều chướng ngại vật.
Để làm được như vậy, các nhà hoa học đã “hack” vào trong não của con vật bằng một kỹ thuật gọi là “quang di truyền học” (optogenetics). Trong kỹ thuật này, các sợi quang học (hoặc công cụ tương tự) được cấy vào trong não để kiểm soát hoạt động của nơ-ron trong mô sống. Việc bật hay tắt các sợi này có thể ảnh hưởng đến proteins đáp ứng ánh sáng, và tác động đến các chức năng của nó.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học khiến cho con chuột bị cuốn hút với quả bóng treo trước mặt và theo đuổi nó cuồng nhiệt. Ngay sau khi tắt tín hiệu, con chuột lập tức không còn hứng thú gì với quả bóng nữa.
Ở một thí nghiệm khác, các nhà khoa học kiểm soát con chuột này, lái nó qua một mê cung với nhiều cám dỗ: một con chuột cái, rất nhiều thức ăn ngon và qua cả chướng ngại vật là một chiếc cầu. Khi chế độ “điều khiển tâm trí” được bật lên, các nhà khoa học có thể lái con chuột đi thẳng tới đầu kia của mê cung.
Khi chế độ này bị tắt đi, con chuột lập tức bị cám dỗ bởi chuột cái và chỗ thức ăn, đi lòng vòng quanh những thứ này rồi mới đến được đầu kia của mê cung.
(ảnh: IEEE)
Với những gì đạt được, các nhà khoa học hi vọng có thể điều khiển các loại động vật thực hiện các nhiệm vụ cần đến khứu giác, như phát hiện mìn và thuốc phiện.
Ngoài thí nghiệm trên chuột, nhóm các nhà khoa học này đã từng thành công trong việc điều khiển một con rùa từ xa, bằng cách gắn một “robot ký sinh” lên trên lưng nó và điều khiển bằng đèn LED. Năm 2012, các nhà khoa học đã tạo ra được một con gián “cơ khí hóa” bằng cách kiểm soát các giác quan của nó với bộ phát sóng wifi gắn vào chính lưng con gián.
Nếu công nghệ này thành công thì thực sự sẽ rất hữu dụng trong tương lai. Động vật vốn dĩ linh hoạt và hoàn thiện hơn robot rất nhiều, quan trọng hơn là nó không cần đến pin. Tương lai có thể chúng ta sẽ có chuột dò mìn.
Mặt khác, giới khoa học có thể sẽ phải cân nhắc kỹ nếu họ định áp dụng kỹ thuật này lên các loài động vật lớn như voi, ngựa, hổ… vì các nhà bảo vệ động vật hẳn sẽ lên tiếng. Hiện vẫn chưa rõ tác động lâu dài lên cơ thể và trí não của việc điều khiển tâm trí này.
Việc can thiệp vào não người cũng đã có một số thành công nhất định, ví dụ như chữa trị bệnh Parkinson. Nhưng nếu muốn dùng các kỹ thuật loại này để chữa chứng nghiện đồ ăn thì chúng ta vẫn còn cách rất xa.
Nguồn: Trithucvn