Các nhà khảo cổ cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng rằng, chủng người Homo naledi với bộ não nhỏ bé, đã tuyệt chủng, đã biết sử dụng lửa và thắp sáng những đường hầm tối tăm từ 230.000 năm trước.
Khám phá này có thể khiến chúng ta phải đánh giá lại về nguồn gốc loài người đến từ lục địa Châu Phi.
Tái tạo hộp sọ một đứa trẻ của chủng người Homo naledi. Ảnh: Đại học Witwatersrand
Bằng chứng khảo cổ học cho thấy chủng người Homo naledi, một loài người nguyên thủy có hộp sọ giống tinh tinh, đã sử dụng lửa để nấu thức ăn và thắp sáng các hang động dưới lòng đất, mặc dù bộ não của họ chỉ bằng một phần ba kích thước não của chúng ta ngày nay.
Giáo sư Lee Berger của Đại học Witwatersrand ở Nam Phi cho biết “Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng. Nó ở khắp mọi nơi. Đó là những viên than đá, hàng ngàn bộ xương hóa thạch, những bếp lò khổng lồ và đất sét nung”.
Phát hiện này, vẫn đang được phân tích và vẫn còn gây tranh cãi, có thể là cuộc cách mạng thay đổi hiểu biết của chúng ta về những hành vi phức tạp – từng được cho là lĩnh vực duy nhất của các loài não lớn, chẳng hạn như chủng người hiện đại và người Neanderthal.
Chủng người Homo naledi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2013 trong hệ thống hang động Rising Star ở Nam Phi, khi hai người thám hiểm phát hiện thấy một căn phòng rộng lớn chưa từng được khám phá, thông qua một lối đi cực kỳ chật hẹp. Trên bề mặt căn phòng rộng lớn, có hàng ngàn bộ xương hóa thạch nằm rải rác khắp nơi. Vào năm 2015, các bộ xương hóa thạch này được tuyên bố là thuộc về một chủng người mới được phát hiện ra.
Bây giờ chúng ta biết rằng chủng người Homo naledi cao trung bình khoảng 144 cm và nặng khoảng 40 kg. Họ có sự pha trộn kỳ lạ giữa các đặc điểm của người nguyên thủy và người hiện đại: vai giống loài vượn, bộ não nhỏ chỉ lớn hơn của tinh tinh và hàm răng “gợi nhớ về một loài nào đó của hàng triệu năm tuổi”, giáo sư Berger nói.
Tuy nhiên, việc xác định niên đại hóa thạch của chủng người này vào năm 2017 cho thấy, họ tồn tại cho đến thời gian tương đối gần đây, từ 230.000 đến 330.000 năm trước; nghĩa là họ có thể là chủng người đã cùng tồn tại với chủng người Homo sapiens chúng ta, loài đã tiến hóa ở Châu Phi khoảng 300.000 năm trước.
Giáo sư Lee Berger cùng với hoá thạch người Homo naledi. Ảnh: Đại học Witwatersrand
Nhưng vẫn còn những câu hỏi về cách mà người Homo naledi di chuyển qua hệ thống mê cung hang động với những lối đi nhỏ và tối tăm tại Rising Star, và đòi hỏi những thao tác phức tạp để có thể đi trên những tảng đá chỉ rộng 17,5 cm.
Việc khó tiếp cận này có nghĩa là trong thập kỷ qua, chỉ có 47 người – tất cả đều nhỏ con và hơi gầy – có thể tiếp cận được căn phòng Dinaledi, nơi hóa thạch người Homo naledi được phát hiện lần đầu tiên. Nhưng vào tháng 8 năm nay, giáo sư Berger, có chiều cao 1m88, quyết định mạo hiểm bước vào thám hiểm mê cung này. Ông đã thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt để giảm 25kg cân nặng và chuẩn bị cho cuộc thám hiểm.
“Đó không phải là không gian dành cho những người cao 1m88 như tôi. Cho đến nay, tôi là người có chiều cao lớn nhất từng tham gia thám hiểm”, ông nói. Ông biết có khả năng ông sẽ bị vắt kiệt sức cho cuộc thám hiểm. “Tôi suýt chết trên đường ra ngoài”, ông nói.
Rủi ro đã được đền đáp. Khi Berger bước vào buồng Dinaledi và nhìn lên, ông nhận ra rằng có những vùng bị đen và các hạt bồ hóng vẫn còn bám trên mái đá. Ông nói: “Toàn bộ mái của căn phòng bị cháy và phủ một màu đen”.
Tàn tích còn lại của bếp lò, có thể được tạo ra bởi chủng người Homo naledi. Ảnh: Lee Berger
Thật tình cờ, cùng lúc Berger đang quan sát bồ hóng, đồng nghiệp của ông, giáo sư Keneiloe Molopyane, cũng đến từ Đại học Witwatersrand, đã phát hiện ra một bếp lò nhỏ với xương linh dương bị đốt cháy ở một khu vực khác của hệ thống hang động, sau đó là một bếp lò lớn bên cạnh nó, nằm ẩn sâu 15cm dưới nền hang. Sau đó, tại một khu vực khác được gọi là căn phòng Lesedi, ông Berger tìm thấy một đống than đá đã bị đốt cháy, trên nền hang là tro và xương cũng đã bị đun cháy.
Đây là một khám phá đáng chú ý, vì nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một loài người có bộ não nhỏ như vậy không thể tạo ra và sử dụng lửa trong hệ thống hang động. “Mặc dù chúng tôi có bằng chứng cho thấy người cổ đại sống ở Kenya ngày nay có thể biết sử dụng lửa từ 1,5 triệu năm trước, nhưng khả năng này “thường liên quan đến chủng người Homo erectus có bộ não lớn hơn”, Berger nói.
Chủng người Homo naledi dường như cũng đã sử dụng không gian hang động theo những cách thú vị: “xử lý xác người chết ở một không gian và nấu ăn ở các không gian khác”, ông Berger nói. “Khả năng tạo ra và sử dụng lửa cuối cùng đã cho chúng ta thấy cách chủng người Homo naledi sinh hoạt trong những không gian tối tăm và giải thích cách họ có thể di chuyển người thân đã chết của mình vào những không gian như vậy. Đây là những việc có thể không thể thực hiện được nếu không có ánh sáng. Điều này cũng cho thấy về một nền văn hóa naledi phức tạp đang ngày càng trở nên hữu hình đối với chúng ta”.
Việc xác định niên đại của những hài cốt bị cháy vẫn đang được tiến hành, vì vậy quyết định công bố phát hiện ra chủng người Homo naledi biết sử dụng lửa để chế biến thức ăn vào ngày 1 tháng 12, trước khi công bố phân tích khoa học chính thức, đã gây tranh cãi.
Ông Chris Stringer tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết: “Không thể đánh giá đúng những tuyên bố của giáo sư Lee Berger nếu không nhìn thấy bằng chứng đầy đủ, nhưng có vẻ như điều đó đang đến gần. Với tất cả sự tôn trọng dành cho Lee và nhóm của ông ấy vì hàng loạt phát hiện tuyệt vời, đây không phải là cách để tiến hành khoa học hay thúc đẩy cuộc tranh luận khoa học về những khám phá tiềm năng rất quan trọng”.
Tuy nhiên, đối với Francesco d’Errico tại Đại học Bordeaux ở Pháp, việc khám phá ra rằng chủng người Homo naledi có thể kiểm soát được lửa có thể mang lại cái nhìn sâu sắc về cách họ đối xử với người chết và tổ chức xã hội cũng như văn hoá của họ.
Ông nói: “Nếu chủng người Homo naledi được chứng minh là đã làm chủ được lửa và sử dụng nó để tiếp cận những khu vực xa xôi nhất của hệ thống hang động đá vôi Rising Star, thì điều này có thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải thích các hoạt động tang lễ được tiến hành tại địa điểm này. Việc kiểm soát nguồn phát sáng nhân tạo cho phép tổ chức các hoạt động xã hội như nghi thức tang lễ, trong không gian tối của hang động, cho thấy sự hợp tác của các thành viên và chia sẻ của một cộng đồng người”.
Đối với Berger, việc phát hiện ra chủng người Homo naledi biết sử dụng lửa có ý nghĩa thậm chí còn mang tính cách mạng hơn. Nếu những con người não nhỏ với nhiều đặc điểm nguyên thủy này có khả năng nhận thức phức tạp đủ để tạo ra và kiểm soát lửa, thì “chúng ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của một con đường và văn hóa của một chủng người khác, mà cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chỉ cho là lĩnh vực của chủng người Homo sapiens và Neanderthal”, ông nói.
Nguồn: NTD
- Định lý Pythagoras đã được ai đó áp dụng để xây vòng đá Stonehenge từ 2000 năm trước khi triết gia Hy Lạp ra đời
- Khoa học xác nhận thuyết tương đối rộng của Einstein chính xác ở ngay cả những thiên hà xa xôi
- Phát hiện mộ người khổng lồ 5.500 tuổi cùng bộ xương cao 10m