NGA-Xác ướp của con chó cổ đại vẫn giữ được ria, lông mi, chiếc mũi trơn nhẵn và hàm răng sắc nhọn, gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu.
Xác ướp chó sói non. Ảnh: Sun.
Xác ướp có niên đại 18.000 năm của con chó non được phát hiện trong tình trạng gần như nguyên vẹn ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu thuộc Siberia. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra ADN không giúp xác nhận con vật thuộc loài nào. Các chuyên gia không biết chắc nó là chó nuôi kỷ Băng Hà, chó sói hay loài chuyển tiếp.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Sergey Fedorov ở Viện Sinh thái học Ứng dụng thuộc Đại học Liên bang Northeastern tìm thấy con chó hai tháng tuổi vào mùa hè 2018 trong một ụ đất đóng băng gần sông Indigirka, nằm ở phía đông bắc của thành phố Yakutsk. Họ chưa biết rõ nguyên nhân gây ra cái chết cho con vật đầu thời Đồ đá cũ nhưng con chó hai tháng tuổi dường như không có dấu hiệu đau đớn.
Hàm răng còn đầy đủ của con chó cổ đại. Ảnh: Sun.
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu vật từ con chó cổ đại để gửi tới Trung tâm di truyền nguyên thủy Thụy Điển (CPG) nhằm tìm hiểu nó có phải chó sói non hay không. Theo tiến sĩ Fedorov, trung tâm CPG có ngân hàng ADN lớn nhất châu Âu về mọi loài chó trên khắp thế giới. Chuyên gia ở CPG xác nhận con vật có niên đại 18.000 năm. “Chúng tôi đã sắp trình tự bộ gene của nó, nhưng không thể nói rõ đó là chó sói hay chó nhà. Có thể đây là loài tổ tiên chung. Chúng tôi cần thêm thời gian phân tích”, các nhà khoa học Thụy Điển cho biết.
Con chó non được đặt tên là Dogor, có nghĩa là “bạn” trong ngôn ngữ Yakut. Nhóm nghiên cứu nêu giả thuyết là con chó có thể đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp từ chó sói sang chó nhà. Một số loài chó hiện đại có nguồn gốc từ quần thể sinh sống liên tục tại châu Âu suốt thiên niên kỷ. Chúng tiến hóa từ loài sói đã tuyệt chủng cách đây 15.000 – 40.000 năm.
Nguồn: Vnexpress – An Khang (Theo Sun)