Choáng với nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của 2 cô công chúa con vua Ba Tư thế kỷ 19

Những hình ảnh này sẽ giúp bạn hiểu được rằng quan niệm về vẻ đẹp sẽ thay đổi theo từng địa điểm, vị trí, nét văn hóa và thời đại.
Qajar (1789 – 1925) là một trong những triều đại có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử Ba Tư (Iran ngày nay). Trong triều đại này, phụ nữ có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của hoàng tộc, thế nên các đời quốc vương của Qajar luôn sở hữu một hậu cung rất đông đảo, lên đến cả trăm người.

Tuy nhiên nếu ngắm nhìn hình ảnh của các cung tần mỹ nữ trong giai đoạn này, bạn sẽ hiểu được rằng tiêu chuẩn vẻ đẹp quả nhiên là khác biệt qua từng thời kỳ, từng nền văn hóa và vị trí địa lý.

Như Nasser al-Din Shah (trị vì cuối thế kỷ 19) và hậu cung lên tới 84 bà vợ là một ví dụ điển hình. Người vợ được ông sủng ái nhất – Anis al-Dawlah (có nguồn trích dẫn là Anis al-Doleh) – được mệnh danh là “quốc sắc thiên hương” thời đó có ngoại hình như thế này!




congchua1

Hình ảnh của Anis al-Doleh trên Daily Pakistan

Dĩ nhiên, mọi sự so sánh khác thời đại đều là khập khiễng. Một bài viết trên NYTimes có nêu rằng với Nasser al-Din Shah, tuyệt sắc giai nhân phải đến từ vẻ đẹp đầy đặn, căng tràn nhựa sống, kèm theo cặp lông mày siêu đậm và một hàng ria lấp ló. Đó là biểu trưng của một phụ nữ trong hoàng tộc – đủ giàu có để luôn no đủ, không bao giờ bị đói, và không phải lao động nặng nhọc.

Vợ vua như vậy, công chúa con gái vua thì sao nhỉ? Hãy thử đi sâu hơn một chút về 2 cô con gái nổi bật nhất của đức vua – cả về vai trò đối với lịch sử, lẫn những tranh cãi vượt trên thời đại.

1. Taj Saltaneh (hoặc Tāj al-Salṭanah)

Đây là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất, khi nhiều người nhầm tưởng ảnh của cô là hình ảnh thực của Anis al-Doleh.

congchua2




Nhưng kỳ thực, đây là Taj Saltaneh (1883 – 1936) – con gái của vua Nasser với vợ là Turan es-Saltaneh. Công chúa am tường âm nhạc và hội họa, cũng như lịch sử và văn học. Nhưng đồng thời, bà cũng là người đóng vai trò khá lớn trong xã hội Ba Tư thời bấy giờ.

Nguyên do là vì bà không phải là một nàng công chúa đơn thuần. Lớn lên trong hậu cung gần 100 người phụ nữ – ngày ngày đấu đá để nhận được sự chú ý từ quốc vương, nhưng vượt lên trên sự nông cạn và lối sống vì vật chất xung quanh, bà trở thành người tiên phong đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ thời đại ấy.

Taj Saltaneh là tác giả của một cuốn hồi ký về triều đại Qajar – một tài liệu rất có giá trị với giới học giả mà ngày nay lấy tên: Hồi ký của Công chúa Ba Tư từ hậu cung đến thế giới hiện đại 1884 – 1914. Trong đó, bà đã chỉ trích rất thẳng thắn chế độ gia trưởng và lạc hậu do quốc vương và hoàng thân là Mozaffar-al-Din dựng nên. Bà tự nhìn nhận bản thân như một nhà nữ quyền và nhà hoạt động xã hội – những thuật ngữ đến từ xã hội phương Tây.

congchua3




Theo như cuốn hồi ký, mong mỏi lớn nhất của Taj Saltaneh là một xã hội dựa trên công lý. Vậy nên, cô được xã hội xem là người tiên phong đấu tranh về nữ quyền. Bà chính là người đã sáng lập ra Hội Phụ nữ tự do (Anjoman Horriyyat Nsevan) – một hội kín nhằm đấu tranh tìm lại công bằng cho phụ nữ. Taj Saltaneh cũng là người đầu tiên từ bỏ trang phục hijab truyền thống của người Hồi giáo mà khoác lên mình bộ quần áo từ phương Tây.

Chỉ tiếc rằng, sự công bằng ấy vẫn phải tiếp tục đi tìm kiếm cho đến tận ngày hôm nay. Và hiện tại, vai trò của bà đang được tiếp tục nghiên cứu tại nhiều trường đại học trên toàn thế giới, trong đó có Harvard.

congchua4

Trái với lý tưởng xã hội, cuộc sống hôn nhân của Taj Saltaneh không được viên mãn như vậy. Ngay từ khi còn rất nhỏ – trước khi có thể tự định đoạt cuộc đời mình, quốc vương Nasser al- Din đã sắp đặt một cuộc hôn nhân với Amir Hussein Khan Shoja’-al Saltaneh. Họ có với nhau 4 mặt con, nhưng sau đó thì ly dị.




Một nhà thơ rất nổi tiếng của Ba Tư là Aref Qazvini đã phải lòng bà sau đó, và lấy đó làm nguồn cảm hứng viết nên những áng thơ bất hủ mang tên Ey Taj.

2. Esmat al-Dowleh

Khác với Taj Saltaneh, Esmat al-Dowleh (1855-1906) không có một cuộc đời vĩ đại như vậy. Tuy nhiên, hình ảnh của cô cũng gây ra rất nhiều tranh cãi vì hay bị nhầm với Anis al-Doleh.

congchua5

Esmat al-Dowleh – cô công chúa sở hữu vẻ đẹp biểu tượng của vương triều Nasser al-Din shah

Thông tin về Esmat al-Dowleh khá hạn chế, chỉ biết rằng cô là người phụ nữ Ba Tư đầu tiên biết chơi piano. Ngoài ra, có tin cho rằng Esmat al-Dowleh đã khiến 13 chàng trai phải tự tử vì từ chối lời cầu hôn, nhưng sau này đã được xác minh là không chính xác.




Có thể nói, Esmat al-Dowleh cũng là một trong những biểu tượng về cái đẹp dưới triều đại Qajar thế kỷ 19. Như đã từng đề cập, quan niệm về cái đẹp trong vương triều Qajar là rất khác so với ngày nay. Họ đánh giá cao vẻ đẹp đầy đặn và có phần nam tính, nhằm thể hiện sự no đủ của một người đến từ hoàng tộc. Chính vì vậy, phụ nữ hoàng gia luôn phải có thân hình đẫy đà, nuôi ria mép, và thậm chí là vẽ thêm ria nếu không có.


congchua6

Mọi chuyện dần thay đổi sau một cuộc đảo chính của Reza Pahlavy vào năm 1921. Pahlavi được bầu làm thủ tướng vào năm 1923, rồi sau đó lập ra Quốc hội. Đến năm 1925, Quốc hội lật đổ Ahmad Shah – vị vua cuối cùng của vương triều Qajar, lập nên triều đại Pahlavy do Reza Shah nắm quyền.

Reza Shah là một người theo chủ nghĩa hiện đại. Ông đưa vào đất nước những quan niệm và tư tưởng đến từ phương Tây, đặc biệt là khái niệm về cái đẹp và giới tính.

Phụ nữ được tự do theo đuổi cái mà họ cho là đẹp, và dần dần quan niệm thẩm mỹ được chuyển dần về tiêu chuẩn của châu Âu nhiều hơn.

Nguồn: BBC, Era Victoriana, Iranian Photography (Staci Gem Scheiwiller)..
Nguồn:Helino

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *