Chiếc “áo choàng tàng hình” có thể đánh lừa camera trí tuệ nhân tạo

Các nhà khoa học đã phát triển một loại “áo choàng tàng hình” ngoài đời thực có thể đánh lừa các camera trí tuệ nhân tạo (AI) và ngăn chúng nhận ra con người.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland đã tạo ra một chiếc áo len có thể “thoát khỏi” hệ thống AI nhận dạng con người. (Ảnh: Đại học Maryland)

Theo PetaPixel, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (UMD) đã tạo ra một chiếc áo len có thể “thoát khỏi” hệ thống AI nhận dạng con người và khiến một người trở nên “tàng hình” trước camera AI.

Các nhà nghiên cứu viết trên trang web của Khoa Khoa học Máy tính thuộc UMD: “Chiếc áo len thời trang này là một cách tuyệt vời để giữ ấm trong mùa đông. Nó có lớp lót vải nỉ lông cừu không thấm nước, đường cắt hiện đại và các mẫu hình chống AI – thứ sẽ giúp ẩn mình khỏi máy dò vật thể”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng, máy dò YOLOv2 có thể bị đánh lừa bằng một mẫu hình được đào tạo trên tập dữ liệu COCO với mục tiêu được xây dựng cẩn thận”.

Theo Gagadget.com, các nhà khoa học, những người đã làm việc với AI của Facebook, bắt đầu với mục tiêu ban đầu là kiểm tra các lỗ hổng của hệ thống máy học.

Kết quả là họ đã tìm ra một mẫu hình in đầy màu sắc trên quần áo mà camera AI không thể nhìn thấy và xóa một người khỏi tầm nhìn của máy.

Trong một bài báo, nhóm các nhà khoa học giải thích rằng hầu hết các nghiên cứu về các cuộc tấn công đối kháng trong thế giới thực vào máy dò đối tượng AI đều tập trung vào các bộ phân loại, gán nhãn tổng thể cho toàn bộ hình ảnh, thay vì các máy dò khoanh vùng các đối tượng trong một hình ảnh.

Trình phát hiện AI hoạt động bằng cách xem xét hàng nghìn “ưu tiên” khoanh vùng trong hình ảnh với các vị trí, kích thước và tỷ lệ khung hình khác nhau.

Để đánh lừa bộ phát hiện đối tượng, một mẫu hình đối kháng phải đánh lừa mọi ưu tiên trong hình ảnh, điều này khó hơn nhiều so với việc đánh lừa đầu ra duy nhất của bộ phân loại.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng họ đã sử dụng bộ dữ liệu SOCO để đào tạo thuật toán thị giác máy tính YOLOv2 và xác định một mẫu hình giúp nhận dạng một người.


Sau đó, nhóm đã tạo ra một mẫu hình đối kháng và biến nó thành một hình ảnh in trên áo len.

Kết quả là, chiếc áo len trở thành một chiếc áo choàng “tàng hình” có thể mặc được, giúp người mặc không bị các thiết bị dò tìm phát hiện và người mặc áo len có thể trốn tránh các hệ thống dò tìm.

Tuy nhiên, đối với bất cứ ai hy vọng trở nên thực sự vô hình, thì có một nhược điểm. Hackster báo cáo rằng những chiếc áo len chỉ đạt tỷ lệ thành công khoảng 50% trong một thử nghiệm mà người tham gia mặc áo đó vào.

Thông tin thêm về dự án có sẵn trên trang web của Đại học Maryland, với bản in trước của bài báo có sẵn trên máy chủ arXiv.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *