Chỉ hoàn thành trong 1 đêm: Cuốn sách kỳ quái bí ẩn nhất thế giới?

Có một cuốn sách ra đời vào thế kỷ 13, chứa đựng toàn bộ tri thức của nhân loại và được coi là văn bản Trung cổ lớn nhất thế giới. Điều bí ẩn nằm ở chỗ, nó được cho là hoàn thành chỉ trong một đêm. Bạn có tin không?

Cuốn sách giữ nhiều kỷ lục

Cuốn sách này có tên là Codex Gigas, theo tiếng Latin có nghĩa là “Quyển sách khổng lồ”. Nó cao 92cm, rộng 50,5cm và dày khoảng 20cm và bạn sẽ không thể tự mình nhấc nó lên được bởi nó nặng tới 75 kg. Codex Gigas dày 320 trang và được làm từ da bò.

Codex Gigas theo tiếng Latin có nghĩa là “Quyển sách khổng lồ” ra đời từ đầu thế kỷ 13. (Ảnh: stocknewsusa.com)

Rất nhiều nội dung trong cuốn Codex Gigas không được tìm thấy trong bất kỳ văn tự cổ nào khác, khoảng một nửa cuốn sách là phiên bản Thánh kinh bằng tiếng Latin gồm Kinh cựu ước và Tân ước. Những trang còn lại là những văn tự ngắn về bách khoa toàn thư: Lịch sử y học, Thảo dược, cách trị bệnh nguy hiểm nhất, cách giải độc, các bài về phép thuật…

Đem lại điềm xấu

Codex Gigas là một bản thảo ra đời từ đầu thế kỷ 13, có nguồn gốc từ Bohemia, một trong những vùng đất lịch sử của Cộng hòa Séc. Vào khoảng năm 1229, tu viện Bohemia bị cháy rụi, vì vậy nó đã được chuyển tới lưu giữ tại Tu viện Cistercians Sedlec trước khi được tu viện Benedictine ở Břevnov mua lại.

Một lần nữa, cuốn sách Codex Gigas lại bị đổi chủ khi tu viện Benedictine gặp khó khăn về tài chính. Để lấy tiền cầm cố, các tu sĩ đã bán bản thảo này cho một tu viện ở Broumov. Không lâu sau khi nó chuyển tới “ngôi nhà mới”, tu viện này cũng xảy ra những vấn đề tài chính nghiêm trọng. 




Năm 1594, một người đàn ông chịu trách nhiệm bảo vệ bản thảo này đã chuyển nó tới Prague, bổ sung Codex Gigas vào bộ sưu tập báu vật của hoàng đế Habsburg Rudolf II. Một vài năm sau, hoàng đế Habsburg Rudolf II phát điên và buộc phải thoái vị.

Trong cuộc bao vây của quân đội Thụy Điển tại Praha vào cuối cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1648), toàn bộ kho báu của hoàng đế Rudolf II, trong đó có cuốn bản thảo Codex Gigas đã bị quân đội Thụy Điển tịch thu như là chiến lợi phẩm chiến tranh và chuyển đến Stockholm.

Một trận hỏa hoạn dữ dội đã xảy ra tại Thư viện Hoàng gia, nơi cất giữ cuốn bản thảo thời Trung Cổ. (Ảnh: Unbelievable World)




Từ năm 1649 cho tới nay, bản thảo này được lưu giữ trong Thư viện Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm. Nhưng vào ngày 7/5/1697, một trận hỏa hoạn dữ dội đã xảy ra tại lâu đài hoàng gia ở Stockholm, và Thư viện Hoàng gia chịu thiệt hại khá nặng nề.

Để cứu khẩn cấp cuốn Codex Gigas khỏi ngọn lửa hung dữ, người ta buộc phải ném nó ra ngoài cửa sổ Thư viện. Kết quả là một vài người bên ngoài đã bị thương và cuốn sách bị rách nát hư hỏng một số trang bản thảo.

Dù sao, Codex Gigas cũng tạm thời yên ổn trú tại Thư viện Hoàng gia Thụy Điển từ đó cho đến tháng 9/2007, sau 359 năm xa cách, Codex Gigas trở lại “cố hương” Prague cho đến tháng 1/2008 và được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Séc.

Codex Gigas hiện đang được trưng bày tại Thư viện Hoàng gia Thụy Điển. (Ảnh: The European Library)




Năm 2009, Codex Gigas trở về Thư viện Hoàng gia Thụy Điển và nằm yên từ đó cho đến nay. Mỗi ngày, nó thu hút khá đông lượng khách tham quan tới chiêm ngưỡng, và người ta không thể không đặt câu hỏi, làm thế nào ai đó có thể hoàn thành cuốn sách khổng lồ này trong vòng một đêm?

Bán linh hồn cho quỷ

Có nhiều lý do khiến Codex Gigas được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới, không chỉ vì kích cỡ và nội dung bên trong mà còn vì vẻ đẹp bề ngoài của nó, với những đường viền và hoa văn trang trí vô cùng tinh tế, đẹp mắt.

Ngoài ra, có khá nhiều sự huyền bí vây quanh Codex Gigas, mà một trong số đó là nội dung và những bức hình minh họa trong cuốn sách này. Nhiều trang văn bản được trang trí bằng những đường viền phong cách, những mẫu tự phức tạp và các minh họa cầu kỳ.

Bức chân dung của quỷ Satan trong cuốn Codex Gigas. (Ảnh: vintage.com)




Trong số nhiều minh họa, có một bức minh họa gây sự chú ý ở trang 290. Đó là bức chân dung của quỷ Satan trong hình dạng nửa người nửa thú, với móng vuốt và chiếc lưỡi dài. Thực tế, trong các văn bản cổ xưa để lại, những hình vẽ về ma quỷ không phải là điều hiếm thấy. Nhưng để dành trọn một trang khổ to cho chân dung của chúa tể bóng tối là một điều khá bất thường. Vậy điều gì khiến bức chân dung này lại có thể “chễm chệ” như vậy?

Có một truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 13, có một tu sĩ tên là Herman the Recluse vì phạm phải một tội lỗi nghiêm trọng, ông đã bị giam hãm trong bốn bức tường. Trong nỗ lực tuyệt vọng để tránh một sự trừng phạt nghiêm khắc dành cho mình, Herman đề nghị được viết một cuốn sách chứa đựng tất cả kiến ​​thức của nhân loại trong một đêm duy nhất, để đổi lấy sự khoan dung.

Truyền thuyết kể rằng, Tu sĩ Herman the Recluse vì muốn thoát tội ngục hình, đã thề hoàn thành cuốn sách trong vòng một đêm. (Ảnh: bursarts’s Blog – WordPress.com)




Herman đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ bất khả thi này, nhưng khi thời hạn sắp kết thúc, ông ta đã cầu xin thiên thần sa ngã Lucifer, làm cách nào đó giúp ông ta hoàn thành cuốn sách trước khi trời rạng sáng. Tất nhiên, Herman đã phải đổi linh hồn của mình cho quỷ dữ, đồng thời đã thêm hình ảnh của chúa tể hắc ám vào cuốn sách như một biểu hiện của lòng biết ơn.

Chính vì vậy, Codex Gigas bị coi là cuốn sách “điềm dị” trong suốt nhiều thế kỷ. Người ta tin rằng cuốn sách không mang lại điều gì cho người sở hữu nó ngoài sự bất hạnh, bệnh tật và bi kịch.

Cuốn sách từ thế kỷ 12 gây nhiều thách đối với các nhà khoa học. (Ảnh: http://viajes.elpais.com.uy)




Người ta cũng không hiểu vì sao Herman đã không cầu nguyện những điều tốt đẹp thần thánh thiêng liêng, mà chỉ vì muốn cứu mạng sống của mình đã cầu viện tới ma quỷ – những thế lực rất lưu tâm tới việc thúc đẩy con người phá bỏ lề luật của Thiên Chúa và phạm nhiều tội lỗi.

Nhưng đó chỉ là giả thuyết bởi còn khá nhiều điều bí ẩn xung quanh cuốn sách khổng lồ này

Khoa học chưa thể giải thích

Theo truyền thuyết thì cuốn sách này do tu sĩ Herman the Recluse viết và hoàn thành chỉ trong một đêm. Chính vì vậy nó gây tò mò và bí ẩn đến nỗi các nhà khoa học và các chuyên gia đã phải bắt tay vào cuộc để tìm hiểu.

Một trong những hình minh họa trong cuốn sách. (Ảnh: Thevintage.com)

Họ xác nhận rằng, chữ viết tay thống nhất xuyên suốt toàn bộ các trang văn vản trong Codex Gigas thực sự chỉ do một người viết. Nhưng xem xét tập hợp các trang văn bản với nội dung khác nhau, bao gồm các bức vẽ minh họa và các đường viền trang trí phức tạp, các nhà khoa học ước tính thực tế để một người hoàn thành cuốn sách này, phải mất khoảng từ 25-30 năm. Với các nét chữ viết tay rất đều nhau, theo các chuyên gia Tâm lý, thì cho thấy người viết cuốn sách này không có dấu hiệu ảnh hưởng của tuổi tác, bệnh tật, hoặc tâm lý bất an.


Thêm nữa, các nhà khoa học cũng ước tính rằng, nếu một người dành 6 tiếng trong một ngày và 6 ngày trong một tuần để viết, thì người đó cũng phải mất tới 5 năm để hoàn thành cuốn sách. Nếu người ghi chép là một tu sĩ, chỉ có thể viết khoảng ba giờ trong một ngày, điều này có nghĩa là bản thảo có thể phải mất tới 10 năm để viết. Người ra, việc trang trí bản thảo cũng tốn khá nhiều công phu, vậy nên có thể mất ít nhất 20 năm hoặc thậm chí có thể là 30 năm.

Vậy nên cho đến nay, Codex Gigas vẫn là cuốn sách bí ẩn nhất thời đại.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *