Vì sao “bộ cánh” Gagarin mặc lúc quay trở lại Trái Đất lại không phải là bộ đồ phi hành gia thường thấy?
Bộ đồ bay vào vũ trụ của Gagarin. Ảnh: wikipedia
Sau chuyến bay thành công vào vũ trụ, đứng trước các quan chức cấp cao quốc gia, Yuri Gagarin (người đầu tiên bay vào vũ trụ) không quên nhắc đến một chi tiết rất quan trọng: “Tôi đã chụp một vài bức ảnh ngoài không gian. Kể từ lúc đó, tôi đã cởi bỏ bộ đồ bảo hộ. Tôi chỉ mặc bộ quần áo chống nhiệt màu xanh lam, không có bức ảnh nào chụp khi còn mặc lớp bảo hộ màu cam pha xám. Nó đã được giấu đi.”
Và vì vậy, trong mọi bức ảnh sau khi hạ cánh, nhà du hành vũ trụ luôn xuất hiện với một chiếc áo khoác, tương tự như một chiếc vatnik (loại áo ấm các tù nhân trong các trại lao động của Liên Xô thường mặc). Trên thực tế, đây là trang phục chống nhiệt V-3 mà Gagarin mặc dưới bộ đồ phi hành gia – bộ đồ mà bất cứ nhà du hành không gian nào cũng sẽ mặc.
Nhưng tại sao Yuri Gagarin cứ phải giấu bộ đồ bảo hộ không gian đi?
SUÝT VÀO KHÔNG GIAN MÀ KHÔNG CÓ ĐỒ BẢO HỘ
Cuộc tranh luận xoay quanh việc người đàn ông đầu tiên bay vào vũ trụ có mặc bộ đồ phi hành gia hay không đã diễn ra rất sôi nổi. Nếu như không mặc bộ đồ đó thì anh ta đã mặc gì?
Vào thời nay, việc đó nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng ngày đó, các nhà khoa học đã nghiêm túc xem xét việc đưa Yuri Gagarin vào không gian chỉ với trang phục chống nhiệt, không có thêm lớp bảo vệ nào khác.
Nếu như Yuri Gagarin hạ cánh xuống mặt nước hoặc ở nơi giá lạnh thì bộ đồ đó có thể bảo vệ được anh, nhưng giả sử con tàu vũ trụ bị mất áp suất khi đang trong không gian thì bộ đồ đó hoàn toàn vô tác dụng.
Vào tháng 2 năm 1960, các nhà thiết kế của tàu Vostok nhận ra rằng họ đang gặp vấn đề lớn với khối lượng tổng thể của con tàu vũ trụ và bắt buộc phải giảm nhẹ nó bằng mọi giá – tức là loại bỏ càng nhiều thiết bị càng tốt. Nhiều người tỏ ra lạc quan rằng có rất ít khả năng tàu vũ trụ sẽ bị mất áp suất, vì vậy bộ đồ phi hành gia sẽ chỉ khiến trọng lượng tăng thêm.
Thiết bị hỗ trợ sự sống (Life support System)
Theo NASA, Thiết bị hỗ trợ sự sống sẽ cung cấp oxy, kiểm soát nhiệt độ và áp suất (áp suất ngoài không gian thấp hơn áp suất mặt đất rất nhiều), từ đó tạo ra môi trường phù hợp với con người khi ở ngoài không gian.
Cuộc tranh luận về việc liệu nhà du hành vũ trụ có cần bộ quần áo này hay không kéo dài đến tận những tháng hè, cho đến khi “cha đẻ của tàu vũ trụ”, Sergey Korolev, đưa ra quyết định cuối cùng. Ông nói rằng ông “sẵn sàng bỏ bớt 500 kg [là phần lót đệm và thiết bị của con tàu] nếu như có thể chuẩn bị bộ đồ bảo hộ cùng thiết bị hỗ trợ sự sống tới cuối năm.”
Lúc ấy, chỉ còn đúng 8 tháng là chuyến bay định mệnh sẽ khởi hành, vì vậy mọi người đều gấp rút hoàn thành bộ đồ phi hành gia đầu tiên trong lịch sử – SK-1.
TỰ MẶC THÌ KHÔNG THỂ, TỰ CỞI RA THÌ CÓ THỂ
Các kỹ sư đã chọn cách làm nhanh nhất có thể, đó là sử dụng bộ quần áo phi công tiêm kích Vorkuta Su-9 làm cơ sở (thứ mà đã có sẵn thiết bị hỗ trợ sự sống và cung cấp oxy) để làm nên bộ đồ phi hành gia.
SK-1 là một bộ đồ thám hiểm không gian “mềm”, gồm hai lớp vật liệu. Lớp đầu tiên bao gồm lavsan và polyethylene terephthalate – một loại nhựa nhiệt dẻo: Đây là loại vật liệu tân tiến nhất thời điểm đó, do Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô phát triển vào năm 1949. Lavsan được sử dụng để gia cố lớp chống nhiệt (ngày nay vật liệu này được sử dụng trong việc sản xuất chai nhựa).
Tàu thám hiểm không gian sau khi hạ cánh. Ảnh: Sputnik
Lớp chống nhiệt thứ hai được làm bằng cao su, bên ngoài là một lớp vỏ chống thấm màu cam. Màu cam được sử dụng để dễ dàng xác định và giải cứu phi hành gia trong trường hợp phi hành gia phải thoát ra khỏi cabin và thực hiện hạ cánh bằng dù.
Mũ bảo hiểm được gắn cố định kèm với cảm biến áp suất. Trong trường hợp tàu vũ trụ mất áp suất, mũ sẽ tự động đóng lại, phần ống để thông khí bên trong bộ đồ với không khí bên trong phi thuyền sẽ tự động ngắt. Trong trường hợp đó, phi hành gia sẽ sử dụng oxy từ bình oxy.
Tất nhiên, việc cứ mãi lơ lửng ngoài không gian trong bộ đồ như vậy là hoàn toàn không thể, nhưng nhà du hành vũ trụ có thể bám trụ tổng cộng 5 giờ bên trong cabin mà không có sự hỗ trợ từ các hệ thống của con tàu. Đồng thời, ngay cả bộ đồ phi hành gia “cổ lỗ sĩ” này cũng đã có hệ thống xử lý chất thải riêng, cho phép các nhà du hành vũ trụ “đi công tác” mà không cần cởi bỏ bộ đồ.
Ảnh: Sputnik
SK-1 nặng 20 kg, đi kèm với mũ bảo hiểm, được thiết kế theo số đo của nhóm phi hành gia đầu tiên trong lịch sử. Trên thực tế, phi hành gia sẽ không thể tự mặc bộ đồ này, mà sẽ cần có người giúp, và phải tuân theo những hướng dẫn cụ thể quy định thứ tự chân, tay và các bộ phận khác khi mặc. Tuy nhiên, người mặc có thể tự cởi mà không cần sự trợ giúp.
Yuri Gagarin đã phải mặc nhiều lớp quần áo: Một lớp quần áo thường, một lớp chống nhiệt, một lớp lavsan, một lớp cao su và cuối cùng – lớp vỏ màu cam.
Nhưng có một điều ít biết tới: Bộ đồ không gian này không được phép xuất hiện trước ống kính camera. Tại sao vậy?
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỘI MŨ PHỚT VÀ BÍ MẬT
Câu trả lời thực ra lại rất đơn giản: Bí mật.
Bộ đồ thám hiểm vũ trụ về mặt pháp lý được coi là một phát minh tài tình của Liên Xô; vật liệu và cách thiết kế đều là đỉnh cao trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ, là bí mật quốc gia. Lớp vỏ ngoài màu cam được thiết kế để che giấu các lớp bên dưới khỏi mắt công chúng.
Người đàn ông đội mũ phớt và phi hành gia Yuri Gagarin. Ảnh: Alexander Sergeev / Sputnik
Yuri Gagarin được lệnh là dù hạ cánh ở bất cứ nơi nào cũng phải tìm mọi cách để bộ đồ đó không xuất hiện, kể cả giấu đi hay phá hủy nó hoàn toàn. Để đảm bảo điều này diễn ra đúng kế hoạch, một trong những nhà thiết kế của bộ đồ, Ota Bakhramov, đã được cử đến để hỗ trợ. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, nhiệm vụ bí mật mà chỉ một số ít người biết đến đã được thực hiện.
Yuri Gagarin và các thành viên của Cơ Quan Vũ Trụ Liên Bang Nga. Ảnh: RBTH
Bakhramov phải lấy được bộ đồ từ Gagarin hoặc trưởng nhóm tìm kiếm và cứu nạn tại điểm hạ cánh. Ngày hôm đó, người kỹ sư đó vẫn cố gắng chụp vội được vài bức ảnh trong khi thực hiện nhiệm vụ bí mật.
Cư dân thị trấn Engels đã nhận định rằng người đàn ông đội mũ phớt và mặc áo khoác mùa đông hẳn là nhân viên an ninh hoặc vệ sĩ của phi hành gia, đảm nhiệm vai trò bảo vệ sự an toàn của anh hùng dân tộc, nhưng thực chất chỉ đơn giản là ở đó để cất giấu bộ đồ phi hành gia.
Nguồn: DV
- Ngôi đền độc đáo tôn thờ rắn, đến đây bạn sẽ thấy chúng ngự khắp nơi
- Top 10 vũ khí cổ xưa vẫn gây “rợn tóc gáy” cho đến ngày nay
- Lời dự báo của các nhà tiên tri trong năm 2022 hé lộ đại dịch kết thúc?