Bạn có tin vào phép màu này không?
Ngày 21/9/2008, tại thành phố cảng Naples của Ý, một lọ chứa khối chất rắn đậm màu, được cho là máu khô của giám mục Januarius, lại một lần nữa hóa lỏng trước ánh mắt ngỡ ngàng của dân chúng. Phép lạ “máu đông hóa lỏng” này đã xuất hiện rất nhiều lần kể từ thời Trung Cổ cho đến nay. Hiện tượng kì lạ này tuy được những tín đồ Công giáo sùng bái như một phép màu, nhưng vẫn còn để ngỏ một lời giải thích thỏa đáng từ giới khoa học.
Hồng y đem lọ máu ra trước công chúng.
Januarius (còn gọi là Gennaro) (270-305 sau Công nguyên) vốn là một giám mục của giáo phận Benevento (một thị trấn nhỏ gần Naples của nước Ý). Ông được phong “Thánh bổn mạng của Naples” sau khi tử vì đạo cùng với phó tế Festus vào tháng 9 năm 305 tại Pozzuoli. Kẻ sát hại ông và các giáo dân khác chính là Hoàng đế La Mã Dioclentianus, trong một cuộc bách hại những người theo Công giáo.
Người dân tin rằng Januarius được nhiều người tôn kính vì những nhân đức anh hùng của ông nên Chúa đã tạo ra phép lạ làm cho máu ông luôn tươi tốt và có đủ mọi đặc tính như khi còn sống. Ngoài truyền thuyết cho rằng một giáo dân tên Eusebia đã giữ lại máu của Januarius khi ông bị hành hình, không có tài liệu nào, ngay cả biên niên sử của Naples, đề cập việc lọ máu ấy được tạo ra như thế nào. Chỉ biết rằng “phép màu” được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 17/8/1389.
Lọ máu bí ẩn của thánh Januarius.
Chiếc lọ được xem như một thánh tích nổi tiếng của Thiên Chúa giáo, đặt trang nghiêm trong nhà thờ chính tòa Naples. Bề ngoài trông lọ khoảng 60ml, chứa một khối vật chất đặc khô chiếm nửa bình. Cứ đến các tháng 5, 9, 12, khi thực hiện nghi lễ truy tôn Thánh Januarius, chiếc lọ được đưa ra, xoay chuyển để “phép màu” xuất hiện: khối vật chất ấy hóa lỏng ra, có khi ngay lập tức, có khi từ từ, vài giờ đến vài ngày… sau đó đông lại như cũ. Không những thế, một số hiện tượng khác cũng được ghi nhận như: sôi, sủi bọt, đổi màu từ đỏ thẫm sang đỏ hồng, thậm chí khi cân thấy tăng khối lượng!!! Có lúc khối ấy không hóa lỏng hết mà nổi thành viên nhỏ trên lớp chất lỏng.
Về việc khối vật chất ấy có thật sự là máu không, các nhà khoa học đã dùng máy đo quang phổ chiếu vào lọ vào các năm 1902 và 1989. Cả hai lần đều xác nhận dấu vết của hemoglobin bên trong và có đầy đủ tính chất của máu người.
Hiện tượng xúc biến.
Thế nhưng vẫn còn những hiện tượng khác gây khó hiểu cho các nhà khoa học. Thứ nhất, máu cần có một bề mặt nhám, xù xì để kết tụ lại thành cục, nhưng ở đây máu hóa lỏng rồi đông lại trong một chiếc lọ hoàn toàn trơn nhẵn. Thứ hai, cục máu đông khi đã vỡ thì không thể tái tạo lại được nếu không bổ sung thêm yếu tố thứ nhất và các chất giúp đông máu. Thứ ba, máu chỉ xảy ra “phép màu” vào ba tháng nhất định trong năm và… trước công chúng.
Bà Margheritta Hack, giáo sư vật lý thiên thể tại đại học Trieste của Ý lại cho rằng phép lạ ấy chỉ là một hiện tượng vật lý bình thường: tính xúc biến. Tính xúc biến hay còn gọi là tính “sol – gel thuận nghịch” – được xem là lời giải thích hợp lý nhất cho đến nay. Hiện tượng này xảy ra khi một chất từ dạng rắn, bán rắn có thể hóa lỏng và ngược lại nhờ khuấy, rung lắc hay các tác động cơ học nói chung. Vì vậy có thể xem hành động xoay chuyển chiếc lọ của vị tổng giáo phận Naples là nhân tố gián tiếp khiến máu trong bình hóa lỏng.
Tượng thánh Januarius ở Naples.
Mặc dù vậy, những chứng cứ khoa học có vẻ không làm lay chuyển lòng tin mạnh mẽ của những tín đồ Công giáo vào “phép màu trăm năm” này. Họ tin tưởng rằng hằng năm, nếu máu hóa lỏng là báo hiệu một năm an lành, còn nếu máu không lần nào hóa lỏng là điềm gở của thiên tai. Điển hình là năm 1527, máu đông không hóa lỏng và 10,000 người tử vong trong một trận dịch quái ác. Đến năm 1980, một lần nữa “phép màu” không xảy ra và 3,000 người đã thiệt mạng trong một trận động đất thuộc miền Nam nước Ý.
Còn bạn, bạn tin vào khoa học hay cho rằng “phép màu” này có thật?
Nguồn: Ione