Càn Long hỏi “Khanh là trung thần hay gian thần”, vì sao Hòa Thân trả lời mình là nịnh thần mà vẫn không bị xử tội?

Không chỉ là tham quan đệ nhất của triều Thanh, Hoà Thân còn là một người có học vấn uyên thâm và tài xu nịnh hơn người. Khi đối mặt với vua Càn Long, ông đã không ít lần “uốn ba tấc lưỡi” của mình, dễ dàng hóa nguy thành an.

Hòa Thân thuộc dòng họ Nữu Hỗ Lộc, người Chính Hồng Kỳ tại Mãn Châu, sinh ra trong một gia đình hoạn quan có thế lực. Cha ông từng làm phó Đô thống tỉnh Phúc Kiến nhưng mẹ lại sớm qua đời. Gia cảnh Hòa Thân dần suy tàn. Cuộc sống của ông khi nhỏ khá vất vả, thậm chí thường ăn không no, hai anh em phải sống nhờ vào người khác. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.

Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.

Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.

Càn Long cả đời yêu thích thơ phú, Hòa thân thì thuộc lòng từng câu chữ, ý thơ hay thói quen dùng điển tích điển cố, cách gieo vần của Càn Long. Để có thể tung hứng với Càn Long, Hòa Thân cũng bỏ công sức học thơ và làm thơ nên khả năng thơ phú của ông ta cũng là thiên hạ hiếm có.

Tiền Vịnh Tằng cùng thời với Hòa Thân từng đánh giá rằng: “Thơ của Hòa Thân gieo vần rất tuyệt, rất thông thơ luật. Thơ của Hòa Thân rất hợp với sở thích của Càn Long, Càn Long đọc xong không thích mới lạ, rất nhiều phen tức cảnh làm thơ đã cứu mạng Hòa Thân”.

Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Ảnh: Internet




Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân. Từ đó về sau, Càn Long đã bắt đầu để mắt và thích đàm đạo cùng người thị vệ họ Hòa này.

Một lần nọ Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về “Mạnh Tử”. Nhưng vì chữ quả nhỏ nên Hoàng đế cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã nhanh chí học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước. Kể từ đó, Hòa Thân chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.

Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Theo như lời đồn đại, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Vẻ ngoài ấy hao hao giống với một người tì thiếp đã bị thất sủng và mất mạng do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Vì vậy Càn Long luôn có một sự ưu ái đặc biệt với Hòa Thân.

Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hoà Thân: “Khanh là trung thần hay gian thần?”.

Hoà Thân đáp: “Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần”.

Vua Càn Long hỏi tại sao, Hoà Thân lại tiếp tục đáp: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất”!

Khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng. Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân.

Vốn hiểu tính Hoàng đế, Hòa Thân biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận. Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. 

Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi đồng ý cho con trai Hoà Thân là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu. Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc Hòa Thân thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.

Vào những năm cuối đời, Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác loác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hy. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.


Trong lịch sử triều Thanh, Hòa Thân làm quan 30 năm, đến khi kiểm kê tài sản của ông ai nấy đều phải kinh ngạc. Tổng số tiền ông từng tham ô lên tới 1 tỷ lượng bạc, tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh.

Tuy nhiên, cuối cùng khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết vì đã phạm phải nhiều tội nghiêm trọng. Ban đầu, Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân bằng hình phạt lăng trì nhưng sau, dưới sự thỉnh cầu của quan lại, ông ban cho tham quan này cái chết nhẹ nhàng hơn, đó là tự kết liễu đời mình.
Nguồn:     VDH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *