Lý thuyết chính thống hiện tại tin rằng khoảng 13,8 tỷ năm trước, vũ trụ này được sinh ra vụ nổ lớn và thời gian được tính từ thời điểm đó. Mới đây một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hai thiên hà có lịch sử 13 tỷ năm. Điều này có nghĩa là chúng được hình thành chỉ 800 triệu năm sau khi vũ trụ ra đời…
Ảnh minh họa về một thiên hà trong vũ trụ sơ khai. (Ảnh: NRAO/AUI/NSF, S. Dagnello)
Những thiên hà này bị che khuất bởi lớp bụi dày. Các phương pháp quan sát trước đây đã bỏ sót sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này đã vô tình phát hiện ra chúng. Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu tin rằng có tới 1/5 số thiên hà cổ đại này bị bao phủ bởi bụi và chưa được quan sát.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Waseda ở Nhật Bản và Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) đã phát hiện ra rằng có hai hình ảnh mờ bên cạnh hai thiên hà đã biết. Hai thiên hà đã biết, từng được phát hiện trong các nghiên cứu trước đây, phát ra tín hiệu sáng trong dải cực tím, trong khi hai hình ảnh mờ được nhìn thấy lần này chỉ là tín hiệu trong dải hồng ngoại.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 22/9 cho biết: “Khám phá tình cờ này cho thấy phương pháp quan sát các thiên hà cổ đại trước đây của chúng ta trong phạm vi tia cực tím sẽ bỏ sót một số thiên hà”.
Dự án nghiên cứu này bắt đầu vào năm 2019, sử dụng dữ liệu quan sát từ Kính viễn vọng mảng sóng milimét lớn Atacama (ALMA) ở Chile để phân tích các thiên hà trong vũ trụ sơ khai. Kính thiên văn này có khả năng phát hiện dải tần giữa sóng hồng ngoại và sóng vô tuyến.
Các nhà nghiên cứu tập trung phân tích 40 thiên hà đã được các nhà khoa học biết đến từ thời cổ đại. Thời kỳ cổ đại được đề cập ở đây là thời kỳ rất gần với sự ra đời của vũ trụ, và các nhà nghiên cứu gọi thời kỳ đó là buổi bình minh vũ trụ.
Trong số đó, khi các nhà nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng các thiên hà đã biết là REBELS-12 và REBELS-29, họ nhận thấy rằng có một số hình ảnh mờ chỉ cách hai thiên hà này vài nghìn năm ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi và phân tích những hình ảnh mờ này và phát hiện ra rằng chúng là hai thiên hà chưa từng được biết đến trước đây ẩn dưới lớp bụi dày. Hai thiên hà này không nhìn thấy được trong dải cực tím và dải ánh sáng nhìn thấy nên các phương pháp dò tìm trước đây chưa thể phát hiện được, chỉ có kính thiên văn ALMA với độ nhạy cao trong dải hồng ngoại mới có thể phát hiện được. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho chúng là REBELS-12-2 và REBELS-29-2.
Mặc dù REBELS-12 và REBELS-29 được phát hiện bằng bức xạ hồng ngoại gần, REBELS-12-2 và REBELS-29-2 không được phát hiện. Điều này cho thấy những thiên hà REBELS-12-2 và REBELS-29-2 bị ẩn nấp sâu trong bụi. (Ảnh: ALMA)
Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 1/5 số thiên hà cổ đại được sinh ra trong thời kỳ “bình minh vũ trụ” có thể đã ẩn mình dưới lớp bụi vũ trụ dày đặc và chưa được phát hiện.
Các nhà khoa học từng nghĩ rằng các thiên hà là những cấu trúc thiên thể tương đối trưởng thành và cần một khoảng thời gian nhất định để hình thành sau khi vũ trụ ra đời. Trong những năm gần đây, thông qua các kỹ thuật phát hiện nhạy cảm, nhiều nghiên cứu đã liên tiếp báo cáo việc phát hiện ra những thiên hà rất cổ xưa như vậy. Do đó, những khám phá về chúng có ý nghĩa to lớn đối với các nhà thiên văn trong việc nghiên cứu quá trình ra đời của các ngôi sao và thiên hà sơ khai.
Nguồn: NTDVN
- Lần đầu tiên quan sát được sự va chạm của các lỗ đen khổng lồ trong quá trình sáp nhập thiên hà
- A1689B11 – Thiên hà làm lung lay học thuyết Big Bang
- Phát hiện 72 thiên hà mới trong khu vực vùng sâu Hubble