Trong hơn 700 năm, người La Mã cổ đại đã mua bán rất nhiều miếng bùa khắc lời nguyền gọi là defixiones, nhằm yểm ma thuật lên người hay vật. Họ tin rằng sức mạnh của lời nguyền sẽ giúp họ đánh bại quân địch. Tuy nhiên, người muốn yểm bùa cần hành động thật nhanh và mua được miếng bùa trước khi kẻ thù của họ kịp làm điều tương tự.
(Ảnh: Internet)
Buôn bán bùa ngải: Một ngành kinh doanh thời cổ đại
Các miếng bùa thường được làm từ chì hoặc hợp kim chì, thay vì từ giấy ngói phổ thông và sáp để tiết kiệm chi phí. Chì cũng là một chất liệu lâu bền có khả năng chống chọi các yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Đôi khi người ta khắc lời nguyền lên những phiến đá vôi, đồ gốm sứ hay các loại đá bán quý.
Được khắc trên một phiến chì, lời nguyền này ngăn chặn một người nói xấu người khác. (Ảnh: message to eagle)
Theo Pliny già (23-79 TCN), một triết gia nổi tiếng người La Mã, người La Mã cổ đại rất sợ bị nguyền rủa.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được hơn 1500 miếng bùa nguyền rủa cổ đại; phần lớn ở vùng phụ cận thành Rome, Italy. Một vài miếng bùa cũng được phát hiện ở Anh, tại nơi từng bị đế quốc La Mã cai trị. Người dân sẽ mua miếng bùa làm sẵn từ các ảo thuật gia “lão luyện”. Tất cả những gì họ phải làm là cho biết tên nạn nhân để khắc lên miếng bùa.
Miếng bùa nguyền rủa mang thông điệp đến các vị thần hoặc linh hồn, thỉnh cầu chiến thắng trước quân địch hoặc giáng tai họa xuống đầu họ.
Lời nguyền cổ đại thường được đặt trong nghĩa địa
Miếng bùa nguyền rủa cần được đặt gần mục tiêu nhất có thể. Lấy ví dụ, bùa nguyền rủa một tay đua xe ngựa nên được giấu trong trường đua; trong khi bùa nhắm vào một viên chức cao cấp nên được chôn gần văn phòng ông ta. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được đặt trong các ngôi mộ.
Người La Mã cổ đại tin rằng những người chết trẻ sẽ phải lang thang trên dương thế như cô hồn dã quỷ. Bằng cách đặt miếng bùa trong mộ, linh hồn sẽ được siêu thoát, nhưng chỉ khi người chết thực hiện yêu cầu được ghi trên miếng bùa. Tuy việc bật nắp mộ đã bị triều đình nghiêm cấm, nhưng điều này không thể ngăn cản nhiều người lẻn vào nghĩa trang ban đêm để đặt miếng bùa vào bên trong mộ.
Miếng bùa nguyền rủa được khai quật tại xã Eyguieres, Pháp. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Wikimedia)
Mọi người phù phép và nguyền rủa lẫn nhau
Không có giới hạn số lời nguyền người La Mã có thể nghĩ ra. Nội dung trên những miếng bùa nguyền rủa được khai quật cho thấy sự ích kỷ và tham lam của con người. Lời nguyền có thể dùng đề báo thù, vì công lý, trong thi đấu thể thao, giao thương buôn bán, hoặc tình yêu và dục vọng. Các đối thủ trong thi đấu thể thao và giao thương buôn bán nguyền rủa nhau bị thất bại hoặc thua lỗ; các bên đối lập trong tố tụng pháp lý nguyền rủa nhau bị đãng trí hoặc mất khả năng biện luận.
Miếng bùa nguyền rủa từng bị nghiêm cấm nhiều lần
Miếng bùa nguyền rủa đã trở nên cực kỳ phổ biến và là một mặt hàng “đắt như tôm tươi”. Hoàng đế La Mã đã nhiều lần cố gắng ngăn cản người dân dùng chúng. Hình phạt cho việc sử dụng miếng bùa nguyền rủa là đóng đinh trên cây thập tự hoặc ném cho thú dữ ăn thịt. Tuy vậy, không hình phạt nào có thể ngăn cản người dân tiếp tục mua và sử dụng chúng chống lại kẻ thù của họ.
Hai miếng bùa nguyền rủa bằng chì tại vương quốc cổ Phrygia, hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, từ thế kỷ 1-3 SCN. (Ảnh: Message to eagle)
Nhưng tín đồ Cơ đốc thời kỳ đầu cũng sử dụng các miếng bùa nguyền rủa, nhưng Giáo hội đã ngăn chặn thành công việc sử dụng tràn lan loại tà thuật này.
Nguồn: ĐKN – Theo Message to eagle