Có không ít bí mật trong các bức tranh chỉ được bật mí khi phóng to lên, chiếu tia X-quang hoặc phân tích kỹ lưỡng.
1. “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci
“Bữa tối cuối cùng” vẫn luôn là một bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci. Dù đã được vẽ từ năm 1495 – 1498 nhưng đến hơn 500 năm sau, vào năm 2007, một nhạc sĩ kiêm kỹ sư tin học người Ý tên Giovanni Maria Pala mới phát hiện ra một bí mật ẩn thú vị đằng sau tác phẩm này.
Pala đã tìm thấy một khuông nhạc 5 dòng chạy ngang qua bức hoạ. Không chỉ vậy, cách bài trí bánh mì, tư thế bàn tay của Chúa Jesus và các tông đồ đều là dấu hiệu ẩn tượng trưng cho các nốt nhạc. Các nốt nhạc cần được đọc từ phía phải sang trái. Khi kết hợp với nhau, người ta có thể đánh lên được một bản nhạc dài 40 giây với giai điệu buồn bã.
2. “Hôn lễ của Arnolfini” của Jan Van Eyck
“Hôn lễ của Arnolfini” là bức tranh sơn dầu tạo nên tên tuổi của họa sĩ người Bỉ Jan Van Eyck, được vẽ năm 1434. Thoạt nhìn, người xem chỉ nhìn thấy cô dâu chú rể ở chính giữa bức tranh. Thế nhưng khi phóng to cận cảnh vào tấm gương nhỏ ở chính giữa, người ta mới phát hiện ra cả một thế giới nữa. Bên trong đó là ảnh phản chiếu của 2 người làm chứng hôn lễ mặc đồ màu lam và màu cam. Phía trên tấm gương này, tác giả còn ký tên vô cùng nhỏ, ghi “Jan Van Eyck đang ở đây”. Bức tranh đã miêu tả lại cả một buổi hôn lễ đầy đủ chứ không chỉ là một cặp đôi mới cưới.
3. “Sự sáng tạo ra Adam” của Michelangelo
Danh họa người Ý Michelangelo đã vẽ tác phẩm hội họa để đời ở trên trần nhà nguyện Sistine, Vatican từ năm 1511 – 1512. Bức tranh kể lại về giai thoại trong Sách Sáng thế, khi Chúa thổi hồn và tạo ra Adam – con người đầu tiên của nhân loại.
Vào năm 1990, một bác sĩ tên Frank Lynn Meshberger đã công bố một nghiên cứu gây chú ý khi phân tích rằng hình ảnh Chúa trong “Sự sáng tạo ra Adam” thực chất đã mô tả một cách chính xác cấu trúc giải phẫu của não người. Các chi tiết, màu sắc trùng khớp với những đường nét bề mặt trong và ngoài não bộ, bao gồm cả thân não, thuỳ trước trán, động mạch thân nền, tuyến yên,…
4. “Nàng Mona Lisa” của Leonardo da Vinci
Bức tranh nàng Mona Lisa vẫn luôn là một trong những bức họa nổi tiếng nhất nhân loại, một phần vì những bí ẩn của nó. Nụ cười khó hiểu của người phụ nữ xinh đẹp trong tranh vẫn luôn là đề tài tranh cãi suốt nhiều thế kỷ.
Một trong cách lý giải được đồng tình nhiều lý giải cho bí ẩn nụ cười Mona Lisa là Leonardo Da Vinci đã sử dụng kỹ thuật ông tự học tên là “Sfumato”. Họa sĩ đã pha trộn nhiều chất màu sơn đặc biệt khác nhau, nhất là ở khu vực góc mắt, miệng của nàng Mona Lisa để tạo ra vẻ thoắt ẩn thoắt hiện, mỗi lần nhìn, góc độ nhìn lại ra hình ảnh khác nhau. Ấy thế nên người phụ nữ này lúc cười, lúc lại như không cười, khi rạng rỡ, lúc lại mang đầy vẻ u buồn.
5. “Café Terrace trong đêm” của Vincent van Gogh
Bức tranh vẽ cảnh đêm tại một quán cà phê góc phố được đánh giá cao vì giá trị hội họa. Nhưng không chỉ vậy, hậu thế đã từng phát hiện ra rằng, số người đang ngồi trong quán cà phê là 12 người. Con số này tượng trưng cho 12 tông đồ và người phục vụ ở giữa có hình dáng giống như chúa Jesus.
6. “Cô gái đọc thư bên ô cửa sổ hé “của Vermeer
“Cô gái đọc thư bên ô cửa sổ hé” là bức tranh sơn dầu được danh họa người Đức vẽ trong khoảng năm 1657 – 1659. Người thiếu nữ trong tranh đang lén lút đọc bức thư của người tình. Chiếc màn bên cạnh cô biểu trưng cho sự lén lút và cả ước muốn được trốn thoát khỏi những định kiến về gia đình và xã hội đè nặng lên người phụ nữ.
Vào thời hiện đại, khi chiếu tia X-quang vào trong tranh, người ta còn phát hiện ra một chi tiết thú vị nữa đã bị ẩn đi dưới lớp sơn. Ở góc bên phải phía trên vốn còn có một vị thần Cupid nữa, càng thể hiện cho tình yêu mãnh liệt của cô gái.
Nguồn: Insider, Bright Side
- Công nghệ nano thời La Mã cổ đại: Bí ẩn về chiếc cốc Lycurgus
- Các hành tinh biến mất tiết lộ chiến tranh giữa các vì sao trong hệ Mặt Trời
- Phát hiện vi khuẩn “khổng lồ”, khiến nhiều kiến thức vi sinh vật bị lật đổ