Vào những năm 50 thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã nghiêm túc xem xét việc xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng. Tại sao vậy? Như lời Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson: là để Hoa Kỳ không phải nằm ngủ dưới “ánh Trăng của Cộng Sản”.
Nhìn lên bầu trời
Vào 10h 30p đêm ngày 4/10/1957, Liên Xô đã phóng thành công Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới lên quỹ đạo Trái Đất. Sputnik chỉ là một quả cầu kim loại có gắn một số ăng ten, nó không lớn hơn nhiều so với một quả bóng rổ. Tất cả nhiệm vụ mà nó làm, là gửi tín hiệu các tiếng “bíp bíp” bằng sóng radio về Trái Đất. Tuy nhiên mỗi ngày, nó cũng truyền tới Hoa Kỳ vài lần, và chính phủ đã không thể làm được gì với việc đó.
Hàm ý rõ ràng là: Các tên lửa của Nga, loại được dùng để phóng các vệ tinh như Sputnik lên quỹ đạo, có thể một ngày nào đó được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ.
Sputnik – vệ tinh đầu tiên trên Thế Giới. (Ảnh: cgtrader.com)
Người Nga đã không dừng lại ở đó: Một tháng sau, trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 40 của cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, họ đã đưa một con chó lên quỹ đạo, trên vệ tinh Sputnik-2.
Miền đất hứa
Các nhà phân tích thông tin tình báo của Hoa Kỳ, những người chuyên nghiên cứu chương trình không gian bí mật của Liên Xô đã lo sợ rằng, người Nga thực sự có thể sẽ đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1967. Điều đó dấy lên một số quan ngại cho các nhà hoạch định quân sự Mỹ:
– Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Liên Xô tuyên bố rằng Mặt Trăng là lãnh thổ của họ?
– Chuyện gì xảy ra nếu họ thiết lập một căn cứ quân sự trên Mặt Trăng, thậm chí có thể là một căn cứ tên lửa hạt nhân với các đầu đạn nhắm về phía Trái Đất?
Hoa Kỳ sẽ không có cách nào để phòng thủ. Lúc này, điều duy nhất mà các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ quan tâm là, làm sao để chiếm Mặt Trăng và xây dựng căn cứ trên đó trước người Nga.
Hoa Kỳ lo ngại Mặt Trăng sẽ bị chiếm làm căn cứ quân sự. (Ảnh: Cosmoquest Forum)
Sau đó Hoa Kỳ có thể quyết định có đặt tên lửa trên đó hay không, có cho phép người Nga đặt chân lên đó và xây dựng căn cứ trên đó hay không. Họ có thể từ chối không cho người Nga xây dựng. Các binh lính, cũng là các phi hành gia đóng quân trên Mặt Trăng có thể ngăn cản người Nga đổ bộ lên.
Vào tháng 3 năm 1959, trung tá Arthur Trudeau, người đứng đầu các chương trình nghiên cứu phát triển của quân đội Hoa Kỳ cho biết: “Căn cứ trên Mặt Trăng là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trên Mặt Trăng… Theo đó, Hoa Kỳ có thể từ chối việc đổ bộ của người Liên Xô bằng các tuyên bố thương mại hoặc công nghệ.”
Ông cũng đã chỉ thị cho tư lệnh quân nhu của quân đội Hoa Kỳ “phát triển một kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng theo cách nhanh nhất có thể.”
Hai tháng sau, một báo cáo gồm ba chương về dự án “Project Horizon” (tạm dịch: “Dự án Đường chân trời”) đã được đặt trên bàn làm việc của Trung tá Trudeau.
Dự án Đường chân trời
Một trong những khả năng đầu tiên được xem xét là: đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng để tìm kiếm “những hố sâu hay hang động”, mà có thể “được phủ lên và bọc lại bằng các túi áp suất” để xây dựng nên một căn cứ. Tuy nhiên, các tác giả của Dự án Đường chân trời đã đưa ra một đề xuất tham vọng hơn nhiều, một kế hoạch gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Phân phối
– Đầu tháng 1/1965, hàng chục tên lửa đầu tiên sẽ được phóng lên Mặt Trăng, mang theo trang thiết bị, nguyên vật liệu và các bộ phận cần thiết để xây dựng căn cứ, tất cả các lần phóng đều không có người.
– Khi nguyên vật liệu đã tới được Mặt Trăng, hai phi hành gia sẽ được đưa lên đó để kiểm tra xem mọi thứ có đến được trên đó trong điều kiện tốt không. Bất kỳ nguyên vật liệu nào bị hỏng, hay bị hủy sẽ được thay thế trong các lần phóng tiếp theo.
– Hai phi hành gia đầu tiên này cũng kiểm tra xem vị trí được chọn làm căn cứ có phù hợp không, nếu không phù hợp họ sẽ tìm kiếm các vị trí khác thay thế. Các tác giả của dự án nghiên cứu ước tính, sẽ mất tổng cộng 30 đến 90 ngày để hai phi hành gia hoàn thành nhiệm vụ của họ, sau đó họ sẽ trở lại Trái Đất. Khi ở trên Mặt Trăng, họ sẽ sống trong ca-bin của con tàu đổ bộ Mặt Trăng của họ.
Giai đoạn 2: Xây dựng doanh trại
– Sáu tháng sau, khi mọi thứ đã được xác nhận là sẵn sàng, một đội xây dựng gồm 9 phi hành gia sẽ được đưa lên Mặt Trăng để tháo dỡ nguyên vật liệu và bắt đầu lắp ráp căn cứ. Phần đầu tiên được xây dựng sẽ là doanh trại, để họ có thể sống trong khi họ ở trên đó xây dựng phần còn lại của căn cứ.
– Các bộ phận dùng để lắp ghép thành doanh trại và căn cứ trên Mặt Trăng sẽ được chế tao từ trước, đó là các bộ phận sẵn sàng cho lắp ghép, được làm thành những ống kim loại hình trụ có đường kính khoảng 3m, dài khoảng 6m (bằng khoảng kích thước của một thùng chở hàng). Thay vì lắp ráp nổi trên bề mặt của Mặt Trăng, kế hoạch đặt ra là, các doanh trại này sẽ được đặt dưới các đường hào, mà các phi hành gia sẽ đào bằng một loại máy, giống như máy ủi, hoặc chất nổ, hoặc kết hợp cả hai.
Giai đoạn 2 – xây dựng doanh trại, sử dụng các ống sắt rộng 3m dài 6m đặt dưới đường hào. (Ảnh: Cybernetic Zoo)
– Khi các ống kim loại đã được lắp ghép dọc theo hệ thống đường hào, và các thiết bị hỗ trợ sinh hoạt đã hoạt động ổn định, các phi hành gia sẽ dùng đất trên bề mặt Mặt Trăng để phủ kín toàn bộ căn cứ. Tại sao lại làm vậy?
Đó là để bảo vệ các phi hành gia khỏi bị tiếp xúc với bức xạ.
Để bảo vệ căn cứ khỏi khoảng chênh lớn về nhiệt trên Mặt Trăng (bề mặt của nó lên tới 127 độ C vào ban ngày và giảm xuống -138 độ C vào ban đêm).
Và để bảo vệ căn cứ khỏi các thiên thạch. Trên Trái Đất, các thiên thạch bị cháy trên bầu khí quyển và trở thành các vì sao rụng, tương đối ít thiên thạch có thể đụng tới bề mặt Trái Đất. Mặt Trăng thì không có bầu khí quyển để đốt cháy thiên thạch, vì vậy tất cả chúng đều sẽ va vào bề mặt của Mặt Trăng. Việc chôn căn cứ xuống dưới cũng dễ dàng hơn cho việc phòng thủ trước các cuộc tấn công.
Giai đoạn 3: Căn cứ chính
– Sau khi các phi hành gia hoàn thành nhiệm vụ xây dựng doanh trại, họ sẽ bắt đầu xây dựng phần chính của căn cứ, bằng việc đào thêm một đường hào dài hơn, hợp với đường hào trước một góc 90 độ. Những nguyên vật liệu còn lại sẽ được lắp ráp, rồi chôn xuống đường hào đó. Sau khi công việc hoàn thành, các phi hành gia sẽ di chuyển về nơi sinh sống lâu dài và chuyển đổi doanh trại thành các phòng thí nghiệm.
Giai đoạn 3 – xây dựng căn cứ chính, vuông góc với doanh trại. (Ảnh: The inquisitr)
– Năng lượng sẽ được cung cấp bởi hai lò phản ứng hạt nhân được chôn ở một nơi cách căn cứ một khoảng an toàn.
– Các tác giả của Dự án Đường chân trời ước tính rằng, căn cứ sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm 1966, lúc đó nó sẽ sẵn sàng cho việc chiếm đóng vĩnh viễn của quân đội Hoa Kỳ bằng cách luân phiên các nhóm phi hành gia, mỗi nhóm 12 người, phục vụ một năm trên Mặt Trăng rồi sẽ trở lại Trái Đất.
Theo bản báo cáo kế hoạch, khi căn cứ quân sự trên Mặt Trăng hoàn thành, các tên lửa của Mỹ đã được lắp đặt, nhắm về phía Liên Xô, thì người Xô Viết chắc chắn sẽ có hành động tấn công phá hủy căn cứ bằng nhiều cách. Các nhà hoạch định của Dự án Đường chân trời cũng đã dự tính cho việc này. Với môi trường trọng lực thấp và không có bầu khí quyển như trên Mặt Trăng, họ lập phương án phòng thủ như thế nào?
Kế hoạch đóng quân vĩnh viễn bằng cách luân phiên các đợt binh lính, mỗi đợt 12 người, phục vụ trong một năm cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ cũng biết rằng, người Xô Viết chắc chắn sẽ không để yên cho căn cứ, vì vậy, sau khi hoàn thành việc xây dựng, thì ưu tiên hàng đầu chính là phòng thủ, đã có nhiều phương án được đưa ra.
Phòng thủ bằng súng ngắn bắn đạn chùm
Một loại vũ khí như súng lục (súng ngắn), loại được thiết kế để hoạt động tốt trong môi trường chân không (bởi trên Mặt Trăng không có khí quyển), sẽ cần được phát triển cho trường hợp cận chiến với các phi hành gia Liên Xô.
Ở cự ly gần, việc ngắm bắn không khó: Các phi hành gia chỉ đơn giản là ngắm và bắn vào mục tiêu ngay phía trước họ. Nhưng ở khoảng cách xa hơn, thì mũ bảo hiểm cồng kềnh, cùng với bộ quần áo không gian, và có lẽ bàn tay chỉ lộ ra các móng để điều khiển máy móc, sẽ làm cho việc sử dụng vũ khí khó khăn hơn.
Vì lý do này, các nhà hoạch định đã quyết định rằng, các loại vũ khí được sử dụng trên Mặt Trăng sẽ bắn ra nhiều mảnh như trái phá, hoặc súng bắn ra các đầu đạn phủ chùm một khu vực rộng, như vậy sẽ hiệu quả hơn so với loại súng chỉ bắn phát một.
Trong bản báo cáo về giai đoạn 3 của Dự án Đường chân trời, có đề xuất một loại súng ngắn cầm tay trông giống như một cái đĩa truyền hình vệ tinh, gắn lên đầu một tay cầm giống như cây chổi sơn. Bản báo cáo cũng có minh họa một loại vũ khí nạp đạn chì, có thể được bố trí trên mặt đất, nhắm vào hướng của quân địch, và bắn bằng một công tắc điện.
Mô tả loại súng ngắn cầm tay trông giống như một cái đĩa truyền hình vệ tinh, gắn lên đầu một tay cầm. (Ảnh: indiamart)
Trong môi trường trọng lực thấp và thiếu không khí như trên Mặt Trăng, thì các loại vũ khí cũng hoạt động rất khác biệt: Trên Trái Đất, các vũ khí loại này có khoảng sát thương chỉ là 61m, nhưng trên Mặt Trăng, các đầu đạn sẽ bay xa hơn nhiều, có thể tấn công kẻ địch ở khoảng cách 1,6km và với lực mạnh hơn nhiều, bởi trên Mặt Trăng, đầu đạn không chịu lực cản của không khí.
Để đối phó với công nghệ chế tạo trang phục không gian có khả năng chống thủng và chịu lực, các tác giả của Dự án Đường chân trời cho biết: “Tất nhiên, với số lượng các đầu đạn bắn ra nhiều hơn, thì khả năng sát thương sẽ cao hơn.”
Các loại vũ khí này có thể được sử dụng trực tiếp bởi các phi hành gia, hoặc được bố trí xung quanh phạm vi của căn cứ, và được kích hoạt bởi hệ thống dây bẫy và các cảm ứng khác, để phòng thủ trong trường hợp các phi hành gia Liên Xô cố gắng đột nhập căn cứ.
Vũ khí hạt nhân
Với các mục tiêu từ 4km đến khoảng 16km, thì loại vũ khí như khẩu ba-zo-ka, bắn ra các đầu đạn hạt nhân nhỏ đã được tính đến. Quân đội Mỹ đã có loại vũ khí như vậy trên Trái Đất. Nó được gọi là Davy Crockett, các đầu đạn của nó có lực công phá tương đương với 10 đến 30 tấn TNT. Trên Trái Đất, loại súng này nặng khoảng 91kg và phải được gắn lên một giá ba chân, hoặc đặt sau một chiếc xe jeep.
Loại vũ khí vác vai giống như khẩu ba-zo-ka. (Ảnh: National interest)
Trên Mặt Trăng, nó sẽ chỉ nặng khoảng 15kg, khi đó các phi hành gia có thể vác trên vai và bắn như một khẩu ba-zo-ka thông thường.
Với môi trường không có không khí trên Mặt Trăng, sức tàn phá từ một vụ nổ bom nguyên tử sẽ không được khuếch đại bởi sóng xung kích hay bức xạ nhiệt như trên Trái Đất. Nhưng các đầu đạn vẫn có sức công phá khá mạnh ở cự ly gần, đồng thời phóng thích một lượng bức xạ đủ để giết chết tất cả trong phạm vi bán kính khoảng 233m tính từ tâm nổ.
Để bảo vệ các nhân viên đang làm nhiệm vụ tại căn cứ từ quả bom nguyên tử được phóng bởi các phi hành gia Liên Xô, những nơi tránh bom sẽ được đào xung quanh căn cứ của Hoa Kỳ.
Phương án “tia chết”
Các tác giả của Dự án Đường chân trời cũng đề xuất phát triển một loại “tia chết” gồm một chùm bức xạ nơ-tron hoặc gam-ma được phóng ra từ một thiết bị gọi là máy gia tốc electron.
Phương án “tia chết” bắn ra các chùm bức xạ nơ-tron hoặc gam-ma. (Ảnh: Memory Alpha)
Một loại vũ khí khác, có thể sử dụng gương và/hoặc thấu kính để tập trung các tia sáng Mặt Trời lại, tấn công các phi hành gia Liên Xô, giống như cách mà những đứa trẻ trên Trái Đất dùng kính lúp để đốt những con kiến.
Tuy nhiên các nhà hoạch định quân sự nghiêng về phương án máy gia tốc electron hơn. Các tác giả của dự án cho biết:
“Tốt hơn nên tìm hiểu kỹ về ‘tia chết’ vì loại vũ khí này không chỉ hiệu quả trong việc chống lại con người và phương tiện trên mặt đất, mà còn hiệu quả với cả các phi thuyền không gian, khi đó quân địch sẽ không cách nào chống đỡ.”
Bí mật dự án căn cứ quân sự trên Mặt Trăng (P.3): Hạch toán kinh tế và sự can thiệp của người đứng đầu Nhà Trắng
Ban Biên Tập 10/09/2018
Bản kế hoạch của dự án Đường chân trời đã tính toán đầy đủ các chi tiết, từ việc xây dựng căn cứ, phòng thủ, hay thậm chí kế hoạch chiếm đóng lâu dài. Tuy nhiên, để có thể đi vào thực hiện, thì các nhà hoạch định cần phải giải quyết bài toán kinh tế, phải thuyết phục được nội các chính phủ, hay thậm chí là cả dư luận quốc tế.
Hạch toán kinh tế
Các nhà hoạch định của Dự án Đường chân trời ước tính việc xây dựng căn cứ và duy trì nó đến hết năm 1967 (thời điểm đó nó đã được vận hành một năm), thì sẽ cần ít nhất 229 quả tên lửa phóng lên Mặt Trăng. Tức là, cứ khoảng một tuần rưỡi sẽ phóng một quả lên, duy trì như vậy trong vòng gần 3 năm.
Đến thời điểm năm 1967, dự án Đường chân trời sẽ cần ít nhất 229 quả tên lửa phóng lên Mặt Trăng. (Ảnh: Czeshop)
Họ ước tính rằng, dự án này sẽ tốn khoảng 6 tỷ USD (tương đương 49 tỷ USD ngày nay) cộng thêm 25 triệu USD để phát triển các loại vũ khí phòng thủ cho căn cứ. Vào thời điểm năm 1959, đó là một khoản tiền lớn.
Tuy nhiên các tác giả của dự án Đường chân trời cho rằng, khoản đó chỉ nhỏ hơn 2% tổng chi phí quốc phòng hàng năm. Hơn nữa, họ còn cảnh báo rằng, nếu Hoa Kỳ đợi cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về việc Liên Xô có kế hoạch chiếm Mặt Trăng làm căn cứ, rồi mới triển khai kế hoạch tấn công, thì khi đó cả chi phí, lẫn nguy cơ thất bại đều cao hơn nhiều.
Tổng thống đương nhiệm… không tán thành
Để có thể triển khai Dự án Đường chân trời, thì các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ cần phải qua nhiều cửa ải xét duyệt, trả lời nhiều chất vấn, trong đó quan trọng nhất là làm sao thuyết phục được tổng thống đương nhiệm.
Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Ai-xen-hao (Eisenhower), là cựu đại tướng của quân đội Hoa Kỳ, người đã lãnh đạo lực lượng quân đồng minh giành thắng lợi trước quân Phát xít trong Thế chiến II.
Khi lên làm tổng thống, Ai-xen-hao đã rất cẩn trọng trong các chi tiêu quốc phòng, các dự án như: máy bay chạy bằng năng lượng nguyên tử, các dự án trên Mặt Trăng, dự án tia chết, và các dự án khác, đều được ông cân nhắc một cách cẩn trọng.
Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ Dwight D. Ai-xen-hao (Ảnh: Teoti)
Ông muốn quân đội tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu khiêm tốn nhưng khả thi, như xây dựng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tốt và hiệu quả.
Có lẽ tổng thống Ai-xen-hao là người có công lớn nhất trong việc phủ quyết dự án xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Vào tháng 7/1958, ông đã ký quyết định thành lập cục hàng không dân sự – chính là NASA ngày nay, để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng không, bao gồm cả việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Điều này có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ sẽ không được ưu tiên phát triển các chương trình không gian.
Thực tế Tổng thống Ai-xen-hao không quan tâm nhiều đến các chương trình không gian, ông cho rằng, việc chạy đua lên Mặt Trăng với người Xô Viết là một sự lãng phí tiền bạc.
Đây cũng là lý do tại sao mãi đến năm 1969, Neil A. Armstrong mới là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Về mặt công nghệ, Hoa Kỳ đã sẵn sàng từ lâu, nhưng tổng thống Ai-xen-hao không trọng tâm vào việc này, mà phải đến khi người kế nhiệm là John F. Kennedy được bầu làm tổng thống, thì chương trình Apollo mới được thực hiện.
Mối đe dọa từ các chương trình không gian của Liên Xô
Như các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ lo ngại, năm 1962, Liên Xô đã bắt đầu phát triển các kế hoạch cho một căn cứ quân sự trên Mặt Trăng. Họ đã duy trì nó cho đến tận năm 1974, lâu hơn nhiều so với việc quân đội Mỹ lập kế hoạch Đường chân trời.
Chương trình Mặt Trăng của Liên Xô gồm hai mục tiêu: đưa người lên Mặt Trăng trước người Mỹ và xây dựng một căn cứ quân sự trên đó. Khi Hoa Kỳ chiến thắng Liên Xô và đưa người lên Mặt Trăng vào năm 1969, Liên Xô vẫn có ý định đẩy mạnh việc xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng.
Dự án căn cứ Ngôi sao (Zvezda) của Liên Xô có nhiều điểm tương đồng với dự án Đường chân trời: Các mô-đun doanh trại cũng được đưa lên Mặt Trăng trước khi các phi hành gia lên đó. Tất cả 9 mô-đun sẽ được đưa lên Mặt Trăng, một số được đưa lên trước các phi hành gia, một số được đưa lên sau, các mô-đun này cũng sẽ được liên kết lại với nhau để xây dựng thành căn cứ.
Dự án căn cứ trên Mặt Trăng của Liên Xô. (Ảnh: Apiemistika)
Có chút khác biệt so với các mô-đun của Hoa Kỳ, các mô-đun của Liên Xô có thể mở rộng được. Sau khi được đưa lên Mặt Trăng trong trạng thái bị nén, các phi hành gia sẽ bơm khí áp vào, làm cho các mô-đun mở rộng từ 4,6m ra tới kích thước lớn nhất, khoảng 9,2m. Các mô-đun sẽ được lắp ráp trên các bánh xe, rồi một mô-đun đặc biệt, gọi là xe kéo, sẽ đưa các bộ phận của căn cứ từ nơi này qua nơi khác, giống như một đầu máy xe lửa.
Giống với dự án Đường chân trời, năng lượng cho căn cứ sẽ được cấp từ các lò phản ứng hạt nhân, và nếu cần thiết, các mô-đun cũng sẽ được phủ bởi sỏi đá để bảo vệ căn cứ khỏi thiên thạch và khoảng chênh lệch lớn về nhiệt trên Mặt Trăng.
Tuy nhiên, Liên Xô đã không bao giờ thực hiện được kế hoạch của mình, họ đã không thể phóng tên lửa lên Mặt Trăng. Tên lửa đẩy hạng nặng N-1 của Liên Xô đã có nhiều lỗi trong thiết kế, làm cho tất cả 4 lần phóng thử đều kết thúc trong thất bại.
Cả 4 lần phóng tên lửa đẩy hạng nặng N-1 của Liên Xô đều thất bại. (Ảnh: Mid-atlantic)
Một tên lửa đã bị thổi bay ngay trên bệ phóng, một cái khác đã phát nổ sau chưa đầy 2 phút được phóng lên, hai tên lửa khác đã hoạt động lỗi và lao trở lại Trái Đất. Thủ tướng Liên Xô đã hủy bỏ chương trình Mặt Trăng vào năm 1974. Phiên bản kế tiếp của tên lửa N-1, là tên lửa Vulkan, được đề xuất trong cùng năm, nhưng đã không bao giờ được xây dựng.
Hiệp ước Ngoài không gian ra đời
Dự án Đường chân trời của Hoa Kỳ đã hoàn toàn sụp đổ vào năm 1967, khi Mỹ, Liên Xô, và hơn 60 quốc gia khác đã ký Hiệp ước Ngoài không gian. Theo đó, cấm các quốc gia chiếm Mặt Trăng, các hành tinh, và các thiên thể khác làm lãnh thổ của mình. Hiệp ước này cũng giới hạn mục đích của các chương trình không gian, chỉ phục vụ cho các mục tiêu hòa bình, cấm triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt lớn lên quỹ đạo không gian quanh Trái Đất.
Đặc biệt, Hiệp ước Ngoài không gian cấm “xây dựng các căn cứ quân sự, thiết lập, củng cố, thử nghiệm vũ khí, hay tổ chức các chương trình diễn tập quân sự trên các thiên thể.”
Hiệp ước Ngoài không gian cấm các quốc gia chiếm Mặt Trăng và các hành tinh khác làm lãnh thổ riêng. (Ảnh: twitter)
Nhìn lại lịch sử
Việc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh đã cho ra đời bao mối nguy hại cho nhân loại, trong đó đáng kể nhất là các loại vũ khí hạt nhân. Thật may mắn khi quân đội Hoa Kỳ không được bật đèn xanh để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng, bởi đó sẽ là mối nguy hại rất lớn cho sự an nguy của Trái Đất, hơn nữa sẽ tiêu tốn rất nhiều tài vật của Mỹ.
Ước tính chi phí mà các nhà hoạch định của dự án Đường chân trời nêu ra là quá thấp. Thực tế sẽ cao hơn rất nhiều, bởi so sánh với chương trình Apollo có quy mô khiêm tốn hơn nhiều, thì chỉ với 6 lần phóng lên Mặt Trăng từ năm 1969 đến 1972, cộng thêm lần thứ 7 thất bại (tàu Apollo 13 đã bị nổ giữa chừng), mà chi phí của dự án Apollo đã tốn 25 tỷ USD, đã bằng một nửa chi phí mà dự án Đường chân trời ước lượng. Như vậy chi phí cho Dự án Đường chân trời, với 229 lần phóng lên Mặt Trăng, sẽ tiêu tốn nhiều hơn rất rất nhiều.
Nhìn lại lịch sử, kết nối sự kiện thì thấy rằng mọi việc đều không ngẫu nhiên, như trong tôn giáo giảng, rằng mọi việc trên thế gian đều có an bài, bởi thử nghĩ, nếu căn cứ quân sự được xây lên, các tên lửa hạt nhân được triển khai lên đó, chỉ chờ bấm một nút để kích hoạt từ xa, Hoa Kỳ và Liên Xô lại càng đẩy mạnh việc tấn công và phòng thủ, thì Trái Đất của chúng ta sẽ là mục tiêu, con người sẽ là nạn nhân, nhưng tại các thời khắc trọng yếu đều có những nhân tố trợ giúp, tổng thống Ai-xen-hao là một trường hợp như vậy.
Nguồn: ĐKN
- Bí ẩn người thợ từng chế tạo cỗ máy ‘ngưng đọng thời gian’, giúp cảnh sát bắt cướp
- Quái nhân Bigfoot xuất hiện trong mùa dịch gây xôn xao dư luận Mỹ
- Câu chuyện nghi mô tả tàu ngầm cổ đại trong Kinh Thánh