Bí ẩn thành phố chìm của Cuba

So với hiện tại, mực nước biển trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại chưa từng thấp hơn 120m.

“Atlantis của Caribean” có khả năng là thành phố cổ của người Taino.

Thế nhưng ở ngoài khơi Cuba, năm 2001, người ta bất ngờ phát hiện tàn tích thành phố cổ rộng tới 2 km2 dưới độ sâu 700m nước.

“Atlantis của Caribean”
Cuba là quốc đảo thuộc phía Bắc vùng biển Caribean, có diện tích 109.884 km2 và dân số khoảng 11,2 triệu người. Cư dân bản địa ở đây là 2 tộc người, Taíno và Ciboney (da đỏ Nam Mỹ).

Đầu năm 2001, cặp vợ chồng kỹ sư hàng hải Pauline Zalitzki và Paul Weinzweig (Canada), dưới sự cho phép và hỗ trợ của chính phủ Cuba, thực hiện thăm dò vùng biển ngoài khơi của bán đảo Guanahacabibes, Pinar del Río.

Đây là nơi chìm của hàng trăm tàu thuyền vận chuyển từ thời Cuba thuộc Tây Ban Nha (1492–1898), được xem như “đáy biển đầy kho báu”. Trong lúc dùng thiết bị sonar tân tiến nhất rà quét 2km2 đáy biển thuộc độ sâu 600 – 750m, họ phát hiện khu phức hợp cấu trúc đá có hình dạng hệt như một đô thị cổ.

Tháng 7/2001, vợ chồng Zalitzki mời nhà địa chất nổi tiếng của Cuba, Manuel Iturralde cùng tham gia. Với thâm niên lâu năm về nghiên cứu các kiến trúc bị chìm trong nước, Iturralde lập tức nhận định “đây có khả năng là một tòa thành cổ”. Có điều, “nếu nó thật sự là tòa thành, tôi sẽ gặp rắc rối trong việc giải thích tại sao nó lại nằm dưới độ sâu không tưởng này”.

Kể từ khi xuất hiện Người tinh khôn (Homo sapiens) đến nay, mực nước biển chưa bao giờ thấp hơn hiện tại 120m. Nói cách khác, “thành phố cổ” do vợ chồng Zalitzki tìm thấy không thể là khối cấu trúc được xây dựng trên đất liền, sau đó bị nước biển dâng nhấn chìm.

“Cho dù là ở đáy đại dương sâu 700m của bất kỳ vùng biển nào, chúng ta cũng không thể mong chờ phát hiện một thành phố”, học giả Graham Hancock (Anh) khẳng định. Khối kiến trúc ngoài khơi Guanahacabibes trở thành ngoại lệ duy nhất. Truyền thông và báo chí khắp thế giới đồng loạt đưa tin, gọi nó là “Atlantis của Caribean”.

Vợ chồng Pauline Zalitzki và Paul Weinzweig, 2 nhà tiên phong phát hiện “Atlantis của Caribean”.

Bí ẩn khó giải
Trong lần thăm dò thứ 2, thiết bị lặn ghi hình của vợ chồng Zalitzki thu được hình ảnh cụ thể của “thành phố chìm”. Nó bao gồm những khối đá khổng lồ, được đẽo gọt nhẵn nhụi, vuông vắn và xếp chồng lên nhau thành kiến trúc hình tròn và hình kim tự tháp.

Ước tính, mỗi khối đá này có kích thước 2,4 x 3m, nhiều khả năng là đá granit. Ngoài những khối được xếp chồng lên nhau, còn nhiều khối nằm độc lập, rải rác khắp một vùng đáy biển lên tới 200ha.




“Nếu đây thật sự là một thành phố chìm, vậy thì nó quá đặc biệt”, Iturralde trầm trồ. Theo ông, cứ cho rằng nó được xây trên đất liền và bị nước biển dâng nhấn chìm, thời gian để “thành phố” này an tọa dưới 700m nước phải lên đến 50.000 năm.

“50.000 năm trước, châu Mỹ chưa có bất cứ nền văn minh nào đủ tân tiến đến mức có thể xây dựng một khu phức hợp các tòa nhà”, Iturralde tự mâu thuẫn.

Còn nếu “Atlantis của Caribean” không phải do bị nước biển nhấn chìm, vậy thì chỉ có 2 khả năng: Được xây dựng trong nước hoặc bị sụt lún xuống nước. Xây dựng trong nước thì quá bất khả thi, còn sụt lún xuống nước thì “chưa có báo cáo hoạt động kiến tạo nào về việc đất liền của vùng Caribean, thậm chí là cả lục địa trên bờ Địa Trung Hải bị sụt lún cả một vùng rộng như thế”.

Dù vậy, nếu cân nhắc kỹ thì sụt lún khả thi hơn. Với giả thuyết này, “Atlantis của Caribean” từng được xây dựng trên đất liền. Nhìn trên bản đồ châu Mỹ, phần đất liền (nếu có) này là dải cầu nối giữa Guanahacabibes và bán đảo đối diện, Yucatan (Mexico). Khoảng cách giữa 2 bán đảo này là 260km. Nói cách khác, Cuba từng nối liền với lục địa châu Mỹ chứ không phải cách nhau một eo biển rộng 260kmnhư bây giờ.

Kỳ quan nhiên tạo?

Vị trí của “thành phố chìm” và phác họa kiến trúc giả tưởng về nó.

Người Taino, một trong hai dân tộc bản địa của Cuba có một truyền thuyết đáng lưu ý về sự hình thành của biển. Nó kể rằng vào thời sơ khai, Zuania (Nam Mỹ) có 4 ngọn núi vĩ đại. Tại vùng đất của những người đàn ông dũng cảm, có 1 trong 4 ngọn núi này và tên là Boriquen.

Trên sườn Boriquen, trong làng Coabey, cặp vợ chồng già Yaya và Itiba cùng đứa con trai duy nhất là Yayael sống với nhau hạnh phúc. Vì ham mê săn bắn, Yayael thường xuyên rời nhà, theo dấu chân thú trong rừng.

Một hôm, trong lúc Yayael đang đi săn, bão lớn ập tới và anh không bao giờ trở về nữa. Đau đớn vì mất con, Yaya và Itiba đem cung tên của Yayael đút vào trong quả bầu lớn, giữ gìn tưởng niệm.

Ngày nọ, có một đứa trẻ trong làng nghịch ngợm trộm quả bầu này đem ra ngoài chơi. Cậu ta bất cẩn làm rơi vỡ nó và nước lũ ồ trào ra từ mảnh vỏ bầu. Chớp mắt, túp lều của vợ chồng Yaya đã chìm trong nước.

Con sóng dữ dội trào lên nhấn chìm đồng ruộng, đẩy bật rễ cây cối, cuốn phăng đá tảng. Cũng từ trong mảnh vỏ bầu, hằng hà sa số những con cá, tôm, cua, sứa, mực… đua nhau trào ra.

Dân làng Coabey dắt díu nhau chạy lên đỉnh Boriquen. Càng lúc, nước càng dâng cao và nó có vị mặn. Khi nước ngừng dâng, ngôi làng đã chìm mất dạng còn Boriquen biến thành hòn đảo.

Xung quanh nó, các động vật biển tấp nập bơi lội. Người làng Coabey nhận ra họ được linh hồn Yayael giúp đỡ, cung cấp nguồn thức ăn vô tận. Ai nấy vô cùng hoan hỉ, thay lễ phục và tổ chức lễ hội tạ ơn tưng bừng.


Nếu như “cổ tích biển” này của người Taino bắt nguồn từ thực tế đại hồng thủy, nó phần nào giải thích sự an tọa dưới độ sâu không tưởng của “thành phố chìm”. Có điều cho đến nay, Cuba vẫn chưa có bất cứ khẳng định nào. Hoạt động khám phá “Atlantis của Caribean” vẫn chỉ dừng lại ở các giả thuyết.

Ngoài 3 giả thuyết kể trên, suy đoán về “Atlantis của Caribean” còn 1 khả năng khác: Nhiên tạo. Tức là “thành phố chìm” vốn không phải kiến trúc của con người, mà là một tạo tác của tự nhiên. “Mẹ thiên nhiên rất kỳ diệu” – Iturralde lý giải. “Đôi khi, bà kiến tạo ra các cấu trúc nằm ngoài sự tưởng tượng của con người”.
Nguồn: KH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *