Bí ẩn tam giác quỷ Trung Quốc

Trong lúc bí mật về khu vực Bermuda được các nhà khoa học cho rằng đã khám phá ra cách đây khoảng 5 năm, một phiên bản rùng rợn không kém tam giác quỷ ở Đại Tây Dương đã xuất hiện tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) cách đây vài chục năm.

Tam giác quỷ phương Đông

ho1

Ảnh minh họa: Vùng tam giác quỷ ở Trung Quốc. (Nguồn internet)

Những hiện tượng kỳ bí đã liên tục xảy ra tại Phiên Dương, hồ nước ngọt lớn nhất quốc gia Đông Á này (ảnh). Tổng cộng đã có hơn 200 con tàu bị chìm một cách bí ẩn trong giai đoạn từ 1960 – 1989 tại vùng phía bắc của hồ, gần ngôi đền tên Laoye, khiến hơn 1.600 người thiệt mạng. 30 người sống sót đều lâm vào tình trạng thần trí điên loạn, theo báo Epoch Times. Đặc biệt chỉ trong một ngày, cụ thể là 3.8.1985, có đến 13 tàu thuyền bị mất tích tại khu vực trên. Điểm chung của những con tàu xấu số là biến mất mà không tìm thấy xác, và kết quả tương tự đối với tàu lớn có trọng tải 2.000 tấn.




Theo lời người dân địa phương, bão tố có thể nổi lên bất kỳ lúc nào trên mặt hồ. Nếu bão nơi khác thường có dấu hiệu báo trước, bão gần đền Laoye xuất hiện chỉ trong chớp mắt và biến mất ngay sau đó. Vào năm 1977, người dân trong khu vực hợp lực xây 3 đập nước, trong đó có một đập lọt vào khu vực “tam giác quỷ”. Chỉ qua một đêm, cái đập dài 600m, rộng 50m và cao 5m, đã biến mất một cách lặng lẽ, không gây bất cứ tiếng động nào.

Những người dân sống quanh hồ Phiên Dương nhiều đời tin vào một truyền thuyết giải thích cho nguyên nhân của sự huyền bí trên. Theo truyền thuyết này, vị hoàng đế có công sáng lập ra triều đại nhà Minh là Chu Nguyên Chương đã từng tham gia một trận chiến ở gần hồ Phiên Dương.

Đội quân của ông bị thất thế trước sức mạnh của đối thủ, lối duy nhất ra khỏi hồ Phiên Dương được gọi là “Cổng địa ngục” nối liền với dòng sông Dương Tử cũng đã bị kẻ địch bao vây.




Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nguy cấp thì đột nhiên có một con rùa biển khổng lồ bơi tới giải cứu hoàng đế đưa ông thoát khỏi thế gọng kìm an toàn.

Sau này khi giành được ngôi báu, nhớ ơn cứu mạng của con rùa thiêng năm xưa, Chu Nguyên Chương đã cho xây một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn của rùa thần và đó chính là ngôi đền Laoye vẫn nằm ở góc phía bắc của hồ Phiên Dương tới tận ngày nay.

Người dân hồ Phiên Dương tin rằng chính con rùa thiêng năm xưa đã đánh đắm các tàu thuyền xâm phạm khu vực linh thiêng của ngôi đền. Những người mê tín tin vào câu chuyện này, mỗi lần đi thuyền qua lại phía bắc của hồ Bà Dương đều rải tiền giấy, thắp nhang cúng thần rùa mong thần ban cho họ bình an.




Những con sóng kỳ lạ
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức cố gắng giải mã bí ẩn của hồ Bà Dương theo một cách khoa học. Nhờ những bức ảnh hồng ngoại, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bên dưới khu vực dễ đắm tàu có một bãi cát lớn trải dài khoảng 2 km dưới lòng hồ.

Họ nghi ngờ rằng chính thứ cát này đã ngăn dòng nước tạo ra những xoáy nước chết người cuốn những tàu bè không may di chuyển tới vùng nước xoáy của nó và chôn vùi vĩnh viễn dưới lớp cát.

Trong nhiều năm trước, một phóng viên của Nhật báo Giang Tây tới thám hiểm vùng hồ và ngôi đền Laoye đã phát hiện thấy một hiện tượng vô cùng lạ lùng.

Khi người phóng viên này đứng trên khu vực của đền Laoye quan sát thấycó một đợt gió mạnh (khoảng cấp 3-4) thổi theo hướng từ bắc tới nam.Nhưng khi nhìn ra mặt hồ, anh thấy những con sóng trên hồ lại di chuyển theo hướng ngược lại. Tại sao lại có hiện tượng lạ lùng này? Nhà báo trên vô cùng băn khoăn.




ho2

Ảnh hồng ngoại chụp lớp cát dưới lòng hồ Bà Dương

Anh đã quyết định đi về phía hồ để tìm hiểu. Khi di chuyển về phía bắc khoảng 300m, anh cảm thấy sức gió có vẻ nhỏ hơn. Sau đó anh quay ngược lại đi tiếp thêm chục mét nữa lại vẫn thấy có gió thổi phía trước.

Vì vậy, anh lại quay ngược lại theo hướng ban đầu khoảng 300 m và điều kỳ diệu đã xảy ra, anh thấy mình đứng đầu ngọn gió, gió thổi rất mạnh tới mức việc di chuyển trở nên cực kỳ khó khăn hơn.

Di chuyển thêm một đoạn, anh nhận ra rằng có hai ngọn gió thổi theo hướng ngược nhau ở phía bắc của hồ và anh đang đứng ở đường giao nhau của hai cơn gió.




Nhưng những cơn gió liên lục thay đổi cường độ và góc thổi theo thời gian. Đôi lúc nó thổi mạnh, lúc thổi yếu tạo ra những đợt sóng trên hồ cũng rất khác và không giống như sóng ở những hồ nước bình thường. Sóng có lúc di chuyển thành một dòng và tạo thành một hình chữ V ngược khi nhìn từ bờ ra hồ.


Sau này, khám phá của phóng viên tờ Nhật báo Giang Tây cũng đã được nhiều học giả tỏ ý quan tâm. Có thể sự khác thường của sóng và gió ở vùng hồ Phiên Dương đã tạo thành một cái bẫy bí hiểm nuốt chửng nhiều tàu thuyền một cách bí ẩn.

Nhưng họ cũng tin rằng chắc chắn không chỉ có gió là nguyên nhân dẫn tới những bí ẩn này. Bởi trên thực tế trong ngày mùng 5 tháng 3 năm 2010, một con tàu có trọng tải 1.000 tấn cũng đã đột nhiên biến mất không để lại dấu vết ở hồ Bà Dương trong khi không hề có gió và sóng trên hồ thời điểm đó. Bí ẩn của “tam giác quỷ” của Trung Quốc vẫn chưa ai có thể trả lời.

Nguồn: Khoahoc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *