Bí ẩn: Nhà sư Miến Điện chứng kiến kiếp luân hồi sinh tử

Ở Myanmar, những người nhớ được tiền kiếp của mình rất phổ biến, phổ biến đến nỗi có một thuật ngữ riêng biệt dùng để chỉ những người này, đó là: “người tái sinh”…

Giáo sư Ian Stevenson – người mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, chuyên gia nghiên cứu về luân hồi chuyển thế, ông đã đến Myanmar để thực hiện điều tra nghiên cứu trên hơn 200 người từng có trải nghiệm luân hồi. Trong số đó, trải nghiệm kỳ lạ của Sobhana đã thu hút sự chú ý đặc biệt của ông. Sau khi trải qua nhiều cuộc điều tra và xác minh nghiêm ngặt, giáo sư Stevenson đã đưa câu chuyện này vào tập 4 của cuốn sách “Những trường hợp luân hồi”.

Giáo sư Stevenson.




Câu chuyện luân hồi của Sobhana
Câu chuyện kể về Ven Sayadaw U Sobhana sinh năm 1921, tại vùng nông thôn Myingyan của Myanmar. Ông xuất gia tu hành khi mới 15 tuổi và trở thành một nhà sư được nhiều người biết đến. Ngay từ khi còn nhỏ, Sobhana đã kể cho gia đình về kiếp trước và quá trình luân hồi của mình. Ký ức về tiền kiếp của Sobhana kéo dài suốt 58 năm và sau đó mới dần phai nhạt. Sobhana tường thuật một cách hết sức rõ ràng về kiếp trước của mình, sau khi chết thì chuyển sinh đến gia đình hiện tại như thế nào, đồng thời ông cũng tiết lộ những giấc mơ về kiếp trước và nguồn gốc nhân sinh ở kiếp này.

Báo mộng trước khi chuyển sinh
Điều kỳ lạ là, ngay trước khi Sobhana chuyển sinh ở kiếp này, cả vợ ông ở kiếp trước và mẹ ông ở kiếp này đều được báo mộng.

Cụ thể, ngày Meng Boxi [chính là Sobhana sau này] qua đời, thi thể của ông đã được đưa đi chôn cất trong một khu rừng ngay sau khi rời bệnh viện. Bảy ngày sau, theo phong tục địa phương, nhiều hòa thượng đã đến nhà ông để tụng kinh và làm pháp sự. Đêm đó, vợ của Meng Boxi là Ma Xueting và mẹ của Sobhana là Leiken đều có cùng một giấc mơ. Ma Xueting mơ thấy một ông lão mặc đồ trắng đến gặp cô và nói: “Ta đã gửi chồng của ngươi đến nhà trưởng thôn”.




Sau đó ông lão biến mất. Sáng sớm hôm sau, Ma Xueting chạy đến nhà trưởng thôn và kể giấc mơ của mình cho vợ của trưởng thôn là bà Leiken nghe. Bà Leiken nói với cô rằng bà cũng mơ thấy một ông lão mặc đồ trắng. Trong giấc mơ ông lão nói rằng: “Ta sẽ giao Meng Boxi cho bà làm một thành viên trong gia đình”. Sau đó ông lão bước ra, đưa Meng Boxi vào trong nhà rồi biến mất.

Ngày 5 tháng 11 năm 1921, ông Qian Sa và vợ là Leiken ở làng Tanungdang ở quận Myingyan, Myanmar, đã hạ sinh được một cậu con trai tên là Sobhana. Sobhana còn có hai người anh trai, một chị gái và một người em trai đã chết khi còn nhỏ. Ông Qian Sa – cha của Sobhana là một người nông dân biết chữ, khi Sobhana ra đời, ông chỉ là một trưởng thôn tạm thời, mãi đến những năm cuối đời mới trở thành một trưởng thôn chính thức.

Ngay từ thuở thơ ấu Sobhana đã rất khác biệt, cậu thường nhắc lại những kí ức về kiếp trước của mình. Sau này, khi đã lớn hơn, Sobhana liền bắt đầu kể cho bố mẹ và anh chị em xung quanh về ký ức tiền kiếp và cả quá trình sau khi chết tái sinh vào gia đình này của cậu.

Sobhana chuyển sinh từ kiếp trước sang kiếp này ra sao?
Sobhana kể rằng, ở kiếp trước, tôi là một nhà thăm dò địa chất tên là Meng Boxi và vợ là Ma Xueting. Khi tôi mất, chúng tôi đã có một đứa con trai 3 tuổi. Năm 36 tuổi, tôi được đưa vào bệnh viện vì sốt cao, nôn mửa và đau bụng.




Tôi nhớ rõ rằng bản thân được đưa đến bệnh viện bằng một chiếc xe bò. Lúc đó là thời điểm cuối mùa mưa nên trời vẫn còn mưa không ngớt. Sau khi đến bệnh viện, tôi được khám sức khỏe tổng thể và bác sĩ nói rằng tôi cần phải phẫu thuật. Sau đó, những gì xảy ra trong bệnh viện tôi không còn nhớ rõ. 

Rồi tôi thấy bản thân ở trong rừng một mình, cảm thấy buồn, đói và rất chán nản. Lúc đó tôi đã chết rồi nhưng lại không hay biết. Tôi mặc quần áo bình thường và đi dép, để tóc dài và quấn khăn trên đầu.

Tôi dường như đã đi lang thang trong rừng được hai ba tiếng đồng hồ thì gặp một ông lão mặc quần áo trắng, râu trắng, quấn một tấm vải trắng qua vai. Từ khi nhìn thấy ông lão, tôi cảm thấy mọi bực bội của mình đều tan biến. Ông ấy gọi tên tôi và nói với tôi rằng tôi phải đi với ông ấy. Tôi đi theo ông ấy khoảng 1 giờ để đến một ngôi làng gần đó, tiến vào thôn và đi tới trước cửa nhà của tôi, trước cửa ra vào có một đoạn hàng rào và một thân cây. Ông lão bảo tôi đứng đợi dưới gốc cây đó rồi ông đi vào nhà. 5 phút sau, ông lão bước ra và nói với tôi: “Cậu phải theo tôi đến nhà khác”.

Chúng tôi đi tiếp về hướng Tây, cách nhà cũ khoảng 7 căn nhà, đến nhà của trưởng thôn. Khi đến trước ngôi nhà, ông lão lại nói tôi đứng chờ ở trước cửa. Khoảng 5 phút sau ông ấy đi ra rồi gọi tôi vào, sau đó dặn dò tôi: “Cậu hãy đợi ở đây, tôi phải trở về rồi”. Sau đó ông lão mặc áo trắng liền biến mất.




Khi ấy, tôi nhìn thấy nhiều người ở trong phòng nhưng những chuyện xảy ra sau đó thì không nhớ nữa. Khi tỉnh dậy thì tôi thấy mình đã là Sobhana của kiếp này.

Ký ức tiền kiếp không phai mờ trong suốt thời thơ ấu
Ngay từ thuở còn thơ ấu, cậu bé Sobhana luôn khẳng định rằng kiếp trước mình tên là Meng Boxi. Người thân, bạn bè, tài sản và cả những món nợ cũ chưa thu được của nhà Meng Boxi thì cậu đều nhớ rõ. Nhà của cậu ở kiếp trước và kiếp này đều ở cùng một làng, lại rất gần – chỉ cách nhau bảy hộ gia đình. Vì thế, cậu thường trở lại thăm nhà của Meng Boxi ở kiếp trước, cảm giác giống như trở về nhà mình vậy. Người vợ kiếp trước của Sobhana là Ma Xueting và hai người con của họ vẫn còn sống ở đó. Khi còn nhỏ, Sobhana thường đến đó chơi, ngôi nhà ở kiếp trước vô cùng quen thuộc với cậu bé, đôi khi cậu còn ở lại đó qua đêm.


Khi Meng Boxi qua đời, người con trai mới 3 tuổi, con gái còn chưa chào đời. Dù ở hiện tại, hai đứa con này đều đã lớn hơn Sobhana, nhưng mỗi khi Sobhana gọi họ luôn dùng giọng điệu tràn đầy yêu thương. Sobhana cũng thường xuyên đi thăm hỏi những người bạn cũ của Meng Boxi, cậu bé trực tiếp gọi tên của ‘những người bạn lớn tuổi’ này, không chịu dùng kính ngữ và đối xử với họ giống như những người bạn cũ.

Nguồn: DKN – Theo Epoch Times

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *