Có lẽ những bí ẩn trong các thước phim ‘trộm mộ’ là lấy từ những sự kiện thức tế, bởi vì khi đoàn khảo cổ đào lăng mộ được cho là của Thành Cát Tư Hãn, thì phong ba, bão táp nổi lên, độc trùng, bệnh lạ xuất hiện… ứng với lời nguyền…
Lúc an táng, trên ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn đã để lại một lời nguyền. (Ảnh tổng hợp)
Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn và lời nguyền chết chóc
Thành Cát Tư Hãn là một nhân vật truyền kỳ nổi tiếng thế giới. Tên thật của ông là Thiết Mộc Chân. Từ một người có tuổi thơ lưu lạc, khốn khó ông đã trở thành người thống trị và xây dựng một đế chế hùng mạnh – Đế quốc Mông Cổ. Tuy nhiên, điều khiến người đời sau quan tâm nhất không chỉ là những ghi chép lịch sử về những việc làm vĩ đại của ông mà còn là bí ẩn về lăng mộ – nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn.
Tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh qua VNExpress)
Năm 1227, khi Thành Cát Tư Hãn dẫn kỵ binh Mông Cổ tấn công Tây Hạ, ông đổ bệnh rồi qua đời trong quân doanh, sau đó được chôn cất bí mật. Để giữ mãi bí mật về nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, con cháu ông đã cho hơn 10.000 con ngựa chiến vào khu đất vừa mới chôn xong, để chúng giày xéo, biến khu đất đó trở nên bằng phẳng, không có vẻ gì là nơi chôn người chết.
Ngoài ra để ngăn những kẻ trộm mộ quấy rầy di hài của ông, một pháp sư đã được mời đến cùng lúc với việc xây dựng lăng mộ. Vị pháp sư này đã dán một tấm bùa thần bí trên mộ có nội dung: người quấy rối vị vua vĩ đại, thì sẽ bị đôi cánh của tử thần lấy đi linh hồn. Mặc dù không có ghi lại về vị trí cụ thể, nhưng lời nguyền bí ẩn của vị pháp sư này đã được lưu lại.
Đoàn khảo cổ Mỹ đến Mông Cổ khai quật mộ
Trước sự cám dỗ của khối tài sản khổng lồ được tùy táng theo Thành Cát Tư Hãn, nên luôn có người muốn tìm và khai quật mộ của ông. Năm 2000, tỷ phú người Mỹ Murray Kravitz đã dẫn đầu đoàn thám hiểm với các nhà khảo cổ của mình, mang theo những dụng cụ tiên tiến nhất thế giới đến Ulaanbaatar (thủ đô của Mông Cổ).
Ban đầu, chuyến thám hiểm của ông bị chính quyền địa phương phản đối quyết liệt, nhưng dưới sự “cám dỗ của đồng tiền” mà Kravitz hối lộ, chính quyền địa phương đã đồng ý cho kế hoạch thám hiểm khoa học của ông. Tháng 4/2002, một nhóm khảo cổ, với sự giúp đỡ của 2 nhà sử học địa phương, đã phát hiện ra một khu chôn cất bí ẩn ở thị trấn Baslit, tỉnh Kent, cách thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ 322km về phía Đông Bắc. Kravitz cho rằng nhiều khả năng đây chính là là lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Một góc thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. (Ảnh qua Wikipedia)
Những chuyện quỷ dị liên tiếp xuất hiện
Tuy nhiên, việc khai quật diễn ra không mấy suôn sẻ, lúc đầu có gió lớn nổi lên, sau đó là mưa như thác đổ. Sau hơn 1 tháng đào bới khó khăn, đoàn khảo cổ đã phát hiện một bức tường đá ở độ sâu 10m. Lúc các công nhân đang muốn phá vỡ bức tường để vào bên trong thì vô số rắn độc tuôn ra từ các khe nứt trên tường, một số công nhân nhanh chân chạy thoát, còn lại kẻ chết, người bị thương vì bị rắn độc cắn.
Vì vậy, họ ngay lập tức dừng công việc và sơ tán đến khu vực an toàn, xử lý những xác chết và đưa người bị thương đến bệnh viện ở Ulaanbaatar. Nhưng khi tài xế và các công nhân bị thương lên xe địa hình đang đậu trên sườn đồi thì chiếc xe này lại tự động trượt xuống dốc, rơi vào một hồ nước sâu. Vài giờ sau, chiếc xe địa hình được vớt ra nhưng những người trong xe đều bị chết đuối.
Một loạt những chuyện quỷ dị xuất hiện khiến các nhà khảo cổ học có ý định bỏ cuộc, nhưng Kravitz yêu cầu họ tiếp tục đào. Dưới sự thúc ép cùng số tiền lớn mà anh ta trả, các thành viên trong nhóm khảo cổ đã quay trở lại khu mộ, mang theo những chất xua đuổi rắn cực mạnh và phun chúng vào các vết nứt của bức tường đá, sau đó những con rắn không còn xuất hiện nữa.
Lúc mới bắt đầu khai quật, gió lớn liền nổi lên, sau đó là mưa như thác đổ. (Ảnh qua ABC.net)
Sau hơn 1 tháng, bức tường đá cuối cùng cũng bị phá bỏ một lỗ lớn, nhưng ngay khi họ chuẩn bị mở lăng mộ, một số nhà khảo cổ phụ trách việc khai quật đột nhiên phát bệnh lạ, cơ thể sưng tấy, đau nhức, khi dùng tay ấn vào sẽ thấy nước vàng chảy ra từ lỗ chân lông trên cơ thể họ.
Căn bệnh kỳ lạ lây lan như một loại ôn dịch, rất nhanh sau đó, một số nhà khảo cổ học đã ngã xuống. Kravitz vội đưa nhóm khảo cổ đến bệnh viện ở Ulaanbaatar. Tuy nhiên, do điều kiện y tế tại địa phương không đủ, nên các thành viên trong nhóm đã phải đau đớn thống khổ cho đến chết.
Tham vọng đào mộ và bài học đắt giá
Đến lúc này Kravitz không dám tiếp tục đào thêm nữa, ông lập tức ra lệnh cho người lấp ngôi mộ lại, nhưng chưa kịp hoàn thành công việc thì Kravitz đổ bệnh, khắp người có dấu hiệu sưng tấy. Vì vậy, Kravitz đã vội vã trở về nước. Ông đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, cuối cùng đã chữa khỏi căn bệnh kỳ lạ này tại một bệnh viện chuyên về các bệnh hiếm gặp ở Mỹ. Chuyên gia điều trị nói với Kravitz rằng ông bị chứng dị ứng đất cực kỳ hiếm gặp.
Cho đến nay, Kravitz vẫn không thể xác định được liệu lăng mộ mà ông khai quật có phải là lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn hay không. Nhưng linh tính mách bảo với ông rằng bản thân đã bị trúng lời nguyền bùa chú của thầy cúng. Loại bùa chú này quá khủng khiếp. Ông cho biết, ông không bao giờ dám đi khai quật mộ nữa.
Bí mật về lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đã trở thành một trong những “bài toán khảo cổ” lớn nhất chưa có lời giải của thế kỷ 21. Thậm chí, chính người dân Mông Cổ cũng không bao giờ có ý định khai quật lăng mộ. Họ cho rằng hãy để vị Đại Hãn tối cao của họ được ngủ yên và việc khai quật lăng mộ bị họ xem là không tôn trọng người đã khuất và là sự báng bổ Thần linh.
Nguồn: TH – Theo Sound Of Hope
- Trình làng kim cương đen 2,6 tỉ tuổi mang “nửa dòng máu” ngoài hành tinh
- Thung lũng thiêng chôn vùi bí ẩn “người không đầu”: 100 năm ghi nhận 44 vụ án lạnh tóc gáy
- Thực hư về khả năng nhìn xuyên không gian