Bóng đè là một hiện tượng kì lạ khi bạn cảm thấy mình đã thức giấc nhưng không thể cử động. Nó xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai trạng thái tỉnh và trạng thái ngủ. Có thể mất vài giây thậm chí vài phút trước khi bạn có thể nói được trở lại.
Có thể nói rằng trong trạng thái này bạn thực sự đang tỉnh giấc trong cơn ác mộng của mình. Nếu đã từng trải nghiệm hiện tượng “bóng đè”, bạn sẽ biết tình trạng đó quái quỷ như thế nào.
Những câu chuyện và truyền thuyết về hiện tượng bóng đè có mặt trên khắp thế giới. Qua nhiều thế kỷ, các triệu chứng của hiện tượng bóng đè đã được mô tả theo nhiều cách và thường được gán cho sự hiện diện của “ma quỷ”: con quỷ bóng đêm vô hình thời cổ đại, mụ phù thủy già và những kẻ bắt cóc ngoài hành tinh.
Theo BBC Future, hiện tượng bóng đè được ghi nhận từ thời xa xưa, ít nhất từ năm 400 TCN. Hiện tượng này được đề cập đến lần đầu tiên trong Zhou Li/Chun Guan, một quyển sách của Trung Quốc cổ đại về giấc ngủ và giấc mơ. Sách này phân ra các dạng thức khác nhau của giấc mơ, và các nhà nghiên cứu đã xác định E-meng (giấc mơ bất thần) có rất nhiều điểm tương đồng với hiện tượng bóng đè. Tùy vào bối cảnh niên đại và văn hóa, những cảnh tượng ác mộng này có thể được diễn dịch theo những cách khác nhau.
Hầu như mọi nền văn hoá trong lịch sử đều có những câu chuyện về những sinh vật ma quỷ khiến con người khiếp sợ về đêm. Hai nhà nghiên cứu hiện tượng bóng đè Brian Sharpless và Karl Dograhmji đã thu thập 118 cách gọi khác nhau trên khắp thế giới của trải nghiệm này: người Đức có cụm từ hexendrücken – bị phù thủy đè, và từ alpdrücken, bị tiên đè. Truyện cổ Na Uy có từ svartalfar – chỉ các vị tiên độc ác bắn người ta bằng những mũi tên gây tê liệt trước khi đậu lên ngực nạn nhân. Người Nhật có từ kanashibari, ám chỉ việc bị trói chặt một cách kỳ lạ bằng một sợi dây kim loại vô hình. Ở nhiều nơi tại Thụy Sĩ người ta kể về tchutch-muton, một bà tiên ác mộng xấu xa thường cải trang thành một con cừu đen. Người Kurd đề cập đến mottaka, một linh hồn ma quỷ bóp cổ người dân về đêm. Người Iran có cách nói bakhtak, ám chỉ một loại linh hồn jinn (cấp thấp hơn thiên thần trong Hồi giáo) ngồi lên ngực người đang ngủ.
Một hiện tượng phổ biến hơn bạn nghĩ
Theo khảo sát, hiện tượng “bóng đè” dường như xảy ra với khoảng một nửa dân số (50%) ít nhất một lần trong đời. Vậy vì nguyên nhân gì hiện tượng này không được thấy đề cập đến trong cuộc sống thường ngày?
Lý giải cho vấn đề này, trong một cuộc họp được tổ chức đầu năm 2015 bởi Dự án Nghiên cứu hiện tượng Bóng đè (Sleep Paralysis Project), Christopher French, giáo sư tâm lý học tại Goldsmiths, Khoa Nghiên cứu Tâm lý Dị thường của Đại học London, cho biết:
“Các nạn nhân có thể không muốn nói về những trải nghiệm của họ, vì e sợ bị xa lánh hoặc chế nhạo là người “mất trí”. Điều này có thể khiến họ bị cô lập trong xã hội, thậm chí hôn nhân tan vỡ.”
Ước tính có khoảng hàng triệu người từng trải nghiệm hiện tượng này, nhưng không nhiều người chia sẻ về nó
Những nạn nhân bóng đè thường báo cáo bắt gặp ma quỷ
Một đặc điểm rất phổ biến của hiện tượng bóng đè không chỉ nằm ở việc mất khả năng cử động, mà còn ở việc bắt gặp ma quỷ trong không gian xung quanh nạn nhân.
“Nó không giống với bất cứ thứ gì tôi từng trải nghiệm trước đây. Sau một ngày làm việc bình thường, tôi đi ngủ vào khoảng 11 giờ tối, như thường lệ. Điều tiếp theo tôi nhớ được là khi tỉnh dậy, toàn thân về cơ bản tê liệt không thể cử động. Tệ hơn, tôi càng hoảng sợ bao nhiêu, thì lại càng làm thấy khó thở bấy nhiêu”, cô Hannah Foster từ Brighton, Anh, chia sẻ.
Cô Hannah Foster từ Brighton, Anh.
Lần thứ hai, tôi đã biết nó lại xảy ra – nhưng ngoài cái cảm giác tê liệt như lần trước, tôi còn nhìn thấy một bóng đen đáng sợ”.
Nó trông giống một con quỷ – với bộ mặt nhăn nheo, xấu xí, khá giống quái thú gargoyle. Tôi cố gắng hét lên và di chuyển ra xa khỏi nó”.
-Hannah Foster
Nhà làm phim Carla MacKinnon đã tỏ ra hứng thú với chủ đề này khi cô bắt đầu thức giấc vài lần trong một tuần mà không thể cử động, đồng thời cảm giác rằng có thứ gì đó quấy nhiễu cũng đang hiện diện trong căn phòng cùng với cô.
“Tôi bị bóng đè nhiều lần trong suốt mùa hè, khá thường xuyên. Và tôi trở nên quan tâm đến điều gì đang diễn ra, và nó được giải thích như thế nào theo y học và khoa học”, cô MacKinnon cho biết
MacKinnon đã gặp một số nhà tâm lý học và chuyên gia khác. Họ đã cho ý kiến về chủ đề này và vài người thậm chí còn chia sẻ một số trải nghiệm cá nhân.
“Tôi quan sát cánh tay phải của mình và muốn nó cử động. Tôi ra lệnh cho nó cử động. (Nhưng) nó vẫn nằm im. Tôi cố gắng ngồi thẳng dậy hoặc lăn mình qua lại nhưng chẳng thể được. Tôi kinh hãi. Bên trong một cơn sợ hãi tột độ trào dâng, nhưng lớp vỏ cơ thể bên ngoài vẫn bất động. Tôi buông lỏng và từ bỏ nỗ lực, trong thâm tâm tràn ngập một trực giác rằng nếu tôi cố gắng hơn nữa tôi sẽ đột phá lớp vỏ này và bay ra bên ngoài …
Bây giờ tôi nhận ra đây là hiện tượng “mơ tỉnh”, một trạng thái ảo giác bên trong vùng đất của giấc ngủ nơi tinh thần được đánh thức và trở nên tỉnh táo, nhưng cơ thể vẫn bị ràng buộc bởi trạng thái bóng đè – điểm giao nhau giữa cuộc sống trong mơ và hiện thực”, nhà tâm lý học thần kinh, tác giả TS Paul Broks chia sẻ trải nghiệm của ông.
GS French tóm tắt trải nghiệm bóng đè như sau:
“Khi ở trong trạng thái này, bạn nhận thấy mình không thể cử động, và bạn cảm thấy rất rõ dường như có thứ gì đó vảng vất xung quanh. Bạn cảm thấy chắn chắn có ai đó hoặc thứ gì đó ở trong phòng cùng với bạn và bất kể thứ đó hoặc người đó là gì đi nữa, thì cũng chắc chắn không phải điều tốt đẹp. Chúng là ma quỷ, trong một vài trường hợp là ma quỷ thật sự …
Bạn có thể nhìn thấy chúng (bạn có thể nhìn thấy ánh sáng di chuyển xung quanh căn phòng, những bóng đen, những hình thù ma quái ghê rợn); bạn có thể nghe thấy chúng (bạn có thể nghe thấy tiếng bước chân, hoặc giọng nói, hoặc tiếng dụng cụ máy móc); bạn có thể sờ thấy chúng (bạn có thể cảm thấy dường như ai đó đang chạm vào bạn, hoặc ai đó ghì chặt lấy bạn, hoặc ai đó đang kéo bạn ra khỏi giường.) Đình điểm, những cảm giác này có thể phát triển thành trải nghiệm ngoài cơ thể (out of body experience – còn gọi là hiện tượng xuất hồn, hay linh hồn ly thể)”.
Con người từ lâu vẫn đang tìm kiếm lời giải thích cho hiện tượng bóng đè cũng như những cảm giác kinh hãi kèm theo.
Hiện tượng bóng đè dưới góc nhìn khoa học
Một số nhà khoa học chẳng hạn như David Morgan – chuyên gia phân tích và trị liệu tâm lý – đang tập trung vào việc diễn giải những trải nghiệm ảo giác khi bị bóng đè. TS Morgan cho rằng các ảo giác này (VD: nhìn thấy ma quỷ) có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc mang tính biểu tượng về cảm nhận của nạn nhân.
“Con người thu thập các biểu tượng từ bất cứ nơi nào có thể … người lùn, mụ phù thuỷ – có lẽ từ chuyện cổ tích – mà tượng trưng cho một loại áp lực đè nặng lên bạn. Điều gì đó trong tâm trí ngăn cản bạn tự do”, TS Morgan cho hay.
Và khi mơ, cảm giác áp lực chúng ta trải qua trong cuộc sống hàng ngày có thể được biểu lộ ra một cách gián tiếp thông qua các biểu tượng mang tính chất “áp lực”, như người lùn, mụ phù thuỷ, ma quỷ v.v… Theo giả thuyết này, đó là nguyên nhân vì sao người ta nhìn thấy ma quỷ khi bị bóng đè.
Một giả thuyết khác hợp lý hơn, dựa trên thuyết vũ trụ song song (hay đa vũ trụ). Theo thuyết này, không gian vật chất 3 chiều mà chúng ta sinh sống không phải là không gian duy nhất. Có nhiều không gian khác, hay vũ trụ khác đồng thời tồn tại với không gian chúng ta. Hiểu một cách khái quát, bởi chúng “song song” và không “giao cắt” với nhau, nên chúng ta không thể dùng các phương cách bình thường để tiếp cận chúng. Đồng thời, chúng ta không thể sử dụng con mắt thường để quan sát, ghi nhận và tiếp cận những không gian này, mà chỉ có thể gián tiếp biết đến chúng trong một số trường hợp đặc thù, hoặc giả quan sát trực tiếp chúng nhưng dựa trên trải nghiệm chủ quan thay vì khách quan (VD: trường hợp Chị Hoàng Thị Thiêm ở Việt Nam sở hữu con mắt thứ ba có thể nhìn thấy cõi không gian khác). Do đó đây vẫn là một câu hỏi mở đối với khoa học hiện đại. Dù sao, những trường hợp chủ quan như vậy có rất nhiều, cũng tạo nên một lượng lớn thông tin đáng cân nhắc, nghiên cứu.
Minh họa vũ trụ song song.
Vậy theo thuyết này, cái hình tượng “ma quỷ” trong trải nghiệm của những người bị bóng đè không phải là một sinh vật có thực tồn tại trong không gian này, mà là một loài sinh vật trong không gian khác, hay vũ trụ khác, một vũ trụ song song, và giấc mơ chính là cầu nối với những thế giới này.
Trên lý thuyết, sự tồn tại của vũ trụ song song là khả thi. Đây là tuyên bố của nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking, và ông cho rằng hố đen chính là đường thông sang một vũ trụ khác.
Nguồn: DKN
- Hủ tục đáng sợ phổ biến thời Thanh: Người nghèo ”ký hợp đồng” thuê vợ về sinh con
- Xuất hiện “mặt cáo” ở sa mạc Tân Cương, khiến nhiều người “nổi da gà”
- Giải mã 17 bộ hài cốt nằm dưới đáy giếng 800 năm tuổi