Bí ẩn chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ diệu trong giáo đường Mỹ

Lời cầu nguyện và lòng mộ đạo của các nữ tu đã cảm động vị dưỡng phụ của Chúa Giê-su, và giáo đường Mỹ đã hiển linh Thần tích.

Chiếc cầu thang xoắn ốc thần kỳ để lộ kết cấu mộng lỗ, tạo nên tác phẩm độc nhất vô nhị của tòa danh tháp nghìn năm tuổi nổi tiếng thế giới… 

Ảnh: Shutterstock.

Hôm nay, chúng tôi giới thiệu với các bạn một chiếc cầu thang kỳ diệu – cầu thang xoắn ốc của Giáo đường Loretto Chapel, bởi kết cấu kiến ​​trúc độc đáo của nó xứng danh một Thần tích.

Giáo đường Laredo tọa lạc tại Santa Fe, New Mexico, Hoa Kỳ, là một công trình kiến ​​trúc phục hưng mang phong cách Gothic, đồng thời xen lẫn với những ngọn tháp và cửa sổ kính màu mang đặc sắc của Pháp, nó trông giống như Nhà thờ Paris Sainte-Chapelle thu nhỏ, vô cùng hoàn mỹ.

Việc xây dựng toàn bộ giáo đường mất thời gian gần 6 năm để hoàn thành. Năm 1878, khi giáo đường sắp hoàn công, những người thợ thủ công hốt hoảng phát hiện ra phòng cánh của dàn hợp ca không có cầu thang để lên xuống. Thật không may, vị mục sư thiết kế giáo đường đã qua đời.

Các nữ tu phụ trách việc xây dựng giáo đường đã bàn bạc với những người thợ mộc địa phương. Nhưng tất cả thợ mộc hiện có đều cho rằng, nếu làm thêm cầu thang thì dễ lấn lướt khách, làm huyên náo giáo đường và ảnh hưởng đến bố cục; họ kiến nghị mọi người kiếm cái thang để leo lên. Nhưng phòng cánh lại cao tới 6.1 mét, tương đương hai tầng nhà, làm sao các thành viên dàn hợp xướng với chiếc áo choàng của mình trèo lên được, chẳng lẽ không giữ được thể diện nữa sao? Giáo đường, trước hết, phải là một nơi linh thiêng.

Vậy làm thế nào đây? Các nữ tu mộ đạo bắt đầu cầu xin Thánh Joseph, vị dưỡng phụ của Chúa Jesus (Chúa Giê-su), cầu xin được trợ giúp, vì Thánh Joseph từng là một thợ mộc. Những nữ tu cử hành nghi thức kính lễ cầu nguyện trong 9 ngày.

Vào ngày thứ chín, là ngày cuối cùng của nghi thức, bỗng nhiên có một người thợ mộc từ phương xa đến trên một con lừa, và mang theo một hộp dụng cụ nhỏ.

Ba tháng sau, người thợ mộc lặng lẽ rời đi, để lại chiếc cầu thang xoắn ốc tuyệt đẹp với 33 bậc – trùng với tuổi thọ 33 năm của Chúa Jesus ở nhân gian. Chiếc cầu thang xoắn ốc quay hai vòng tròn 360 độ từ mặt đất đến phòng cánh, không chỉ chiếm một không gian rất nhỏ, mà toàn bộ chỉnh thể thiết kế rất gần với phong cách giáo đường, không hề gây cảm giác tức mắt. Các nữ tu cho biết, người thợ mộc chỉ sử dụng những dụng cụ tối thiểu và cơ bản, đó là hình vuông, cái cưa và một ít nước nóng, không cần ai trợ giúp.

Cầu thang xoắn ốc của Giáo đường Laredo được coi là thần tích vì kết cấu kiến ​​trúc đặc biệt của nó (ảnh: Shutterstock).

Vào ngày giáo đường mở cửa, mọi người đều đến tham quan, kể cả những người thợ mộc vốn đã từng lắc đầu trước đây thì bây giờ, khi chiêm ngưỡng chiếc cầu thang, họ cũng phải hết lời trầm trồ tán thán. Các giáo dân rất phấn khởi, họ đi tiếp vào bên trong ngắm các gian phòng; còn những người thợ mộc liền phát hiện ra sự khác biệt của chiếc cầu thang này với cầu thang ở địa phương. Vì cầu thang xoắn nói chung đều cần sử dụng một trụ đỡ trung tâm để chịu sức nặng của nó; giống như một cái dầm trên mái nhà, nếu không có dầm, mái nhà sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Tuy nhiên, chiếc thang quay hai vòng này không có trụ đỡ trung tâm, cũng không có chỗ nào để neo trọng lực của nó, cứ như thể nó bị treo lơ lửng ở đó vậy.

Điều kỳ lạ hơn nữa, là không thể tìm thấy một chiếc đinh nào trong kết cấu của nó; toàn bộ cầu thang liên kết với nhau thành một thể thống nhất, như thể nó đã mọc ra từ một cái cây. Có người lên đi thử, cố gắng tạo rung động khá mạnh, phát hiện ngoại trừ có chút như giẫm lên lò xo, nhưng không có chỗ nào khiến người ta cảm thấy không an toàn. Trên thực tế, chiếc cầu thang nhỏ này chắc chắn đến mức ngoài sức tưởng tượng. Trong một bức ảnh cũ, bạn có thể thấy có tổng cộng 12 người đứng trên cầu thang để hát cùng nhau, nhưng không có vấn đề gì xảy ra với nó.

Sau đó, nhiều kiến ​​trúc sư và thợ mộc chuyên nghiệp lần lượt đến quan sát, nhưng không ai lý giải được vì sao thiếu trụ đỡ trung tâm và không có đinh cố định mà chiếc cầu thang vẫn có thể sử dụng bình thường. Cầu thang xoắn ốc của Giáo đường Laredo dần dần trở nên nổi tiếng, và sau đó được đưa vào danh sách những bí ẩn chưa được biết đến trên thế giới, với tên gọi “Chiếc cầu thang thần kỳ” – “Magic Ladder”.

Nhưng nếu để một người thợ mộc già người Trung Quốc đến tham quan, nói không chừng bạn có thể tìm thấy một số manh mối. Chiếc cầu thang kỳ diệu này có lẽ được kiến tạo với cấu trúc mộng và lỗ mộng. Mối ghép mộng và lỗ mộng là một phương thức tiếp hợp các cấu kiện trong gia công mộc truyền thống. Thành phần nhô ra được gọi là mộng, và phần lõm vào được gọi là lỗ mộng.

Công dụng lớn nhất của đồ gỗ làm bằng kết cấu mộng và lỗ mộng là bất luận đồ vật lớn đến đâu, dù là hoàng cung quý viện, bảo tháp chín tầng hay là cây cầu bắc qua sông, các khớp nối giữa các cấu kiện khác nhau đều được tiếp hợp với nhau bằng các mối nối mộng và lỗ mộng, mà không dùng đến một chiếc đinh. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều là kết cấu thuần mộc, nhưng chúng vô cùng chắc chắn.

Tại sao không dùng đinh mà lại vững chắc kiên cố hơn? Chúng ta hãy xem cấu trúc mộng và lỗ mộng trông như thế nào. Đầu tiên chúng ta hãy xem xét một mộng tay đơn giản, được sử dụng để cố định một góc vuông. 

Kết cấu mộng và lỗ mộng gỗ rất chắc chắn (ảnh: Shutterstock)

Từ ví dụ này, có thể thấy rằng các khớp cắn của cấu trúc mộng và lỗ mộng đều là góc cạnh chứ không tròn, bởi vì các mộng và lỗ sau khi khớp có thể hạn chế vặn xoắn, do đó toàn bộ kết cấu vẫn ổn định và không bị biến dạng. Trong khi đó, đinh sắt có hình tròn, và kim loại có hệ số giãn nở khác với gỗ. Trải qua vài mùa xuân hạ thu đông, đinh bắt đầu lỏng ra do co giãn nhiệt, và gỗ sẽ dễ bị xoắn, do đó làm biến dạng toàn bộ cấu trúc.

Hơn nữa kim loại dễ bị rỉ sét. Nếu cố định bằng đinh sắt, gỗ có lẽ vẫn còn nguyên vẹn, nhưng do đinh bị ăn mòn và lão hóa, toàn bộ cấu trúc có thể sớm bị đổ vỡ. Gỗ tốt có thể dùng hàng trăm năm, nhưng đinh sắt thì không thể trường thọ được như vậy. Đó có phải là điều đáng tiếc không?

Vì vậy, dùng cấu trúc mộng và lỗ mộng có thể dễ dàng giải thích sự kỳ diệu của chiếc cầu thang xoắn ốc này. Ví dụ, kiểu mộng đuôi yến đơn giản này có thể được sử dụng để làm bậc cầu thang mà không cần đinh.

 

Con người đã sử dụng cấu trúc mộng và lỗ mộng trong một thời gian dài. Phát hiện sớm nhất là tại khu vực giếng cổ nằm ở Leipzig, Đức, có lịch sử 7.000 năm. Có thể thấy rõ ràng từ ảnh rằng rãnh hình nêm trong vòng tròn màu đỏ tạo thành lỗ mộng, và cấu trúc mộng và lỗ mộng đơn giản được hình thành bằng cách trám một dải gỗ vào đó.

Ở Trung Quốc, các cấu trúc mộng và lỗ mộng được thiết kế tinh vi mà chúng ta thấy ngày nay về cơ bản đã được hoàn thiện sớm nhất vào khoảng 2.600 năm trước, vào thời Lỗ Ban – ông tổ nghề mộc ở Trung Quốc thời kỳ Xuân Thu, và chúng đã được sử dụng rộng rãi. Điều đáng ngạc nhiên là những người thợ thủ công cổ đại chưa bao giờ học về hình học lập thể, còn chưa có khái niệm vật lý học kiến ​​trúc nào, làm thế nào họ thiết kế một kết cấu phù hợp với nguyên lý cơ học như vậy? Chúng ta chỉ có thể nói rằng trí tuệ của tổ tiên chúng ta quả thực không phải như bây giờ hậu thế vẫn lầm tưởng.

Nếu bạn so sánh giữa Trung Quốc và phương Tây, hầu hết các công trình kiến ​​trúc cổ của Trung Quốc đều là khung giá gỗ, vì vậy kỹ thuật mộng và lỗ mộng kiểu Trung Quốc là cao siêu hơn, biểu hiện mà không lộ liễu, phù hợp với phong cách ẩn ý và hướng nội của Nho giáo; nội hàm ẩn chứa Âm và Dương, dĩ chế vi hoành (lấy chế ước để đạt độ cân bằng), còn ẩn chứa lý tương sinh tương khắc của Đạo gia, đạt đến cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất” – tìm kiếm sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Trong khi kiến ​​trúc phương Tây chủ yếu là đá; thợ mộc chỉ chịu trách nhiệm về phần mái và đồ nội thất, vì vậy các mối ghép mộng và lỗ mộng truyền thống của phương Tây tương đối đơn giản, nhưng lại có sự độc đáo ở phương diện chạm khắc trên gỗ và uốn cong gỗ.

Bạn thấy đấy, người thợ mộc phương Tây thần kỳ này đã sử dụng công nghệ uốn cong gỗ tuyệt vời để thiết kế chiếc cầu thang thành lò xo, sử dụng đặc tính của lò xo, tức là khi nó bị kéo căng hoặc nén, nó sẽ tạo ra một lực phục hồi (khôi phục lực), lực này sẽ bù đắp lại trọng lực do con người giẫm lên nó. Áp suất sinh ra lúc này đóng vai trò là trụ đỡ trung tâm theo cách khác. Đây cũng là một điểm kỳ diệu khác của cấu trúc mộng và lỗ mộng. Đó là nó sẽ cung cấp cho tòa nhà một mức độ linh hoạt nhất định. Bằng cách này, khi công trình bị tác động bởi ngoại lực, nó sẽ được đệm với một xung lực nhỏ để giảm áp lực, bảo vệ tổng thể công trình khỏi bị hư hại.

Ví dụ, tòa nhà cấu trúc mộng và lỗ mộng tiêu biểu nhất của Trung Quốc – Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, đã trải qua hơn 200 trận động đất kể từ khi nó được xây dựng cách đây hơn 600 năm. Nhưng sau mỗi trận động đất, Tử Cấm Thành vẫn bình an vô sự. Trong một bộ phim tài liệu của Anh về Tử Cấm Thành, các chuyên gia đã sao chép một mô hình của Tử Cấm Thành theo tỷ lệ 1:5, và tiến hành thử nghiệm mô phỏng động đất trên đó: Khi cường độ động đất lên tới 10.1 độ, cao hơn trận động đất ở Nhật Bản năm 2011, mô hình vẫn đứng thẳng. Có thể thấy rằng kết cấu mộng và lỗ mộng rất chắc chắn.

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (ảnh: Pixabay).

Cũng giống như tháp Eiffel ở Pháp và tháp nghiêng Pisa ở Ý, tháp gỗ ở Sơn Tây Ứng huyện, một trong “Ba kỳ quan của thế giới”, là tháp gỗ lâu đời nhất trên thế giới.

Nó có 5 tầng và chiều cao gần 67 mét, tương đương tòa nhà cao tới 20 tầng, nhưng nó chỉ được tổ hợp thành từ 54 loại khớp mộng, và không dùng tới dù chỉ một chiếc đinh.

Tháp được xây dựng vào năm 1056, đến nay đã gần 1.000 năm tuổi, từng có nhiều trận động đất lớn xảy ra, và bị pháo kích vào năm 1926, nhưng tháp chưa bao giờ bị đổ. Điều này chỉ đơn giản là không thể tin được.

Vào thời cổ đại, khi mọi thứ đều cần tồn tại trường tồn, thì kết cấu mộng, lỗ mộng chiếm một vị trí quan trọng trong ngành kiến trúc và gia cụ. Những người thợ cũng rất lành nghề, có thể kiểm soát độ chính xác đến 0.01cm, những thứ họ làm ra đều liên kết khít khao, tạo cho người ta một mỹ cảm “Thiên ý vô phùng” – hoàn hảo và không giả tạo, lại có kết cấu kiên cố, có thể để lại cho con cháu đời sau.

Nhưng để đạt đến một cảnh giới như vậy, cần phải có một thời gian dài tôi luyện; mà trong nền văn hóa ‘ăn nhanh’ hiện nay, rất ít người nguyện ý truyền thừa nó.

Một số bạn bè đang theo dõi chương trình này của chúng tôi, có thể họ thậm chí chưa nghe đến từ “mộng và lỗ mộng”, phải không?

Nhưng bạn có cái hộp gỗ long não mà bà bạn cưới hồi đó không?

Hay chiếc bàn Bát Tiên trong ngôi nhà cổ? Hay chiếc ghế băng nhỏ của nhà bà ngoại?

Bạn phải cảm nhận những đồ vật cũ hàng chục năm này và xem thử. Có thể bạn sẽ không thể tìm thấy một chiếc đinh. Nó dày dặn và êm dịu, tạo cho người ta cảm giác rất chắc chắn phải không?

Người ta nói, bây giờ khoa học công nghệ ngày càng tiên tiến, cuộc sống ngày càng tiện lợi và thay đổi theo từng ngày, bạn phải bắt kịp xu thế. Ngôi nhà có thể được phá bỏ và xây dựng lại sau 30 năm sinh sống. Nội thất có thể sử dụng 10 năm 8 năm nên mua mới.

Chất lượng như nhau, bạn không phải tìm lâu. Chỉ là khi mọi thứ xung quanh ta không còn trường tồn bởi sự tiện lợi này nữa, thì phải chăng tâm ta cũng không còn vững vàng trước những xô bồ nhiễu động của xã hội này?


Và nếu trong tâm không được an nhiên tự tại, thì hạnh phúc đến từ đâu? Chà, bí ẩn về cầu thang xoắn ốc trong giáo đường Laredo đã được giải đáp tại đây.

Dù ai đã chế tạo ra chiếc cầu thang này, thì hẳn ông phải là một nghệ nhân đồ gỗ thành thạo về kết cấu mộng và lỗ mộng; chỉ tiếc là nghề này chưa được lưu truyền trên mảnh đất Bắc Mỹ, và chỉ còn lưu lại tác phẩm đồ gỗ tuyệt vời này, được các thế hệ tương lai đánh giá cao.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *