Bí ẩn 5 công trình kiến trúc cổ đại chưa có lời giải

Ngày nay vẫn còn rất nhiều kiến trúc cổ xưa gây bất ngờ lớn cho giới khảo cổ, vì chúng sở hữu công nghệ xây dựng thách thức kỹ thuật tiên tiến nhất, mang dấu ấn của một nền văn minh phát triển vượt bậc, hoặc những công trình với mục đích bí ẩn chưa có lời giải đáp. Những nền văn minh cổ xưa luôn khiến chúng ta phải khiêm tốn và nể phục.

Cổng Mặt Trời ở Bolivia (Ảnh: Mhwater, Wikimedia)

1. Tường đá Sacsayhuaman tại Peru
Tường đá Sacsayhuaman có lẽ là một trong những tàn tích cổ đại đáng kinh ngạc nhất ở Peru. Công trình này sử dụng kỹ thuật xây dựng tài tình thể hiện qua những khối đá được cắt chính xác, bề mặt bằng phẳng và ghép nối liền khớp, tất cả đều khiến kỹ sư hiện đại không khỏi cảm thấy kinh ngạc. Thậm chí người ta không thể lèn nổi một con dao vào giữa hai khối đá.




Khu di tích Sacsayhuaman nhìn từ trên cao (Ảnh: Informes, Pixabay)

Các nhà khảo cổ tin rằng bức tường đá Sacsayhuaman được người Killke xây dựng cách đây 1.000 năm. Tuy nhiên truyền thuyết của người Inca chỉ ra rằng công trình này có tuổi đời còn lâu hơn thế. Họ cũng cho rằng tàn tích cự thạch cổ đại này được những vị thần đến từ trên trời xây dựng nên. 
Dù sao đi nữa, công nghệ nề đá Sacsayhuaman thật khiến người ta phải kinh ngạc. Đó là bức tường làm từ những tảng đá nặng trên 50 tấn, xếp chồng lên nhau không cần trát vữa như thể chúng chỉ là những khối bông mềm, lắp ghép lại với nhau trong trò chơi ghép hình vừa vặn và hoàn hảo.

Những tảng đá được ghép khít đến nỗi không thể lèn nổi một con dao vào giữa hai khối đá (Ảnh: Leon Petrosyan, Wikimedia)




Khoa học hiện đại chưa thể lý giải nổi người xây dựng nên công trình này đã dùng kỹ thuật gì mà có thể khai thác những tảng đá lớn nặng tới hơn 150 tấn, vận chuyển tới một nơi rất xa để tiến hành gia công đục đẽo và xây dựng nên Sacsayhuaman. Các chuyên gia đều phải thừa nhận công trình này là một ví dụ xuất sắc của nghệ thuật tạo hình, dù vẫn còn nhiều tranh cãi không dứt về cách thức xây dựng.

2. Cổng Mặt Trời tại Bolivia
Cổng Mặt Trời nằm trong quần thể di tích Tiwanaku – một thành phố cổ xưa và bí ẩn. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây từng là trung tâm của một đế quốc rộng lớn. Đây là địa điểm khảo cổ lâu đời gồm năm kiến trúc chính, bao gồm các kim tự tháp Akapana và đền thờ Kalasasaya. Nhờ quần thể công trình này, người ta có thể tính toán được ngày tháng và các mùa trong năm.

Quần thể di tích Tiwanaku tại Bolivia (Ảnh: Anakin~commonswiki, Wikimedia)




Cổng Mặt Trời cao 2,75 mét, dài 4 mét, trọng lượng vào khoảng 10 tấn và được tạc trực tiếp từ một khối đá. Phần phía trên cổng được trang trí bằng những nét chạm khắc rất tinh xảo, ở chính giữa là hình tượng thần Viracocha, bao xung quanh bởi 48 vị thần có cánh. Trong số đó, có những vị có khuôn mặt của con người, có vị có hình tượng đầu kền kền khoang cổ Nam Mỹ hoặc mèo.

Cổng Mặt Trời khi mới được phát hiện (Ảnh: Arthur Posnansky, Wikimedia)

Trong tín ngưỡng văn hóa Inca, Viracocha là một trong những vị Thần quan trọng nhất. Hình ảnh của Thần Viracocha xuất hiện trong các đền thờ và câu chuyện thần thoại vùng Nam Mỹ như một vị Thần sáng thế, có liên quan mật thiết với biển. Thần Viracocha tạo ra vũ trụ, Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao và cả thời gian.

Hình tượng Thần Viracocha (Ảnh: Arthur Posnansky, Wikimedia)




Tuy vậy, thật đáng tiếc khi phần chạm khắc trên Cổng Mặt Trời không còn nguyên vẹn. Nhờ vào Cổng Mặt Trời mà người cổ đại đã có thể tính toán gần chính xác thời gian của năm theo một loại lịch đặc biệt.

Cổng Mặt Trời sau khi được trùng tu (Ảnh: Mhwater, Wikimedia)

Mới đây, chính phủ Bolivia đã công bố việc phát hiện một kim tự tháp bí ẩn bị chôn vùi trong khu di tích thành cổ Tiwanaku. Kết quả có được sau khi robot radar thâm nhập vào lòng đất và phát hiện cấu trúc kim tự tháp cùng với “rất nhiều di vật bất thường” dưới lòng đất. Cùng với cánh Cổng Mặt Trời, kim tự tháp chưa được khai quật đã trở thành một đề tài nóng hổi của giới khảo cổ.

Kim tự tháp ở Tiwanaku (Ảnh: Internet)




3. Quần thể hang động Long Du tại Trung Quốc
Tọa lạc gần Thập Yển Bắc Thôn, Chiết Giang, Trung Quốc, quần thể hang động Long Du là một thế giới dưới lòng đất cổ đại tuyệt đẹp và hiếm có. Di tích có niên đại ít nhất 2000 năm này là một trong những bí ẩn làm bối rối các chuyên gia. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới trong các lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc, và địa chất hoàn toàn không biết làm thế nào và tại sao mà chúng được tạo ra.

Một hang động trong quần thể Long Du (Ảnh: ancient-origins.net)

Được phát hiện đầu tiên vào năm 1992, 36 hang động được phát hiện trải rộng trên 30.000 mét vuông. Mỗi hang động được khoét sâu xuống khoảng 30 mét dưới lòng đất và có các phòng đá, cầu cống, rãnh nước và hồ. Các cột trụ được phân bố đều khắp hang động để nâng đỡ trần hang và tường. Toàn bộ mô hình, kiểu dáng và phong cách của mỗi động là đặc biệt giống nhau. Bốn bức tường đều thẳng, các đỉnh và góc chính xác, được phân định ranh giới rõ nét. Bất ngờ nhất là khi các nhà khoa học sử dụng công cụ hiện đại để đo đạc, thì kích thước của các bức tường đều chính xác tại mọi điểm đo.




Hang được xây dựng với độ chính xác khó tưởng (Ảnh: ancient-origins.net)

Ước tính khối lượng công việc để xây dựng các hang động này khiến người ta phải ngạc nhiên kinh sợ. Số lượng đá cần phải di chuyển trong toàn bộ quá trình đào hang động ước tính vào khoảng 1.000.000 mét khối. Theo tính toán, cần có 1.000 người lao động cả ngày lẫn đêm trong vòng 6 năm thì mới hoàn thành được khối lượng công việc này. Những phép tính này chỉ đơn giản dựa trên lao động thủ công mà chưa kể đến sự tỉ mỉ và chính xác của các hình điêu khắc.

Tại sao quần thể kiến trúc rộng lớn này lại chưa từng được biết đến? (Ảnh: ancient-origins.net)




Dù khối lượng công việc lớn ngoài sức tưởng tượng, các nhà khảo cổ không hề tìm thấy bất cứ dấu vết xây dựng nào, và những hang động này cũng không hề xuất hiện trong bất cứ tài liệu lịch sử nào được biết đến hiện nay.

4. Tàn tích kim tự tháp tại đảo Yonaguni, Nhật Bản
Vào năm 1985, Kihachiro Aratake, một thợ lặn người Nhật trong khi đang làm việc dưới vùng biển tại đảo Yonaguni phía Nam Nhật Bản đã tình cờ phát hiện một kiến trúc đá đồ sộ. Khởi phát từ đó, người ta đã tìm thấy một kim tự tháp khổng lồ rộng 183 mét, và cao 27,43 mét. Nó được xây dựng từ các phiến đá hình chữ nhật, và có 5 lớp. Một số các công trình kim tự tháp nhỏ được xây dựng gần đó có chiều rộng khoảng 10 mét và chiều cao khoảng 2 mét.

Những kiến trúc bậc thang dưới đáy biển (Ảnh: ancient-origins.net)




Các thợ lặn còn phát hiện ra những đại lộ lớn, những cấu trúc cầu thang, những cấu trúc cổng, các khối đá khổng lồ được đẽo gọt chính xác và tỉ mỉ. Các nhóm chữ tượng hình cũng được phát hiện tại đây. Quần thể di tích này rõ ràng là phần còn lại tương đối nguyên vẹn của một thành phố tiền sử.

Phát hiện nhiều kiến trúc cổ đã bẻ gãy luận điểm ban đầu của giới khoa học khi cho rằng đây chỉ là sản phẩm của tự nhiên (Ảnh: ancient-origins.net)

Giáo sư Masaaki Kimura thuộc khoa Khoa học Trường Đại học Ryūkyūs, Okinawa, đã tiến hành khảo sát khu vực này. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đi tới kết luận đáng kinh ngạc rằng: Đây là dấu tích của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, là một thành phố cổ bị chìm xuống đáy biển vào khoảng 10.000 năm trước. Điều đáng chú ý là, theo các nhà khoa học ước tính, nền văn minh của con người chỉ mới bắt đầu xuất hiện vào khoảng 10.000 năm về trước và còn rất sơ khai.




Người thợ lặn cho chúng ta thấy kích thước của kiến trúc bằng đá (Ảnh: ancient-origins.net)

Những tàn tích dưới đáy biển không chỉ được phát hiện ở Nhật Bản, mà là khắp các đại dương trên toàn thế giới. Hầu hết những tàn tích này đều không nằm trong các tư liệu lịch sử được biết đến hiện nay. Điều đó cho thấy chúng rất cổ xưa, vượt xa giới hạn hiểu biết về nhân loại và lịch sử.

5. Những quả cầu đá tại Costa Rica
 

Các khối cầu đá bí ẩn trở thành vật trang trí trong các tòa nhà (Ảnh: WAvegetarian, Wikimedia)




Trong những năm 1930, khi nhân viên công ty United Fruit khai quang khu rừng nhiệt đới để trồng chuối, họ bắt đầu phát hiện ra những quả cầu đá lớn bị chôn vùi. Kể từ đó, những khối đá hình cầu bí ẩn này đã trở thành vật trang trí. Chúng xuất hiện trước sân của tòa nhà chính phủ, trong bảo tàng, công viên hay trước những ngôi nhà dân ở Costa Rica. Nhiều khối cầu đã bị mẻ, vỡ trong quá trình dịch chuyển. Khi cơ quan chức năng can thiệp, tình hình có cải thiện, nhưng đã có hàng chục khối đá bị phá hủy. Chỉ có một số còn nguyên vẹn ở các vị trí ban đầu được khám phá.

Nhiều khối cầu đã bị mẻ, vỡ trong quá trình dịch chuyển (Ảnh: Matthewobrien, Wikimedia)

Trong nhiều thập kỷ tiếp theo đó, đã có tổng cộng 300 khối đá được khai quật, chủ yếu nằm ở xung quanh khu vực đồng bằng sông Diquis. Những khối đá hình cầu này có kích thước đường kính có thể lên đến hơn 2 mét và nặng tới 15 tấn. Điều đặc biệt là độ tròn hoàn hảo của những khối đá này. Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được kỹ thuật người cổ đại sử dụng để tạo ra chúng.





Một địa điểm khảo cổ, nơi tìm ra các khối cầu đá (Ảnh: A. Egitto, Wikimedia)

Giới khảo cổ cũng rất bối rối khi xác định niên đại của các khối cầu đá này, do phương pháp xác định tuổi dựa vào cacbon không thể sử dụng cho các phiến đá. Họ phải dựa vào lớp trầm tích quanh khu vực khai quật, nhưng chúng cũng chỉ có thể cho biết thời điểm cuối cùng mà những khối đá hình cầu được sử dụng. Chúng được tạo ra như thế nào và phục vụ cho mục đích gì vẫn là câu hỏi làm đau đầu các nhà khảo cổ.
Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *