Những buồng làm bằng thép, bên trong chứa đầy nitơ lỏng tại một cơ sở đông lạnh cơ thể người ở Mỹ hiện nay lưu giữ tới hơn 170 người, với hi vọng một ngày kia có thể hồi sinh.
Cơ thể người được lưu giữ bên trong các buồng kín làm bằng thép.
Theo Cnet, trung tâm đông lạnh ở Scottsdale, bang Arizona, Mỹ của Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor hiện là cơ sở lưu giữ cơ thể người bằng hình thức đông lạnh lớn nhất thế giới.
Alcor cung cấp loại hình dịch vụ cho phép bảo quản thi thể người ở tình trạng tốt nhất, với hi vọng tiến bộ khoa học sẽ giúp hồi sinh những người này trong tương lai.
Alcor do Linda và Fred Chamberlain sáng lập năm 1972. Cặp đôi gặp nhau trong một hội nghị về kỹ thuật đông lạnh vào đầu năm 1970. Linda khi đó vẫn còn đang học Đại học và Fred đang làm việc cho NASA.
Chân dung những người được đông lạnh được treo ở cơ sở của Alcor.
Cả hai đã cùng nhau lập ra tổ chức có thể là nền tảng trao cho con người cơ hội sống lần hai.
“Mục đích của chúng tôi là lập ra tổ chức có thể cứu mạng mọi người và trao cho họ cơ hội được phục hồi sức khỏe và chức năng”, Linda Chamberlain nói. “Nếu biết việc này rất khó khăn, chúng tôi có thể đã không làm. Nhưng một khi bắt đầu, chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng”.
Theo Alcor, James Bedford – một trong những người giàu bậc nhất nước Mỹ vào những năm 1960, là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật đông lạnh.
Phòng phẫu thuật, nơi các bác sĩ sẽ rút máu trong cơ thể người và thay bằng chất chống đông.
Bedford được đông lạnh ngay khi tim ngừng đập vào năm 1967, 5 năm trước khi Alcor được thành lập. Sau khi được đông lạnh, Bedford vẫn chưa được coi là đã chết, nhưng cũng không được coi là sống.
Bedford được chuyển đến bảo quản tại trung tâm của Alcor từ năm 1991.
Bên trong trung tâm, người ta có thể thấy các ảnh chân dung của những người tham gia đông lạnh. Những người này được ghi rõ tên tuổi, ngày sinh, ngày được đông lạnh mà không có ngày mất.
Các chuyên gia cùa Alcor phải đảm bảo rằng, trước khi đông lạnh, các tế bào và nội tạng người vẫn còn hoạt động.
Theo Linda Chamberlain, Alcor luôn nghiên cứu và cải tiến, đề ra những phương pháp tốt nhất đối với những khách hàng lựa chọn hình thức đông lạnh.
Theo Alcor, cách tốt nhất để bảo quản cơ thể người là trải qua quá trình gọi là thủy tinh hóa. Quá trình này rút máu và chất dịch từ tế bào cơ thể ra ngoài rồi thay thế bằng một loại chất chống đông sử dụng trong y tế.
Bằng cách này, khi nhiệt độ cơ thể người hạ xuống mức âm, cơ thể rơi vào trạng thái giống như thủy tinh, chứ không phải là đông cứng.
Các buồng chứa đầy nitơ lỏng lưu giữ cơ thể người.
Ở trạng thái này, Alcor nói cơ thể người được lưu giữ hoàn hảo suốt hàng thập kỷ. Những người được đưa đến Alcor làm kỹ thuật đông lạnh là người đã đăng ký từ trước, được chẩn đoán là đã chết lâm sàng, được đặt nội khí quản và máu vẫn lan tỏa khắp cơ thể.
“Cái chết đến khi tim bạn ngừng đập, phổi bạn ngừng thở mà không có can thiệp”, Linda nói. “Ở đây các chức năng của cơ thể vẫn còn nguyên, nội tạng chưa hề chết”.
Bên trong phòng phẫu thuật của Alcor, các cơ thể được chuẩn bị để “chăm sóc dài hạn”. Quá trình rút máu thay bằng chất chống đông có thể kéo dài hàng giờ.
Phương pháp này giúp lưu trữ cơ thể người ở dạng hoàn hảo như khi còn sống.
Alcor đưa ra mức giá 220.000 USD đối với những người muốn bảo quản toàn thân và 80.000 USD với trường hợp chỉ bảo quản phần đầu.
Một khi cơ thể người được hạ nhiệt độ xuống mức âm 169 độ C bằng cách ngâm trong nitơ lỏng, họ được đưa đến phòng chăm sóc dài hạn.
Trong phòng này, mỗi khoang kim loại chứa đầy nitơ lỏng sẽ lưu giữ 9 cơ thể người. Tổng cộng Alcor đang lưu giữ cơ thể của hơn 170 người.
Chi phí để đóng băng toàn bộ cơ thể người, chờ ngày hồi sinh là 220.000 USD.
Các thi thể bảo quản ở dạng treo ngược. Việc treo ngược thi thể là vì lý do an toàn. Trong trường hợp có lỗ rò nitơ lỏng, phần đầu quan trọng nhất sẽ là bộ phận cuối cùng bị ảnh hưởng.
Alcor bơm thêm nitơ lỏng vào khoang kim loại vài tuần một lần, kiểm tra tình trạng nhiệt độ bằng máy tính.
Ngày nay, kỹ thuật đóng băng cơ thể người đã khá hoàn chỉnh. Nhưng làm cách nào để đưa người đó trở lại cuộc sống thì vẫn còn là giấc mơ.
Con người ngày nay vẫn chưa thể hiểu rõ hoàn toàn về bộ não, chứ chưa nói đến công nghệ để hồi sinh một người nào đó.
Nhưng Alcor tỏ ra lạc quan. “Chúng tôi dự đoán rằng trong 50-100 năm nữa, chúng ta sẽ có đạt bước tiến về công nghệ y học để hồi sinh người đông lạnh với đầy đủ sức khỏe và chức năng như bình thường”, Linda nói.
Theo Cnet
Nguồn: Danviet