Báu vật cất giấu 5 năm trong bảo tàng Mỹ, chuyên gia chiếu ánh sáng: Kết quả không thể ngờ

Chuyên gia tại bảo tàng ở Mỹ ngạc nhiên sau khi chiếu ánh sáng vào chính giữa, báu vật có niên đại từ thế kỷ 16 lại xuất hiện hình ảnh bất ngờ. Đó là gì?

Không ngờ đồ vật cũ kỹ, không mấy nổi bật, thậm chí được cất giấu trong kho của một bảo tàng ở Mỹ, hoá ra lại là một đồ tạo tác ngoạn mục đáng kinh ngạc và đầy bí ẩn.

Tiến sĩ Sung Hou Mei, người phụ trách nghệ thuật Đông Á tại Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, Mỹ, đang tiến hành nghiên cứu về những tác phẩm nghệ thuật cổ đại mà bảo tàng thu thập được từ năm 1961.

Tuy nhiên, sau đó, bà Sung Hou Mei lại chuyển sự chú ý đến một cổ vật được cất giữ trong bảo tàng từ năm 2017. Đó là một chiếc gương có niên đại từ thế kỷ XVI, với đặc điểm đáng chú ý nhất là những ký tự Trung Quốc ở mặt sau, ghi tên của Đức Phật A Di Đà.

Tiến sĩ Sung Hou Mei bất ngờ khi trông thấy hình ảnh phản chiếu của chiếc gương có niên đại từ thế kỷ 16. Ảnh: Rob Deslongchamps

Bà Sung Hou Mei đã quyết định kiểm tra một lý thuyết. Theo đó, bà đã yêu cầu nhóm nghiên cứu của mình chiếu ánh sáng trực tiếp vào tâm của chiếc gương cổ. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Cụ thể, khi ánh sáng được phản chiếu khỏi gương, nó đã cho thấy hình ảnh của Đức Phật A Di Đà được bao quanh bởi những tia sáng phát ra.

Bà Sung chia sẻ, chiếc gương này được thiết kế nhằm mang lại hy vọng và sự cứu rỗi. Do đó, bà cho rằng khám phá này là một may mắn tốt lành cho cả bảo tàng và thành phố này.

Đồ vật này được coi như báu vật và được gọi là “chiếc gương ma thuật”.

“Tôi đã thử nghiệm chiếc gương này, vì qua nghiên cứu, tôi cũng đã tìm thấy một ví dụ khác về chiếc gương ma thuật”, Tiến sĩ Sung Hou Mei cho biết.

Gương ma thuật còn được gọi là gương “trong suốt” và xuyên sáng. Loại gương này lần đầu tiên được làm ở Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 TCN). Đây đồng thời còn là một đồ tạo tác đáng chú ý từ thời Edo (1603 – 1867) của Nhật Bản.

Theo Tiến sĩ Sung Hou Mei, vì độ khó trong việc chế tạo nên những chiếc gương ma thuật cực kỳ hiếm. Trên thực tế, tại Bảo tàng Thượng Hải cũng có những chiếc gương từ thời nhà Hán. Tuy nhiên, chỉ có 2 chiếc gương ma thuật có hình tượng Phật được biết là còn tồn tại. Cả hai chiếc gương cổ này đều đến từ Nhật Bản. Trong đó, một chiếc được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo và chiếc còn lại tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolian ở thành phố New York.

Theo một bài báo của UNESCO, những chiếc gương được làm bằng đồng có phần thiết kế được khắc trên mặt sau. Còn mặt trước có hình dạng lồi và được đánh bóng để trở nên phản chiếu. Dù được thiết kế với những khuyết điểm nhỏ, nhưng lại có chủ ý và được thực hiện bằng kỹ thuật mài, tạo ra vết xước công phu. Sau đó, chiếc gương được đánh bóng và phủ một lớp chất lỏng đặc biệt để làm nổi bật thiết kế “ma thuật” của nó.

Những khuyết điểm nhỏ có chủ ý này sẽ cho phép ánh sáng phản chiếu ở các điểm cụ thể và từ đó tạo ra hình dạng.

Khi chiếc gương được chiếu sáng từ một góc chính xác, nó sẽ phản chiếu để lộ ra hình ảnh bí mật. Đó là hình ảnh một vị Phật trong trường hợp tại Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati.




Cận cảnh hình ảnh Đức Phật A Di Đà xuất hiện sau khi chiếu sáng chiếc gương cổ. Ảnh: Rob Deslongchamps

Bà Sung cho biết: “Chúng cực hiếm vì rất khó làm. Việc đánh bóng độ cong bề mặt của gương để đạt được hiệu ứng ‘ma thuật’ là vô cùng khó khăn”.

Trong trường hợp chiếc gương ở Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, ở mặt sau có khắc tên của Đức Phật A Di Đà. Đây có thể là manh mối cho thấy chiếc gương này có ý nghĩa nhiều hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.




Vị tiến sĩ còn cho biết, chiếc gương cổ này có thể được sử dụng cho mục đích tôn giáo và nó gắn liền với tín ngưỡng A Di Đà của giáo phái Phật giáo Jodo, bắt nguồn từ Nhật Bản. Hình ảnh phản chiếu độc đáo của chiếc gương cổ nhấn mạnh những lời dạy của Đức Phật A Di Đà.

Sau 5 năm lưu giữ trong kho, chiếc gương này đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati vào ngày 23/7. Nữ Tiến sĩ Sung Hou Mei cho biết, bà rất phấn khích trước thông tin này.

“Đây là một báu vật quốc gia của Trung Quốc và chúng tôi rất may mắn khi phát hiện lại vật thể quý hiếm”, bà Sung chia sẻ.

Bí ẩn của “gương ma thuật” là gì?
“Gương ma thuật” được coi là một trong những vật thể kỳ lạ nhất trên thế giới. Khoảng 1.200 năm trước, vẫn còn tồn tại một cuốn sách ghi chép về những chiếc gương cổ đại. Trong đó có thể chứa đựng các bí mật của những chiếc gương kỳ lạ này, cũng như cấu tạo của chúng. Nhưng đáng tiếc là cuốn sách đã bị thất lạc từ lâu.

Khi những chiếc gương ma thuật thu hút sự chú ý của phương Tây vào năm 1832, hàng chục nhà khoa học lỗi lạc đã muốn khám phá bí mật của chúng. Trong đó, có một lý thuyết thoả đáng về loại gương này được ông Sir William Bragg, một nhà vật lý nổi tiếng người Anh, đưa ra.

Sau khi phát hiện ra điểm đặc biệt của loại gương này vào năm 1932, nhà vật lý Sir William Bragg đã chia sẻ rằng: “Chỉ có hiệu ứng phóng đại của phản xạ mới làm cho chúng trở nên đơn giản”.




Vậy, chính xác thì chiếc gương ma thuật là gì? Trên thực tế, mặt sau của loại gương cổ này được đúc bằng đồng với thiết kế hình ảnh, hoặc những ký tự chữ viết, có thể kết hợp cả hai hình thức này. Mặt lồi của gương được đánh bóng, có vai trò như một tấm gương soi. Trong nhiều điều kiện ánh sáng, khi cầm trên tay, nó dường như là một chiếc gương hoàn toàn bình thường.


Tuy nhiên, khi gương được đặt ở nơi có ánh sáng chói chang, bề mặt phản chiếu của gương có thể phản chiếu hình ảnh đặc biệt. Nó có thể được nhìn thấy rõ trên bề mặt của một bức tường tối.

Kỹ thuật chế tác chiếc gương kỳ lạ này khiến cho các nhà khoa học phương Tây bối rối trong suốt một thế kỷ, thậm chí còn có không ít suy đoán về cách chúng hoạt động.

Chiếc gương ma thuật cho thấy nghệ thuật chế tác bậc thầy của các nghệ nhân xưa và điều này quả thực khiến cho các nhà khoa học bất ngờ.

Nguồn: KH – Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, Buddhistdoor, Unesco

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *