Bảo Tàng Kinh Thánh thừa nhận đã mua nhầm bảo vật Cuộn Sách Biển Chết giả

Vào cuối tháng 10/2018, Bảo Tàng Kinh Thánh ở thủ đô Washington đã bỏ năm mảnh giấy vụn của Cuộn Sách Biển Chết (là những văn bản Do Thái có từ thời chúa Giêsu) ra khỏi chế độ xem công khai, khi nhận ra đó là hàng giả sau quá trình thử nghiệm.

Những mảnh giấy vụn của Cuộn Sách Biển Chết được rất nhiều người làm giả. (Ảnh qua Vintage News)

Được biết, Cuộn Sách Biển Chết được phát hiện trong các hang động ở vùng Qumran, gần Biển Chết cách đây 70 năm.

Sau đó, bảo vật được trưng bày tại Bảo Tàng Kinh Thánh. Đây là bảo tàng từ thiện mở cửa từ tháng 11/2017, trưng bày các hiện vật trải dài 3.500 năm lịch sử.

Hiện tại bảo tàng trị giá khoảng 500 triệu USD, được chủ sở hữu là tập đoàn Hobby Lobby tài trợ. Vừa qua, họ đã mua một số mảnh giấy rách của Cuộn Sách Biển Chết cho bộ sưu tập của mình.

Tuy nhiên, những người quản lý bảo tàng đã buộc phải thông báo rằng, 5 mảnh giấy mà họ nắm giữ cho thấy “các đặc điểm không phù hợp với nguồn gốc cổ xưa”. Nhưng bảo tàng không tiết lộ ai là người đã bán các mảnh giấy giả cho họ.

Tiến sĩ Jeffrey Kloha, Giám đốc Bảo tàng Kinh Thánh, nói: “Mặc dù chúng tôi hy vọng thử nghiệm sẽ ra những kết quả khác, nhưng đây là cơ hội để giáo dục công chúng về tầm quan trọng của việc xác minh tính xác thực của các hiện vật hiếm hoi trong Kinh Thánh. Theo đó, quá trình thử nghiệm phức tạp đã được thực hiện và chúng tôi cam kết hoàn toàn minh bạch”.

“Trong vai trò là tổ chức giáo dục được giao phó bảo quản các di sản văn hóa, cơ quan duy trì và tuân thủ tất cả các hướng dẫn của bảo tàng và đạo đức về cách chăm sóc, nghiên cứu, trưng bày bộ sưu tập”.




Bảo tàng Kinh thánh ở Washington. (Ảnh qua NPR)

Cụ thể, người ta đã tập trung nghiên cứu chất lượng và kỹ thuật chữ viết nguệch ngoạc trong cuộn giấy, cũng như thành phần vật chất và trạng thái hiện tại của phương tiện bản thảo.

Trước đó bảo tàng đã gửi 5 mảnh giấy này cho Viện nghiên cứu vật liệu liên bang Đức. Tại đây chúng đã được soi dưới kính hiển vi kỹ thuật số 3D, quét huỳnh quang tia X, phân tích vật liệu quang phổ phân tán năng lượng của mực cùng lớp trầm tích và hóa chất tự nhiên của trầm tích cấu thành văn bản.




Nhưng các quan chức bảo tàng từ chối cho biết làm thế nào mà họ xác định được những mảnh giấy là giả mạo. Lý do là vì họ không muốn những người khác sẽ tiếp tục tiến hành việc làm giả cuộn giấy và các di tích còn lại khi biết được cần tránh những sai lầm nào.

Một bài báo trên CNN cuối năm 2017 đã thách thức tính xác thực của các mảnh giấy vụn với tiêu đề: “Bí ẩn tại bảo tàng Kinh Thánh mới: Cuốn Sách Biển Chết của bảo tàng có phải là đồ giả hay không?”

Khi này các học giả và những nhà tôn giáo tự hỏi: Liệu rằng các mảnh giấy mà bảo tàng mua được trở thành bảo vật có quá dễ dàng không?

Một phần của Cuộn Biển Chết số 28a (1Q28a) từ Hang Qumran 1, Bảo tàng Jordan. (Ảnh: Osama Shukir Muhammed Amin/FRCP)




Nhất là khi Cuốn Sách Biển Chết là tác phẩm được thêm vào danh sách 800 tài liệu viết từ năm 200 trước Công Nguyên đến năm 70 sau Công Nguyên. Cuốn sách cũng được xem là nằm trong Cựu Ước, ngoại trừ Sách Esther.

Tờ New York Times cho biết: “Các phần đầu tiên của tác phẩm được phát hiện vào năm 1947 trong hang động gần bờ Biển Chết và được cho là do một người Do Thái tên Essenes tạo ra”.

“Chỉ một số ít mảnh giấy rách được tìm thấy nguyên vẹn, nhất là những mảnh giấy mà nhiều học giả đã xây dựng lại thành hàng trăm bản thảo khác nhau. Hầu như tất cả đều được đặt ở Jerusalem”.

Tuy nhiên, suốt 15 năm qua, một số nhà sưu tập tư nhân nói rằng, họ đã thu được những mảnh giấy vụn của Cuộn Sách Biển Chết.

Một phần của Cuộn Biển Chết từ Hang Qumran 1, Bảo tàng Jordan. (Ảnh: Osama Shukir Muhammed Amin/FRCP)




Trước lời tuyên bố đó, ông Arstein Justnes, giáo sư nghiên cứu Kinh Thánh tại đại học Agder ở Nauy, cho biết: Các học giả và nhà khoa học đã xác định được 70 mảnh giấy của Cuộn Sách Biển Chết xuất hiện trên thị trường cổ vật từ năm 2002. Nhưng có đến 90% trong số đó là hàng giả, gồm cả những mảnh giấy ở bảo tàng Kinh Thánh đang được trưng bày.

Ngoài ra, ông A. Rendsburg, giáo sư nghiên cứu Do Thái tại đại học Rutgers, cũng nói rằng: “Có những người khi nhìn thấy đã ngay lập tức khẳng định: Nó chắc chắn là hàng giả. Ở đây có một điều không thể tin là từ sau cuộc thăm dò trong những năm 1940 và 1950 cho thấy, hàng chục những mảnh giấy trông giống như vậy đã bước ra khỏi hang ngày hôm qua”.


Và cho đến hiện tại, ông Steve Green ( chủ tịch tập đoàn Hobby Lobby) vẫn không tiết lộ số tiền mà gia đình mình đã chi cho các mảnh giấy vụn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của kênh CNN, những người truyền đạo khác, kể cả tu viện thánh Baptist ở bang Texas và trường đại học Tin Lành ở bang California đã trả hàng triệu USD để mua những mảnh giấy tương tự Cuộn Sách Biển Chết kể trên.

Theo thông tin được ghi nhận, trước kia, tập đoàn Hobby Lobby đã phải trải qua các cuộc kiểm tra của Chính phủ Liên bang để có thể nhập khẩu các hiện vật của người Mesopotamia cổ đại vào Hoa Kỳ.

Nhưng vào tháng 7/2017, họ đã phải đồng ý từ bỏ chúng và tiết lộ rằng, các hiện vật đã được nhập lậu từ đất nước Iraq xa xôi.
Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *