Một tấm bản đồ ngôi sao điêu khắc trên đất sét được tìm thấy ở thư viện Ashurbanipal có thể cho thấy, cách đây hơn 5.500 năm, người Sumer cổ đại đã có thể quan sát và ghi nhận vụ va chạm của một tiểu hành tinh vào Trái đất…
Tấm bản đồ ngôi sao của người Sumer cho thấy con người đã có thể quan sát và ghi nhận vụ va chạm thiên thể ở Köfels từ hơn 5.500 năm trước. (Ảnh: Pinterest)
Trong hơn 150 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu những bí ẩn gây tranh cãi trên một bức điêu khắc bằng đất sét. Nội dung của nó được cho là mô tả vụ va chạm giữa Trái đất với một tiểu hành tinh ở Köfels, nước Áo thời cổ đại.
Bức phù điêu hình tròn này được tìm thấy vào cuối thế kỷ XIX từ một thư viện ngầm của vua Ashurbanipal. Ông trị vị vào khoảng năm 650 TCN ở Nineveh, Iraq. Tấm đất sét được xem là dụng cụ thiên văn được biết đến sớm nhất, dùng để xác định các vì sao và hành tinh. Nó bao gồm hình vẽ các ngôi sao cùng một số đơn vị đo lường được đánh dấu quanh viền.
Thư viện Ashurbanipal được xem là thư viện đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Trong thư viện này, nhà vua đã thu thập các tấm phù điêu chứa rất nhiều kiến thức cổ xưa. Trong số đó, có đến hàng ngàn tấm hiện đang được lưu giữ chủ yếu ở London và các bảo tàng khác trên khắp thế giới.
Bức phù điêu thiên văn có hình đĩa này thuộc bộ sưu tập số hiệu K8538 vẫn đang được các học giả hiện đại nghiên cứu. Đây được xem là bằng chứng cho sự tồn tại của nền thiên văn học tiên tiến của người Sumer.
Miếng đất sét được tìm thấy tại thư viện Ashurbanipal – thư viện đầu tiên trong lịch sử. (Ảnh: messagetoeagle.com)
Năm 2008 hai tác giả Alan Bond và Mark Hempsell đã xuất bản cuốn sách về bức phù điêu đất sét này có tên “Quan sát của người Sumer về vụ va chạm ở Kofels”. Nội dung cuốn sách là những khám phá mới của 2 khoa học gia về vụ va chạm của một tiểu hành tinh lên Köfels, nước Áo vào khoảng năm 3100 TCN được miêu tả trong tấm điêu khắc.
Trên thực tế, tại vùng Köfels nước Áo ngày nay cũng có một hố sâu 500m, đường kính khoảng 5km. Người ta đã xem nó như một bí ẩn địa chất kể từ khi được phát hiện vào thế kỷ 19. Những nghiên cứu vào giữa thế kỷ 20 đã cho thấy bằng chứng của áp lực và vụ nổ, đây là kết quả sau khi một tiểu hành tinh va chạm với Trái đất. Tuy nhiên quan điểm này dần bị lu mờ bởi một quan điểm khác xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, khi người ta cho rằng địa hình nơi đây chỉ là kết quả một vụ lở đất.
Vậy bản đồ thiên văn của người Sumer đã nói gì về sự kiện này?
Miếng đất sét cho thấy trình độ thiên văn học tiên tiến của người Sumer cổ đại. (Ảnh: Pinterest)
Trong suốt quá trình kiểm tra tấm điêu khắc, người ta chỉ biết đây là một tác phẩm về thiên văn vì những hình vẽ trên đó dường như đang mô phỏng các chòm sao. Bức điêu khắc này đã thu hút rất nhiều sự chú ý nhưng trong hơn 100 năm, vẫn chưa ai đưa ra một lời giải thích thuyết phục về nó.
Ngày nay, với các chương trình máy tính hiện đại người ta có thể xây dựng và mô phỏng quỹ đạo của các hành tinh từ hàng nghìn năm trước, nhờ vậy các chuyên gia có thể thiết lập những hiện tượng không gian mà bức điêu khắc đề cập. Cụ thể, đây là 1 bản ghi chép thiên văn của một nhà khoa học người Sumer, trong đó ông đã ghi lại các sự kiện diễn ra trên bầu trời vào đêm trước ngày 29/6/3123 TCN theo lịch Julius.
Một nửa bức điêu khắc ghi lại vị trí các hành tinh và đám mây, nửa còn lại mô tả một vật thể khá lớn, có thể dễ dàng nhìn thấy ngay cả khi nó ở ngoài không gian. Các nhà thiên văn học cho biết quỹ đạo của ngôi sao được miêu tả khá chính xác với sai số chỉ trên dưới 1 độ so với vị trí của tiểu hành tinh rơi xuống Köfels.
Các nhà quan sát cổ đại cho rằng tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 1km và là một loại tiểu hành tin Aten – tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời nhưng có xu hướng bị cuốn vào quỹ đạo Trái đất.
Góc tiếp đất của tiểu hành tinh này rất thấp, chỉ khoảng 6o. Như vậy có nghĩa là trước đó, nó đã bay sượt ngang núi Gamskogel phía trên thị trấn Längenfeld, cách Köfels 11km. Điều này đã làm cho tiểu hành tinh nóng lên trước lúc tiếp đất, và khi rơi xuống thung lũng nó đã trở thành một quả cầu lửa.
Khi chạm đất, quả cầu lửa đã gây ra một áp suất cực lớn, nghiền nát đất đá và gây ra những trận lở đất. Tuy nhiên, vì không còn là một vật rắn do bốc cháy, nên nó đã không tạo ra một miệng núi lửa giống như các vụ va chạm kinh điển khác.
Mark Hempsell, khi thảo luận về sự kiện Köfels, đã nói rằng: “Khói bụi từ vụ nổ đã tràn xuống khu vực biển Địa Trung Hải, Levant, Sinai và phía Bắc Ai Cập. Nhiệt độ mặt đất gần tâm vụ va chạm cũng tăng nhanh đủ để đốt cháy bất cứ thứ gì. Có thể nhiều người đã thiệt mạng sau vụ va chạm”.
Nếu tấm bản đồ sao của người Sumer chính là quá trình quan sát và ghi nhận hiện tượng một tiểu hành tinh Aten đâm vào Trái đất, thì đây chính là một trong nhứng bằng chứng cho thấy người cổ đại đã có nền tri thức tiên tiến hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ trước đây.
Nguồn: TH/Ancient Code